Nam Định giải quyết khó khăn, tạo đà phát triển kinh tế
TCCS - Ngày 6-7-2022, tại Kỳ họp thứ bảy, Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2026, các đại biểu đã chất vấn lãnh đạo các sở, ngành nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn ở cơ sở được cử tri và nhân dân quan tâm. Tại kỳ họp này, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội.
Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đã phản ánh nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri về những vấn đề còn tồn tại, phát sinh trong thực tế; đồng thời chất vấn lãnh đạo các sở, ngành về giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc như công tác quản lý, xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải rắn; chất lượng khám chữa bệnh của các cơ sở y tế cũng như biện pháp giải bài toán thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế; việc chi trả chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho các cơ sở y tế...
Thông tin về thực trạng xử lý rác thải, chất thải, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Văn Sơn cho biết, tỉnh có 73 xã đang sử dụng bãi chôn lấp rác thải, 109 xã có lò đốt rác. Theo thống kê sơ bộ, lượng rác thải sinh hoạt, chất thải rắn trên địa bàn có xu hướng ngày càng gia tăng, khoảng 1.000 tấn/ngày. Công tác phân loại, xử lý rác thải gặp khó khăn do nhiều bãi chôn lấp rác quá tải; một số lò đốt rác sử dụng nhiều năm đã xuống cấp...
Trước thực trạng đó, thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh sẽ tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh quy hoạch thêm 4-5 khu xử lý rác thải tập trung quy mô huyện, liên huyện sử dụng công nghệ hiện đại. Trước mắt, Sở đề nghị ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện hiệu quả Đề án quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2081/QĐ-UBND, ngày 20-8-2020; đồng thời bố trí mặt bằng điểm tập kết rác đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, bảo vệ môi trường. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố rà soát lại quỹ đất và thực tế tại địa phương, chuẩn bị địa điểm, vị trí thuận lợi để thu hút nhà đầu tư, kêu gọi xã hội hóa việc xây dựng khu xử lý rác thải tập trung quy mô huyện, liên huyện theo hướng hiện đại với quy mô mỗi khu có diện tích khoảng 10ha; tập trung cải tạo các bãi chôn lấp rác và duy trì hoạt động lò đốt rác hiện có để xử lý rác, không để rác thải tồn đọng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân.
Về vấn đề nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân, bảo đảm thuốc, trang thiết bị vật tư y tế cho các cơ sở y tế, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nam Định Trần Trung Kiên cho hay, ngành y tế tỉnh đang gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh. Không ít cơ sở y tế, nhất là các trạm y tế cơ sở vật chất xuống cấp. Thời gian qua, cũng như nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, các cơ sở y tế tại Nam Định có tình trạng thiếu một số loại thuốc và trang thiết bị vật tư y tế.
Để giải quyết vấn đề trên, Sở Y tế tỉnh đã ký hợp đồng mua thuốc năm 2022 - 2023; dự kiến ngày 10-7-2022 tới sẽ có một số loại thuốc cung cấp cho các cơ sở khám chữa bệnh. Ngành y tế tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngay tại các cơ sở y tế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nâng cao trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh của đội ngũ y, bác sĩ. Sở đề nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm hỗ trợ trong công tác mua sắm trang thiết bị vật tư y tế, có cơ chế, chính sách thu hút, bổ sung nhân lực cho ngành, nhất là đội ngũ bác sĩ.
Tại kỳ họp này, Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định cũng đã thông qua 23 nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội. Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất thông qua Nghị quyết ban hành Quy định nguyên tắc, định mức và phương án phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022 trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết về việc chấp thuận bổ sung danh mục công trình, dự án chuyển mục đích sử dụng đất dưới 10ha đất trồng lúa sang mục đích khác năm 2022 trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết về việc chấp thuận chủ trương thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình theo hình thức đối tác công tư...
Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị cho biết, từ nay đến cuối năm cũng như các năm tiếp theo, tỉnh tập trung tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt, tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, tạo việc làm cho lao động, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Tỉnh gấp rút hoàn thành xây dựng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch vùng liên huyện Hải Hậu - Giao Thủy và vùng liên huyện Nghĩa Hưng - Ý Yên đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2070, làm cơ sở cho việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Nam Định đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, như khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần; Bệnh viện đa khoa tỉnh; tuyến đường bộ ven biển đoạn đi qua tỉnh Nam Định; tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn II); phấn đấu hoàn thành thủ tục đầu tư để khởi công các dự án: Xây dựng cầu qua sông Đào; đường trục phía Nam thành phố Nam Định (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B); xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển.
Nam Định phối hợp với Bộ Giao thông vận tải đẩy nhanh tiến độ xây dựng Dự án cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ; cầu Bến Mới; hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng để khởi công cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ; phối hợp với các tỉnh trong vùng để lập dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng theo Thông báo số 195/TB-VPCP ngày 4-7-2022 của Văn phòng Chính phủ... Đây là những dự án động lực, tạo đột phá trong phát triển kinh tế địa phương.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 nhằm tạo chuyển biến tích cực, thực chất để hấp dẫn các nhà đầu tư. Tỉnh cũng xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số và Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cấp độ 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp giải quyết thủ tục hành chính với cơ quan Nhà nước...
Sáu tháng qua, kinh tế của tỉnh có sự khởi sắc. Một số chỉ tiêu kinh tế đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ và cao hơn bình quân chung của cả nước. Tổng sản phẩm GRDP tăng 8,37% (cùng kỳ năm 2021 tăng 7,07%; năm 2020 tăng 4,29%), xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 65% dự toán, tăng 26% so với cùng kỳ./.
Dương Dương (tổng hợp)
Nam Định: Cử tri kiến nghị nhiều vấn đề về đời sống, xã hội  (25/06/2022)
Bắc Ninh: Tổng sản phẩm 6 tháng đầu năm 2022 tăng 14,7%  (18/06/2022)
Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh Nam Định năm 2021 tăng 7 bậc  (15/06/2022)
Thúc đẩy các hoạt động thương mại trong phát triển kinh tế tỉnh Phú Thọ  (06/06/2022)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm