Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trong chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
TCCS - Trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”(1). Khẳng định của Tổng Bí thư là minh chứng rõ nét quan điểm của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết là hoàn toàn đúng đắn, sáng suốt, là điều kiện thuận lợi để Việt Nam tiếp tục phát huy nội lực, vị thế đất nước và lựa chọn kế sách phù hợp trong bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc.
Một số nhận thức cơ bản và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về lợi ích quốc gia - dân tộc
Lợi ích quốc gia - dân tộc là vấn đề có tính nguyên tắc, “bất biến” trong quan hệ quốc tế. Lợi ích quốc gia - dân tộc là giá trị của một chủ thể có trách nhiệm tự xác định lợi ích của quốc gia, dân tộc mình. Vì vậy, có thể nói, đây là một khái niệm có tính khái quát hóa cao, bao gồm những nhu cầu sống còn của quốc gia, đó là tự bảo vệ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quân sự và thịnh vượng về kinh tế(2).
Lợi ích quốc gia không phải lúc nào cũng đồng nhất với lợi ích dân tộc. Lợi ích quốc gia thiên về đại diện của giai cấp cầm quyền. Lợi ích dân tộc là lợi ích của tất cả người dân của một đất nước. Do những điều kiện đặc thù nên khái niệm lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam có hướng tổng hợp cả hai khái niệm trên(3).
Nội hàm của lợi ích quốc gia - dân tộc cũng có sự khác nhau trong từng thời điểm lịch sử. Có thể luận giải nội hàm lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam trên ba khía cạnh cơ bản sau:
Thứ nhất, về chủ thể. Lợi ích quốc gia - dân tộc bao gồm: lợi ích của Đảng, Nhà nước; lợi ích của giai cấp; lợi ích của nhân dân lao động. Lợi ích của Đảng thống nhất với lợi ích của dân tộc, của Nhà nước, giai cấp và nhân dân lao động.
Thứ hai, về lĩnh vực. Lợi ích quốc gia - dân tộc bao gồm: lợi ích chính trị; lợi ích kinh tế; lợi ích văn hóa; lợi ích quốc phòng - an ninh, đối ngoại.
Thứ ba, về tính chất. Lợi ích quốc gia - dân tộc được phân thành hai nhóm: Nhóm các lợi ích quốc gia - dân tộc sống còn, bao gồm: chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; hòa bình với bên ngoài và ổn định, trật tự ở bên trong; bảo đảm cuộc sống an toàn cho nhân dân; bảo đảm an ninh kinh tế: thị trường (trong nước và ngoài nước), an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh tài chính - tiền tệ, an ninh thông tin; giữ gìn bản sắc dân tộc Việt Nam. Nhóm các lợi ích quốc gia - dân tộc phát triển, bao gồm: không ngừng nâng cao khả năng giữ vững chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh quốc gia; không ngừng nâng cao chất lượng sống của nhân dân; mở rộng không gian phát triển: Mở rộng thị trường (trong nước và ngoài nước); gia tăng khả năng tiếp cận tới tri thức tiên tiến của nhân loại, công nghệ, vốn; có vị trí ngày càng thuận lợi trong phân công lao động khu vực và toàn cầu; phát huy bản sắc dân tộc Việt Nam; có vị thế ngày càng lớn trên trường quốc tế.
Đối với Việt Nam, lợi ích quốc gia - dân tộc luôn là “kim chỉ nam” trong việc hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Tùy thuộc vào từng thời điểm lịch sử cụ thể mà nhóm lợi ích quốc gia - dân tộc nào sẽ được Việt Nam ưu tiên đề cao. Hiện nay, lợi ích cao nhất của quốc gia - dân tộc Việt Nam là phát triển đất nước toàn diện và bền vững theo con đường xã hội chủ nghĩa; bảo đảm giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền và an ninh quốc gia gắn với xây dựng chủ nghĩa xã hội; tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của đất nước. Đại hội XI của Đảng (năm 2011) lần đầu tiên nêu mục tiêu đối ngoại của Việt Nam trong thời kỳ mới là “vì lợi ích quốc gia, dân tộc; vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh”(4). Kế thừa, phát triển quan điểm đối ngoại trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Nghị quyết Đại hội XII của Đảng (năm 2016) đã chỉ rõ mục tiêu hoạt động đối ngoại của nước ta phải nhằm “bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi”(5). Quan điểm chỉ đạo thứ hai trong năm quan điểm chỉ đạo ở Văn kiện Đại hội XIII của Đảng (tháng 1-2021) khẳng định: “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”(6). Điều này một lần nữa thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng của Đảng ta trong hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại; phản ánh tư duy logic, khoa học về giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam với lợi ích của các quốc gia khác trên thế giới trong tiến trình hội nhập quốc tế; đồng thời khẳng định, lợi ích quốc gia và lợi ích dân tộc Việt Nam là đồng nhất, không phải là những lợi ích vị kỷ. Lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam được xác định trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi, cùng phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc nghĩa là đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trước hết và trên hết, luôn nỗ lực đạt được lợi ích quốc gia - dân tộc tới mức cao nhất có thể, lợi ích quốc gia - dân tộc là tiêu chí hàng đầu đánh giá hiệu quả của mọi hoạt động đối ngoại(7).
Ba nội hàm trên tuy có sự riêng biệt về bản chất, nhưng bổ sung và chi phối lẫn nhau, tạo nên tính tổng thể, hoàn chỉnh của lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam; đồng thời, giúp cho việc bảo vệ, thực hiện lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới luôn đạt hiệu quả. Trong đó, mục tiêu về an ninh là nền tảng, mục tiêu về phát triển là trung tâm, mục tiêu về vị thế là sự bổ trợ quan trọng cho mục tiêu an ninh và phát triển. Phát triển phải là trung tâm, vì mục đích và điều kiện cho sự tồn vong của mọi quốc gia là thịnh vượng. Có phát triển thì an ninh mới được bền vững, vị thế mới được lâu dài.
Những điểm nổi bật về lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc trong chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam qua tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Vấn đề lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc của Việt Nam trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội được thể hiện một cách toàn diện, đa chiều, sâu sắc dưới nhiều khía cạnh, góc độ trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ở đây, bài viết mong muốn làm rõ thêm ba vấn đề chính liên quan đến nội hàm lợi ích quốc gia - dân tộc, nhằm góp phần trả lời một phần nhỏ vấn đề đặt ra ở phần đầu của tác phẩm, đó là: Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội?; Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam?.
Thứ nhất, về phát triển đất nước toàn diện và bền vững theo con đường xã hội chủ nghĩa. Đây là nội dung nền tảng, cốt lõi trong bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc trong chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Chỉ có phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội thì lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam mới được bảo đảm vững chắc và độc lập dân tộc mới vững bền, lâu dài.
Phát triển đất nước toàn diện và bền vững theo con đường xã hội chủ nghĩa là kiến thiết đất nước hùng cường và phồn vinh bằng cách kết hợp nội lực với ngoại lực hướng tới thực hiện thành công mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, nhân dân ấm no, tự do, hạnh phúc”, góp phần tích cực vào xây dựng một thế giới hòa bình, độc lập, tự do và phát triển bền vững.
Trên cơ sở phân tích về bản chất của chủ nghĩa tư bản, với lập trường duy vật biện chứng, đánh giá sự vật, hiện tượng trong mối quan hệ khách quan, vận động và phát triển không ngừng, từ nhiều chiều cạnh, đồng chí Tổng Bí thư cho rằng “chủ nghĩa tư bản chưa bao giờ mang tính toàn cầu như ngày nay và cũng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học và công nghệ”(8). Tuy nhiên, đồng chí Tổng Bí thư cũng chỉ rõ “chủ nghĩa tư bản vẫn không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó”(9), mà tiêu biểu như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 - 2009 và gần đây là cuộc khủng hoảng nhiều mặt đang diễn ra dưới tác động của đại dịch COVID-19; đồng thời, dẫn dắt các đánh giá, phân tích của nhiều nhà khoa học nhận định rằng các cuộc khủng hoảng hiện nay không thể giải quyết được một cách triệt để trong khuôn khổ của chế độ tư bản chủ nghĩa... Phát triển theo lối tư bản chủ nghĩa không bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do vậy hiển nhiên không thể đem lại tương lai tốt đẹp, chắc chắn cho nhân loại.
Đồng chí Tổng Bí thư khẳng định: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”(10). Đặc biệt, “mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân”(11). Vì vậy, chủ nghĩa xã hội - nơi mà con người được sống trong hòa bình, hữu ái giữa các cộng đồng, không còn áp bức, bóc lột, bất công - chính là con đường duy nhất đúng đắn để nhân dân Việt Nam có cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc. Ngược lại, việc cổ xúy chuyển hướng theo con đường tư bản chủ nghĩa, sẽ không nhận được sự ủng hộ của toàn thể nhân dân Việt Nam, bởi nó không đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của quần chúng nhân dân Việt Nam như Tổng Bí thư đã khái quát: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người... Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội... Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn... Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai... Và, chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân”(12). Thực tế, đây chính là những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội; là những khát vọng, mong ước tốt đẹp cháy bỏng không chỉ của nhân dân Việt Nam, mà còn của cả nhân loại tiến bộ hướng đến; và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội chính là con đường tất yếu, khách quan để đạt được những giá trị đó trong hiện thực đời sống của nhân dân - con đường mà Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã kiên định lựa chọn. Đây cũng chính là lợi ích quốc gia - dân tộc cao nhất, căn bản nhất mà đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh và Đảng, nhân dân ta quyết tâm phấn đấu thực hiện bằng được.
Thế nhưng, quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp, phải trải qua nhiều bước đi, nhiều hình thức tổ chức kinh tế - xã hội, đan xen nhau, có sự đấu tranh giữa cái cũ và cái mới. Vì vậy, để hiện thực hóa được mục tiêu đề ra, cần: “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện”(13).
Cùng với vấn đề định hướng xã hội chủ nghĩa là định hình chủ nghĩa xã hội, tức phải làm cho bản chất tốt đẹp, giá trị của chủ nghĩa xã hội được hiện thực hóa trong đời sống hằng ngày mà người dân được thụ hưởng gắn với điều kiện, lộ trình cụ thể. Đó chính là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, tăng trưởng kinh tế phải gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước đi và chính sách phát triển, không được hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội cho tăng trưởng kinh tế...
Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam cũng đòi hỏi cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa tuân thủ các quy luật chung với việc không xa rời những điều kiện đặc thù của Việt Nam. Việc tách khỏi xu thế phát triển khách quan của thế giới sẽ làm cho công cuộc phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, trở ngại hơn; hay nói cách khác, việc bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam sẽ gặp không ít thách thức. Bởi đây là một quá trình tất yếu khách quan, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay.
Thứ hai, bảo đảm giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền và an ninh quốc gia gắn với xây dựng chủ nghĩa xã hội. Lợi ích quốc gia - dân tộc ở nội hàm này liên quan đến đất nước và con người Việt Nam, hệ thống chính trị và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, vai trò lãnh đạo đất nước và quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng; phản ánh truyền thống lịch sử và khát vọng của cả dân tộc Việt Nam trong suốt lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước từ trước tới nay và trải qua những giai đoạn cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh. Bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú của mình kết hợp với lý luận cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã đưa ra kết luận sâu sắc rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc” (14).
Thực tiễn lịch sử của Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX cho thấy, cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc theo con đường phong kiến hay tư sản đều dẫn tới thất bại. Trên hành trình tìm đường cứu nước, từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác - Lênin, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc rút ra kết luận: “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”(15). Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và hai cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân, đế quốc xâm lược là những minh chứng cụ thể cho sự lựa chọn đúng đắn đó. Nhưng mục tiêu của cách mạng nước ta không chỉ là giành độc lập dân tộc, mà độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa xã hội là cơ sở để củng cố vững chắc độc lập dân tộc và các giá trị của độc lập dân tộc mới được thực hiện đầy đủ. Đối với Việt Nam, từ khi có Đảng Cộng sản, độc lập dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một nền độc lập thật sự, độc lập hoàn toàn, chứ không phải là “độc lập giả hiệu”, “độc lập nửa vời”, “độc lập hình thức”. Tư tưởng độc lập dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh bao giờ cũng gắn với tự do, dân chủ và ấm no, hạnh phúc cho nhân dân lao động, nghĩa là độc lập dân tộc phải gắn với chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng đó đã trở thành mục tiêu của cách mạng, lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mối liên hệ biện chứng không thể tách rời giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã được Đảng ta nhất quán khẳng định trong các cương lĩnh, văn kiện, nghị quyết, thể hiện chủ trương, đường lối của Đảng và trong chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nội dung độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội cũng được Đảng ta từng bước hoàn thiện cả trong tư duy, lý luận và thực tiễn cách mạng; cả hệ thống chính trị, các đoàn thể, tổ chức, mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đều quán triệt vận dụng, thực hiện trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội luôn được Đảng ta giương cao. Đó là lập trường, quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc, đạo đức cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, đã kết tinh thành sức mạnh của lòng yêu nước, ý chí quật cường dân tộc, làm nên sức mạnh, động lực của cách mạng Việt Nam trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước.
Thành tựu gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới chính là minh chứng cho sự gắn kết giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có thể giải quyết căn cơ vấn đề độc lập cho dân tộc, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, cũng như cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, đúng như đồng chí Tổng Bí thư đã tổng kết: “xét trên nhiều phương diện, người dân Việt Nam ngày nay đang có các điều kiện sống tốt hơn so với bất kỳ thời kỳ nào trước đây. Đó là một trong những lý do giải thích vì sao sự nghiệp đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo được toàn dân Việt Nam đồng tình, hưởng ứng và tích cực phấn đấu thực hiện”(16).
Thể hiện sự kiên định con đường mà Đảng, nhân dân ta đã chọn, Tổng Bí thư nhấn mạnh quan điểm: “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Theo đồng chí Tổng Bí thư: “Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”(17).
Trước những biến động nhiều mặt rất phức tạp trên thế giới và khu vực, những diễn biến không thuận của môi trường an ninh xung quanh, những tác động tiêu cực từ bên ngoài, đồng chí Tổng Bí thư khẳng định Đảng ta đã có những quyết sách đúng đắn, bước đi phù hợp để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, quốc phòng - an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước: “... chúng ta đã coi trọng củng cố, tăng cường sức mạnh quốc phòng và an ninh, chủ động xử lý thành công các tình huống, không để bị động, bất ngờ. An ninh chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, không ngừng mở rộng và đi vào chiều sâu; kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, đồng thời đóng góp tích cực, có trách nhiệm cho hòa bình, hợp tác, phát triển của thế giới và khu vực, được cộng đồng quốc tế đồng tình ủng hộ, đánh giá cao; uy tín, vị thế của Đảng, Nhà nước, thế và lực của đất nước không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế”(18).
Thứ ba, về tích cực, chủ động hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của đất nước. Nhằm tiếp tục định vị một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong cộng đồng quốc tế, trong tác phẩm, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhấn mạnh đến đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế(19) đã được Đại hội XIII của Đảng thông qua. Theo đồng chí Tổng Bí thư, đường lối đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam lấy nguyên tắc bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo vệ giang sơn, độc lập, chủ quyền của đất nước, nhưng giàu tính nhân văn, trọng lẽ phải, công lý, chính nghĩa, hòa hiếu, hữu nghị; “dùng ngoại giao để đẩy lùi xung đột; gắn với thực tiễn của thế giới, để đưa Việt Nam hòa nhập vào dòng chảy của thời đại”(20). Đường lối đối ngoại đó là sự kế thừa “triết lý và truyền thống ngoại giao của ông cha ta”, “tinh hoa văn hóa và kinh nghiệm ngoại giao thế giới”(21) làm nên bản sắc riêng, rất độc đáo của nền ngoại giao và hoạt động đối ngoại Việt Nam - một nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo, nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tùy cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”!(22).
Nhờ đường lối đối ngoại đúng đắn, nhờ đi đúng xu thế của thế giới, tranh thủ tốt các nguồn lực từ bên ngoài, sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam ngày càng đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong việc bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc để nâng cao thế và lực của đất nước trên trường quốc tế, góp phần gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Đến nay, quy mô kinh tế Việt Nam tăng gấp 12 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng 8,3 lần, kim ngạch xuất - nhập khẩu tăng 29,5 lần, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 22 lần, tỷ lệ hộ nghèo cả nước từ 58% năm 1993 giảm xuống chỉ còn 2,23% năm 2021 (tính theo chuẩn mới). Việt Nam có quan hệ thương mại với trên 220 đối tác, 71 nước đã công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam. Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm nhiều FTA thế hệ mới. Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 nước. Đảng ta đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia. Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước(23). Việt Nam cũng đăng cai tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn và hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế lớn. Trong nhiều vấn đề quốc tế quan trọng, tiếng nói, sáng kiến và cách thức giải quyết có lý, có tình, trên tinh thần bình đẳng, hòa hiếu và nhân văn của Việt Nam đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ của cộng đồng quốc tế, như lời khẳng định của đồng chí Tổng Bí thư “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(24). Có được điều đó là vì, Đảng và Nhà nước ta luôn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết, cũng như xác định được con đường phát triển cho toàn thể dân tộc - con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn là lực lượng duy nhất có đủ bản lĩnh, năng lực, trí tuệ lãnh đạo đất nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam./.
---------------------------------
(1) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 20
(2) Xem: Jack C. Plano - Roy Olton: The International Relations Dictionary (Từ điển Quan hệ quốc tế), Third Editions, ABC-CLIO Santa Barbarra, California, 1982, tr. 9
(3) Đặng Đình Quý: “Bàn thêm về lợi ích quốc gia - dân tộc trong hoạt động đối ngoại Việt Nam giai đoạn mới”, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, số 1 (80), tháng 3-2010, tr. 115
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 236
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 153
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 161 - 162
(7) Xem: Đặng Đình Quý: “Lợi ích quốc gia - dân tộc là nguyên tắc tối cao của hoạt động đối ngoại”, Trang thông tin điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam, ngày 24-8-2016, https://vov.vn/chinh-tri/loi-ich-quoc-gia-dan-toc-la-nguyen-tac-toi-cao-cua-hoat-dong-doi-ngoai-543351.vov
(8), (9), (10), (11) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 16 - 17, 17, 22, 26
(12), (13) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 19, 22 - 23
(14) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 20
(15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000, t. 10, tr. 128
(16), (17), (18), (19) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 31, 49, 2 - 3, 22
(20), (21), (22) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 179, 179, 182
(23) Xem: VGP News: “Kinh tế Việt Nam đang trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh”, Báo điện tử Đài Truyền hình Việt Nam, ngày 5-6-2022, https://vtv.vn/kinh-te/kinh-te-viet-nam-dang-tro-lai-quy-dao-tang-truong-nhanh-20220605181403573.htm
(24) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 32
Cục diện thế giới nhìn từ cuộc xung đột Nga - Ukraine  (12/08/2023)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên