“Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh - Biểu tượng của ý chí thống nhất Tổ quốc”
TCCSĐT - Ngày 14-5-2019, tại tỉnh Đắk Nông - nơi nối thông đường Hồ Chí Minh - đoạn Nam Tây Nguyên đến miền Đông Nam Bộ, Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Đắk Nông tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia với chủ đề “Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh - Biểu tượng của ý chí thống nhất Tổ quốc” nhân kỷ niệm 60 năm ngày mở Đường Hồ Chí Minh - ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (1959 - 2019).
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thượng tướng Lê Chiêm - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo Hội thảo - khẳng định: Cách đây 60 năm, trước yêu cầu đẩy mạnh cuộc đấu tranh cách mạng tại miền Nam, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở tuyến vận tải chi viện chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, nối liền hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam. Đây là sự chỉ đạo sáng suốt, kịp thời của Đảng, thể hiện quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Trở thành nơi hội tụ sức mạnh của cả dân tộc, thể hiện ý chí, quyết tâm và niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cuộc trường chinh chống Mỹ, cứu nước, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử như một huyền thoại, một kỳ tích của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Đề cập đến bối cảnh ra đời của tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - cho biết: Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đất nước ta bị chia thành 2 miền - miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam vẫn tạm thời nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Ngô Đình Diệm. Dưới sự hậu thuẫn của đế quốc Mỹ, chính quyền Ngô Đình Diệm ra sức phá hoại Hiệp định, tiến hành chính sách “tố Cộng, diệt Cộng” nhằm dập tắt phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam. Trước tình hình đó, tháng 01-1959, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam lần thứ 15 (khóa II), do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì xác định, con đường đấu tranh của cách mạng miền Nam là sử dụng bạo lực cách mạng, từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, tháng 5-1959, Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn công tác quân sự đặc biệt (sau gọi là Đoàn 559), làm nhiệm vụ mở đường vận chuyển hàng hóa, tổ chức đưa đón bộ đội, cán bộ từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc với phương thức vận chuyển ban đầu hết sức thô sơ, chủ yếu là đi bộ, mang vác, gùi thồ. Từ năm 1961, tuyến vận tải chiến lược “lật cánh” sang phía Tây Trường Sơn, mở ra phương thức vận chuyển mới mang tính cơ giới hóa ngày càng cao, từng bước hình thành mạng lưới vận tải từ Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn gồm 3 hệ thống đường song song: Đường giao liên, đường vận tải gùi thồ, đường vận tải cơ giới, với những trục đường chính và những đường nhánh vươn tới các chiến trường, các địa phương một cách liên hoàn, đồng bộ. Bằng phương thức vận chuyển kết hợp chặt chẽ giữa thô sơ và cơ giới, hiệu suất vận tải của đường Trường Sơn tăng lên vượt bậc, kịp thời đưa nhanh, nhiều nguồn lực chi viện ngày càng lớn, ngày càng vươn xa đến khắp các mặt trận.
Khẳng định đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh nói chung, đường hành lang chiến lược Bắc - Nam, đoạn qua tỉnh Quảng Đức (Đắk Nông ngày nay) nói riêng đã là một huyền thoại, có ý nghĩa lịch sử sâu sắc và tầm vóc thời đại lớn lao, đồng chí Lê Diễn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông - nhấn mạnh: Trong 16 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (1959 - 1975), Đường Trường Sơn hình thành 5 trục dọc và 21 trục ngang, kết thành mạng lưới giao thông liên hoàn với tổng số 216 con đường, có chiều dài tổng cộng hơn 20.000km. Đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn điên cuồng chà xát, cày xới, tàn phá nhưng không đè bẹp được ý chí, tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, sức chiến đấu ngoan cường, dũng cảm của Bộ đội Trường Sơn; của quân và dân địa phương nơi có tuyến đường đi qua, sự giúp đỡ của cách mạng Lào, Campuchia. Trong suốt 16 năm ấy, hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ của các lực lượng vận tải, công binh, thông tin, bộ binh, pháo binh, phòng không, quân y, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến,... ngoan cường vượt qua muôn vàn gian khổ, khó khăn, dưới mưa bom bão đạn, thời tiết khắc nghiệt vừa mở đường, giữ đường, nêu cao quyết tâm “sống bám xe, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, vừa chống trả biệt kích, thám báo, đập tan các cuộc hành quân ngăn chặn của quân Mỹ và chính quyền Sài Gòn như cuộc hành quân Toàn Thắng (tháng 01-1971), cuộc hành quân Lam Sơn 719 (tháng 02-1971), hành quân Quang Trung (tháng 02-1971)... Nhờ tuyến Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh lịch sử, quân đội ta đã thực hiện được những cuộc hành quân thần tốc, cùng xe tăng, pháo binh vào tận Tây Nguyên, bất ngờ tiến công mở màn vào Buôn Mê Thuột, lần lượt đập tan các quân khu, quân đoàn địch, tiến vào giải phóng Sài Gòn ngày 30-4-1975, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Chia sẻ ký ức những năm tháng hào hùng của một thời lửa đạn, Thiếu tướng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Bá Tòng - người trực tiếp chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn - xúc động: Tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn trở thành chiến trường thực nghiệm chiến tranh phá hoại, chiến tranh ngăn chặn bằng không quân có quy mô nhất, ác liệt nhất trong lịch sử chiến tranh nhân loại. Song Trường Sơn cũng là nơi mà ý chí của con người Việt Nam chiến thắng mọi tàn bạo của chiến tranh và vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, khắc nghiệt của đại ngàn Trường Sơn. Bộ đội Trường Sơn với trí tuệ thông minh, với lòng dũng cảm, kiên cường đã chiến đấu, khắc phục khó khăn làm vô hiệu hóa tất cả các phương tiện chiến tranh hiện đại nhất của Mỹ bằng những vật dụng thông thường. Để vô hiệu hóa bom vướng nổ, chúng tôi sử dụng chiếc thùng phuy cắt 2 đầu thành lô cốt di động để phá hàng ki-lô-mét bom rải xuống tuyến đường. Đối với bom nổ chậm, bom từ trường, chúng tôi dùng bộc phá ốp vào quả bom cho nổ, dùng khung dây và pin Văn Điển, dùng mớ sắt vụn buộc dây hai đầu, 2 người kéo đi, kéo lại làm kích nổ bom từ trường. Những quả nằm trên đường khi nổ sẽ phá hết đường, do đó, chúng tôi phải trực tiếp dùng đục và búa gỡ tháo đầu nổ ra khỏi bom… Ông Tòng khẳng định, tuyến chi viện chiến lược này là một ngôi trường vĩ đại, dạy cho con người ta không chỉ biết sống, chiến đấu, sáng tạo mà còn biết quý trọng, gìn giữ những điều thiêng liêng của một dân tộc, đó là sự thống nhất của một ý chí, quyết tâm “nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.
Ban Tổ chức Hội thảo nhận được gần 80 báo cáo tham luận. Các tham luận đã cung cấp nhiều luận cứ mới, tập trung phân tích, làm sáng tỏ, cụ thể những vấn đề lý luận và thực tiễn sau:
Một là, tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh - một sáng tạo độc đáo, thành công xuất sắc trong chỉ đạo chiến lược của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạo thế, tạo lực để quân và dân ta đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ.
Hai là, tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh không chỉ là biểu tượng của ý chí thống nhất Tổ quốc, khối đại đoàn kết của nhân dân Việt Nam, mà còn là tinh thần quốc tế cao cả, minh chứng cho mối quan hệ, liên minh đoàn kết chiến đấu bền chặt của nhân dân 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia.
Ba là, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện chiến lược đối với cách mạng miền Nam; nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.
Bốn là, mặt trận Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là chiến trường tổng hợp trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong đó Bộ đội Trường Sơn là lực lượng nòng cốt.
Năm là, tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh có ý nghĩa lịch sử và tầm vóc to lớn, để lại nhiều bài học có giá trị lý luận và thực tiễn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Có thể nói, với tầm nhìn mới, tư liệu mới, Hội thảo đã tập trung luận giải sâu sắc hơn nữa về sự kiện lịch sử quan trọng này, đúc kết những bài học lịch sử quý báu để tiếp tục nghiên cứu, vận dụng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau./.
Về mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị trong quan điểm của V.I. Lê-nin và ý nghĩa đối với Việt Nam hiện nay  (14/05/2019)
Về mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị trong quan điểm của V.I. Lê-nin và ý nghĩa đối với Việt Nam hiện nay  (14/05/2019)
“Cái tôi” to hay bé?  (14/05/2019)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam