Nghị quyết Trung ương 4 “Thương hiệu lòng dân”
Loạt bài: Nghị quyết Trung ương 4 “Thương hiệu lòng dân”, nhóm tác giả Đăng Trường, Anh Minh - Báo Công an nhân dân (đăng trên Tạp chí Nhân quyền Việt Nam) - đoạt Giải A, Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ IV - năm 2019. Tạp chí Cộng sản trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Kỳ 1: Cắt bỏ cành sâu mục để cây phát triển
Trong các nhóm giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì việc khẩn trương kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật với quan điểm “không vùng cấm, không ngoại lệ” chính là giải pháp hữu hiệu, có sức lan tỏa mạnh mẽ, có ý nghĩa răn đe, phòng ngừa rất hữu hiệu. Đó là minh chứng nói và làm, thể hiện quan điểm nghiêm khắc, không dung túng, bao che tiêu cực, là luồng gió mới bồi đắp niềm tin trong Nhân dân với Đảng.
Uy nghiêm từ kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Buông lỏng quản lý, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, có biểu hiện độc đoán, chuyên quyền, vụ lợi cá nhân, để người thân “thò tay” thao túng… là những vấn đề nổi cộm trong các vụ án, vụ việc lớn gần đây, gây bức xúc dư luận. Các kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ rõ những cá nhân, tổ chức đảng vi phạm, mức độ vi phạm và xử lý, kiến nghị xử lý nghiêm minh. Có những vi phạm mang tính cá nhân, đơn lẻ song không ít vi phạm nghiêm trọng kéo dài, liên quan nhiều cá nhân có chức trách trong cấp uỷ đảng. Sai phạm trong tổ chức đảng liên quan những người đứng đầu mà bị bưng bít, không được làm rõ để xử lý, lâu ngày tạo nên bức xúc, bất mãn trong cán bộ, đảng viên và hiển nhiên tác động xấu đến đời sống tư tưởng, tinh thần của họ. Nghiêm trọng hơn, nó tạo ra khủng hoảng tâm lý, khiến những người trong cuộc bất mãn, gây ra nhiều diễn biến phức tạp.
Mấy năm qua, người dân chờ đợi những kết luận của kỳ họp Ủy ban Kiểm tra Trung ương như một “địa chỉ đỏ” trao gửi niềm tin. Ở đó, người dân biết rõ được trong tháng qua những cá nhân, tổ chức đảng nào vi phạm, vi phạm mức độ ra sao, xử lý như thế nào. Và cũng từ sự tin tưởng đó, nhiều sai phạm liên quan cán bộ, đảng viên được người dân gửi đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đề nghị làm rõ, xử lý.
Câu hỏi đặt ra là, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương có từ lâu và các kết luận, xử lý là công việc chuyên môn thường ngày, vậy tại sao gần đây lại tạo nên sức hút, sự để tâm lớn của toàn dân? Câu trả lời là bởi hai lẽ:
Thứ nhất, trước đây, những bản kết luận kiểm tra của Đảng thường là tài liệu nội bộ, được công bố trong tổ chức đảng. Khi đảng viên nào đó sai phạm, bị xử lý kỷ luật thì thường chỉ nội bộ biết, có một số trường hợp được thông tin với báo chí. Vì thế, có tình trạng nhiều đảng viên bị xử lý kỷ luật nhưng đi làm việc thì cơ quan, tổ chức và nhân dân vẫn không hay biết, thậm chí họ vẫn chăm chú nghe những đảng viên này giáo huấn như “tấm gương sáng”. Hiện nay, câu chuyện “lưu hành nội bộ” đã thay đổi. Nội dung gì thuộc nội bộ và nội dung nào được phép công khai đã rõ ràng, minh bạch theo quy trình dân chủ. Người dân giám sát cán bộ, đảng viên thì về nguyên tắc, người dân phải biết đảng viên của mình có thành tích, khen thưởng hay vi phạm, bị xử lý kỷ luật ra sao. Người dân có quyền được biết và cơ quan chức năng có nhiệm vụ công bố cho dân biết. Sự công bố rộng rãi vừa bảo đảm nguyên tắc nhân dân làm chủ, nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên, vừa có ý nghĩa cảnh báo, răn đe, phòng ngừa hữu hiệu.
Thứ hai, kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tạo sự quan tâm đặc biệt trong công luận kể từ khi Đảng ta thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) với tinh thần xử lý nghiêm minh cán bộ, đảng viên sai phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm rõ những sai phạm của đảng viên, tổ chức đảng theo thẩm quyền và xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo đúng quy định của Đảng, đồng thời chuyển cơ quan quản lý Nhà nước xử lý về mặt pháp luật. Chính tinh thần mạnh tay, quyết liệt với vấn nạn tham nhũng, quan liêu, công cuộc “nhóm củi đốt lò” của Đảng đã tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội. Nghị quyết Trung ương 4 - Một nghị quyết đến nay thực sự mang thương hiệu, đó là thương hiệu của niềm tin, của tình cảm người dân với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng dưới sự chèo lái của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Tập trung dân chủ - nguyên tắc rường cột nhưng nhiều nơi vi phạm
Có thể thấy, nổi lên trong các kết luận về sai phạm của cá nhân, tổ chức đảng được Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu ra là vi phạm về nguyên tắc tập trung dân chủ, cán bộ độc đoán, chuyên quyền, từ đó dẫn tới tham nhũng, vụ lợi. Nguyên tắc này nếu người đứng đầu vi phạm kéo dài sẽ dẫn đến cả tổ chức đảng cơ quan, đơn vị đó trì trệ, gây hệ luỵ lớn về vật chất và tinh thần. Tại Kỳ họp thứ 35, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận đối với Ban cán sự đảng Bộ Giao thông - Vận tải. Kết luận nêu rõ: Ban cán sự đảng Bộ Giao thông - Vận tải đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông - Vận tải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Đinh La Thăng (đã bị khai trừ ra khỏi Đảng và đang chấp hành hình phạt tù) chịu trách nhiệm chính và trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng và Bộ Giao thông - Vận tải. Các Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng gồm: ông Nguyễn Hồng Trường, Nguyễn Văn Công, Nguyễn Ngọc Đông và Nguyễn Nhật cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công…
Trước đó, tại kỳ họp thứ 34, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật hai Đại tá Nguyễn Ngọc Thư và Đào Ngọc Tuấn, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng. Kết luận nêu rõ: Trong thời gian giữ các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy Tổng Công ty Thái Sơn, các ông Nguyễn Ngọc Thư và Đào Ngọc Tuấn đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc tiếp nhận, chuyển ngạch lương, bổ nhiệm, phong quân hàm đối với Đinh Ngọc Hệ (Út Trọc) sai quy định, để đối tượng này lợi dụng thực hiện các hành vi phạm tội trong thời gian dài; trong việc thành lập, quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn do Đinh Ngọc Hệ làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, để Công ty có nhiều hoạt động vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng, nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật và xử lý hình sự.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, việc thực hiện quy chế dân chủ trong các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước, khu vực dân doanh còn nhiều khó khăn; còn tình trạng vi phạm dân chủ, gây bức xúc, khiếu kiện đông người, vượt cấp, nhưng giải quyết chưa triệt để, nhất là trong thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai, đền bù, tái định cư khi thu hồi đất. Việc nắm tình hình nhân dân và xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm quyền làm chủ của nhân dân chưa kịp thời. Trong khi đó, nhiều người lợi dụng dân chủ để yêu cầu, đòi hỏi không chính đáng, không đúng pháp luật, coi thường kỷ cương, phép nước, thậm chí bị các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo tham gia biểu tình, gây rối. Chặt cành sâu mục để cứu cây - Đau nhưng phải làm! “Bộ phận không nhỏ” là cụm từ được nhắc đến khá lâu, dường như có từ trước đổi mới. Hàm ý của cụm từ này để áng lượng quy mô, tỷ lệ cán bộ, đảng viên phạm pháp, còn được gọi là thoái hóa, biến chất. Có thể thấy, bộ phận này giống như những cành sâu mục đeo bám trên thân cây. Muốn cứu cây, tất phải loại bỏ cành sâu mục.
Khi đương nhiệm Chủ tịch nước, đồng chí Trương Tấn Sang mỗi lần tiếp xúc cử tri tại Thành phố Hồ Chí Minh đều đau đáu trước câu hỏi của cử tri về vấn nạn tham nhũng. Ngày 15-10-2014, tại buổi tiếp xúc cử tri quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ: “Điều quan trọng trước hết phải nâng cao tinh thần trách nhiệm với công việc, với đất nước của cán bộ. Tôi nghĩ rằng đa số anh em là như vậy nhưng có một bộ phận mà Đảng nói là không nhỏ, bây giờ không biết nằm ở đâu. Dân hỏi mãi, Đảng hỏi mãi nhưng không trả lời được. Từ Trung ương đến cơ sở đều lúng túng chỗ này”.
Đề cập việc có những cá nhân suy thoái trong Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, “một phận không nhỏ” đó có thể nằm ngay trong mỗi con người chúng ta, mỗi cán bộ, đảng viên. Ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh từng so sánh việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho người dân (số tiền miễn 34,3 tỷ đồng) với số tiền thua lỗ của Tổng Công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam thời ông Trịnh Xuân Thanh làm lãnh đạo thì thấy rằng, ông Thanh và thuộc hạ đã gây thất thoát bằng 100 năm tiền miễn thuế sử dụng đất. Còn thất thoát vụ án Ngân hàng Xây dựng do Phạm Công Danh cầm đầu thì bằng… 300 năm (hơn 9 nghìn tỷ đồng). So sánh như vậy càng thấy tính chất vô cùng nghiêm trọng mà “bộ phận không nhỏ” gây tổn thất cho đất nước, cho xã hội đến mức nào.
Nhiều vụ việc nổi cộm gần đây cho thấy, “bộ phận” không có nghĩa chỉ một vài người. Trở lại vụ án tại Vĩnh Phúc: theo Cơ quan điều tra, đoàn thanh tra của Thanh tra Bộ Xây dựng gồm: bà Nguyễn Thị Kim Anh, Phó trưởng Phòng Phòng, chống tham nhũng, Trưởng đoàn; bà Lưu Vân Oanh, Phó trưởng Phòng Giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra, Phó trưởng đoàn; ông Đặng Hải Anh, chuyên viên Phòng Thanh tra xây dựng 2; bà Nguyễn Thị Kim Liên, cán bộ Phòng Thanh tra xây dựng 3; bà Nguyễn Thùy Linh, cán bộ Phòng Giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra. Theo các đơn tố cáo, đoàn thanh tra có hành vi lợi dụng nhiệm vụ thanh tra, ép các doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân các xã trên địa bàn huyện Vĩnh Tường phải đưa tiền để được xem xét, tạo điều kiện trong quá trình thanh tra. Tiến hành xác minh, ngày 12-6-2019, tại Ban Quản lý dự án huyện Vĩnh Tường, tổ công tác của Công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt quả tang ông Đặng Hải Anh và bà Nguyễn Thị Kim Anh đang nhận hối lộ.
Còn tại Thanh Hoá, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh đã quyết định khởi tố bị can, tạm giam 4 tháng về tội “Nhận hối lộ” đối với Lê Mạnh Hà (57 tuổi), Nguyễn Thị Cúc (55 tuổi), Nguyễn Hưng (43 tuổi), Dương Văn Bằng (52 tuổi) và Nguyễn Quý Diễn (50 tuổi). Trước đó, ngày 18-4-2019, cơ quan chức năng nhận được tố giác về thành viên trong đoàn thanh tra tỉnh Thanh Hoá có hành vi đe doạ, tống tiền một cơ quan tại huyện Thiệu Hoá. Người này đang nhận phong bì bên trong có khoản tiền lớn thì bị cảnh sát bắt quả tang. Tại hiện trường, cơ quan điều tra thu nhiều tài liệu và tờ giấy A4 có ghi chi tiết số tiền và tên các đơn vị đã đến nộp tiền “chung chi” cho đoàn thanh tra. Từ 2 vụ án trên cho thấy, các thành viên trong đoàn đều thực hiện hành vi phạm tội khi được giao nhiệm vụ thanh tra tại địa bàn. Hành vi không phải thực hiện đơn lẻ mà có sự câu kết, liên quan đến các cá nhân trong đoàn, như tại Thanh Hoá cả 5 thành viên trong đoàn đều bị bắt. Tính chất vụ án trong những trường hợp này là rất nghiêm trọng, vừa lợi dụng chức trách được giao để phạm pháp, vừa gây bức xúc với cơ quan, tổ chức, cá nhân - đối tượng thanh tra, vừa làm biến dạng bản chất thanh tra, làm đổi trắng thay đen sự thật. Những vụ án tham nhũng kiểu “cả đoàn” như trên cho thấy, vấn nạn đã nghiêm trọng trong một số ngành, lĩnh vực.
Chỉ tên, vạch rõ để xử lý cán bộ suy thoái, tham ô, tham nhũng, đấy là trọng trách của Đảng. Một đảng dám dũng cảm nhìn nhận thực tế và dũng cảm vạch tên, xử lý dù biết đấy là công việc gian nan, phức tạp, là thách thức, áp lực thì đảng đó đã tự rũ bỏ những u nhọt để gột rửa, trưởng thành. Đảng đó ắt phải tiến bộ. Quá trình vận động, phát triển bao giờ cũng là sự đấu tranh giữa ánh sáng và bóng tối, giữa cái phàm và cái ưu. Luôn tu dưỡng, gột rửa, ấy là tính liêm, chính, chí, dũng của Đảng.
“Chúng ta rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình; không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình; trái lại, rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật, kỷ luật một vài người để cứu muôn người” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh nội dung này tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng. Rõ ràng, để Đảng lớn mạnh, để Đảng vững niềm tin trong nhân dân, cũng giống như cây, muốn xanh tốt, vững chãi phải loại bỏ những sâu mọt, những cành mục ruỗng.
Kỳ 2: Nhốt quyền lực vào lồng cơ chế
Cùng việc khẩn trương kiểm tra, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh các hành vi sai phạm thì giải pháp có tính lâu dài đang được Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo thực hiện, đó là xây dựng thể chế, đổi mới cơ chế đào tạo, tuyển dụng cán bộ, đặc biệt là xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa cá nhân có biểu hiện tham vọng quyền lực, không để số này lọt vào bộ máy Đảng, Nhà nước.
Từng bước xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng sử dụng hình ảnh “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế, pháp luật” để nhấn mạnh việc cấp thiết phải có cơ chế kiểm soát quyền lực. Những vụ việc vi phạm gần đây cho thấy, một khi cán bộ được đặt vào vị trí có nhiều quyền lực, nhiều bổng lộc, nếu không có cơ chế kiểm soát, giám sát chặt chẽ dễ dẫn tới có các hành vi tự tung, tự tác, tham ô, tham nhũng, hống hách, ngạo mạn và trượt dài vào lối sống suy thoái, biến chất... Những kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa qua cho thấy, nhiều cán bộ, đảng viên đã lợi dụng quyền hạn của mình để vun vén cá nhân, lạm quyền, thu lợi bất chính, thậm chí để vợ, chồng, con cái, người thân nhúng tay, can thiệp, điều hành “ghế” quyền lực của mình.
Chẳng hạn, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, thi hành kỷ luật bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai. Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, trong thời gian giữ các cương vị tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương, Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch, bà Phan Thị Mỹ Thanh tham gia điều hành Công ty trách nhiệm hữu hạn Cường Hưng do chồng mình là cổ đông sáng lập, Chủ tịch hội đồng tư vấn, là vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng. Trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, bà Phan Thị Mỹ Thanh đã có nhiều vi phạm như ký các văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận cho Công ty Cường Hưng đầu tư dự án khu dân cư thương mại xã Phước Tân; ký các văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh không thuộc lĩnh vực phụ trách, vi phạm quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân tỉnh...
Hay trường hợp ông Tất Thành Cang, theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, vi phạm thẩm quyền, nguyên tắc, quy trình xử lý công việc, vi phạm quy định của Thành ủy về quản lý, sử dụng tài sản tại các doanh nghiệp thuộc sở hữu của Đảng bộ Thành phố và các quy định pháp luật trong việc quyết định chủ trương hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp thuộc Thành ủy; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát... Đặc biệt, trong thời gian giữ cương vị thành ủy viên, Ủy viên Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, ông Tất Thành Cang đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ban Chấp hành Trung ương đã tiến hành xem xét thi hành kỷ luật ông Tất Thành Cang bằng hình thức cách chức Uỷ viên Trung ương Đảng khóa XII; Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015 - 2020, vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng. Những vi phạm nêu trên thể hiện sự lạm quyền hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện các hành vi theo động cơ, mục đích cá nhân.
Điều này một lần nữa đặt ra vấn đề kiểm soát quyền lực - tức phải đưa ra những cơ chế, biện pháp để bảo đảm một cá nhân khi được giao nắm giữ các chức vụ, vị trí trong bộ máy Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức chính trị, xã hội phải hoạt động đúng theo khuôn khổ. Một khi chức vụ, vị trí càng lớn, quyền lực càng nhiều mà không có cơ chế kiểm soát thì cá nhân đó rất dễ sai phạm, thậm chí dẫn tới tự tung, tự tác, hành động vì lợi ích cá nhân, bất chấp luật pháp, bất chấp đạo đức. Một cá nhân sai phạm, một tập thể sai phạm thì đó là hiện tượng, còn nếu xảy ra có tính phổ biến, liên quan từ “lỗi cơ chế”, “lỗi hệ thống” thì hậu quả rất nặng nề.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã nhấn mạnh những giải pháp về kiểm soát quyền lực cũng như việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật Đảng. Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức, cách chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu. Việc Tổng Bí thư chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương và cơ quan chức trách vào cuộc, xử lý rốt ráo những vụ việc nóng liên quan cán bộ, đảng viên nắm giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy Đảng, Nhà nước gần đây là những điển hình trong cuộc tái thiết kỷ cương, kỷ luật của Đảng, Nhà nước. Quyền lực nhà nước là vấn đề quan trọng và cũng rất phức tạp. Việc nắm giữ, tổ chức và sử dụng quyền lực nhà nước có hiệu quả sẽ là điều kiện để thực hiện được những mục đích đề ra, mang lại nhiều lợi ích nhất cho nhân dân, cho đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình nắm giữ, tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước thường tiềm ẩn nhiều những nguy cơ khác nhau như tham nhũng, lãng phí, lạm quyền… , có thể dẫn tới tác động tiêu cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thực tế, nguyên tắc tập trung dân chủ và cơ chế tập thể lãnh đạo, bên cạnh những ưu điểm thì đã và đang tạo ra tình trạng khó xác định trách nhiệm cụ thể của các cá nhân và tổ chức trong quá trình thực thi quyền lực. Điều này dẫn đến hiện tượng “núp bóng” tập thể, nhân danh tập thể để lạm quyền, vụ lợi mà không phải chịu trách nhiệm. Vì lẽ đó, cơ chế kiểm soát quyền lực của nước ta tuy có nhưng chưa phát huy được hiệu quả. Hiến pháp quy định: Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp (Điều 2, Hiến pháp năm 2013). Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng lạm quyền, tha hóa quyền lực vẫn luôn tiềm ẩn và thường xuyên xảy ra. Quyền lực là con dao hai lưỡi, có thể phục vụ nhưng cũng có thể làm hại đất nước nếu rơi vào tay những kẻ bất tài, tham lam. Thế nên, việc kiểm soát quyền lực vừa gắn liền với cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát song đồng thời phải thực hiện hiệu quả công tác cán bộ bởi suy cho cùng, “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Nếu cán bộ xấu, có tính tham lam, vụ lợi thì họ thường tìm kẽ hở của luật pháp, của cơ chế để “lách”, để trục lợi.
Những vụ bổ nhiệm cán bộ “thần tốc” được dư luận phanh phui vừa rồi chính là sự cảnh báo của công tác cán bộ - nguyên nhân gốc dẫn tới tình trạng thao túng, lợi dụng quyền lực. Đồng thời, kiểm soát quyền lực phải thông qua việc thực thi rộng rãi quyền dân chủ, kể cả hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện và dân chủ tham dự; thông qua chế độ tranh cử, đề bạt và miễn nhiệm cán bộ; minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình của các tổ chức và cá nhân được giao quyền lực; sự giám sát của công luận, của nhân dân...
Ngăn ngừa các biểu hiện tham vọng quyền lực
Xây dựng để có cơ chế kiểm soát quyền lực là điều kiện cần, nhưng nếu để người có tham vọng quyền lực lọt vào bộ máy Đảng, Nhà nước thì vẫn sẽ bị lợi dụng, bởi cơ chế suy cho cùng chỉ là “khung” luật pháp, quan trọng là người nắm giữ, sử dụng quyền lực đó như thế nào. Trong khi cơ chế kiểm soát quyền lực của chúng ta còn nhiều kẽ hở, còn bị lợi dụng, nếu để người có tham vọng quyền lực chui vào bộ máy Đảng, Nhà nước sẽ không khác gì “rước rắn vào hang”! Với Quy định số 90-QĐ/TW ngày 4-8-2017, lần đầu tiên, Đảng ta ban hành quy định cụ thể, chi tiết về tiêu chuẩn chức danh và tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đặc biệt, quy định nêu rõ, cán bộ thuộc diện nói trên phải “tuyệt đối không tham vọng quyền lực”.
Tham vọng là một người mong muốn có được vị trí cao, danh dự nhất định, đạt được thành công rõ rệt, được công nhận. Trong biểu hiện cực đoan của nó, “tham vọng” có thể hiểu là vội vã cho lòng tham. Quyền lực bao gồm cả mặt tích cực và tiêu cực. Ở đây, trong cụm từ “tham vọng quyền lực”, chữ “tham” trong “tham vọng” đã thể hiện tính tiêu cực. “Tham” là hàm ý cá nhân, vì động cơ cá nhân, vì vậy “tham vọng quyền lực” được hiểu như một dạng tham nhũng chính trị. Biểu hiện của người tham vọng quyền lực không khó, đó là họ không đi lên, không nắm quyền lực bằng tài đức, bằng uy tín mà “luồn lách”, bằng các hành vi gian dối, thậm chí trắng trợn vi phạm luật pháp và đạo đức để đạt được quyền lực, đạt được tham vọng. Về bản chất, quyền lực của Nhà nước ta không thuộc về cá nhân mà là của nhân dân, được nhân dân ủy quyền cho cá nhân sử dụng vào mục đích chung của xã hội, của đất nước. Tuy nhiên, vấn đề là khi trao quyền lực đó cho cá nhân thì trên thực tế quyền lực ấy bị phụ thuộc vào chính cá nhân “được nhân dân ủy quyền”. Nếu quyền lực được trao cho người có tài năng, đạo đức thì quyền lực ấy sẽ phát huy tác dụng, mang lại cuộc sống tốt đẹp cho nhân dân, sự hưng thịnh cho đất nước, đúng nghĩa “quyền lực của nhân dân”. Khi đó, quyền lợi của nhân dân, của Tổ quốc được đặt lên trên lợi cá nhân, các giá trị đạo đức, nhân văn được trân trọng, đề cao. Ngược lại, quyền lực rơi vào tay những cá nhân thiếu tài, thiếu đức thì quyền lực ấy sẽ bị tha hóa, bị sử dụng cho lợi ích cá nhân, phe nhóm mà bỏ qua lợi ích quốc gia, dân tộc. Một cá nhân khi có tham vọng quyền lực, họ làm mọi cách để đạt được tham vong, khi đạt được, những bản chất tiêu cực như tham ô, tham nhũng, bè phái, trục lợi cá nhân sẽ lộ rõ… Đây chính là nguồn gốc gây ra các hệ lụy nghiêm trọng khác.
Theo TS. Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, quyền lực là “ma túy” gây nghiện, là “ma quỷ” xui khiến. Có quyền lực là có thể có gần như tất cả, nếu muốn. Vì vậy, quyền lực hấp dẫn hơn các thứ hấp dẫn khác cộng lại. Người có tham vọng quyền lực suốt ngày nghĩ về nó, dùng mọi thủ đoạn để giành và giữ lấy nó, dù phải mất nhân cách, dù phải làm việc ác. Có quyền lực rồi thì muốn có quyền lực lớn hơn, lớn rồi vẫn chưa đủ lại muốn lớn hơn nữa. Cứ thế, gần như không có điểm dừng, thậm chí không cần biết có nhiều quyền lực để làm gì. Quyền lực làm tha hóa con người một cách nhanh nhất. Không ít người chỉ sau một cuộc bỏ phiếu hoặc sau một quyết định phong chức, bỗng nhiên khác hẳn, họ bắt tay theo kiểu khác, chào hỏi kiểu khác, dáng đi bệ vệ hơn, nói năng ra oai hơn, suy nghĩ khác, hành động khác dù cùng một sự việc... Bài học nhãn tiền từ lịch sử, Đảng vững mạnh, trước hết những người “cầm cương” phải vững, phải không tham vọng quyền lực. Một cá nhân nếu tham vọng quyền lực mà “chui sâu, leo cao” tới những vị trí quan trọng của Đảng, Nhà nước thì hệ lụy sẽ khôn lường. Vì vậy, với việc ban hành quy định về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, Đảng ta khẳng định rõ quyết tâm tự chỉnh đốn theo phương châm “làm từ trên xuống”, lấy nguyên tắc “tuyệt đối không tham vọng quyền lực” làm hạt nhân, làm cơ sở để triển khai những nội dung khác. Quy định được ban hành trong bối cảnh việc thực hiện hai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) đã trở thành xu thế “củi tươi cũng cháy”, Đảng đã và tiếp tục làm rõ, xử lý những cá nhân suy thoái, những cá nhân có biểu hiện tham vọng quyền lực, chủ nghĩa cá nhân.
Các nhà nghiên cứu lịch sử chỉ ra rằng, dưới chế độ phong kiến Việt Nam, chỉ vì tham vọng quyền lực mà nhiều vương triều từ thịnh vượng tới suy vong, sụp đổ. Vương triều này đổ, vương triều khác lên thay, sau một thời gian lịch sử lặp lại, gây ra bao biến cố đau thương. Nhà Lý đánh thắng quân Tống, nhà Trần thắng quân Nguyên - Mông, Nhà Hậu Lê (Lê sơ) thắng giặc Minh hung bạo... nhờ biết “lấy dân làm gốc”. Chiến thắng rồi, cầm quyền được hàng trăm năm song cuối cùng cũng do tha hóa, vì tham vọng quyền lực, tranh giành ngai vàng mà vua quan chém giết lẫn nhau, dẫn tới sụp đổ. Nhà Hồ tồn tại quá ngắn, mặc dù có tư tưởng và chủ trương cải cách nhưng ngay từ khi mới lên đã không được dân chúng đồng tình, mâu thuẫn quyền lực trong giới quý tộc và dẫn tới mất nước vào tay ngoại xâm. Sự tha hóa về quyền lực dẫn đến cha - con, anh - em, chồng - vợ giết nhau, giết cả vua, gây ra những cuộc chiến tranh đẫm máu để tranh giành quyền lực, thậm chí “cõng rắn cắn gà nhà”, bán rẻ Tổ quốc, đem dân tộc làm nô lệ cho ngoại bang để đổi lấy quyền lực.
Trong hệ thống chủ nghĩa xã hội, bài học của Liên Xô còn giữ nguyên tính thời sự với bất kỳ đảng cộng sản nào. Từ một thành trì của chủ nghĩa xã hội với những thành công rực rõ, vậy mà giới lãnh đạo đất nước tha hóa về quyền lực, về đạo đức, bảo thủ, giáo điều đã khiến Liên Xô sụp đổ. Sự sụp đổ của Liên Xô thực chất là hệ quả sự suy thoái, tự đánh gục chính mình.
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (tháng 10-1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo: “Trong Đảng ta còn có những người chưa học được, chưa làm được bốn chữ “chí công vô tư”, cho nên mắc phải chứng chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân là như một thứ vi trùng rất độc, do đó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”. Trong đó, về bệnh tham lam, Bác phân tích: “Những người mắc phải bệnh này thì đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc, do đó mà chỉ “tự tư tự lợi”, dùng của công làm việc tư. Dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình. Sinh hoạt xa hoa, tiêu xài bừa bãi. Tiền bạc đó ở đâu ra? Không xoay của Đảng thì xoay của đồng bào. Thậm chí làm chợ đen buôn lậu. Không sợ mất thanh danh của Đảng, không sợ mất danh giá của mình”...
Rõ ràng, vì chủ nghĩa cá nhân, vì tham vọng quyền lực mà người ta hành động bất kể phải trái, đúng sai, hệ quả vô cùng nguy hiểm nếu người đó giữ trọng trách cao trong Đảng, Nhà nước. Vì vậy, Quy định số 90-QĐ/TW ngày 4-8-2017 được ban hành lần này là cấp bách, nhằm cụ thể hoá nhóm giải pháp đã nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), để cán bộ, đảng viên và Nhân dân giám sát Đảng, Nhà nước, giám sát việc sử dụng quyền lực của Đảng, của Nhà nước, kiên quyết ngăn chặn và loại ra khỏi bộ máy những cán bộ mang “tham vọng quyền lực, tham nhũng, cơ hội, vụ lợi, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hoá trong nội bộ”.
Kỳ 3: Giá trị thực tiễn cần lan tỏa
Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã tạo chuyển biến sâu sắc trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là việc củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng. Không gì sinh động bằng thực tiễn, chính thực tiễn kiểm nghiệm hiệu quả mọi nghị quyết, chỉ thị để những kinh nghiệm thực tiễn sinh động, sâu sắc ấy lan tỏa trong đời sống.
Kinh nghiệm về người thủ lĩnh hay người “cầm trịch”
Còn nhớ, khi Đảng ta ban hành Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, không ít người hoài nghi, không tin tưởng Nghị quyết sẽ đem lại điều gì đó khác trước. Nhưng tới nay, kết quả, sức sống của một nghị quyết được dư luận xã hội nói đến như một “thương hiệu” lòng tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Chỉ cần nói "Trung ương 4", người dân đều hiểu đó là nghị quyết chỉnh đốn Đảng, chống quan tham, là nghị quyết của “công cuộc đốt lò, nhóm củi” mà không nhất thiết phải nêu rõ tên đầy đủ của nghị quyết.
Thực tiễn cho thấy, chống “giặc nội xâm” luôn khó khăn bởi ranh giới giữa đối tượng xử lý và đồng chí, đồng đội, giữa vạch mặt chỉ tên và thân quen, cánh hẩu nhiều khi bện chặt trong các mối quan hệ xã hội đa dạng, khó bóc tách. Công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước hôm nay với một trong những trọng tâm chống suy thoái, chống tham nhũng - vấn đề cấp bách được Đảng ta xác định “ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ”, nay đang tạo dựng và lan tỏa khí thế, niềm tin trong toàn xã hội. Người dân tin tưởng và cảm kích trước hình ảnh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - người cầm trịch, thổi ngọn lửa “công cuộc đốt lò, nhóm củi” luôn nhất quán giữa nói và làm, giữa chỉ đạo và hành động, thận trọng nhưng kiên quyết, kịp thời nhưng chắc chắn, răn đe để giáo dục, phòng ngừa… Người cầm trịch chẳng những bài bản trong chỉ đạo, kiên quyết trong hành động mà chính sự nêu gương hình ảnh cá nhân - một vị thủ lĩnh mực thước, thanh liêm, giản dị đã thực sự tạo dựng, làm nên điểm tựa tinh thần to lớn trong lòng dân.
Trong đời sống chính trị, xã hội, ở bất kỳ thời đại lịch sử nào, người dân cũng luôn cần một điểm tựa tinh thần, đó là một vị thủ lĩnh chính trị hội đủ những giá trị cần thiết của đức và tài để quy tụ niềm tin, quy tụ sức mạnh cộng đồng, sức mạnh thời đại. Nhiều vị vua, quan trong triều đại phong kiến xưa, nếu như người dân kính phục bởi sự anh minh, mẫn tiệp thì ở mức độ cao hơn, người dân tôn thờ, ngưỡng vọng bởi đức độ, thanh liêm vì muôn dân. Triều đại hưng vong, thịnh suy trước hết phụ thuộc tài năng lãnh đạo và đức độ của người chèo lái con thuyền quốc gia, của thủ lĩnh chính trị. Xã tắc vững bền, dân chúng đồng lòng hay không cũng phụ thuộc phần nhiều bởi yếu tố này.
Chúng ta thử đặt câu hỏi: Tham nhũng diễn biến phức tạp từ lâu, bộ phận không nhỏ suy thoái, biến chất đã được Đảng chỉ ra từ lâu và Đảng cũng đã rất nhiều lần ban hành nghị quyết, chỉ thị để chấn chỉnh, chỉnh đốn nhưng tại sao chỉ đến bây giờ, công cuộc, phong trào này mới thực sự lan tỏa, mới thực sự đạt dần đến sự kỳ vọng của nhân dân? Cái thiếu ở đây dường như không phải là nghị quyết, chỉ thị. Chúng ta thiếu một người thổi lửa, nhóm lò, cầm trịch thực sự xứng tầm. Cho tới hôm nay, với sự vào cuộc quyết liệt, rốt ráo của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng dưới sự dẫn dắt, chèo lái của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, phong trào đấu tranh đã mang sắc diện mới cả về quan điểm, phương châm đến hành động. Rõ ràng “thủ lĩnh nào, phong trào đó”, và một khi phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, trở thành xu thế thì “không ai có thể đứng ngoài cuộc”, không ai có quyền đứng ngoài cuộc.
“Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, 9 chữ cơ bản, gói gọn tư tưởng, học thuyết của Nho giáo, một hệ thống đạo đức, triết lý và tôn giáo do Khổng Tử phát triển để xây dựng một xã hội thịnh trị. Điểm chung trong tư tưởng này, đó là dù ở phạm vi nào, gia đình (tề gia) hay quốc gia (trị quốc) thì cá nhân người đầu tàu phải thể hiện được tư chất, uy tín. Một gia đình để thuận hòa, yên ấm thì ông, bà, bố, mẹ phải là những tấm gương cho con cháu. Một quốc gia muốn thịnh trị thì những người “cầm trịch” phải hội đủ tài đức. Và dù “tề gia” hay “trị quốc”, trước hết đều phải “tu thân”, phải tự mình tu dưỡng, luyện rèn. Quy định số 08-QĐi/TW về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng” mà Hội nghị Trung ương 8, khóa XII thảo luận và thống nhất cao việc ban hành xuất phát từ yêu cầu công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay và có cơ sở từ truyền thống, đạo lý văn hóa lâu đời.
Dấu ấn “thuyền trưởng” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” thuyết phục lòng dân chính bởi hội tụ giữa lời nói và hành động, giữa quan điểm và khí chất, giữa chỉ đạo và nêu gương. Đây cũng là bài học kinh nghiệm sâu sắc của Đảng ta trong việc lựa chọn những người kế tục chèo lái sau này, không chỉ trong phòng, chống tham nhũng. Đối với địa phương cũng cần phải lựa chọn cho được những thủ lĩnh xứng đáng, xứng tầm.
Kinh nghiệm “không có vùng cấm” trong chống tham nhũng
70 năm trước, trong điều kiện chiến tranh gian khó, vụ án Trần Dụ Châu cảnh báo bản chất ăn chơi sa đoạ của cán bộ nếu không được tu dưỡng. Trước sự thật đau lòng này, Bác Hồ dứt khoát nói: “Một cái ung nhọt, dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan, nguy hiểm”. Vụ án Trần Dụ Châu cho thấy, thói hư tật xấu của con người nếu không được rèn giũa, không được giáo dục, chỉnh đốn thì có thể nảy sinh, phát triển bất cứ lúc nào. Trong điều kiện chiến tranh gian khổ mà còn nảy sinh những kẻ sâu mọt, trác táng như vậy thì trong điều kiện đời sống vật chất, tinh thần đổi khác, con người có điều kiện hưởng thụ như ngày nay lại càng là môi trường để sinh sôi. Loại bỏ sâu mọt, cứu cả rừng cây, cứu muôn dân chính là thông điệp mà Đảng ta đang làm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII).
Cán bộ, đảng viên phải biết nói không với tham nhũng dù ở bất cứ cương vị nào.
Kể từ sau Đại hội XII, những cán bộ tham ô, tham nhũng dù ở bất cứ cương vị nào, nếu phạm tội thì phải làm rõ để xử lý theo đúng luật định, loại bỏ khái niệm “tắm từ cổ”. Việc xử lý hình sự Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, xử lý các quan chức tham nhũng tại các vụ án ở Tập đoàn Dầu khí quốc gia và một số tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng; điều tra, làm rõ tội trạng của một số cán bộ cấp cao ở một số bộ, ngành, địa phương… chứng minh tinh thần đó. Việc kiểm tra, kết luận tuân theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước với nguyên tắc khách quan, thận trọng, đúng người, đúng tội, đúng hành vi. Đây cũng chính là bài học lớn trong chống tham nhũng, suy thoái, Đảng muốn dân tin tất phải xử nghiêm, phải loại bỏ yếu tố “vùng cấm”, phải nêu gương chính mình để dân tin, dân nghe, dân ủng hộ. Kinh nghiệm trong chống tham nhũng là phải làm toàn diện, đồng bộ, quyết tâm, kiên trì, huy động rộng rãi các lực lượng, sức mạnh cùng tham gia. Đặc biệt, không chỉ bằng hô hào, khuyên bảo, kêu gọi, không chỉ bằng xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm mà phải bằng cơ chế, luật pháp...
Kinh nghiệm “không ai có thể ngoài cuộc”
Với tinh thần lan tỏa của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), công tác xây dựng Đảng được coi trọng hơn, ý thức toàn Đảng, toàn dân chăm lo xây dựng Đảng được nâng cao, đặc biệt vai trò của người đứng đầu và trách nhiệm của cấp ủy đảng. Tất cả điều này đã làm cho vai trò, vị trí, uy tín của Đảng được nâng lên rõ rệt, được thể hiện ở cả trong nước và trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, Đảng cũng có thêm kinh nghiệm để làm tốt hơn, đó là việc kết hợp giữa xây và chống, xây phải cơ bản, chống phải quyết liệt.
Thực tiễn việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho thấy: Các cấp ủy, tổ chức đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện đúng chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương; kịp thời chỉ đạo các cấp ủy xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc, phù hợp với thực tiễn. Qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình kết hợp với kiểm tra, giám sát của Đảng đã nghiêm khắc xử lý kỷ luật đối với những tổ chức đảng, đảng viên vi phạm quy định của Đảng và Nhà nước, có tác dụng cảnh báo, phòng ngừa sai phạm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng; đấu tranh ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã làm rõ nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, quyết định kỷ luật và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật đối với nhiều cán bộ cao cấp và tổ chức đảng vi phạm, trong đó có cả đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng; kỷ luật cả cán bộ đương chức và đã nghỉ hưu; làm nghiêm từ trên xuống dưới... Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy của Nhà nước, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Kết quả từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến cuối 2018, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kiểm tra 7.511 tổ chức đảng cấp dưới và 23.511 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; trong đó có 11.769 cấp ủy viên các cấp. Qua kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kết luận 4.903 tổ chức đảng và 17.868 đảng viên có vi phạm, phải thi hành kỷ luật 355 tổ chức đảng và 8.841 đảng viên. Riêng Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra, xem xét thi hành kỷ luật và đề nghị thi hành kỷ luật 4 tổ chức đảng và 32 đảng viên diện Trung ương quản lý, trong đó có 1 người từng là Ủy viên Bộ Chính trị. Kết quả công tác kiểm tra, giám sát từ đầu nhiệm kỳ đến nay tiếp tục góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tạo thêm dấu ấn mới trên chặng đường phát triển, được Đảng và Nhân dân tin tưởng.
Thực tế cho thấy, không phải như một số dư luận lo ngại rằng, nếu chỉ lo chống tham nhũng sẽ làm nhụt chí mà ngược lại, chính làm tốt công tác xây dựng Đảng, phát huy ưu điểm, chống thoái hóa biến chất đã thúc đẩy các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại phát triển. “Có ý kiến cho rằng phải làm cẩn thận kẻo nhụt chí không ai muốn làm, rõ ràng tư tưởng đó sai. Tôi đã nói, nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm. Đây là kinh nghiệm lớn, thực tế vừa qua như vậy, mặt được là như vậy, bây giờ tạo phong trào toàn dân tham gia xây dựng Đảng, tham gia phòng chống tham nhũng, lãng phí, chống tiêu cực” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong một phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Phòng, chống tham nhũng trở thành phong trào, trở thành xu thế nên “không ai có thể đứng ngoài cuộc”, không ai có quyền đứng ngoài cuộc.
PGS, TS. Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, hiện trong xã hội, kể cả trong Đảng có những biểu hiện thiếu niềm tin, chẳng hạn như cho rằng chống tham nhũng là quá khó, rồi cho rằng làm sao chống được, làm sao làm được... Trong khi đó, các thế lực thù địch đưa ra những luận điệu xằng bậy vì chúng không bao giờ ủng hộ những việc làm của ta. Mình làm kém, chúng móc ra chửi bới. Nhưng làm kiên quyết, thẳng thắn, đến nơi, đến chốn thì chúng cũng tìm cách xuyên tạc. Bởi chúng chỉ tìm cách đả phá, bất kể ta làm được tốt hay chưa tốt. Do đó, người dân cần có sự thanh lọc thông tin, nhất là thông tin gây nhiễu trên mạng in-tơ-nét. Phải tỉnh táo để chọn lọc thông tin đúng, tránh các thông tin độc hại, sai lệch tiêm nhiễm.
Kinh nghiệm về hoàn thiện thể chế, chính sách
Kinh nghiệm trong chống tham nhũng là phải làm toàn diện, đồng bộ, quyết tâm kiên trì, huy động rộng rãi các lực lượng. Đặc biệt, không chỉ bằng hô hào, khuyên bảo, kêu gọi, không chỉ bằng xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm mà phải bằng cơ chế, luật pháp. Gần đây, Bộ Chính trị đã ban hành một số quy định làm hành lang quản lý cán bộ, xử lý sai phạm: Quy định 90-QĐ/TW về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; Quy định 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm… Đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 7, khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ có nhiều nội dung mới quan trọng, mang tính đột phá.
Điểm nhấn của Nghị quyết là Trung ương yêu cầu phải có phương pháp đánh giá cán bộ một cách khách quan, chính xác; có cơ chế tạo động lực, đổi mới sáng tạo, rèn luyện qua thực tiễn với nhiều khó khăn, thách thức lớn của đội ngũ cán bộ và đề cao giải pháp kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, quan hệ họ hàng trong công tác cán bộ; coi đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đấu tranh ngăn chặn sự tha hoá quyền lực trong bộ máy công quyền, sự suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên để củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu xây dựng và hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền, thân quen, cánh hẩu, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế và quyền hạn phải ràng buộc với trách nhiệm. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có nhiều đổi mới, nhất quán, rõ ràng, chỉ đạo giải quyết được nhiều vấn đề tồn đọng trước đây trong công tác cán bộ. Quan điểm “không chạy chức, chạy quyền” đã trở thành tuyên ngôn vừa mạnh mẽ, vừa là thông điệp có tính nhắc nhở, vừa là sự cảnh cáo, răn đe... Chính phủ và các bộ, ban, ngành, địa phương đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng.
Thời gian tới cần phải tập trung chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, hoàn thành một bước về xây dựng cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để đạt đến “4 không” (không thể tham nhũng, không muốn tham nhũng, không cần tham nhũng, không dám tham nhũng). Tập trung hoàn thành việc xây dựng các quy định của Đảng về phòng, chống tham nhũng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, Trung ương 6 và Trung ương 7 khóa XII, nhất là hoàn thiện quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm người đứng đầu khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm giải trình, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; quy định về việc ngăn chặn những người có chức, có quyền lợi dụng cương vị công tác để trục lợi; quy định về cho thôi, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; quy định về điều chuyển, thay thế cán bộ khi có dư luận hoặc có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp; cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung./.
Cán bộ, đảng viên ứng xử với mạng xã hội  (07/03/2020)
Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng để giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng trong giai đoạn hiện nay  (22/02/2020)
Về tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy gắn với thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy tỉnh/huyện không là người địa phương  (18/02/2020)
"Vá" lỗ hổng về cơ chế lựa chọn cán bộ  (16/02/2020)
- Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia: Động lực quan trọng để đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới
- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm và làm việc tại Cộng hòa Séc
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư gặp mặt các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước
- Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm