Cơ hội và thách thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh - quốc phòng Việt Nam trong thời gian tới
16:20, ngày 06-06-2019
TCCSĐT - Trong thế giới hiện đại, mỗi quốc gia - dân tộc khi hoạch định chiến lược, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng đều phải tính toán đến các yếu tố khách quan, chủ quan (bao gồm: điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức). Sự phát triển và ổn định xã hội của mỗi nước tùy thuộc vào sự vận động của các nhân tố ở môi trường bên ngoài và bên trong.
Nằm giữa hai châu lục lớn nhất là châu Á và châu Mỹ - giao điểm chiến lược xung yếu, bên cạnh các thời cơ, thuận lợi để phát triển, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, cần phải cân nhắc trước nhiều vấn đề quan trọng tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước.
Những tác động từ xu thế chung toàn cầu
Tình hình thế giới, khu vực hiện nay có nhiều diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp với nhiều vấn đề mới nảy sinh khó dự báo. Sau một thời gian xu hướng đa trung tâm quyền lực diễn ra nhanh và tương đối ổn định, cục diện thế giới hiện có dấu hiệu trở lại trạng thái “chiến tranh lạnh” với Mỹ và Trung Quốc là hai “cực”, trong điều kiện Trung Quốc ngày càng mạnh lên, quyết tâm chiếm vị thế “siêu cường số một”. Nga đã từng bước khôi phục vị thế cường quốc sau một thời gian dài được hưởng lợi từ giá dầu ổn định ở mức cao và đạt được những thành công về mặt địa chiến lược, tuy nhiên, xứ sở Bạch Dương vẫn đang tích cực thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu sức ép từ phương Tây, hạn chế tác động của cấm vận kinh tế. Xu thế tập hợp lực lượng mới đang nổi lên, chủ yếu là theo hai hướng ngược nhau, do Trung Quốc và Mỹ đứng đầu. Trong trật tự thế giới này, các nước đang phải quan sát, điều chỉnh chiến lược, chính sách xoay quanh trục chính Trung - Mỹ một cách khó chủ động.
Trong tương lai gần, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo trên thế giới. Toàn cầu hóa, hợp tác, liên kết để ổn định và phát triển tiếp tục là yêu cầu khách quan trong mọi lĩnh vực của đời sống toàn cầu. Lợi ích của các nước ngày càng đan xen và phụ thuộc lẫn nhau ở mức độ, phạm vi ngày càng lớn, buộc các chính phủ phải nhìn rộng, tính toán mọi góc độ trong hoạch định và triển khai chính sách. Đặc biệt, sự nổi lên của “chủ nghĩa dân túy” cũng làm suy giảm hiệu lực của các thiết chế đa phương và gây biến động môi trường an ninh ở nhiều khu vực. Một số quốc gia đi đầu trong thực hiện “chủ nghĩa dân túy” như Anh, Mỹ đang dần tìm lại vị thế trước đây của họ cũng như trong tiến trình hội nhập quốc tế.
Tiến bộ mạnh mẽ về khoa học - công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mở đường cho những bước nhảy vọt trên nhiều lĩnh vực, tạo ra những cơ hội lớn cho sự phát triển của mỗi nước; đồng thời cũng làm khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo giữa các nước càng thêm sâu sắc. Sự chênh lệch về phát triển khoa học - công nghệ sẽ buộc một số quốc gia phát triển chậm phải chấp nhận “làm thuê” cho nước phát triển hơn trong phân công lao động mới. Do đó, nếu không chủ động tích cực về chiến lược, chính sách, không bắt kịp được xu thế phát triển của nhân loại thì những quốc gia nhỏ, chậm phát triển có thể trở thành những “quốc gia phụ thuộc”.
Bên cạnh những thách thức an ninh truyền thống gay gắt, đặc biệt là khả năng xảy ra xung đột, chiến tranh cục bộ có thể diễn ra tại nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có khu vực Đông Á do tranh chấp lãnh thổ hay cạnh tranh chiến lược trong quan hệ quốc tế thì những thách thức an ninh phi truyền thống cũng diễn biến rất phức tạp và nguy hiểm. Những mối nguy hiểm như khủng bố và an ninh không gian mạng, an ninh tài chính, năng lượng, nguồn nước, lương thực, biến đổi khí hậu… diễn biến ngày càng phức tạp, tác động sâu sắc đến nước ta.
Những biến động ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á
Trong bối cảnh mới, khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng có vai trò “trung tâm” của toàn cầu với cả ý nghĩa tích cực và tiêu cực; biểu hiện rõ ở sự phát triển năng động nhất và cũng là khu vực quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh… của thế giới. Chiếm 60% tổng giá trị GDP, 70% giá trị giao dịch thương mại toàn cầu, 3/5 nền kinh tế lớn nhất thế giới và 8/20 nền kinh tế G20, châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực tập trung cao nhất hoạt động hợp tác phát triển, liên kết kinh tế quốc tế không chỉ với những thiết chế như CPTPP, RCEP, IPS hay BRI... Các tiến trình liên kết ở khu vực, nhất là liên kết kinh tế và an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục được đẩy mạnh với những dạng thức khác nhau.
Tranh chấp, cạnh tranh chiến lược của nước lớn tại châu Á - Thái Bình Dương trở nên gay gắt hơn trước và phạm vi tranh chấp cũng rộng hơn, chủ yếu giữa 2 đại chiến lược “Vành đai và Con đường” (BRI) và “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” (IPS), làm cho môi trường an ninh khu vực này rơi vào trạng thái bất ổn, phức tạp hơn. Tính theo các vòng cung tranh chấp chiến lược trong cục diện mới, Đông Nam Á là vòng trung tâm, trở thành tâm điểm cọ xát chiến lược quan trọng bậc nhất của các cường quốc, vì thế là đối tượng trọng điểm trong chính sách của các nước lớn, trực tiếp là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và Nga. Điều kiện khách quan là thuận lợi cho các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam biến ưu thế địa - chiến lược đặc thù thành sức mạnh thực sự; tuy nhiên, cũng dễ bị rơi vào thế “kẹt” chiến lược bởi những xung đột trong toan tính chiến lược và tập hợp lực lượng của nước lớn, đặc biệt là Trung Quốc và Mỹ. Bên cạnh đó, sự nổi lên của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cường quyền cũng làm suy giảm hiệu lực của các thiết chế đa phương và gây biến động môi trường an ninh bên ngoài, gây ra những thách thức lớn, tác động mạnh mẽ đến các nước.
Trong ba điểm nóng tranh chấp tại các vùng biển châu Á, thì eo biển Đài Loan và biển Hoa Đông được bảo vệ bởi tiềm lực quân sự vượt trội của Mỹ trong các hiệp ước, đạo luật hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Nhật Bản, Đài Loan; trong khi đó Biển Đông là nơi dễ xảy ra xung đột nhất. Biển Đông đã, đang và sẽ là tâm điểm của tranh chấp chiến lược không chỉ của các nước lớn. Hơn nữa là “không gian sinh tồn” của nhiều nước, trước căng thẳng gia tăng như hiện nay, Biển Đông có thể có xung đột ở bất cứ thời điểm nào với sự can dự của nhiều bên. Tiến trình đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử có ràng buộc giữa Trung Quốc và ASEAN là mong muốn của ASEAN, được tất cả các bên ủng hộ, tuy nhiên, nó chịu những tác động, ảnh hưởng của Trung Quốc và nhiều khác biệt về lợi ích trực tiếp hoặc cụ thể ở Biển Đông trong nội bộ các nước ASEAN.
Tại tiểu vùng sông Mê Công, sự gia tăng can dự, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, kiềm chế lẫn nhau giữa các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ ngày càng phức tạp. Thách thức đặt ra cho các nước Mê Công, trong đó có Việt Nam là làm sao tránh rơi vào thế kẹt giữa các nước lớn, nhưng vẫn tranh thủ được nguồn lực cho sự phát triển của tiểu vùng. Sự kết nối khu vực, đặc biệt là khâu phát triển hạ tầng giao thông không chỉ là động lực thúc đẩy kết nối tiểu vùng mà sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho Việt Nam mở rộng thị trường, nguồn cung nguyên liệu/năng lượng.
Như vậy, tất cả các điều kiện khách quan trên, vừa là thách thức vừa là cơ hội thuận lợi cho các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam khi biến ưu thế địa - chiến lược đặc thù thành cơ hội phát triển.
Một số thuận lợi và thách thức trong nước
Có thể nhận thấy, nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục đà tăng trưởng ổn định, trong bối cảnh cạnh tranh thương mại quốc tế gay gắt. Tuy nhiên, sự cân đối vĩ mô chưa thực sự lành mạnh, chất lượng tăng trưởng chưa cao. Đa phần các doanh nghiệp Việt Nam còn ở quy mô nhỏ, sức cạnh tranh quốc tế yếu. Việt Nam có nguy cơ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” nếu cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, bội chi ngân sách, nợ công tăng nhanh. Nguồn nhân lực tuy đông, nhưng chất lượng thấp, năng suất lao động kém, lại thiếu việc làm; thu nhập không cao dẫn đến chất lượng lao động, chất lượng sống, chất lượng dân số kém; tốc độ già hóa nhanh… đang trở thành lực cản trong quá trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Thời gian gần đây, tình hình tội phạm hình sự, tội phạm hoạt động có tổ chức, buôn lậu, ma túy, tín dụng đen, tham nhũng… đang là những vấn đề nhức nhối trong xã hội, gây mất ổn định về an ninh, trật tự. Ở cơ sở, tình hình an ninh nông thôn tiềm ẩn nhiều vấn đề bất ổn mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các vụ việc khiếu kiện, xung đột xã hội, tụ tập đông người liên quan đến đất đai, quản lý, thu hồi đất để triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Phát sinh nhiều nguy cơ đe dọa an ninh phi truyền thống, nhất là nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nước biển dâng... Những động thái phức tạp đó đan xen, tác động lẫn nhau có thể làm cho những bức xúc, rủi ro, mâu thuẫn, xung đột xã hội tăng lên, thách thức trực tiếp đến an ninh xã hội, an ninh con người…
Bên cạnh đó, các thế lực thù địch bên ngoài tiếp tục lợi dụng chính sách đổi mới, mở cửa, hội nhập về kinh tế để lái nền kinh tế đi chệch hướng xã hội chủ nghĩa; chúng sử dụng các điều kiện ràng buộc về kinh tế để gây những sức ép về thể chế chính trị đối với Việt Nam, như: tiếp tục âm mưu “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang; thúc đẩy tự do, dân chủ theo tiêu chuẩn phương Tây… sử dụng nhiều hình thức mới tinh vi, nguy hiểm hơn nhằm tạo những điều kiện tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các phần tử phản động trong và ngoài nước tiếp tục lợi dụng quyền tự do, dân chủ để thực hiện các mục tiêu chính trị, kích động, ra sức chống phá Đảng, Nhà nước và công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế của đất nước ta; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ, chuẩn bị điều kiện tiến hành “cách mạng màu” ở Việt Nam.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, dưới sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chưa bao giờ sự kết nối giữa con người được thực hiện dưới nhiều kênh thông tin và thuận lợi như hiện nay, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi cả nước. Bên cạnh những lợi ích đem lại, thực tế đó cũng làm gia tăng thực trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, khiến tình hình càng trở nên phức tạp. Trong thời gian tới có thể nổi lên tình trạng: suy thoái, biến chất về tư tưởng, đạo đức, lối sống và tệ quan liêu, xa rời dân, tham nhũng, lãng phí tiếp tục diễn ra trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, không chỉ ở các cơ quan địa phương, mà còn diễn biến phức tạp ở cấp cao hơn, ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa Đảng và nhân dân. Trong khi đó, năng lực và tổ chức của bộ máy nhà nước còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận. Cùng với đó, khoảng cách giàu - nghèo, phân hóa xã hội ngày càng tăng, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp đáng lo ngại.
Từ việc xác định một số nét chấm phá về cơ hội, thách thức nêu trên, có thể khẳng định, trong thời gian tới, với nhiều cơ hội, thách thức đan xen, để thúc đẩy sự phát triển và giữ vững sự ổn định xã hội, mỗi quốc gia - dân tộc nói chung, Việt Nam nói riêng không có lựa chọn nào khác là phải hòa vào xu thế chung. Trước sự phát triển vũ bão của khoa học - công nghệ, hội nhập quốc tế, nhất là trên lĩnh vực kinh tế thì Việt Nam không thể xây dựng được sức mạnh cho mình hay vươn lên, phát triển mạnh mẽ được nếu tách biệt với thế giới. Mở cửa, hội nhập, chủ động gia nhập vào quá trình liên kết quốc tế là đòi hỏi của thời đại. Nhưng để thành công được, Việt Nam cần hiểu được chính mình, biết rõ bản sắc, thế mạnh riêng có của mình, sử dụng nó như nền tảng và kết hợp được với sức mạnh thời đại, xây dựng được sức mạnh của mình. Việt Nam cần hiểu rõ mình có ưu thế gì, làm thế nào để gìn giữ được nó và quan trọng hơn là làm thế nào để biến nó thành sức mạnh vật chất, thành động lực của dân tộc để giành cho mình một vị trí tương xứng trong cục diện mới của khu vực, trong trật tự mới của thế giới./.
Đồng bào Công giáo tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, sống tốt đời, đẹp đạo  (06/06/2019)
Lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội tiếp Thủ tướng Italy  (05/06/2019)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm