Sức lan tỏa của Cuộc thi “Bác Hồ với Nam Định, Nam Định với Bác Hồ”
TCCS - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đến phong trào cách mạng của quê hương Nam Định - vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, cái nôi của phong trào công nhân những năm đầu thế kỷ XX và là một trong những địa phương có tổ chức đảng ra đời sớm nhất cả nước. Năm 2023, kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm, lần đầu tiên tỉnh Nam Định tổ chức chuỗi hoạt động có quy mô lớn, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, trong đó, Cuộc thi viết “Bác Hồ với Nam Định, Nam Định với Bác Hồ” được phát động trên địa bàn toàn tỉnh. Đây là hoạt động thiết thực, có sức lan tỏa rộng khắp, tạo nên đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Xác định Cuộc thi viết với chủ đề “Bác Hồ với Nam Định, Nam Định với Bác Hồ” là một trong những hoạt động trọng tâm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định (21-5-1963 - 21-5-2023), ngay sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 81-KH/TU, ngày 5-12-2022 “Về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định”, Tỉnh ủy Nam Định ban hành Kế hoạch số 82-KH/TU “Về tổ chức Cuộc thi viết “Bác Hồ với Nam Định, Nam Định với Bác Hồ”. Ngày 10-1-2023, Thường trực Tỉnh ủy Nam Định tổ chức lễ phát động cuộc thi, tuyên truyền và thu hút cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia. Đây là sự kiện mở đầu cho chuỗi các hoạt động của tỉnh chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm Nam Định.
Với vai trò là cơ quan thường trực cuộc thi, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã hướng dẫn, thường xuyên nắm bắt tình hình, tiến độ triển khai cuộc thi đối với các địa phương, đơn vị trong tỉnh; sưu tầm hệ thống tư liệu phục vụ cuộc thi đăng tải trên trang thông tin điện tử của Ban Tuyên giáo giúp cán bộ, đảng viên dễ dàng tiếp cận và chia sẻ thông tin. Để cuộc thi bảo đảm yêu cầu và tiến độ đề ra, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hưởng ứng cuộc thi, hướng dẫn cách khai thác, sử dụng tư liệu để triển khai hiệu quả; đồng thời tổ chức thông tin tuyên truyền về cuộc thi trên tất cả các kênh tuyên truyền của Ban. Theo đó, trang thông tin điện tử đã xây dựng chuyên mục “Kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Nam Định” đăng tải hệ thống các tư liệu phục vụ việc nghiên cứu, viết bài tham gia cuộc thi; đăng tải kế hoạch, thể lệ và các nội dung liên quan đến cuộc thi; trang fanpage “Đất Thiên Trường”, nhóm facebook “Nam Định trong tôi” của Ban Chỉ đạo 35 tỉnh lập chuyên mục “Lời Bác dạy ngày này năm xưa”, hằng ngày đăng tải lời căn dặn, các bài huấn thị của Người, đồng thời có nhiều tin, bài, đồ họa thông tin về cuộc thi, tuyên truyền 5 lần Bác Hồ về thăm Nam Định, những huấn thị, bức thư Bác gửi Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh. Trong chiến dịch truyền thông cao điểm, đã có gần 400 tin, bài, thiết kế đồ họa thông tin tuyên truyền về cuộc thi, những lần Bác Hồ về thăm tỉnh, các bức thư Bác gửi các địa phương, đơn vị trong tỉnh.
Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, 15/15 đảng bộ huyện, thành phố và các đảng bộ trực thuộc tỉnh; các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh đã xây dựng kế hoạch, ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền về cuộc thi thông qua hệ thống phát thanh - truyền thanh cơ sở, trang, cổng thông tin điện tử, đội ngũ báo cáo viên, các hội nghị, các trang, nhóm facebook của địa phương, đơn vị. Nhiều địa phương, đơn vị có cách làm hay sáng tạo thông qua các hình thức, như tổ chức trắc nghiệm trên hệ thống trang thông tin điện tử của đơn vị (Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Nam Định); tổ chức cho học sinh thi trắc nghiệm về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng; tình cảm của Bác dành cho quê hương Nam Định; truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân Nam Định vào các buổi chào cờ tuần, sinh hoạt dưới cờ (thành phố Nam Định, huyện Ý Yên); trình chiếu phim tư liệu, tổ chức những buổi sinh hoạt ngoại khóa, hành trình về nguồn, thăm các nhà bảo tàng của tỉnh, Bảo tàng Dệt - nơi trưng bày những kỷ vật của Bác qua 5 lần về thăm của các trường học trên địa bàn tỉnh Nam Định. Các cơ quan báo chí, nhất là Báo Nam Định, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã mở chuyên mục, tiểu mục, xây dựng đoạn phim giới thiệu, triển khai tuyến tin, bài với nội dung và hình thức phong phú, hấp dẫn truyền tải hiệu quả các thông tin liên quan, phản ánh không khí triển khai, sức lan tỏa của cuộc thi tại các địa phương, đơn vị. Các trang, cổng thông tin điện tử của tỉnh và một số sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị đã tích cực đăng tải kế hoạch, thể lệ, bài tuyên truyền về cuộc thi với nhiều lượt truy cập, theo dõi của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn.
Trong suốt quá trình tổ chức, phát động cuộc thi, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - Cơ quan Thường trực Cuộc thi đã nhận được sự phản hồi tích cực từ những tập thể, cá nhân quan tâm đến cuộc thi thông qua các kênh thông tin, như trang thông tin điện tử hoặc trực tiếp gặp gỡ để phản ánh những vướng mắc trong quá trình tổ chức, tham gia Cuộc thi; để được hướng dẫn tư liệu cũng như các nguồn tài liệu tham khảo và thông tin về kết quả cuộc thi. Có thể nói, với việc chỉ đạo sát sao của cấp ủy, sự vào cuộc trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền về Cuộc thi viết “Bác Hồ với Nam Định, Nam Định với Bác Hồ” đã được triển khai thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, binh chủng tuyên truyền; từ đó tạo thành một phong trào sôi nổi, rộng khắp trong các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, các tầng lớp nhân dân tìm hiểu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tích cực nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, tìm tòi, sáng tạo các hình thức thể hiện để có bài dự thi chất lượng nhất.
Sau hơn 3 tháng phát động triển khai, Cuộc thi viết “Bác Hồ với Nam Định - Nam Định với Bác Hồ” đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia. Trong đó, có nhiều bài dự thi của cán bộ, công chức, viên chức; nhà khoa học, nhà nghiên cứu sưu tầm; người cao tuổi, cán bộ, hội viên các tổ chức hội, đoàn thể; lực lượng cán bộ vũ trang; đại diện tổ chức tôn giáo, đông đảo đoàn viên thanh niên, học sinh, giáo viên các cấp học, đặc biệt có người tham gia dự cuộc thi đã có 3 lần vinh dự được gặp Bác Hồ. Cuộc thi còn thu hút được sự hưởng ứng tham gia của người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Nam Định (với bài thi viết song ngữ Việt - Hàn); một số bài dự thi tham gia đến từ tỉnh Đồng Nai, Quảng Trị, Nghệ An, Quảng Bình, Hưng Yên, Hà Nội,... với tổng số 280.017 bài dự thi. Trong đó, thành phố Nam Định là đơn vị có nhiều bài dự thi nhất với trên 100.000 bài. Tác giả dự thi cao tuổi nhất sinh năm 1917 (106 tuổi), tác giả ít tuổi nhất sinh năm 2016 (7 tuổi) đều cư trú tại thành phố Nam Định. Các bài dự thi của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh hưởng ứng Cuộc thi viết “Bác Hồ với Nam Định, Nam Định với Bác Hồ” là những cảm nhận về giá trị cốt lõi trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, những câu chuyện, bài học, kỷ niệm về Bác Hồ gắn với thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt thể hiện liên hệ sâu sắc trách nhiệm của địa phương, ngành, lĩnh vực công tác và bản thân học và làm theo Bác. Không chỉ sâu sắc về nội dung, nhiều tác phẩm dự thi được đầu tư công phu, đa dạng về hình thức thể hiện. Nhiều bài dự thi được đầu tư, công phu với tài liệu thuyết minh, ứng dụng công nghệ, như thiết kế mã QRcode để thuận tiện theo dõi nghiên cứu trên điện thoại thông minh, xây dựng các video clip minh họa, làm các mô hình, sa bàn, tranh cát,... hỗ trợ cho tác phẩm dự thi. Bên cạnh những bài dự thi đánh máy, in ấn trên chất liệu giấy đẹp, còn có rất nhiều bài dự thi được viết tay cẩn thận, sạch đẹp, trang trí công phu trên 500 trang với nhiều hình ảnh, tư liệu quý Bác Hồ với Nam Định qua các bài báo.
Công tác đánh giá, xếp loại bài thi được thực hiện nghiêm túc bài bản, khoa học, chặt chẽ bảo đảm sự công bằng, khách quan. Để bảo đảm tiến độ cũng như tính thiết thực trong việc đánh giá chất lượng các bài dự thi và chấm giải, Ban Giám khảo cuộc thi tổ chức rà soát, chấm sàng lọc, lựa chọn 100 bài có chất lượng cao nhất vào vòng chấm, xếp giải trong số 1.818 bài thi tiêu biểu của các địa phương, đơn vị. Kết quả, Ban Tổ chức Cuộc thi đã trao 1 giải Đặc biệt, 1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 10 giải Ba, 25 giải Khuyến khích; đồng thời, trao tặng 10 Bằng khen cho 10 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong cuộc thi.
Có thể nói, Cuộc thi viết với chủ đề “Bác Hồ với Nam Định, Nam Định với Bác Hồ” được triển khai nghiêm túc, bài bản, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở và bảo đảm mục đích, yêu cầu và tiến độ theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Kết quả cuộc thi không chỉ dừng ở các giải thưởng mà quan trọng hơn là ý nghĩa nhân văn sâu sắc và giá trị tuyên truyền, giáo dục của cuộc thi. Cuộc thi đã trở thành một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân toàn quân; là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất, tạo động lực thúc đẩy, lan tỏa phong trào thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đưa việc học tập và làm theo Bác ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả. Từ thành công của cuộc thi, Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh có thêm niềm tin, động lực mới tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, quyết tâm hiện thực hóa khát vọng xây dựng tỉnh Nam Định phát triển nhanh và bền vững, là tỉnh khá của cả nước vào năm 2030./.
Thực hiện lời Bác dạy, Nam Định tiếp tục phát huy ý chí tự cường và khát vọng vươn lên xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp*  (22/05/2023)
Nam Định tự hào 5 lần được đón Bác về thăm  (21/05/2023)
Kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định (21-5-1963 - 21-5-2023)  (20/05/2023)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay