Hà Nội chú trọng truyền thông tạo đồng thuận xã hội (kỳ 3): Tránh cứng nhắc, rập khuôn để tạo hiệu quả
TCCS - Việc thực hiện nghiêm túc, đúng đắn các đề án, kế hoạch, hướng dẫn về công tác truyền thông nói chung, đối với từng dự án, công việc cụ thể nói riêng là vấn đề đầu tiên, quan trọng, quyết định. Tuy nhiên, việc áp dụng không thể cứng nhắc, khiên cưỡng, rập khuôn mà luôn cần sự linh hoạt, ứng biến sáng tạo để tạo hiệu quả trong công tác truyền thông tạo đồng thuận xã hội.
Nâng cao chất lượng đội ngũ, đa dạng hóa các kênh truyền thông
Không có gì bàn cãi khi khẳng định rằng, con người đóng vai trò quyết định, then chốt trong thực thi công việc, ở tất cả các lĩnh vực khác nhau, trong đó có truyền thông. Nhận thức rõ điều này, thành phố Hà Nội từng bước kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác thông tin, tuyên truyền trong thời gian qua, thu được những kết quả tích cực. Việc kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác truyền thông được thực hiện đồng bộ, từ thành phố xuống cơ sở, để ngày càng nắm bắt dư luận xã hội một cách nhanh chóng, kịp thời, đúng bản chất, giúp công tác tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội được tiến hành tốt; kịp thời dự báo những vấn đề lớn, phức tạp có thể phát sinh, tác động đến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa các kênh truyền thông trong quá trình tuyên truyền được đặc biệt coi trọng, bảo đảm phù hợp với tính chất, vụ việc, từng đối tượng/nhóm đối tượng, phát huy hiệu quả cao nhất có thể.
Tại quận Hoàn Kiếm, vấn đề này được thể hiện khá rõ. Ban Thường vụ Quận ủy quan tâm định hướng công tác thông tin tuyên truyền; nâng cao chất lượng công tác biên soạn tài liệu bản tin quận hằng tháng. Trong năm 2023, quận chỉ đạo biên soạn, phát hành ấn phẩm thông tin tuyên truyền điện tử quận Hoàn Kiếm (phát hành mỗi quý 1 số, dung lượng 60 trang điện tử gồm 3 tính năng của ấn phẩm điện tử: Dạng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, video, biểu đồ và tích hợp sử dụng giọng đọc trí tuệ nhân tạo (AI) ở tất cả các trang, phù hợp với đảng viên lão thành, cao tuổi) gồm 3 chuyên mục chính: Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Thông tin cơ sở và Xây dựng quận Hoàn Kiếm thanh lịch - văn minh. Đây là tài liệu triển khai sâu rộng đến tất cả cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ quận, phục vụ sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt tổ dân phố và tất cả những người dân có quan tâm. Huyện kiện toàn ban chỉ đạo và tổ cộng tác viên Ban chỉ đạo 35 quận, tích cực đấu tranh với hoạt động “diễn biến hòa bình” và thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; đồng thời chủ động đấu tranh, phê phán, ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, dư luận xã hội quan tâm và những phát sinh về tư tưởng góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn.
Đồng chí Nguyễn Quốc Khánh - Phó Bí thư Thường trực Quận ủy - cho biết, quận tính toán kỹ lưỡng, làm cách nào để đổi mới, phù hợp với thực tiễn từ quận xuống cơ sở... “Các bác tuổi cao, yêu Đảng, yêu chế độ, yêu Bác Hồ lắm, nhưng mắt kém, ngồi lâu cũng mệt, vì vậy từ tháng 4-2023, chúng tôi tiến hành số hóa, xuất bản ấn phẩm điện tử tích hợp các chức năng đọc, xem, nghe phù hợp với từng đối tượng, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền”, đồng chí Khánh cho biết. Theo đồng chí Khánh, việc số hóa còn được triển khai áp dụng quét mã QR code để người dân dễ dàng truy cập, nắm bắt được thông tin về nhiều lĩnh vực trên địa bàn quận, nhờ đó kịp thời giải quyết bức xúc của người dân, không phát sinh khiến kiện, tụ tập đông người. Quận cũng thành lập những nhóm thông tin trên mạng xã hội, nhất là Zalo để kịp thời tuyên truyền bằng tin nhắn, gửi mã QR code, đường link cần tuyên truyền tới các nhóm đối tượng khác nhau, giúp thông tin được chuyển tải nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng, ngày 6-2-2023, quận đổi mới hình thức tổ chức sinh hoạt chính trị bằng việc cho cán bộ, đảng viên đi xem 2 vở kịch “Bác Hồ và mùa xuân năm ấy” và “Đoàn kết là sức mạnh” giúp bà con cảm nhận, thấu hiểu sâu sắc hơn về những vấn đề rất thiết thực trong đời sống xã hội là cán bộ gần dân, sức mạnh của đoàn kết...
Chú trọng những phương tiện, hình thức truyền thông mới, số hóa công tác tuyên truyền, nhưng quận Hoàn Kiếm cũng không bỏ quên những phương tiện thông tin truyền thống, nhất là hệ thống đài truyền thanh cơ sở (hay gọi là loa phường). Đồng chí Khánh kể lại, đúng thời điểm dịch COVID-19 bùng phát thì quận triển khai tổ chức chính quyền đô thị. Quận rất lo vì đây là công việc khó, trong khi không còn hội đồng nhân dân cấp phường, lại giảm đầu mối tổ dân phố, cán bộ ban công tác mặt trận... Quận tập trung tuyên truyền từ đầu, trọng tâm, trọng điểm để bà con, người dân hiểu. Rất may, việc thực hiện thuận lợi, đặc biệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Trong khi đó, quận Hai Bà Trưng cũng bố trí đầy đủ biên chế, kịp thời củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin, tuyên truyền. Quận có 5 báo cáo viên cấp thành phố, 29 báo cáo viên cấp quận; 389 tuyên truyền viên tại cơ sở. Mỗi phường đều cử tối thiểu 1 lãnh đạo là đồng chí phó chủ tịch phụ trách văn hóa - xã hội, 1 đồng chí cán bộ phụ trách hệ thống đài truyền thanh cơ sở. Đặc biệt, 18 phường trên địa bàn quận đã hoàn thành việc thay thế hệ thống truyền thanh hữu tuyến (có dây), đưa vào sử dụng đồng bộ, hiệu quả hệ thống truyền thanh số hóa theo công nghệ FM không dây với tổng số 528 cụm loa và 1.056 loa, bảo đảm vận hành, quản lý, bảo trì đơn giản, chất lượng tín hiệu thu tốt, ít phụ thuộc địa hình… Hằng năm, đội ngũ cán bộ tuyên giáo, báo cáo viên, truyên truyền viên cơ sở, công chức hoạt động trong lĩnh vực thông tin, tuyên truyền được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ truyền thông cơ bản bảo đảm năng lực, có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu công việc, nhiệm vụ được giao. Đồng chí Trần Quyết Thắng - Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch Hội đồng nhân dân quận - cho biết, quận chú trọng công tác truyền thông trên cơ sở cả hệ thống chính trị vào cuộc, cụ thể hóa chủ trương, chính sách phù hợp với đặc thù, đặc điểm của từng phường, cả quận, vận dụng cụ thể thì khi tuyên truyền người dân mới thấm, mới nghe và hiểu. “Cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị vào cuộc, không thể “ông chẳng bà chuộc”. Về mặt chính sách, phải làm hết cho dân, không bao giờ được làm chính sách nửa vời, bịt kẽ hở chính sách để tránh tham nhũng, tiêu cực. Cần công khai, minh bạch, dân chủ để dân biết, dân bàn trước khi ra quyết định. Phải tìm hiểu từng nhóm đối tượng, thậm chí từng đối tượng để có hình thức, phương pháp phù hợp, khéo léo, mềm dẻo,... trong tiếp cận, “đả thông” tư tưởng của người dân. Sau khi đã hết cơ chế, chính sách mà đối tượng nào không tuân thủ thì phải cưỡng chế”, đồng chí Thắng cho biết.
Chính vì thế, rất nhiều công việc được tiến hành thuận lợi, không xảy ra tình trạng khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo vượt cấp; điển hình như việc giải phóng mặt bằng đường Vành đai 1, Vành đai 2 với hơn 1.000 hộ dân bị ảnh hưởng mà không phải cưỡng chế trường hợp nào. Hay các sự việc liên quan đến giải tỏa “xóm liều” Thanh Nhàn, xây mới chung cư cũ ở khu tập thể Nguyễn Công Trứ, công tác phòng cháy, chữa cháy, tuyến phố bích họa... Đồng chí Thắng khiêm tốn “không dám tự hào, nhưng là kỳ tích. Nhân dân làm cả, chứ Nhà nước không thể làm nổi. Người dân không đồng thuận sao thực hiện được”. Tất nhiên, có được sự đồng thuận đó, ngoài những vấn đề đã đề cập ở trên, đồng chí Thắng cho rằng, trong những năm qua, quận luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao đối với công tác thông tin, tuyên truyền trên cơ sở bám sát những văn bản chỉ đạo của Trung ương, thành phố. Đồng thời, quận cũng chỉ đạo các hoạt động thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, trang trọng, thiết thực, hiệu quả, có ý nghĩa giáo dục cao, kết hợp với tuyên truyền các sự kiện chính trị quan trọng và các ngày lễ lớn của dân tộc, Thủ đô, quận. Hằng năm, Quận ủy xây dựng các kế hoạch thông tin đối ngoại của năm, kế hoạch tuyên truyền các nhiệm vụ lớn; đồng thời, chỉ đạo Ban Tuyên giáo Quận ủy xây dựng các hướng dẫn thông tin, tuyên truyền đối với từng nhiệm vụ cụ thể. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Thường vụ Quận ủy, Ủy ban nhân dân quận, Ban Tuyên giáo Quận ủy đã ban hành 285 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn công tác thông tin, tuyên truyền. Hằng tháng, Ban Tuyên giáo Quận ủy đều ban hành công văn hướng dẫn trọng tâm công tác tuyên truyền tháng. Định kỳ tổ chức 11 hội nghị báo cáo viên, tuyên truyền viên/1 năm cung cấp thông tin về những nhiệm vụ chính trị cụ thể tình hình thời sự, chính trị, kinh tế - xã hội nổi bật được dư luận nhân dân quan tâm; bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các hội nghị chuyên đề; triển khai hội nghị thông tin đột xuất khi có vấn đề nóng xảy ra.
Đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng công tác truyền thông
Trong bối cảnh truyền thông số bùng nổ hiện nay, việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng công tác truyền thông là điều bắt buộc, để có thể tiếp cận người dân một cách nhanh chóng, hiệu quả, tạo sự đồng thuận xã hội. Quận Hai Bà Trưng luôn quan tâm đến đổi mới nội dung và đa dạng hoá các nội dung thông tin, tuyên truyền. Nội dung thông tin đã được lựa chọn, mang tính thời sự, đúng định hướng gắn với nhiệm vụ chính trị, yêu cầu thực tiễn của quận bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, không ngừng đổi mới về hình thức, nội dung, tăng về số lượng, chất lượng ngày càng được nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin và định hướng tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Bên cạnh các phương thức truyền thống, quận đã tăng cường nghiên cứu, áp dụng các phương thức thông tin, tuyên truyền mới, tận dụng sự phát triển của mạng internet, mạng xã hội, hội/nhóm, vận động sự ủng hộ, sức ảnh hưởng của chức sắc tôn giáo, văn nghệ sĩ, đội ngũ trí thức, người có uy tín cao trong cộng đồng, thông qua các hoạt động thực tế, hoạt động cộng đồng,... tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động trong đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ làm công tác thông tin, tuyên truyền nói riêng. “Bằng những việc làm cụ thể, đội ngũ cán bộ thông tin, tuyên truyền đã nâng cao tính tự giác, chủ động học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đồng thời, tích cực tuyên truyền vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động với nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tế cơ sở”, đồng chí Nguyễn Duy Sơn - Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Hai Bà Trưng - cho biết.
Huyện Sóc Sơn chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng công tác truyền thông trên địa bàn. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sóc Sơn Nguyễn Nam Hà nêu kinh nghiệm, “tuyên truyền phải đứng ở góc độ người dân, không chỉ lý thuyết, nói suông mà phải đi vào tâm tư, nguyện vọng của người dân bằng nhiều kênh khác nhau... Cán bộ tuyên truyền phải có kỹ năng thuyết phục mềm dẻo, linh hoạt, đúng pháp luật; phải am hiểu, kiên trì, lắng nghe, nhẹ nhàng giải thích chứ không phản ứng ngay. Mục tiêu tuyên truyền là để mọi người dân đều hiểu, thông suốt, không có gì thắc mắc là chưa được biết, bởi mọi thứ đều công khai, minh bạch”.
Đồng chí Nguyễn Anh Cường - Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân quận Đống Đa - còn cho biết, thậm chí việc đổi mới, sáng tạo trong công tác truyền thông của quận “chẳng biết có đúng không”, một số việc “còn bị tuýt còi”, nhưng cứ “mạnh dạn làm”, ví như việc quận sử dụng nhiều kênh truyền thông, đầu tư mua điện thoại thông minh, bố trí phụ cấp cho đội ngũ làm công tác tuyên truyền để cập nhật, lan tỏa thông tin cần thiết; xây dựng bản tin nội bộ điện tử để cập nhật thông tin kịp thời... Tuy nhiên, “phải vận dụng, bởi không thế thì không có công cụ để làm việc. Ví dụ trang 360 độ Đống Đa được cập nhật toàn diện, thường xuyên, để người dân tiếp cận thông tin cần quan tâm, tìm đến nội dung cần tuyên truyền của mình. Khi phát sinh điểm nóng, phức tạp cán bộ tuyên truyền phải trực tiếp lắng nghe, cần thiết thì xuống cơ sở gặp gỡ, trao đổi, giải đáp, tháo gỡ,... để tạo sự đồng thuận”.
Tại huyện Thanh Trì, Ban Tuyên giáo Huyện ủy tham mưu cho lãnh đạo huyện định hướng công tác tuyên truyền định kỳ, đột xuất thông qua hội nghị báo cáo viên, bản tin nội bộ, mạng xã hội, mã QR code, website, hệ thống truyền thanh cơ sở ở tất cả 16 xã, thị trấn trên địa bàn. Đồng chí Lý Duy Xuân - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy - cho biết, mỗi tháng huyện xuất bản, phát hành khoảng 400 cuốn bản tin nội bộ, tạo mã QR code để ai cũng có thể đọc được nhằm lan tỏa rộng rãi. Huyện cũng tập trung tuyên truyền trực tiếp, định kỳ hằng tháng cho hơn 300 báo cáo viên, tuyên truyền viên, cập nhật thông tin của thành phố, địa phương, các chuyên đề phù hợp. Huyện chủ động tuyên truyền trước, trong và sau các sự kiện, vấn đề một cách đồng bộ, bằng nhiều hình thức, loại hình khác nhau tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị rồi đến nhân dân, từ đó giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân thấm nhuần, có ý thức trách nhiệm cao hơn trong thực hiện công việc. Đồng thời, chú trọng tuyên truyền các mô hình hay, cách làm sáng tạo để lan tỏa, tạo hiệu ứng tích cực trong thực thi công việc, các phong trào thi đua.
Tận dụng, phát huy ưu thế của mạng xã hội
Hơn 1 thập niên trở lại đây, mạng xã hội phát triển bùng nổ, tác động sâu rộng đến đời sống xã hội, đến việc tiếp nhận thông tin của người dân. Trong bối cảnh ấy, việc tận dung, phát huy ưu thế của mạng xã hội trong công tác truyền thông là điều đương nhiên. Ngày 29-9-2022, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành quyết định số 3550/QĐ-UBND, về việc phê duyệt Đề án tăng cường thông tin tích cực trên không gian mạng giai đoạn 2022 - 2025. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn cần tiếp tục xây dựng, vận dụng có hiệu quả các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo,… để lan tỏa thông tin tích cực trên nhiều lĩnh vực. Thực tế, tất cả các quận, huyện trên địa bàn Thủ đô đều chú trọng nhánh truyền thông này và đạt hiệu quả rất cao. Các địa phương đều xác định được đối tượng, đặc điểm, nội dung trong việc tuyên truyền trên mạng xã hội một cách nhanh chóng, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ lan tỏa, phù hợp với nhu cầu tiếp nhận thông tin của người dân thông qua hình ảnh, video, âm nhạc, đồ họa... Mặt khác, mạng xã hội cũng là nơi giúp các cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt nhanh chóng, chính xác tâm tư, nguyện vọng của người dân để có hướng xử lý, giải quyết kịp thời, tránh phát sinh những điểm nóng.
Ví dụ, tháng 7-2022, Ban Thường vụ Quận ủy Hai Bà Trưng đã thành lập Ban Chỉ đạo 35 thay thế Ban Chỉ đạo 94; giao Ban Tuyên giáo Quận ủy xây dựng, quản lý, vận hành 2 trang fanpage, 2 trang chính danh, 6 trang ẩn danh, 8 trang vệ tinh. Các phường đã đưa vào hoạt động trang/nhóm riêng; thường xuyên viết, đăng tải, chia sẻ các tin, bài về hoạt động từ quận tới phường trên các trang/nhóm do Ban Tuyên giáo quản lý. Nhiệm vụ chính là tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, gương người tốt, việc tốt, chia sẻ các thông tin mang tính thời sự thu hút sự quan tâm của độc giả; tuyên truyền, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, tuyên truyền, định hướng người xem, cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc, lôi kéo của các đối tượng chống đối chính trị.
Trong khi đó, Ba Vì là huyện có địa bàn rộng, liên quan đến nhiều dự án lớn, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh điểm nóng, khiếu kiện... Vì vậy, công tác truyền thông được đặc biệt chú trọng, trong đó có truyền thông trên mạng xã hội, nhất là Zalo, Facebook... Đồng chí Phùng Đăng Hường - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Huyện ủy - cho biết, “huyện hết sức quan tâm xây dựng lực lượng tuyên truyền, cộng tác viên, kể cả việc thu hút đội ngũ lãnh đạo cơ sở... Tất cả 31 xã trong huyện đều có trang web, tất cả các đảng uỷ, xã, ngành đều có fanpage để đăng tải thông tin kịp thời, thậm chí truyền hình trực tiếp để bà con đi cấy cũng xem được, nhờ vậy góp phần lan toả thông tin tích cực, đấu tranh bác bỏ thông tin tiêu cực, giảm tải thông tin xấu độc trên địa bàn, kịp thời chuyển tải thông tin, tạo hiệu ứng tích cực, sự đồng thuận trong nhân dân”.
Tại quận Đống Đa, đồng chí Đinh Thị Lan Hương - Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị quận - cho biết, quận duy trì đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội, tổ chức giao ban, tập hợp, năm bắt điểm nóng, tham mưu, tư vấn tìm giải pháp tháo gỡ thông qua nhiều kênh tuyên truyền khác nhau để giúp các đối tượng nắm bắt, hiểu được. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động thông tin tuyên truyền tạo sự đồng thuận, lan toả trong xã hội. “Chúng tôi thành lập các fanpage của quận, tổ chức chính trị xã hội, cơ sở. Cả trang chính danh và ẩn danh, trang vệ tinh nhằm tạo chân rết lan toả thông tin, cả những thông tin chuyên sâu, chuyên ngành, đẩy nhanh thông tin lãnh đạo, chỉ đạo một cách kịp thời, sâu rộng đến nhân dân... Việc ứng dụng nhiều kênh truyền thông, cả cổng thông tin điện tử, nhóm Zalo có những mặt tích cực, giúp quận nắm được hết thông tin, đôi khi chỉ đạo trực tiếp trên đó, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn”, đồng chí Hương cho biết. Tại phường Láng Thượng, quận Đống Đa, việc ứng dụng mạng xã hội trong tuyên truyền thu được kết quả tích cực. Đồng chí Đàm Thế Anh - Bí thư Đảng ủy phường - cho biết, trên địa bàn phường có Chùa Láng, khá phức tạp về công tác tôn giáo, nếu không tuyên truyền, vận động quần chúng đi theo tình hình phức tạp sẽ lan ra cả phường. Khi tổ chức phục dựng lễ hội Chùa Láng vào tháng 4-2023, phường tiến hành đổi mới trong cách nhìn, cách làm, hành động, đặc biệt là việc tuyên truyền trên mạng xã hội, nhất là các nhóm Zalo... Vì thế, cũng lo lắng nhiều, nhưng không ngờ dân đồng thuận lớn thế. “Đi đâu chúng tôi cũng chụp ảnh, chỉ đạo cụ thể trên nhóm Zalo, như thế mới triển khai được kịp thời, hiệu quả, đồng thời kiểm tra, giám sát được công việc”, ông Anh cho biết.
Tại huyện Thanh Trì, công tác truyền thông được thực hiện trên website của huyện, 16 trang nhánh của các xã, thị trấn, cập nhật thông tin hằng ngày, các lĩnh vực khác nhau; đồng thời lấy đường link gửi nhóm Zalo để cập nhật thông tin, triển khai nhiệm vụ, tạo sự đồng thuận của nhân dân. Từ năm 2018, khi có Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, huyện Thanh Trì xây dựng Fanpage Thanh Trì quê tôi, 200 trang mạng xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, xã. Vì vậy, thông tin đồng bộ, thông suốt. Huyện tập huấn thường xuyên cho hơn 40 đồng chí thuộc tổ cộng tác viên Ban chỉ đạo 35 để thường xuyên, liên tục tương tác, tuyên truyền thông tin tích cực, pha loãng thông tin tiêu cực trên không gian mạng. Đồng thời, tuyên truyền sâu rộng, nổi bật kết quả đạt được để lan toả điều tích cực, thấy rõ hiệu quả lãnh đạo của Đảng... Các trang mạng xã hội được coi như trang tin tức của huyện, cán bộ nắm trước rồi thông qua hệ thống báo cáo viên, tuyên truyền viên, những người có uy tín nên mức độ lan toả rất nhanh. Đặc biệt, huyện ký kết với các cơ quan báo chí trên địa bàn để chủ động truyền thông từ sớm, từ đầu trên các kênh chính thống để tạo đồng thuận xã hội. Đồng chí Lê Tiến Nhật - Bí thư Huyện ủy Thanh Trì - cho rằng, “cơ bản đảng viên, nhân dân đều tốt, nắm bắt, am hiểu nhận thức về chính trị tốt. Tuy nhiên, thời buổi hiện nay thông tin đa chiều, công tác tư tưởng khó khăn nên phải tính thế nào để phù hợp từng giai đoạn, thời điểm, nhiệm vụ... Ngoài việc chủ động tuyên truyền trên báo chí chính thống, huyện chú trọng các hình thức tuyên truyền phù hợp, bởi mỗi kênh đều có thế mạnh riêng, nhiều trường hợp đặc biệt thì tuyên truyền miệng lại rất có tác dụng, hiệu quả. Vấn đề quan trọng nhất là phải tuyên truyền đúng, sát chủ trương, tháo gỡ mọi lăn tăn, vướng mắc của người dân”.
Dù sử dụng, phát huy thế mạnh của tất cả các kênh truyền thông, tận dụng ưu thế của mạng xã hội, nhưng Hà Nội luôn xác định báo chí là kênh chính thống, hết sức quan trọng, đóng vai trò quyết định trong công tác truyền thông tạo định hướng dư luận, đồng thuận xã hội, đóng góp tích cực, thiết thực vào quá trình xây dựng, phát triển của Thủ đô./.
-----------------
Kỳ cuối: Để báo chí định hướng, tạo đồng thuận xã hội, góp phần thiết thực vào sự phát triển của Thủ đô
Hà Nội chú trọng truyền thông tạo đồng thuận xã hội (kỳ 2): Chủ động, đồng bộ, kịp thời, linh hoạt, sáng tạo  (05/06/2023)
Hà Nội chú trọng truyền thông tạo đồng thuận xã hội (kỳ 1): Truyền thông và sứ mệnh dẫn dắt, định hướng dư luận  (28/05/2023)
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng: Hà Nội tập trung xây dựng khu vực phòng thủ ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô  (30/03/2023)
Sử dụng truyền thông xã hội trong bối cảnh hiện nay  (19/03/2023)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm