TCCS - Hiện nay, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, tỷ lệ giáo viên và học sinh mắc COVID-19 ở Hà Nội đã giảm mạnh. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã và đang xây dựng nhiều phương án linh hoạt, phù hợp với thực tế để đạt mục tiêu trong tình hình mới, giữ vững vị trí tiên phong, tiêu biểu cho cả nước.
Thích ứng linh hoạt, hạn chế tối đa tác động tiêu cực của dịch bệnh
Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến nhiều mặt của đời sống xã hội thành phố Hà Nội, đặc biệt là ngành giáo dục. Kế hoạch năm học bị đứt đoạn, nội dung giáo dục phải thay đổi. Việc học online ở nhà kéo dài khiến học sinh không có sự giao lưu, tiếp xúc trực tiếp đã ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, cũng như sự phát triển về phẩm chất, năng lực toàn diện của học sinh, nhất là về sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần.
Trước diễn biến của dịch, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các cơ sở giáo dục cập nhật đầy đủ thông tin liên quan đến công tác phòng, chống dịch; kịp thời báo cáo, xây dựng các phương án phù hợp với tình hình thực tế để học sinh trở lại trường. Ngành giáo dục Hà Nội đã chủ động chuyển trạng thái hoạt động để ứng phó với dịch COVID-19 nhằm hạn chế tối đa những tác động tiêu cực.
Trong đợt dịch bùng phát cao điểm, thực hiện lệnh giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh, với phương châm “tạm ngừng đến trường nhưng không ngừng học tập”, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch trong nhà trường, bảo đảm sức khỏe cho toàn thể giáo viên và học sinh, thành phố Hà Nội đã linh hoạt chuyển học trực tiếp sang học trực tuyến. Việc học trực tuyến được áp dụng cho các cấp học từ tiểu học đến đại học và các cấp học khác.
Tuy nhiên, cũng có những thời điểm thành phố Hà Nội tổ chức dạy học trực tiếp cho các khối lớp 9 và khối lớp 12 nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục, cũng như kết quả thi tốt nghiệp cuối cấp cho các em, học trực tiếp nhưng các em vẫn thực hiện đầy đủ nguyên tắc 5K khi đến trường. Việc thi tốt nghiệp cuối cấp cũng được tổ chức trực tiếp, nhưng với học sinh mắc COVID-19, nếu không đủ điều kiện tham gia thi bù, các em sẽ được đặc cách xét tốt nghiệp. Với giáo dục mầm non, thành phố đã chỉ đạo xây dựng tài liệu, học liệu trực tuyến, video hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các em.
Để việc học trực tuyến hiệu quả, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tổ chức đào tạo, hướng dẫn giáo viên xây dựng bài giảng trực tuyến sinh động, hấp dẫn; tạo nền tảng kết nối để chia sẻ học liệu, tổ chức Chương trình “Sóng và máy tính cho em” nhằm hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thiết bị học tập trực tuyến. Chương trình đã nhận được sự ủng hộ tích cực của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành, sau hai đợt phát động vào tháng 9 và tháng 10-2021, trên địa bàn thành phố đã có gần 4.600 học sinh nhận được thiết bị học trực tuyến (máy tính bảng, điện thoại thông minh, ipad…), với tổng số tiền khoảng 14 tỷ đồng. Số học sinh nhận được thẻ sim data là 150 học sinh.
Về cơ sở vật chất, Hà Nội đẩy mạnh việc đầu tư trang thiết bị, xây dựng mới nhiều lớp học, trường học để bảo đảm đủ chỗ học cho học sinh, đáp ứng các yêu cầu dạy và học, đặc biệt là với các khối lớp 3, 7, 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Kết quả, năm học 2021 - 2022, khối các trường trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã được thành phố xây mới, thành lập mới 6 trường học các cấp với tổng mức đầu tư khoảng 920 tỷ đồng; cải tạo, sửa chữa 45 trường với tổng kinh phí khoảng 166 tỷ đồng; bố trí 204 tỷ đồng để mua sắm, bổ sung trang thiết bị dạy học tối thiểu cho các trường.
Các quận, huyện, thị xã đã xây mới, thành lập mới 45 trường học các cấp học, với tổng mức đầu tư khoảng 1.965 tỷ đồng; cải tạo, sửa chữa được 560 trường học các cấp học với tổng mức đầu tư khoảng 4.842 tỷ đồng; bố trí 1.260 tỷ đồng để mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học tối thiểu, đặc biệt thiết bị cho lớp 1 và lớp 6; bố trí kinh phí mua sắm, bổ sung dự kiến khoảng 706 tỷ đồng từ nguồn kinh phí quận, huyện, thị xã và kinh phí hỗ trợ của thành phố. Thời gian tới, thành phố Hà Nội tiếp tục bố trí vốn khoảng 2.500 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư trong giai đoạn trung hạn sắp tới cho giáo dục khoảng 21 nghìn tỷ đồng. Năm 2022, thành phố Hà Nội triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng 7 trường phổ thông liên cấp có diện tích 5ha trở lên ở một số quận, huyện trên địa bàn thành phố 7 (dự kiến: Bắc Từ Liêm, Thanh Trì, Thạch Thất, Đông Anh, Gia Lâm, Hà Đông, Chương Mỹ)… theo hướng hiện đại, ngang tầm khu vực và quốc tế.
Về chất lượng giáo viên, thành phố Hà Nội rất quan tâm đến công tác bồi dưỡng, đào tạo trình độ chuyên môn và các kỹ năng mềm, kỹ năng sống cho giáo viên các cấp. Đặc biệt, thành phố chú trọng việc nâng chuẩn quốc tế môn ngoại ngữ cho giáo viên. Tháng 8-2022, Sở Giáo dục và Đào tạo đã rà soát, xếp lớp đào tạo nâng chuẩn IELTS cho 3.649 giáo viên tiếng Anh đã đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam, 1.900 giáo viên tiếng Anh đã đạt khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc khác cũng được đào tạo theo chuẩn quốc tế.
Khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, thành phố Hà Nội đã thực hiện dạy học trực tiếp trở lại. Bên cạnh việc đề cao mục tiêu chất lượng, chú trọng thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông, các trường học cũng chủ động kế hoạch giáo dục ứng phó; bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, kiểm soát và xử lý kịp thời các ca nhiễm, giữ mức độ an toàn cao nhất cho giáo viên, học sinh. Đồng thời, kiên trì triển khai nhiều giải pháp, nhằm khơi dậy sự nỗ lực, ham học của học sinh; việc dạy học bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình; các bài học luôn được mở rộng, liên hệ với thực tế; tăng cường các hoạt động trải nghiệm giúp các em thêm vững kiến thức và kỹ năng. Năm học 2021 - 2022, toàn ngành triển khai hiệu quả công tác giáo dục thể chất và y tế học đường, bảo đảm an toàn trường học, phòng chống dịch bệnh và tai nạn thương tích. Tăng cường tổ chức bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và an toàn thực phẩm, kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho học sinh. Dù gặp nhiều khó khăn, ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội đã ứng phó hiệu quả với dịch bệnh, hoàn thành các nhiệm vụ của năm học, kiên trì mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục. Hiện tại, thành phố Hà Nội là địa phương có nhiều sáng kiến tiên phong, tiêu biểu trong công tác giáo dục và đào tạo cả nước.
Tính đến hết tháng 6-2022, toàn thành phố có 2.835 trường, 70.199 lớp, hơn 2.206.906 học sinh; 138.090 giáo viên; 72.796 phòng học; 120 trường đại học, cao đẳng thuộc các bộ, ngành trên địa bàn thành phố với gần 1 triệu sinh viên, học viên. Thành phố có 298 đơn vị đang có hoạt động giáo dục nghề nghiệp với 192.590 học viên. Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia và trường chất lượng cao được tập trung thực hiện. Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho thấy, đến ngày 30-9-2022, toàn thành phố có 1.503 trường công lập đạt chuẩn, chiếm 67,3% tổng số trường công lập. Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ dạy và học trong nhà trường tiếp tục được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại.
Điểm nhấn của ngành giáo dục thành phố Hà Nội là chất lượng giáo dục các cấp học từng bước được nâng lên. Học sinh Thủ đô đã khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế với 125 học sinh đạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, trong đó có 7 giải nhất, 37 giải nhì, 33 giải ba và 48 giải khuyến khích; tại các kỳ thi cấp quốc tế, học sinh Hà Nội tiếp tục khẳng định tài năng với 63 huy chương, giải thưởng.
Đáng chú ý, trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022, thành phố Hà Nội có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt 99,1% (năm 2021 đạt 98,9%); 104 trường có tỷ lệ tốt nghiệp 100%, cao hơn năm trước 13 đơn vị. Số bài thi đạt điểm 9, 10 tăng lên đáng kể so với năm trước với 1 học sinh đạt thủ khoa toàn quốc với điểm tuyệt đối tổ hợp A00. Công tác tuyển sinh trực tuyến vào các lớp đầu cấp năm học 2022 - 2023 bảo đảm nghiêm túc, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân, thích ứng với tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, chất lượng giáo dục của thành phố Hà Nội còn đặt ra nhiều vấn đề, như khoảng cách giáo dục giữa các khu vực còn lớn; một số môn thi có kết quả chưa cao so với các địa phương khác; vấn đề tâm lý học đường, mối quan hệ gia đình - nhà trường - xã hội còn nhiều bất cập; kỹ năng sư phạm, kỹ năng mềm của nhiều giáo viên còn yếu; giáo viên ở một số môn mới, môn “tích hợp” và hoạt động giáo dục bắt buộc còn thiếu và cần đào tạo, bồi dưỡng. Theo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, năm học 2021 - 2022, tổng số viên chức ngành giáo dục của thành phố Hà Nội còn thiếu so với định mức cần do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 7.134 biên chế. Năm học 2022 - 2023, do thành lập trường mới, tăng lớp, tăng học sinh, số viên chức ngành giáo dục còn thiếu so với định mức là 3.131. Cơ sở vật chất phục vụ giáo dục còn chậm cải thiện, chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội; việc chuyển đổi các cơ sở công lập có khả năng xã hội hóa sang mô hình tự chủ còn chậm; việc bố trí quỹ đất để xây dựng trường học ở các quận nội thành còn gặp nhiều khó khăn; việc thu hút nguồn lực đầu tư cho giáo dục, việc liên kết quốc tế về giáo dục, gặp nhiều rào cản về cơ chế, chính sách.
Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện
Một là, đổi mới phương pháp dạy và học bằng cách đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”. Đây là nhiệm vụ lớn và nhiều thách thức vì phải bảo đảm về mặt thời gian, chất lượng công việc trong khi các điều kiện bảo đảm chất lượng và thực hiện còn khó khăn nên cần có nỗ lực lớn của toàn ngành, sự phối hợp, quyết tâm của các địa phương. Muốn đổi mới về phương pháp dạy và học, trước hết đội ngũ giáo viên phải không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực về cả kiến thức, kỹ năng. Ngoài ra, cần cung cấp thông tin rộng rãi để có được sự thấu hiểu, đồng hành, chia sẻ của các bậc phụ huynh và toàn xã hội trong sự nghiệp đổi mới này.
Hai là, đẩy mạnh chuyển đổi số. Giáo dục là một trong những lĩnh vực được Chính phủ khuyến khích và ưu tiên đẩy mạnh chuyển đổi số. Tận dụng công nghệ giúp đổi mới sáng tạo trong dạy và học, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý giáo dục, tạo sự đột phá trong quản trị nhà trường, thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa các vùng; góp phần xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số, góp phần phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Tuy nhiên, muốn thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục cần phải có nền tảng công nghệ quốc gia thống nhất; tài nguyên số, học thuật cũng cần thực hiện trên công nghệ thống nhất để việc học và dạy thực sự hiệu quả. Đặc biệt, cần ưu tiên nhất là yếu tố nhân lực.
Ba là, nâng cao chất lượng, số lượng giáo viên, đẩy mạnh đầu tư cho sơ cở vật chất. Thành phố Hà Nội cần tiếp tục quan tâm công tác tập huấn, tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao năng lực giáo viên cả về kiến thức và kỹ năng sư phạm; khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên; thực hiện chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; thực hiện công tác luân chuyển, bố trí giáo viên đúng sở trường, cơ chế thu hút nhân tài về công tác tại Hà Nội,..
Cùng với đó, rà soát, kịp thời bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và các điều kiện khác đáp ứng chuẩn quốc gia đối với các trường học phân cấp quản lý, bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, hiệu quả, tránh lãng phí; tập trung mọi nguồn lực xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn mức độ 2; xây dựng một số trường liên cấp hiện đại; tập trung hoàn thiện cơ chế, khơi thông nguồn lực, đẩy mạnh cải cách hành chính, thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng…
Bốn là, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Muốn làm được điều này thì yếu tố về nhân lực, cơ sở vật chất, khoa học - kỹ thuật cho giáo dục đều cần được bảo đảm. Tiếp đến, cần đánh giá, nhận diện khách quan về nền giáo dục của thành phố để xây dựng kế hoạch, phát triển thực chất giáo dục Hà Nội ngang hàng với giáo dục các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; quan tâm giáo dục sáng tạo trong nhà trường; đẩy mạnh giáo dục địa phương để nâng cao giáo dục truyền thống, giáo dục lòng yêu nước, lòng nhân ái cho học sinh; nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; xây dựng mô hình tự chủ tại một số trường mầm non, phổ thông.
Tiếp tục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm chất lượng và hiệu quả; xây dựng phương án kiểm tra, đánh giá trực tiếp, bảo đảm nghiêm túc, đúng quy chế; tăng tính thích ứng và trải nghiệm đối với người học; tăng cường khả năng tự học cho học sinh, sinh viên; tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở, phổ cập giáo dục bắt buộc đối với cấp tiểu học; xây dựng kế hoạch về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông theo hướng mở; đổi mới nội dung, hình thức giáo dục hướng nghiệp gắn với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của thị trường lao động.
Nhìn chung, chất lượng giáo dục trực tuyến có những hạn chế nhất định so với giáo dục trực tiếp. Do đó, khi tiếp tục học trực tiếp, thầy cô cần củng cố lại kiến thức cho học sinh, bảo đảm chất lượng giáo dục; xây dựng các chỉ số để đánh giá chuẩn đầu ra cho học sinh, sinh viên về đạo đức, kỹ năng, lối sống và phát triển thể chất đối với từng cấp học. Có chính sách hỗ trợ, miễn, giảm học phí đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn./.
Một số giải pháp thúc đẩy kinh tế - xã hội Thủ đô phát triển  (15/10/2022)
Để tháo gỡ khó khăn trong liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản ở Hà Nội  (14/10/2022)
Đẩy mạnh thực hiện Chương trình số 05-CTr/TU vì mục tiêu xây dựng Thủ đô xanh, thành phố thông minh, hiện đại  (14/10/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển