Nam Định xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, toàn diện
TCCS - Những năm qua, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên địa bàn tỉnh đồng bộ, vững mạnh, toàn diện. Với sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các cấp, các ngành, nhân dân các địa phương, mà nòng cốt là lực lượng vũ trang, thế trận quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ của tỉnh không ngừng được củng cố, tăng cường ngày càng vững chắc.
Nam Định là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của cả nước và địa bàn Quân khu 3. Với vị trí địa lý của mình, cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh Nam Định nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Trong những năm qua, phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng của quân và dân Nam Định anh hùng, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương. Xác định củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân. Việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân đạt được nhiều kết quả quan trọng cả về lực lượng, tiềm lực và thế trận, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Trong đó, tỉnh đã tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh gắn với xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh ngày càng vững chắc, coi đây là nhiệm vụ chiến lược, trọng yếu trong thời kỳ mới, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định để phát triển kinh tế - xã hội.
Thực tiễn những năm qua cho thấy, cùng với sự phát triển của kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học và công nghệ, tiềm lực quốc phòng của tỉnh ngày càng được tăng cường, xây dựng toàn diện, đồng bộ; công tác giáo dục quốc phòng, an ninh được chú trọng; vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang được phát huy, tạo tiền đề huy động các nguồn lực thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và bảo vệ Tổ quốc được tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo, triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, biện pháp thiết thực. Các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác quốc phòng được tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương, nhất là trên hệ thống báo chí của quân đội, cổng thông tin điện tử của tỉnh và hệ thống phát thanh, truyền thanh cơ sở. Công tác tuyên truyền đã tạo ra hiệu ứng tích cực, lan tỏa các mô hình, điển hình về công tác quốc phòng, quân sự địa phương, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về công tác quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang; lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, với cấp ủy, chính quyền địa phương giữ vững. Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh tỉnh đẩy mạnh công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng. Từ năm 2010 đến nay, luôn hoàn thành 100% chỉ tiêu bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ thuộc các đối tượng theo quy định. Toàn tỉnh tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho hơn 103.500 lượt cán bộ, đảng viên, gần 2.500 chức sắc, chức việc tôn giáo, hơn 510 chủ tàu, thuyền, chủ các doanh nghiệp và hơn 363.300 lượt học sinh, sinh viên được học tập môn giáo dục quốc phòng, an ninh… Sự nỗ lực trên tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, tầng lớp nhân dân trong xây dựng “thế trận lòng dân”, nền quốc phòng toàn dân vững chắc.
Từ sau Đại hội XIII của Đảng, tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, kết hợp với củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm mỗi bước phát triển về kinh tế - xã hội đều gắn kết chặt chẽ với mục tiêu tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh. Trên cơ sở đặc điểm, điều kiện của địa phương, tỉnh thực hiện các chương trình, dự án kinh tế theo hướng phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa bàn, gắn quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng thế trận phòng thủ ở các cấp. Hệ thống công trình phòng thủ, công trình chiến đấu, thao trường huấn luyện từng bước được quy hoạch xây dựng, hoàn chỉnh; tập trung ưu tiên trên các hướng chủ yếu, địa bàn trọng điểm. Việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh, xây dựng cơ sở chính trị được chú trọng; thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân không ngừng được hoàn thiện, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc cả trước mắt và lâu dài.
Từ năm 2010 đến nay, tỉnh triển khai thực hiện 60 dự án đầu tư thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh với tổng mức đầu tư trên 1.300 tỷ đồng. Hiện nay, 54 dự án đã hoàn thành được đưa vào sử dụng. Tỉnh đặc biệt chú trọng chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cao, thực sự giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân và xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh ngày càng vững chắc. Lực lượng vũ trang của tỉnh luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ - là vấn đề then chốt, nhân tố quyết định, bảo đảm cho lực lượng vũ trang của tỉnh luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương.
Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực, trong nước có những thuận lợi, nhưng cũng còn không ít khó khăn; thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống đan xen. Để tiếp tục xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, tạo cơ sở, tiền đề cho kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh phát triển, Đảng bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân Nam Định xác định tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất, tiếp tục xây dựng các tiềm lực của nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, tập trung xây dựng tổ chức đảng, chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh; củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; xây dựng “thế trận lòng dân”, mà trọng tâm là niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ngày càng nâng cao. Thường xuyên chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trước hết là sự đoàn kết, thống nhất trong các tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị, làm hạt nhân đoàn kết toàn dân. Chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn nắm chắc, hiểu rõ truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc, truyền thống cách mạng của địa phương; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác quốc phòng, quân sự; không ngừng phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận cao, nhằm huy động sức mạnh to lớn của toàn dân vào thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương.
Thứ hai, tích cực thu hút đầu tư, tạo đột phá về phát triển kinh tế - xã hội; lấy kết quả phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tạo tiềm lực để tăng cường quốc phòng, an ninh. Đây là giải pháp vừa mang tính chiến lược, vừa là giải pháp trọng tâm bảo đảm cho việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ của tỉnh luôn được tiến hành thường xuyên, liên tục và đạt hiệu quả thiết thực. Tổ chức xây dựng khu vực phòng thủ cấp tỉnh và các huyện, thành phố vững chắc, phù hợp với yêu cầu tác chiến, nhiệm vụ bảo vệ địa bàn và khả năng kinh tế địa phương, theo phương châm “làng giữ làng, xã giữ xã, huyện giữ huyện, tỉnh giữ tỉnh”, gắn kết chặt chẽ với thế trận tác chiến phòng thủ của Quân khu 3. Việc gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh phải được thể hiện từ công tác quy hoạch cho đến triển khai trên thực tế. Luôn chú trọng bổ sung, hoàn thiện quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Với đặc điểm là tỉnh có biên giới biển, cần đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, ven biển, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo; tăng cường xây dựng các khu kinh tế ven biển, các chương trình hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, đánh bắt xa bờ, gắn với thực hiện nhiệm vụ phòng thủ, bảo vệ và làm chủ vùng biển của Tổ quốc. Mặt khác, trong xây dựng khu vực phòng thủ, phải chú trọng xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ, tiềm lực quân sự, tận dụng tối đa những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào xây dựng lực lượng vũ trang của tỉnh cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Thứ ba, nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng vũ trang, đủ sức làm nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Trước yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang, trước hết là xây dựng lực lượng vũ trang của tỉnh vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ, với phương châm xây dựng lực lượng thường trực tinh, gọn, mạnh, lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp; thường xuyên kiện toàn bảo đảm tổ chức biên chế đúng quy định, ưu tiên bảo đảm quân số các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, đơn vị ở địa bàn quan trọng; phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành việc điều chỉnh tổ chức biên chế cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang của tỉnh. Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong từng cơ quan, đơn vị. Thực hiện đột phá nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo, đổi mới, nâng cao chất lượng diễn tập, hội thi, hội thao; xây dựng các cấp ủy, tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh gắn với xây dựng các cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”... Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trên địa bàn xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ngay từ cơ sở.
Thứ tư, phát huy truyền thống 75 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và truyền thống đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng vũ trang tỉnh Nam Định luôn giữ vững vai trò nòng cốt trong tham mưu và triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng và củng cố quốc phòng, an ninh, đặc biệt là nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc; luôn có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, làm tròn chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động, sản xuất, xứng đáng với niềm tin của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương. Đứng trước những thời cơ và thách thách thức mới, với bản lĩnh của một lực lượng được tôi luyện trong chiến đấu, được thường xuyên rèn giũa trong hòa bình, lực lượng vũ trang của tỉnh Nam Định luôn kiên định, vững vàng, tích cực đóng góp sức lực, trí tuệ cùng với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương xây dựng tỉnh Nam Định ngày càng giàu đẹp, văn minh./.
Tư duy mới về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, mục tiêu và lộ trình hiện đại hóa quân đội nhân dân Việt Nam đến năm 2030  (21/05/2022)
Điểm sáng trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và khu vực phòng thủ vững chắc trên địa bàn Thủ đô  (25/10/2021)
Đồng chí Lê Đức Thọ: Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng  (09/10/2021)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam