TCCSĐT - Phát triển kinh tế tư nhân và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có mối quan hệ khăng khít, đồng thời có vai trò quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay. Từ khi Việt Nam đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, việc phát triển kinh tế tư nhân luôn được Đảng quan tâm, cả về chủ trương cũng như từng bước tạo lập chính sách phù hợp.

Phát triển kinh tế tư nhân trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Văn kiện Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”(1).

Như vậy, có thể thấy nền kinh tế thị trường nước ta đang xây dựng và dần hoàn thiện có những đặc điểm nổi bật là: hoạt động dưới sự tác động của quy luật thị trường; có nhiều thành phần kinh tế cùng cạnh tranh bình đẳng dưới sự điều chỉnh của pháp luật; Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa quản lý và điều hành nền kinh tế theo Hiến pháp, pháp luật, giữ quyền đại diện sở hữu toàn dân về tài nguyên đất nước, những tài sản chủ chốt để bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nhiệm vụ quan trọng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, bởi phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ đẩy nhanh quá trình xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của thời kỳ quá độ ở nước ta. Đồng thời, góp phần hoàn thiện và vận hành trên thực tế Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Trong các mô hình kinh tế hoạt động theo quy luật thị trường, kinh tế tư nhân - mà đại diện là các doanh nghiệp tư nhân - là thành phần chủ yếu, quan trọng, tạo nên sức sống của nền kinh tế quốc gia đó. Ở Việt Nam, sau một thời gian dài thực hiện mô hình kinh tế chỉ gồm hai thành phần chủ chốt là kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, đã nhận thấy rõ sự cần thiết phải đa dạng hóa các thành phần kinh tế, để tạo nên động lực mới cho nền kinh tế, đẩy nhanh tiến trình xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, trong đó, nổi bật lên vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân. Điều này đã được khẳng định gần đây nhất tại Đại hội XII của Đảng: kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Thực tế thời gian qua đã cho thấy, đường lối đó là hợp quy luật phát triển của đất nước, đã tạo những khởi sắc toàn diện trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, bên cạnh những biện pháp cơ bản khác, thì phát triển kinh tế tư nhân là biện pháp cơ bản quan trọng để hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Kinh tế tư nhân với việc hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Thúc đẩy cạnh tranh, nâng cao hiệu quả hoạt động nền kinh tế đất nước

Tính cạnh tranh trong sản xuất, kinh doanh là một trong những yếu tố quan trọng nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của nền kinh tế. Trước khi đa dạng hóa các thành kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các xí nghiệp dựa trên các kế hoạch, sản phẩm không có sự thúc bách về nâng cao chất lượng, thay đổi mẫu mã để thu hút khách hàng, nên yêu cầu về tính chất cạnh tranh gần như không có. Năng lực mọi mặt của doanh nghiệp cũng như đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ công nhân bị hạn chế, điều này đã gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp khi chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường bắt đầu từ Đại hội VI năm 1986. Khi đó, do những đặc điểm của lịch sử để lại, thành phần kinh tế tư nhân chủ yếu ở miền Nam. Với sự nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường, được sự tạo điều kiện bước đầu, các doanh nghiệp này đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội, tham gia đầu tư sản xuất, kinh doanh, là lực lượng thúc đẩy tính cạnh tranh trong hoạt động của nền kinh tế, qua đó từng bước khẳng định vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế đất nước. Thực tế đó đã đưa đến cách nhìn toàn diện hơn về vai trò và động lực của kinh tế tư nhân đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, thể hiện trong những quan điểm qua các kỳ đại hội Đảng, đặc biệt là từ Đại hội X đến nay. Quá trình này cũng từng bước mở ra hướng phát triển mới cho kinh tế tư nhân, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế đất nước.

Từ quan điểm “các thành phần kinh tế cạnh tranh bình đẳng”, tính cạnh tranh được thúc đẩy, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của nền kinh tế. Điều này đã được khẳng định trong thực tế, qua đánh giá ở mỗi kỳ đại hội Đảng, gần đây nhất là Đại hội XII của Đảng nhận định về kết quả thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: “Năng lực cạnh tranh có bước được nâng lên”(2). Đại hội XII cũng khẳng định: sự phát triển kinh tế tư nhân là lực đẩy quan trọng, kéo theo sự phát triển của các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế đất nước. Quan trọng hơn, phát triển kinh tế tư nhân góp phần làm cho “Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, cạnh tranh minh bạch, bình đẳng hơn giữa các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp, góp phần huy động, phân bố và sử dụng ngày càng hiệu quả các nguồn lực trong, ngoài nước cho phát triển kinh tế - xã hội”(3).

Góp phần hoàn thiện các chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế

Sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của kinh tế tư nhân là động lực quan trọng, cơ bản, hằng ngày, hằng giờ thúc đẩy việc hoàn thiện các chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế, làm cho nó ngày càng gần với các tiêu chí chung của “nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế”, đúng như khẳng định của Đại hội XII. Sau mười năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X về phát triển kinh tế tư nhân, đến Đại hội XII, Đảng đã có những đánh giá quan trọng về xây dựng chính sách, pháp luật trong quản lý kinh tế: “Hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng tốt hơn quá trình phát triển và hội nhập quốc tế… Giá hàng hóa, dịch vụ đã cơ bản theo nguyên tắc thị trường”(4). Có thể khẳng định, đây là những thay đổi cơ bản của nền kinh tế nước ta, là nền tảng vững chắc hướng tới một nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế. Đây cũng là kết quả của việc kiên trì thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế nhiều thành phần qua các nhiệm kỳ đại hội.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay còn “nhiều quy định trong hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách và quản lý, điều hành chưa tuân thủ đầy đủ quy luật của kinh tế thị trường… và chưa bảo đảm cạnh tranh bình đẳng. Quản lý nhà nước chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Cải cách hành chính và năng lực tạo dựng thể chế để bảo đảm cho doanh nghiệp, người dân tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng trong kinh tế thị trường còn nhiều hạn chế”(5). Những hạn chế nói trên đã ảnh hưởng tới sự phát triển của kinh tế tư nhân, cũng như việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, hoàn thiện các chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế là nhiệm vụ quan trọng hiện nay và những năm tiếp theo của Đảng và Nhà nước để hạn chế những khuyết điểm nói trên của nền kinh tế, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của các thành phần kinh tế nói riêng, nền kinh tế đất nước nói chung.

Đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đất nước

Cùng với các thành phần kinh tế khác, sự phát triển của kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, với việc hiện thực hóa mục tiêu “dân giàu, nước mạnh”. Nguồn thu từ khu vực này không ngừng tăng: thu từ sản xuất công, thương nghiệp, dịch vụ khu vực ngoài nhà nước năm 2011 là 11,71%, đến năm 2015, chỉ số này là 13,12%; thuế thu nhập của người có thu nhập cao tăng từ 5,33% năm 2011 lên 5,63% năm 2015(6). Kết quả của những nỗ lực của các doanh nghiệp tư nhân nói riêng, doanh nghiệp ngoài nhà nước nói chung được khẳng định qua những thống kê cơ bản: “Vai trò kinh tế ngoài nhà nước (không kể đầu tư nước ngoài) ngày càng được phát huy, đóng góp 38,5% tổng đầu tư toàn xã hội và 48,3% GDP”(7), “Đầu tư tư nhân trong nước tiếp tục tăng, chiếm khoảng 38,5% tổng đầu tư toàn xã hội”(8).

Kinh tế tư nhân phát triển đóng vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, thể hiện qua sự tăng dần tỷ lệ lực lượng lao động trong các ngành công nghiệp, dịch vụ; đồng thời đưa đến hệ quả tăng dần tỷ lệ đô thị hóa, nâng cao số dân sống bằng các ngành, nghề dịch vụ. Kết quả này vừa góp phần phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật cho nền kinh tế, vừa thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi thực tế đang đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi mới, ở một mức độ cao hơn, đa dạng hơn.

Để kinh tế tư nhân phát huy tốt vai trò trong thời kỳ quá độ

Phát huy tính năng động, hiệu quả cạnh tranh của thành phần kinh tế tư nhân

Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta hiện nay, cùng với tiến trình hội nhập quốc tế những cơ hội mang lại cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế là vô cùng phong phú. Với những thế mạnh tự nhiên vốn có, các doanh nghiệp tư nhân ở mọi quy mô đều không thiếu cơ hội để lựa chọn. Thậm chí hiện nay các cơ quan công quyền các cấp cũng đang rất coi trọng thực hiện mô hình hợp tác công - tư trong đầu tư và vận hành các công trình phục vụ các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Với sự tham gia và hiện diện trên mọi lĩnh vực mà pháp luật không cấm, kinh tế tư nhân đã góp phần quan trọng thúc đẩy, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế đất nước. Quan điểm của Đảng về vấn đề này được thể hiện rõ trong Văn kiện Đại hội XII là: “Tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân để tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách để doanh nghiệp tư nhân tiếp cận bình đẳng mọi cơ hội, mọi nguồn lực, nhất là về vốn, đất đai, tài nguyên”(9). Chính phủ liên tục có những nghị quyết về việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Chủ trương, đường lối của Đảng đã rõ, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tạo lập môi trường sản xuất, kinh doanh ngày càng hoàn thiện, kết quả hoạt động mọi mặt của kinh tế tư nhân hiện giờ phụ thuộc chính vào năng lực tổng hợp của mỗi doanh nghiệp, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy tính năng động trong sản xuất, kinh doanh.

Thực hiện quản lý, điều hành nền kinh tế một cách minh bạch

Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, điều hành nền kinh tế nói chung, với thành phần kinh tế tư nhân nói riêng đã rõ ràng, nhất quán. Đó là quản lý bằng pháp luật, vận hành theo quy luật thị trường… Tuy nhiên, thực tế việc thực hiện còn rất nhiều hạn chế, thậm chí có lúc, có nơi còn đi ngược lại chủ trương, đường lối đã đề ra. Như lợi dụng quyền hạn để mưu lợi, lợi dùng quyền quản lý kinh tế thực hiện các hành vi móc ngoặc, tham nhũng, bòn rút vốn nhà nước. Điều này cho thấy công tác quản lý, điều hành của doanh nghiệp nhà nước còn nhiều “lỗ hổng”. Đối với doanh nghiệp tư nhân, vẫn còn tình trạng bị vòi vĩnh, quấy nhiễu, bị gây khó dễ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thậm chí, hoạt động ở quy mô kinh tế hộ như quán cà phê Xin Chào, qua cách hành xử của các cơ quan địa phương đã thể hiện tư duy và cách thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ công quyền với thành phần kinh tế tư nhân rất đáng phê phán, như Đại hội XII đã chỉ rõ: “Chưa thật sự phát huy đầy đủ quyền tự do kinh doanh của người dân theo Hiến pháp, pháp luật”(10). Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân khác là: “Nhà nước còn can thiệp trực tiếp, quá lớn trong nền kinh tế. Vẫn còn tình trạng bao cấp, xin - cho trong xây dựng và thực hiện một số cơ chế, chính sách”(11).

Những hạn chế nói trên ở cả hai thành phần kinh tế đều có chung nguyên nhân, những hậu quả đối với các doanh nghiệp của hai thành phần kinh tế đều liên quan mật thiết đến nhau. Đó là việc thực hiện không nghiêm các quy định pháp luật về quản lý kinh tế của một bộ phận cán bộ có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn nhằm mưu lợi cá nhân; đó là việc kiểm tra, giám sát quá trình thực thi công vụ của đội ngũ này không hiệu quả… Hậu quả là làm nghèo đất nước, tài sản của đất nước, của cải của nhân dân đều bị mất mát, lòng tin của nhân dân với Đảng, với chế độ bị ảnh hưởng.

Chủ trương, đường lối về phát triển kinh tế tư nhân đã rõ ràng, pháp luật trong lĩnh vực này cũng đang từng bước được bổ sung, hoàn thiện nhằm phù hợp với các yêu cầu và tiêu chuẩn của các hiệp định, các tổ chức quốc tế và khu vực mà Việt Nam ký kết tham gia. Vấn đề đặt ra hiện nay là sự quyết tâm trong công tác điều hành, quản lý. Cụ thể là cách tiếp cận công việc của đội ngũ công chức các cấp, các ngành cần minh bạch; việc quản lý, giám sát của các cơ quan hữu quan cần thực hiện một cách sát sao; cách đón nhận, xử lý những khiếu nại của nhân dân về cung cách thực thi công vụ cần được coi là một nhiệm vụ quan trọng. Những nội dung này cũng chính là tư tưởng nổi bật trong Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 16-5-2016, của Chính phủ, về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Khắc phục những hạn chế cơ bản trên một số lĩnh vực

Những hạn chế của doanh nghiệp tư nhân được Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Hầu hết doanh nghiệp tư nhân quy mô còn nhỏ, thiếu liên kết, khả năng ứng phó với các rủi ro yếu, nhiều doanh nghiệp phải giải thể hoặc ngừng hoạt động”(12). Nguyên nhân của những hạn chế của doanh nghiệp tư nhân nói trên bao hàm cả chủ quan và khách quan. Về chủ quan, là năng lực còn hạn chế, quy mô vốn của doanh nghiệp còn nhỏ, chưa năng động trong tìm kiếm thị trường cũng như tiếp cận phương thức quản lý và công nghệ thích hợp thị trường; về khách quan như các cơ chế, chính sách chưa kịp thời đáp ứng đòi hỏi của tình hình cũng như yêu cầu phát triển của kinh tế tư nhân, hoặc cung cách quản lý chưa đem lại hiệu quả cao…

Để khắc phục những hạn chế này, cần thực hiện tốt những phương hướng, nhiệm vụ mà Đại hội XII của Đảng đã đề ra, đó là: Tiếp tục thống nhất nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm cụ thể hóa, thể chế hóa phù hợp với từng giai đoạn phát triển; Tiếp tục hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp; Phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường; Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về kinh tế - xã hội và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội. Với những biện pháp này, thành phần kinh tế tư nhân với các doanh nghiệp tư nhân không chỉ là đối tượng để các chính sách hướng tới, phục vụ, mà chính họ còn là những chủ thể tham gia tích cực, góp phần hiện thực hóa các chính sách đó. Qua đó, kinh tế tư nhân từng bước trưởng thành về mọi mặt, từng bước khắc phục những hạn chế hiện nay./.

-----------------------------------------

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 102
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 228
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 227
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 227
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 248
(6) Xem Tổng cục Thống kê: Động thái và thực trạng kinh tế - xã hội Việt Nam 5 năm 2011-2015, Nxb. Thống kê, HN, 2016, tr. 36
(7) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 228
(8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 232
(9) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 292
(10) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 101
(11) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 100
(12) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 99