Hà Nội: Tái cơ cấu khu công nghiệp, khu chế xuất để phát triển bền vững
TCCS - Các chuyên gia kinh tế đã đưa ra nhận định, các khu công nghiệp, khu chế xuất của Hà Nội hiện phát triển chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng, thế mạnh vốn có của Thủ đô. Các khu công nghiệp, khu chế xuất với quy mô doanh nghiệp còn nhỏ, vốn ít, công nghệ lạc hậu, năng lực cạnh tranh còn thấp, ít sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế… đang là hạn chế hiện nay. Ðể khắc phục tình trạng này, Hà Nội đang triển khai giải pháp tái cấu trúc một cách mạnh mẽ.
Thực trạng chưa xứng tầm phát triển
Hà Nội đã và đang phát triển 17 khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghiệp cao với tổng diện tích gần 3.500 ha. Trong đó, 9 khu công nghiệp, khu chế xuất với tổng diện tích 1,264 ha, đang hoạt động ổn định. Tỷ lệ lấp đầy trên 95% đất công nghiệp gồm: Thăng Long; Nội Bài; Thạch Thất - Quốc Oai; Nam Thăng Long; Sài Đồng B; khu công nghiệp Hà Nội - Đài Tư; Quang Minh I; Phú Nghĩa; Khu công viên công nghệ thông tin. Một số khu công nghiệp vẫn còn đất để thu hút đầu tư như: khu công nghiệp Phú Nghĩa: 20 ha; khu công nghiệp Quang Minh I: 2 ha. Các khu công nghiệp khác đang chuẩn bị đầu tư hạ tầng. Riêng khu công nghiệp Hỗ trợ Nam Hà Nội, diện tích 77 ha đang tiếp tục hoàn thiện xây dụng hạ tầng cơ sở kỹ thuật để thu hút đầu tư thứ phát. Công tác xúc tiến đầu tư trong thời gian qua đã góp phần thúc đấy các khu công nghiệp phát triển, đồng thời đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Hoạt động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất chủ yếu là các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore… Trong số các dự án FDI, nhiều dự án của các tập đoàn hàng đầu thế giới, sản phẩm công nghệ cao như Canon, Panasonic, Hoya, Meiko (Nhật Bản)… Tuy nhiên, hoạt động xúc tiến đầu tư trong khu công nghiệp vẫn có những hạn chế về công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng, chính sách ưu đãi đầu tư, giá thuê đất, thuê hạ tầng, thủ tục hành chính… Những hạn chế này đã làm giảm cơ hội thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp Hà Nội.
Ghi nhận, 9 khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao đã đi vào hoạt động thu hút 663 dự án, trong đó có 345 dự án đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký gần 6,1 tỉ USD và 318 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký trên 15.000 tỉ đồng. Tổng số lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội là 161.896 người (tăng khoảng 2.000 lao động so với cuối năm 2018), trong đó lao động nước ngoài: 1.228 người với thu nhập bình quân của công nhân lao động Việt Nam từ 5 triệu đến trên 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Các khu công nghiệp, khu chế xuất được hình thành tại các vùng sản xuất nông nghiệp ở một số huyện ngoại thành của thành phố. Sự xuất hiện các khu công nghiệp đã có tác động đến cơ cấu kinh tế của các huyện cũng như cơ cấu của kinh tế thành phố. Trong số lao động được tuyển dụng thì số lao động địa phương chiếm 35-40%. Ngoài việc thu hút trực tiếp lao động vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, các hoạt động của khu công nghiệp, khu chế xuất còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho các doanh nghiệp khu công nghiệp, khu chế xuất. Sự xuất hiện của các khu công nghiệp, khu chế xuất đã làm thay đổi bộ mặt các huyện ngoại thành, góp phần nâng cao dân trí, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị.
Sau 25 năm xây dựng và phát triển, các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao Hà Nội đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Hiện tại, Thủ đô Hà Nội là một trong những địa phương có tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp, khu chế xuất cao nhất nước (trên 95% diện tích đất công nghiệp), số dự án, số vốn đăng ký đầu tư, số lao động chiếm khoảng 10% toàn bộ các khu công nghiệp trên toàn quốc. Mỗi héc-ta đất trong khu công nghiệp, khu chế xuất bình quân đã tạo việc làm mới cho trên 100 lao động và nộp ngân sách trên 1,5 tỷ đồng. Các khu công nghiệp, khu chế xuất đã tạo ra khoảng 50% giá trị sản lượng công nghiệp, 45% kim ngạch xuất khẩu và trên 20% GDP của Thành phố, góp phần chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế của Thành phố theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ.
Trước bối cảnh phát triển bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các yếu tố đầu vào như lao động giá rẻ, tài nguyên không còn là lợi thế cạnh tranh thì việc quy hoạch, nâng chất lượng thu hút đầu tư, tái cấu trúc khu công nghiệp, khu chế xuất theo hướng mới là hết sức cấp bách. Cụ thể, các khu công nghiệp, khu chế xuất phải xây dựng các mô hình phù hợp với mục tiêu thu hút các dự án lớn, phát triển các dự án công nghiệp hỗ trợ, đổi mới sáng tạo, tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp... nếu muốn phát triển xứng với tầm vóc Thủ đô. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Nguyễn Mạnh Quyền, thành phố đã đưa ra định hướng thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, hướng đến dự án công nghệ cao, có sức lan tỏa… Đến nay, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp 12,8% về vốn, 10,4% về thu ngân sách và góp phần tích cực trong chuyển giao công nghệ, tạo việc làm cũng như đào tạo kỹ năng cho người lao động. Tiêu biểu như Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển mới tại Việt Nam của Samsung (Hàn Quốc) đặt tại Khu đô thị Tây Hồ Tây có quy mô lớn nhất Đông Nam Á, với số vốn đầu tư 220 triệu USD, nhằm nghiên cứu, phát triển sản phẩm, trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, mạng 5G… Hay dự án phát triển thành phố thông minh khu vực Bắc sông Hồng (hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài), do Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) hợp tác có số vốn đầu tư 4 tỷ USD, nhằm hình thành các trung tâm thương mại, tài chính… hiện đại mang tầm khu vực.
Giải pháp phát triển bền vững
Theo Quyết định số 1081/QĐ-TTg ngày 6-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Hà Nội là trung tâm chính trị - văn hóa - xã hội của cả nước, đồng thời là trung tâm kinh tế trọng điểm của phía Bắc và trung tâm công nghệ cao của cả nước. Trong đó, các khu công nghiệp, khu chế xuất Hà Nội không chỉ phục vụ Thủ đô Hà Nội, mà còn là nơi nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ, sản xuất vật liệu... để áp dụng, cung cấp cho tất cả các ngành kinh tế trong cả nước, bao gồm công nghệ sinh học, điện tử tin học, góp phần vào công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong thời gian tới, Hà Nội tập trung phát triển nhanh một số ngành, sản phẩm công nghiệp có tính chất dẫn đường, như: công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ chế tạo khuôn mẫu; các ngành đòi hỏi công nghệ cao như công nghiệp điện tử, cơ khí chính xác, dụng cụ y tế, công nghiệp dược, hóa mỹ phẩm ít gây ô nhiễm môi trường; các ngành công nghiệp hỗ trợ, sử dụng nguồn lực lao động có tay nghề, trình độ chuyên môn cao được đào tạo tại các trường đại học trên địa bàn Thủ đô.
Hiện Hà Nội đang triển khai một số giải pháp gồm: Tạo lập môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi; xây dựng kế hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2025; hoàn thiện các khu, cụm công nghiệp và hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp trong việc đăng ký kinh doanh; kê khai và nộp thuế; bảo hiểm xã hội, cấp phép xây dựng... Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thành phố tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các nhà đầu tư trên tinh thần đồng hành, chia sẻ khó khăn. Thu hút đầu tư nước ngoài để nâng cao sức cạnh tranh của Hà Nội, hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững và hiện đại.
Cũng như “đầu tàu” về kinh tế là thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội cũng sẽ thực hiện tái cấu trúc các khu công nghiệp, khu chế xuất, xác định loại hình chuyển đổi cho từng khu hiện hữu sang những mô hình như khu công nghiệp hỗ trợ, khu sinh thái, đổi mới sáng tạo, công nghiệp - đô thị - dịch vụ… nhằm đáp ứng nhu cầu phù hợp với mục tiêu thu hút các dự án đầu tư lớn theo định hướng đổi mới sáng tạo trước xu thế phát triển cách mạng công nghiệp 4.0.
Giải pháp tạo nguồn nhân lực bền vững cho khu công nghiệp, khu chế xuất được các chuyên gia tính toán, với vị thế là một trong những trung tâm giáo dục lớn của cả nước, mỗi năm, Hà Nội có hàng trăm ngàn sinh viên các trường đại học, cao đẳng ra trường, cung cấp một lượng lớn lao động chất lượng cao. Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất Hà Nội đã ký nhiều chương trình hợp tác với các trường đào tạo nghề và các trường phổ thông làm cầu nối giữa nhu cầu lao động của doanh nghiệp với các trường, đồng thời chỉ đạo xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất theo hướng đô thị công nghiệp đồng bộ hạ tầng kinh tế và xã hội, trong đó có các khu nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Đây là nhân tố tích cực giúp người lao động ổn định cuộc sống, yên tâm công tác, đồng thời góp phần duy trì nguồn lao động ổn định, lâu dài cho các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Bên cạnh đó, để thu hút mạnh các nguồn vốn đầu tư nhất là vốn đầu tư nước ngoài, thành phố cần phải nhanh chóng cải thiện hạ tầng, tạo quỹ đất sạch sẵn sàng phục vụ các nhà đầu tư. Từ phía các công ty đầu tư hạ tầng phải giải quyết nhanh thủ tục pháp lý cần thiết về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất, tạo điều kiện để doanh nghiệp mở rộng phát triển đầu tư sản xuất.
Kỳ họp lần thứ 18 Hội đồng nhân dân thành phố khoá XV diễn ra vừa qua chỉ rõ, với thực trạng khu công nghiệp, khu chế xuất như hiện nay, Hà Nội sẽ cần chuyển đổi mô hình mới để thu hút đầu tư, phát triển bền vững theo chiều sâu và hội nhập kinh tế quốc tế. Trước mắt, thành phố tăng trưởng kinh tế bằng cách duy trì phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu. Trong giai đoạn từ năm 2020 - 2025 thành phố định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu, phấn đấu đạt tỷ lệ nội địa hóa ở 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 2 ngành công nghiệp truyền thống. Chính vì thế, thành phố sẽ đưa ra các chiến lược cụ thể, đồng thời lên kế hoạch thực hiện chuyển đổi mô hình mới để thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất. Cụ thể, bằng việc chuyển đổi từng khu công nghiệp, khu chế xuất hiện hữu sang các mô hình khu công nghiệp hỗ trợ, sinh thái, đổi mới sáng tạo, công nghiệp - đô thị - dịch vụ nhằm đáp ứng được các nhu cầu phát triển hiện hữu, nâng cao hiệu quả mô hình quản lý “một cửa, tại chỗ", tập trung thu hút doanh nghiệp và nhà đầu tư theo chiều sâu chứ không chỉ mở rộng dàn đều phát triển hàng ngang.
Đại hội đại biểu lần thứ II Đảng bộ các khu công nghiệp, khu chế xuất Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025, với chủ đề “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, chất lượng hoạt động của các tổ chức đoàn thể. Đồng hành cùng doanh nghiệp vì sự phát triển các khu công nghiệp” đã nói rõ quyết tâm đổi mới để phát triển hướng tới tương lai.
Phó Ban Quản lý Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Lê Quang Long cho biết, Mặc dù chịu ảnh hưởng xấu của tình hình kinh tế thế giới, song thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp của Hà Nội vẫn đạt hơn 1,9 tỷ USD, bằng chỉ tiêu đề ra, tăng 32% so với giai đoạn 2011 - 2015. Giá trị doanh thu, kim ngạch xuất khẩu, nộp ngân sách nhà nước... đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Đảng ủy các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội thực sự là cầu nối giữa các doanh nghiệp và thành phố, trong đó đã chủ động tham mưu, đề xuất, kiến nghị với Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố và các cấp có thẩm quyền những chủ trương, giải pháp giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn; xây dựng mối quan hệ gắn kết, hợp tác cùng có lợi giữa các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp để tạo ra những bứt phá mới trong phát triển kinh tế.
Nhằm tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp - khu công nghiệp cao, Ban Quản lý các khu công nghiệp - khu chế xuất Hà Nội đã nỗ lực thực hiện cải cách thủ tục hành chính: cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O theo mức độ 3 trong thời gian 2h; giảm 25% thời gian, chi phí thực hiện đối với 18 thủ tục hành chính; rút gọn bộ thủ tục hành chính còn 77 thủ tục hành chính, triển khai giải quyết 12 thủ tục hành chính cấp độ 3 cho các doanh nghiệp khu công nghiệp, đang triển khai hoàn thiện 11 thủ tục hành chính cấp độ 3.
Tiếp tục thu hút các dự án đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất cũng như đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư như: Hỗ trợ toàn bộ đường ngoài hàng rào khu công nghiệp, khu chế xuất bằng nguồn ngân sách thành phố; hỗ trợ điện nước đến chân hàng rào khu công nghiệp, khu chế xuất và đấu nối tới từng doanh nghiệp... Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng giao cho Ban Quản lý là đầu mối trong công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động của các khu công nghiệp, khu chế xuất, điều này đã giúp doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất không phải chịu sự quản lý của nhiều cơ quan, tránh chồng chéo, gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng như nhằm thực hiện và tuân thủ Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam, để phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thu hút đầu tư theo hướng phát triển các công nghệ cao - khu chế xuất. Theo đó, Hà Nội sẽ phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất mới theo hướng dịch vụ công nghệ thông tin, công nghệ cao - khu chế xuất công nghệ sinh học. Đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất mới thành lập, yêu cầu phải đồng bộ và có nhà máy xử lý nước thải tập trung trước khi chính thức đi vào hoạt động, đồng thời thu hút đầu tư có chọn lọc theo hướng ưu tiên các dự án kỹ thuật cao, sử dụng ít lao động, các dự án thân thiện môi trường; tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sản phẩm xuất khẩu có tính cạnh tranh lớn; tạo lập thương hiệu sản phẩm công nghiệp, đặc biệt các ngành công nghiệp mũi nhọn của thành phố.
Có thể khẳng định, sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, các khu công nghiệp, khu chế xuất của Hà Nội đã có những đóng góp không nhỏ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Thời gian tới, Hà Nội sẽ đặc biệt chú trọng đến công tác cải cách thủ tục hành chính để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư; tăng cường thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quy hoạch, triển khai các chương trình, hoạt động thu hút đầu tư FDI vào các khu công nghiệp, khu chế xuất Hà Nội; tạo điều kiện mở rộng thị trường, liên kết sản xuất, kinh doanh giữa các doanh nghiệp FDI trong các khu công nghiệp, khu chế xuất Hà Nội với doanh nghiệp trong nước. Trong đó, tập trung vào những giải pháp như ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, phát triển công nghiệp sạch để tăng giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường.
Phó Bí thư Đảng ủy các khu công nghiệp, khu chế xuất Hà Nội Lê Quang Long cho khẳng định, một số chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 2020-2025 đơn vị hướng tới là: doanh thu hằng năm đạt 8,6 tỷ USD; tốc độ tăng bình quân phấn đấu đạt 6%/năm. Xuất khẩu dự kiến đạt bình quân 5,4 tỷ USD/năm; tốc độ tăng trưởng trung bình 7,2%/năm. Nộp ngân sách đạt từ 250 triệu USD đến 300 triệu USD/năm; tăng trưởng trung bình 15%/năm. Đưa 2 đến 3 khu công nghiệp mới vào triển khai đầu tư hạ tầng và khai thác thu hút đầu tư.
Hà Nội đang tái cơ cấu các khu công nghiệp, khu chế xuất mạnh mẽ quyết liệt bằng hành động cụ thể cải thiện môi trường đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn, củng cố niềm tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, đẩy mạnh chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, quan tâm chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần, điều kiện sống và sinh hoạt của người lao động với mục tiêu lâu dài phát triển bền vững của các khu công nghiệp, khu chế xuất./.
Phát huy hiệu quả vai trò doanh nghiệp chủ lực trong lĩnh vực giao thông công cộng của Thủ đô, góp phần xây dựng Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại  (28/07/2020)
Huy động mọi nguồn lực, sáng tạo, đổi mới vươn lên, đưa huyện Quốc Oai phát triển nhanh và bền vững  (26/07/2020)
Khoa học - công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc  (24/07/2020)
Công trình giao thông trọng điểm tại Hà Nội: Bứt phá để “cán đích”  (12/07/2020)
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên