Hà Nội chú trọng truyền thông tạo đồng thuận xã hội (kỳ 2): Chủ động, đồng bộ, kịp thời, linh hoạt, sáng tạo
TCCS - Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của thông tin truyền thông trong xã hội hiện đại, nhất là đối với những chủ trương, chính sách lớn, những công trình, dự án trọng điểm có ảnh hưởng tới nhiều người dân, tới sự phát triển nhanh, mạnh, vững bền của địa phương, Thủ đô Hà Nội luôn đặt công tác truyền thông lên hàng đầu. Trong đó, thành phố đề cao sự chủ động, đồng bộ, bài bản, linh hoạt,... trong công tác truyền thông, tạo hiệu quả tích cực, rõ rệt, thực sự là “cầu nối” giữa người dân với thành phố, đồng thuận thúc đẩy sự nghiệp phát triển.
Chủ động, đồng bộ, kịp thời
Ngày 8-12-2022, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết số 25/NQ-HĐND “Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023”. Trong điều 2 của Nghị quyết, có riêng một nội dung về “tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội”. Nghị quyết nêu rõ: “Thực hiện tốt việc công khai, minh bạch, thông tin, tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, về các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội, phòng, chống dịch bệnh, các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tuyên truyền xây dựng xã hội lành mạnh, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật; cổ vũ những gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến, vượt khó vươn lên, có tác động lan tỏa tích cực, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc và khát vọng cống hiến phát triển Thủ đô và đất nước... Nâng cao hiệu quả công tác dân vận, thực hiện tốt nguyên tắc dân chủ cơ sở, phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, các cơ quan thông tin, truyền thông và nhân dân, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và tạo đà cho những năm tiếp theo”.
Từ chủ trương chung cho năm 2023 như vậy, việc truyền thông tạo đồng thuận xã hội được thực hiện một cách chủ động, đồng bộ, kịp thời, linh hoạt, sáng tạo đối với từng vấn đề, sự kiện, nhiệm vụ cụ thể. Tùy từng cấp độ, quy mô, tính chất của vấn đề, sự kiện diễn ra mà thành phố có những giải pháp truyền thông khác nhau, phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Tất nhiên, bắt đầu là việc đề ra kế hoạch, hướng dẫn triển khai cụ thể, chi tiết và có độ mở cho sự linh hoạt, sáng tạo, sát hợp với từng đơn vị, địa phương có liên quan. Tinh thần chung là các cấp, các ngành phải coi sự đồng thuận của nhân dân là nhân tố quyết định, nhất là trong việc thực hiện việc mới, việc khó. Xin lấy một ví dụ cụ thể. Ngày 15-12-2022, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 327/KH-UBND về “Thông tin, tuyên truyền công tác lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Một trong những mục đích của kế hoạch là: “Thông tin giúp các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân trên địa bàn Thủ đô hiểu, nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác lập Quy hoạch Thủ đô trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội; huy động sự tham gia góp ý của các tổ chức chính trị - xã hội, các hội nghề nghiệp, nhà khoa học, các chuyên gia, nhà nghiên cứu và người dân; tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân trong công tác lập Quy hoạch Thủ đô”. Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đặt ra những yêu cầu, nội dung, hình thức thông tin, tuyên truyền cụ thể cùng việc tổ chức thực hiện với những đầu mối chịu trách nhiệm rõ ràng, đồng thời khẳng định “căn cứ Kế hoạch này và trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tế của đơn vị, chủ động thông tin, tuyên truyền”. Việc thông tin, tuyên truyền được tiến hành đồng bộ, hợp lý trên báo chí; cổng giao tiếp điện tử Hà Nội, cổng/trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã; tuyên truyền trên mạng xã hội, trang thông tin điện tử tổng hợp; trên hệ thống thông tin cơ sở; tuyên truyền cổ động trực quan (pano, băng rôn)...
Việc thông tin, tuyên truyền công tác lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 chỉ là một trong những nhiệm vụ cụ thể. Với bất kỳ nhiệm vụ nào, việc tạo sự đồng thuận xã hội cũng phải được chú trọng, đặt lên hàng đầu nhằm đem lại hiệu quả như mong muốn. Ngày 1-2-2023, kết luận tại cuộc họp Thường trực Thành ủy Hà Nội đánh giá công tác tổ chức Tết Quý Mão 2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm đầu năm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định rằng, thực tế đã chứng minh, cùng một nhiệm vụ như nhau, nhưng nơi nào cấp ủy, chính quyền làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, được người dân ủng hộ, đồng thuận thì nơi đó công việc trôi chảy, thuận lợi và ngược lại. Bí thư Thành ủy Hà Nội lấy ví dụ cụ thể trong công tác xây dựng nông thôn mới, có địa phương biết tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân, khi triển khai dồn điền đổi thửa tổ chức họp với dân, bàn cả chục cuộc “hết nước hết cái” để đi đến thống nhất rồi mới bắt tay vào thực hiện và thực hiện thành công. Trong khi đó, một số nơi thì “trầy trật” dồn điền đổi thửa, gây ra không ít vụ khiếu kiện. Đó là vì không chịu bàn bạc với dân. Khi xảy ra khúc mắc, thay vì chủ động, tích cực tìm đến với dân, tăng cường tiếp xúc, đối thoại, có cán bộ lãnh đạo địa phương lại “lên mặt” với dân dẫn đến thất bại...
Rõ ràng, không riêng gì về xây dựng nông thôn mới mà trước bất kỳ vấn đề, sự kiện nào có tác động đến đông đảo nhân dân, rất cần chú trọng và đặt công tác thông tin, tuyên truyền lên hàng đầu để tạo sự hiểu biết đa chiều, dễ đồng thuận xã hội. Xin lấy một ví dụ cụ thể khác. Ngày 12-1-2023, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội ban hành Hướng dẫn số 84-HD/BTGTU về “Tăng cường thông tin, tuyên truyền thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, phục vụ triển khai Dự án đường Vành đai 4 trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Bản hướng dẫn nêu rõ mục đích là: “Tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể và tư tưởng của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân Thủ đô về quan điểm chỉ đạo, chủ trương, giải pháp của Quốc hội, Chính phủ và thành phố trong triển khai Dự án, nhất là sự ủng hộ của các tập thể, cá nhân sử dụng đất (nơi có tuyến đường Vành đai 4 đi qua) khi Nhà nước thu hồi đất, bảo đảm công tác giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội hoàn thành đúng tiến độ”. Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Thành ủy nêu rõ những yêu cầu, nội dung tuyên truyền, cũng như việc tổ chức thực hiện đối với từng đơn vị có trách nhiệm liên quan.
Bài bản, linh hoạt, sáng tạo trong một dự án quan trọng
Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn thành phố Hà Nội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần mở rộng không gian phát triển cho Thủ đô và giải quyết các vấn đề cơ bản hiện nay như: Tạo động lực mới để phát triển đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh (Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Miếu Môn), tạo điều kiện kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, từ đó định hướng và phân luồng giao thông từ xa, giảm tải áp lực giao thông lên hệ thống đường giao thông hiện có; từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường; tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Để dự án được triển khai kịp thời, đúng tiến độ, công tác giải phóng mặt bằng đóng vai trò hết sức quan trọng, quyết định, tại những nơi có tuyến đường Vành đai 4 đi qua như các quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai và Thường Tín. Thông tin, tuyên truyền nhận nhiệm vụ “mở đường”, quyết định trong việc giúp dân đồng tình, ủng hộ và thực hiện chủ trương, quyết định thu hồi đất, phục vụ triển khai dự án. Nắm bắt rõ những chủ trương, chính sách, kế hoạch, hướng dẫn của cấp trên, các địa phương có dự án đi qua đã triển khai một cách đồng bộ, chủ động, bài bản, tích cực, linh hoạt, sáng tạo, trách nhiệm trong lĩnh vực truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.
Biết rõ công tác giải phóng mặt bằng là một việc khó, phức tạp, dễ nảy sinh những tình huống nhạy cảm, xung đột về lợi ích dẫn đến mâu thuẫn, khiếu kiện, huyện Sóc Sơn đã tạo một quy trình chặt chẽ và khoa học: từ hệ thống văn bản, chính sách cho đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động cá nhân, tổ chức chấp thuận, đồng thuận trong quá trình tổ chức thực hiện. Trong đó, huyện xác định công tác tuyên truyền, vận động và bàn giao mặt bằng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, với việc ban hành Kế hoạch số 119-KH/HU, ngày 17-1-2023 của Huyện ủy về “Tăng cường thông tin tuyên truyền công tác giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai dự án đầu tư đường Vành đai 4”. Huyện tăng cường chỉ đạo bộ phận chuyên môn, huy động toàn bộ hệ thống chính trị từ xã đến thôn xóm tuyên truyền, vận động để người dân đồng thuận, phối hợp trong quá trình triển khai thực hiện dự án. “Công tác tuyên truyền, vận động người dân để tạo sự đồng thuận, ủng hộ trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng là giải pháp quan trọng nhất: vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài, có ý nghĩa quyết định nhằm đưa chính sách bồi thường đến gần với người dân”, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sóc Sơn Nguyễn Nam Hà nhấn mạnh.
Cụ thể, huyện đã chỉ đạo, phối hợp tuyên truyền ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư dự án trên các báo, đài Trung ương và địa phương, các kênh tuyên truyền của huyện như đài phát thanh, bản tin Đảng bộ huyện, cổng thông tin điện tử huyện và các xã, trên các nền tảng mạng xã hội, các hội nghị cho đến trực tiếp tại nhà dân... Trong quá trình tuyên truyền, vận động, huyện huy động sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị; trong đó đội ngũ làm công tác tuyên truyền đặc biệt quan tâm đến vấn đề thời gian, thời điểm, nội dung, phương thức tuyên truyền. Ủy ban nhân dân huyện, Ban Dân vận Huyện ủy phối hợp với 2 xã có dự án đi qua (Tân Dân, Thanh Xuân) tổ chức tọa đàm, trực tiếp đối thoại để lắng nghe, giải đáp các ý kiến, kiến nghị của người dân. Vì vậy, sự đồng thuận trong nhân dân trong quá trình giải phóng mặt bằng ngày càng sâu rộng, có tính lan tỏa và tạo hiệu ứng tích cực. Đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng chủ động không kể ngày đêm, ngày nghỉ bám sát, phối hợp kịp thời với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền xã, chi bộ, thôn để tuyên truyền, đôn đốc tiến độ, kịp thời nắm bắt và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Trong đó, có nhiều buổi tuyên truyền, vận động tại các nhà văn hóa, trực tiếp tại nhà dân đến 23 giờ.
Tất nhiên, mọi việc không hề dễ dàng. Xã Tân Dân có một thôn mất cả 2 nghĩa trang, tổng số ngôi mộ phải di chuyển là 569, bà con đều nhất trí, nhưng muốn ở gần làng, không muốn di chuyển tới nghĩa trang mới cách đó khoảng 3km. Ban đầu, nhiều người bức xúc, gây sức ép, mọi việc rất khó khăn. Trung tâm phát triển quỹ đất đã phải báo cáo với cấp trên về họp với dân, bất kể thời gian nào; đồng thời mời Sở Quy hoạch Kiến trúc lên chỉ rõ trong quy hoạch, chỉ có vị trí đó dành cho nghĩa trang. “Toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, họp với dân cả đêm, tiếp cận từng người một, vận động, thuyết phục... Qua nội dung như thế mới thấy được vai trò của cơ sở khi cán bộ thôn, xã vào cuộc, tuyên truyền vận động cùng mình. Nhưng cũng phải mất cả tháng trời, bà con mới đồng tình. Các vấn đề khác cũng vậy, như diện tích được đền bù thừa, hoặc thiếu so với giấy tờ không được đền bù; rồi đất vỡ hoang không được hỗ trợ công tôn tạo. Có bà con gửi đơn khiếu nại, thậm chí có luật sự lợi dụng lấy tiền của bà con, soạn đơn cho bà con. Chúng tôi rất sót ruột, có nói nhưng bà con không nghe. Cả huyện tổ chức họp, phúc đáp, đối thoại công khai, minh bạch rồi bà con cũng thông”, đại diện Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn cho biết. Đồng chí Ngô Xuân Trường - Bí thư Đảng bộ xã Tân Dân – nêu cụ thể, chỉ trong vòng gần 2 tháng trước Tết Quý Mão 2023, chúng tôi phải di chuyển 569 ngôi mộ, ảnh hưởng hơn 400 hộ dân. Bắt đầu vào cuộc đầu tháng 11, đến Tết chỉ còn gần 2 tháng. Rất may, các cơ quan báo chí thông tin kịp thời, tạo thuận lợi cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của địa phương. “Khó khăn có nhiều, cả do sự hiểu biết của người dân, nhưng không có cách nào khác, phải tuyên truyền cho dân hiểu. Chúng tôi tăng số lần giao ban để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, đặt lên bàn cân từng trường hợp một, có phương án giải quyết rõ ràng... Rồi tổ chức hội nghị ở xã, ở thôn, làm việc không có ngày nghỉ, thời gian. Xã thống kê các ngôi mộ thuộc dòng họ nào, tập trung vào những ông bà có uy tín, tiếng nói để họp riêng, bàn bạc dân chủ; mời đại diện dòng họ vào ban chỉ đạo, giám sát, trực tiếp bàn bạc, nhất trí. Chỉ trong thời gian chưa đầy 2 tháng, xã đã di chuyển xong hết những ngôi mộ thuộc diện phải giải phóng mặt bằng”, đồng chí Ngô Xuân Trường nói. Tương tự, những khó khăn cũng xuất hiện ở xã Thanh Xuân. Đồng chí Cao Văn Sơn - Bí thư Đảng ủy xã - nói rằng, “ban đầu cực kỳ khó khăn, dân không đồng thuận. Xã xác định công tác tuyên truyền rất quan trọng, tương tự là việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Có nhiều kênh khác nhau, nhưng xã chú trọng trực tiếp tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, từ đó họ nắm được tầm quan trọng của dự án để tuyên truyền với nhân dân. Rồi tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, đặc biệt tại 4 thôn liên quan đến dự án. “Xã thành lập tổ vận động, tuyên truyền do phó bí thư thường trực làm tổ trưởng, đến tận nhà dân để trao đổi chủ trương, đường lối, tầm quan trọng của dự án. Các đồng chí bí thư, chủ tịch xã đến dự, chỉ đạo, giải thích, trao đổi với bà con. Nếu có đơn thư, khiếu nại gì phải giải quyết càng nhanh càng tốt. Đồng thời, quán triệt đội ngũ cán bộ rằng làm gì thì làm cũng phải trung thực, công khai, minh bạch, không được có ý gì khác... Kết quả, dân đều đồng thuận, đến giờ không có vấn đề gì khác”, đồng chí Cao Văn Sơn cho biết.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phú - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Sóc Sơn - cho biết, “cái khó là dân suy nghĩ có những dự án đằng sau lợi ích cho người dân có lợi ích địa tô, lợi ích nhóm. Vì vậy, phải tuyên truyền, giải thích được mục đích dự án hoàn toàn phục vụ cho lợi ích của người dân, của Vùng... Trong quá tình tuyên truyền, phải huy động sự vào cuộc của đội ngũ lãnh đạo qua các thời kỳ, họ nói một câu có khi tác dụng rất lớn, thậm chí hơn cả cán bộ đương chức”. Trong khi đó, đồng chí Vi Thị Bình Anh - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Sóc Sơn - rút ra kinh nghiệm rằng, “cần coi trọng, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, tạo sự đồng thuận. Cần dân chủ, công khai, minh bạch, bàn bạc với nhân dân để dân được biết, được bàn, giám sát thì việc tuyên truyền sẽ thuận lợi, đạt kết quả tốt hơn, ngay cả những trường hợp bị xúi giục, kích động, không hợp tác với tổ tuyên truyền rồi cũng đồng thuận khi mọi khó khăn, vướng mắc được giải quyết thấu tình đạt lý”. Khi người dân còn vướng mắc, huyện tổ chức cho họ gặp trực tiếp lãnh đạo các cấp và nêu kiến nghị trong các diễn đàn công khai, dân chủ... Từ đó, người dân thay đổi nhận thức, thấy rằng kiến nghị của mình là không phù hợp, không còn nghĩ là nếu gặp cán bộ cao hơn sẽ được hưởng chế độ cao hơn. Bên cạnh đó, cũng có nhiều tình huống phải huy động, nhờ người có uy tín trong cộng đồng thuyết phục,... để người dân yên tâm, đồng thuận. Đồng Chí Vi Thị Bình Anh cũng cho rằng, trong tuyên truyền, cán bộ cũng rất quan trọng, cần có trình độ, sự công tâm, công khai, không vụ lợi trong công việc. Tuyên truyền cần dựa trên dân chủ và thực hành dân chủ, không chỉ trong dự án Vành đai 4 mà tất cả các lĩnh vực.
Tại huyện Thường Tín, có 9 xã mà Dự án Vành đai 4 đi qua, tổng diện tích giải phóng mặt bằng là 134,53ha, trong đó có đất ở, đất nông nghiệp, phi nông nghiệp. Các nhiệm vụ công tác về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư trên địa bàn huyện là rất lớn. Khó khăn nhất vẫn là vấn đề di chuyển mồ mả, với tổng số 1.791 ngôi mộ nổi. Đồng chí Nguyễn Tiến Việt - Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện - cho rằng, khó nhất là di chuyển mộ vì liên quan đến tâm linh, nếu thành công thì các việc khác chắc chắn sẽ thành công. Cũng như ở Sóc Sơn, huyện Thường Tín cũng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp bài bản, linh hoạt, sáng tạo. Đồng chí Phạm Văn Tập - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường - cho rằng, huyện tổ chức giao ban, chỉ đạo thường xuyên, lãnh đạo sâu sát với cơ sở. Nếu vấn đề nào vượt thẩm quyền thì tổ chức xin ý kiến của thành phố, sở, ngành giải quyết một cách kịp thời, thông suốt chứ không để xảy ra tình trạng thư đi, đơn lại... Riêng việc di dời mồ mả, huyện ra thông báo kế hoạch, tuyên truyền vận động, tập trung vào đảng viên, gia đình đảng viên phải nghiêm túc đi trước. Tuy nhiên, tại xã Văn Bình, nhiều hộ dân thôn Văn Giáp, Văn Hội không muốn chuyển mộ đến thôn khác và ngược lại. Huyện sử dụng nhiều biện pháp tuyên truyền, từ trực tiếp quán triệt, chia nhau tiếp cận những đối tượng là đảng viên, trưởng họ,... để “bám lấy” rồi gặp dân, bàn bạc, gỡ vướng mắc kể cả ban ngày, buổi tối. Huyện tham khảo ý kiến nhân dân, tổ chức lễ cầu siêu trang trọng để giải tỏa vấn đề tâm linh cho người dân. Và một điều nữa, “rất may xã Văn Bình chính là quê đồng chí Bí thư Huyện ủy và đồng chí đã tiên phong đi đầu trong việc di dời mồ mả. Dân thấy rõ nên yên tâm và làm theo”, đồng chí Phạm Văn Tập cho biết.
Với huyện Thanh Oai, bên cạnh những thuận lợi, khó khăn cũng xuất hiện trong quá trình giải phóng mặt bằng 86,94ha diện tích phải thu hồi của khoảng 1.500 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức trong tổng chiều dài tuyến đường đi qua là 7,9km thuộc 6 xã. Trong khi các xã Bình Minh, Thanh Thùy, Tam Hưng, Bích Hòa, Mỹ Hưng về cơ bản không xảy ra vấn đề gì lớn thì tại xã Cự Khê, tỷ lệ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng tính đến đầu tháng 6-2023 mới đạt 15,78%, dự kiến đến hết tháng 6 đạt khoảng 56-60%. Đồng chí Nguyễn Trọng Khiển - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai - cho biết, còn những hộ dân khiếu kiện về bồi thường, chưa đồng ý mức giá bồi thường. “Cái khó là xã không lưu giữ hồ sơ địa chính, không rõ hiện trạng nên việc xác định nguồn gốc sử dụng đất, chưa xác nhận bản trích đo địa chính thửa đất và bản đồ, Ủy ban nhân dân huyện chưa có cơ sở ban hành thông báo thu hồi đất và xét duyệt đối tượng tái định cư”, đồng chí Khiển nói. Đồng chí Nguyễn Nguyên Hùng - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Oai - bổ sung, về cơ bản, các hộ dân đều chấp hành, nhưng có một số hộ dân ở xã Cự Khê đang chưa đồng thuận, còn những khiếu kiện, không hợp tác. “Huyện không “đẻ” ra được chính sách, chúng tôi tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, nhằm chuyển biến sự nhận thức của người dân, không thể giải quyết những yêu cầu không hợp lý. Trước sự hạn chế trong công tác chỉ đạo của Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã Cự Khê, đầu tháng 6 vừa qua, huyện đã thông báo ra quyết định đình chỉ công tác của 2 đồng chí lãnh đạo, giao việc cho cấp phó, để chỉ tập trung vào công việc giải phóng mặt bằng, tái định cư để hoàn thành đúng khối lượng, tiến độ công việc mà thành phố giao”, đồng chí Nguyễn Nguyên Hùng nhấn mạnh.
Không riêng gì 3 huyện Sóc Sơn, Thanh Oai, Thường Tín, 4 quận, huyện khác có dự án đường Vành đai 4 đi qua là Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông đều có những khó khăn nảy sinh trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án, nhưng nhìn chung, việc hoàn thành tiến độ là giải phóng mặt bằng được ít nhất 70% diện tích phải thu hồi trước tháng 7-2023 là hoàn toàn đạt được, thậm chí vượt, ngay cả ở những nơi chưa khởi công thi công xây dựng đường. Có được thành tích này, công tác truyền thông tạo sự đồng thuận xã hội đóng vai trò rất lớn, mang tính quyết định. Tất nhiên, Hà Nội không chỉ có dự án đường Vành đai 4 đang triển khai quyết liệt, hiệu quả, tỏ rõ vai trò tiên quyết của công tác truyền thông trong triển khai nhiệm vụ, với nhiều dự án, nhiệm vụ công tác khác, công tác tuyên truyền cũng thể hiện nổi bật vị trí, vai trò của mình với những cách làm linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả./.
-----------------------
Kỳ 3: Tránh cứng nhắc, rập khuôn để tạo hiệu quả
Hà Nội chú trọng truyền thông tạo đồng thuận xã hội (kỳ 1): Truyền thông và sứ mệnh dẫn dắt, định hướng dư luận  (28/05/2023)
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng: Hà Nội tập trung xây dựng khu vực phòng thủ ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô  (30/03/2023)
Sử dụng truyền thông xã hội trong bối cảnh hiện nay  (19/03/2023)
Viết tiếp trang sử cách mạng anh hùng, tạo thêm động lực, khát vọng phát triển ở một miền quê ngoại thành Hà Nội giàu truyền thống  (15/03/2023)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên