Bản lĩnh chính trị của Đảng - nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trụ vững và phát triển
TCCS - Công cuộc đổi mới vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo đã đi qua chặng đường gần 35 năm. Đó là khoảng thời gian cách mạng Việt Nam đã từng trải qua những thời đoạn đầy cam go, thử thách, thậm chí có những thời điểm đất nước lâm vào tình thế hiểm nghèo tưởng như không thể vượt qua. Điều có ý nghĩa quyết định bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trụ vững và phát triển, đạt được những thành tựu to lớn, trước hết phải kể đến bản lĩnh chính trị của Đảng.
Bản lĩnh chính trị của Đảng là sự vững vàng, kiên định con đường cách mạng đã lựa chọn trên cơ sở nắm vững và vận dụng đúng đắn, sáng tạo các quy luật khách quan, nắm vững và trung thành với lý luận của chủ nghĩa Mác-Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh; đó là sự độc lập, tự chủ trong việc quyết định hướng đi của đất nước, nhất là khi tình hình quốc tế diễn biễn phức tạp.
Vào những năm cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, sau một thời kỳ dài phát triển với những thành tựu rực rỡ trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa bắt đầu lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội và ngày càng trầm trọng kéo dài, có nguy cơ đe dọa sự sống còn của Đảng Cộng sản cũng như vận mệnh của chế độ xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, cải cách, cải tổ và đổi mới đã diễn ra như một tất yếu khách quan.
Trong khi các nước xã hội chủ nghĩa thực hiện cải cách, cải tổ hoặc sửa chữa sai lầm, khuyết điểm thì Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương đổi mới. Tuy nhiên, đổi mới như thế nào, bắt đầu từ đâu để vừa sửa chữa được sai lầm, khuyết điểm, nhanh chóng ổn định tình hình kinh tế - xã hội đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng; vừa bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trụ vững và phát triển? Đó là những câu hỏi không dễ trả lời, nhất là vào thời điểm những năm đầu đổi mới. Với trọng trách của một Đảng cầm quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam đã kiên định và dựa chắc trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phân tích khách quan, khoa học tình hình thế giới và trong nước, đề ra đường lối đổi mới và chỉ đạo thực hiện đường lối với bước đi và cách làm phù hợp, bảo đảm cho công cuộc đổi mới phát triển đúng hướng, có hiệu quả; cụ thể như sau:
Một là, nhận định, đánh giá thực trạng đất nước khi bước vào sự nghiệp đổi mới.
Đây là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng, liên quan trực tiếp đến việc hoạch định đường lối và chỉ đạo thực hiện đường lối. Sự khủng hoảng và sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở các nước Đông Âu và Liên Xô cũng bắt đầu từ những sai lầm trong đánh giá thực trạng đất nước khi bước vào cải tổ. Đảng Cộng sản ở các nước đó đã không dự tính hết sự phức tạp và nhạy cảm của tình hình, không có bước đi chắc chắn, phù hợp. Với khẩu hiệu “dân chủ hoá”, “công khai hóa”, các phương tiện thông tin đại chúng đã công khai tất cả những sai lầm, khuyết điểm, những mặt tiêu cực, tích tụ lâu ngày trong Đảng mà không có sự cân nhắc, chọn lọc, không có sự phân tích, định hướng xây dựng, khiến cho các phần tử bất mãn lợi dụng để nói xấu Đảng, xuyên tạc, vu khống, làm tổn hại nghiêm trọng đến thanh danh, uy tín chung của toàn Đảng. Các thế lực thù địch, phản cách mạng cũng nhanh chóng chớp cơ hội đó để kích động, chia rẽ Đảng với nhân dân. Vì thế, những trang sử chói ngời của đất nước Xô-viết cũng như quá khứ anh hùng của Đảng Cộng sản Liên Xô nhanh chóng bị phủ nhận; vấn đề khủng hoảng của đất nước đã không được nhìn nhận, đánh giá với một tinh thần khách quan, khoa học, thay vào đó là những trận cuồng phong đào bới lịch sử, quy kết, thanh lọc cán bộ... Hậu quả là, Đảng Cộng sản và chính quyền nhà nước ngày càng bị mất uy tín, quần chúng thì hoang mang, dao động, bế tắc không tìm thấy lối thoát.
Khác với quan điểm của các Đảng Cộng sản ở các nước Đông Âu và Liên Xô, thái độ của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc đánh giá tình hình là “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”. Tuy nhiên, do tính phức tạp và nhạy cảm của vấn đề, nên khi rút ra những kết luận về thực trạng đất nước, Đảng đã rất thận trọng, chắc chắn, không phiến diện, cực đoan, không nóng vội, hồ đồ, dẫn đến thổi phồng, tuyệt đối hóa một mặt, một khía cạnh nào đó. Bởi vậy, tại Đại hội VI (năm 1986), một mặt, Đảng đã đánh giá đúng mức những thành tựu đạt được trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội (1975 - 1986), trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh chính trị và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, cho rằng những thành tựu đó “đã tạo cho sự nghiệp cách mạng nước ta những nhân tố mới để tiếp tục tiến lên”(1); mặt khác, Đảng đã chú trọng kiểm điểm những mặt yếu kém, chỉ rõ những biểu hiện và nguyên nhân của khủng hoảng kinh tế - xã hội, dù lúc đó cụm từ “khủng hoảng kinh tế - xã hội” chưa được sử dụng chính thức trong văn kiện Đại hội.
Đảng cũng nhận thức sâu sắc rằng, không có sai lầm nào đáng sợ bằng sai lầm không dám nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật như chỉ huấn của Bác Hồ, một Đảng mà không dám nhận khuyết điểm, sai lầm của mình là một Đảng hỏng. Bởi vậy, một trong những thành công của Đảng tại Đại hội VI là đã dũng cảm, thẳng thắn thừa nhận sai lầm, khuyết điểm trong hoạt động của Đảng và Nhà nước. Đó là những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách lớn, sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện. Khuynh hướng tư tưởng chủ yếu của những sai lầm ấy, đặc biệt là những sai lầm về chính sách kinh tế là bệnh chủ quan, duy ý chí, lối suy nghĩ và hành động giản đơn, nóng vội, chạy theo nguyện vọng chủ quan... Đó là tư tưởng tiểu tư sản vừa “tả” khuynh vừa “hữu” khuynh. Những sai lầm và khuyết điểm đó bắt nguồn từ những khuyết điểm trong hoạt động tư tưởng, tổ chức và công tác cán bộ. Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân(2). Những lời tự phê bình nghiêm khắc của Đảng tại Đại hội VI không chỉ là sự quán triệt và thực hiện nghiêm túc những lời dạy của V.I. Lê-nin, Hồ Chí Minh đối với Đảng Cộng sản khi phạm phải sai lầm, khuyết điểm, mà còn góp phần quan trọng trong việc tạo dựng niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng trước biến động phức tạp của thời cuộc.
Điều cốt yếu trong việc đánh giá thực trạng đất nước và cũng là thành công của Đảng tại Đại hội VI là đã tổng kết, rút ra được bốn bài học lớn: một là, trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”; hai là, Đảng phải luôn xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan; ba là, phải biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; bốn là, phải xây dựng Đảng ngang tầm với nhiệm vụ chính trị của một Đảng cầm quyền lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Những câu chữ mà Đại hội nêu ra trong bốn bài học thực ra không mới, nhưng bên trong lại chứa đựng một tinh thần rất mới. Vì thế, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đón nhận những bài học đó với sự đồng tình, nhất trí cao. Đó là một thành công lớn, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần độc lập, tự chủ và sáng tạo của Đảng trước bước ngoặt của thời cuộc.
Hai là, đề ra nhiệm vụ, mục tiêu đổi mới sát hợp với thực tiễn, có tính khả thi.
Đối với một Đảng Cộng sản “không có sai lầm nào nguy hiểm hơn là định sách lược của mình theo ý muốn chủ quan... định ra sách lược vô sản trên cơ sở đó có nghĩa là làm cho sách lược bị thất bại”(3). Đó là điều mà V.I.Lê-nin đã từng cảnh báo các Đảng Cộng sản khi hoạch định đường lối.
Tuy vậy, đã có một thời, không chỉ Việt Nam, mà cả ở các nước xã hội chủ nghĩa trước đây đều phạm phải sai lầm chủ quan, duy ý chí, muốn đi nhanh, theo đường thẳng, không tính toán đầy đủ các điều kiện và quy luật khách quan khi bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, thậm chí có nước còn tuyên bố xây dựng chủ nghĩa cộng sản trong vòng hai mươi năm. Ở đây, đã tái hiện bóng dáng của bệnh ấu trĩ “tả” khuynh mà V.I.Lê-nin đã từng nghiêm khắc lên án. Hậu quả là chúng ta muốn tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội nhưng thực tế lại phải đi đường vòng, thậm chí còn phải lùi lại hàng chục năm để khắc phục bệnh chủ quan, duy ý chí.
Từ sự tổng kết thực tiễn, phân tích sâu sắc những bài học thành công và không thành công của thời kỳ 1976 - 1985, đồng thời trên cơ sở những nhận thức mới về chủ nghĩa xã hội, về xu thế thời đại, về con đường và bước đi trong chặng đường đầu ở nước ta, Đại hội VI của Đảng chủ trương đổi mới vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đề ra hệ thống nhiệm vụ, mục tiêu, bao gồm: nhiệm vụ bao trùm, mục tiêu tổng quát, những mục tiêu cụ thể về kinh tế, xã hội trong những năm còn lại của chặng đường đầu tiên. Đại hội xác định, trọng tâm của kế hoạch 5 năm 1986 - 1990 là phải tập trung sức người, sức của vào việc thực hiện cho được ba chương trình mục tiêu về lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Những mục tiêu ấy là một thể thống nhất, vừa bảo đảm tính toàn diện, có trọng tâm, vừa chú trọng giải quyết những vấn đề mang tính cấp bách là ổn định mọi mặt tình hình kinh tế - xã hội, vừa hướng tới mục tiêu cơ bản là xây dựng những tiền đề cần thiết cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong chặng đường tiếp theo. Thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu ở chặng này sẽ tạo điều kiện, tiền đề cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu ở chặng sau.
Ba là, lựa chọn hình thức, bước đi, cách làm phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Đánh giá đúng thực trạng đất nước, đề ra nhiệm vụ và mục tiêu sát hợp là vấn đề có ý nghĩa quyết định trước tiên bảo đảm cho sự nghiệp cách mạng đi tới thắng lợi. Song, bằng con đường nào, với những hình thức, bước đi, cách làm như thế nào để thực hiện phương hướng và mục tiêu đã định, vấn đề này không kém phần quan trọng. Kinh nghiệm cho thấy “phong trào cách mạng có khi giẫm chân tại chỗ, thậm chí thất bại nữa, không phải vì thiếu phương hướng và mục tiêu rõ ràng mà chủ yếu vì thiếu phương pháp cách mạng thích hợp”(4).
Xuất phát từ những đòi hỏi cấp thiết của đất nước, trên cơ sở tổng kết thực tiễn quá trình tìm tòi, thử nghiệm thời kỳ 1979 - 1986, tham khảo những kinh nghiệm thành công và không thành công của các nước trên thế giới, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương “đổi mới toàn diện, đồng bộ và triệt để nhưng phải có bước đi, hình thức và cách làm phù hợp”. Ở giai đoạn đầu lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm nhằm khắc phục tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội, tạo tiền đề cần thiết về vật chất và tinh thần để giữ vững ổn định chính trị, xây dựng và củng cố niềm tin của nhân dân, tạo thuận lợi để đổi mới các mặt khác của đời sống xã hội. Để đạt được mục tiêu đó, Đảng chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, nhưng không phải mọi thành phần kinh tế đều có vai trò, vị trí như nhau. Trong nền kinh tế nhiều thành phần ấy, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân; chủ trương xóa bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp, chuyển sang cơ chế thị trường nhưng không tuyệt đối hóa, coi thị trường là “liều thuốc vạn năng”, phải giữ vững vai trò quản lý, điều tiết của Nhà nước để vừa khuyến khích mặt tích cực, vừa hạn chế được mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; chủ trương mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại theo phương châm đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế nhưng phải giữ vững nguyên tắc vì độc lập, thống nhất và chủ nghĩa xã hội; kiên quyết không chịu sự áp đặt những điều kiện về chính trị, kinh tế của bất cứ quốc gia hoặc tổ chức quốc tế nào...
Đồng thời với đổi mới kinh tế, tiến hành từng bước đổi mới chính trị. Điều này không có nghĩa là chờ cho đổi mới kinh tế xong mới tiến hành đổi mới chính trị và lại càng không phải chỉ đổi mới kinh tế mà không tiến hành đổi mới chính trị như một số người lầm tưởng hoặc đã cố tình xuyên tạc. Quan điểm và tư tưởng chỉ đạo nhất quán của Đảng là kết hợp chặt chẽ ngay từ đầu đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, đồng thời từng bước đổi mới chính trị. Giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị chính là khâu then chốt trong toàn bộ quá trình đổi mới. Hai lĩnh vực này có mối quan hệ biện chứng tác động và ảnh hưởng lẫn nhau. Thực tiễn đã chứng tỏ rằng, không thể đổi mới kinh tế thành công trong một môi trường bất ổn về chính trị và cũng không thể đổi mới chính trị thành công trong khi “kinh tế đất nước đang trong tình trạng như một chiếc dạ dày rỗng”. Có thực mới vực được đạo. Vì thế, tập trung sức làm tốt đổi mới kinh tế và khi đổi mới kinh tế thành công sẽ tạo tiền đề cần thiết về vật chất và tinh thần để giữ vững ổn định chính trị. Ngược lại, đổi mới chính trị thành công sẽ tạo ra điều kiện, môi trường và động lực để đổi mới kinh tế thắng lợi.
Tuy nhiên, chính trị xưa nay vốn là lĩnh vực nhạy cảm và cực kỳ phức tạp, đụng chạm đến mọi mối quan hệ trong xã hội. Nói như V.I.Lê-nin, chính trị liên quan tới số phận của hàng triệu quần chúng. Vì vậy, đổi mới chính trị nhất thiết phải tiến hành từng bước, phải trên cơ sở nghiên cứu và chuẩn bị rất nghiêm túc, không xới tung mọi vấn đề cùng một lúc khi chưa đủ điều kiện chín muồi, không cho phép xảy ra mất ổn định về chính trị dẫn tới sự rối loạn xã hội. Nếu chính trị không ổn định, hơn nữa lại bị rối loạn thì toàn bộ công cuộc đổi mới sẽ gặp nhiều khó khăn, trắc trở; khi đó chúng ta sẽ không thể thực hiện bất cứ sự đổi mới nào khác, mà chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các thế lực thù địch, phản cách mạng lấn tới phản kích, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ mọi thành quả cách mạng mà Đảng, nhân dân đã phải tốn bao xương máu gây dựng được. Tuy nhiên, cũng không vì tính phức tạp của vấn đề mà lại chậm trễ trong đổi mới chính trị, vì sự chậm trễ đó sẽ cản trở đổi mới kinh tế và các lĩnh vực khác.
Với những nhận thức và quan điểm chỉ đạo đúng đắn ấy, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đi những bước thận trọng và chắc chắn. Bắt đầu từ việc đổi mới tư duy chính trị trong việc hoạch định đường lối, chính sách đối nội và đối ngoại và không có sự đổi mới đó thì không có mọi sự đổi mới khác. Tuy nhiên, ngay từ khi khởi xướng sự nghiệp đổi mới, mặc dù chịu sự tác động và ảnh hưởng của nhiều luồng tư tưởng khác nhau, nhưng Đảng vẫn khẳng định, đổi mới tư duy không có nghĩa là phủ nhận những thành tựu lý luận đã đạt được, phủ nhận những quy luật phổ biến của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, phủ nhận đường lối đúng đắn đã được xác định; trái lại, đó chính là sự bổ sung và phát triển những thành tựu ấy. Chủ trương đổi mới, kiện toàn tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị không có nghĩa là thay đổi chế độ chính trị này bằng chế độ chính trị khác, không phải là làm đổ vỡ các tổ chức chính trị hiện có, mà chính là để tăng cường sức mạnh hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức ấy và của chế độ. Mấu chốt trong đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta là phân định rõ chức năng, giải quyết tốt mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước, bảo đảm cho quá trình hoạt động của các tổ chức này không bị trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ. Vì vậy, một mặt phải đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, bảo đảm cho Đảng vừa là một bộ phận của hệ thống chính trị, không đứng trên, không đứng ngoài mà đứng trong hệ thống ấy, vừa thực hiện được vai trò hạt nhân lãnh đạo hệ thống ấy; mặt khác, phải tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước cũng như phát huy vai trò, tính tích cực, chủ động của các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia vào quá trình thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, ở nước ta, việc giải quyết mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước hoàn toàn không có sự đối lập giữa nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng với tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước, không có sự hy sinh cái này cho cái kia mà chỉ có sự thống nhất làm tăng sức mạnh lẫn nhau giữa vai trò lãnh đạo của Đảng với vai trò quản lý của Nhà nước. Đảng chủ trương mở rộng dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, song, dân chủ nhất thiết phải đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; dân chủ phải có lãnh đạo. Kiên quyết xử lý mọi biểu hiện, hành động vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, cũng như mưu toan lợi dụng “dân chủ”, “nhân quyền” để chống phá hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta.
Những năm đầu triển khai thực hiện đường lối đổi mới, làn sóng đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập ở các nước Đông Âu và Liên Xô đã dồn dập tác động và ảnh hưởng rất xấu đến tình hình chính trị, tư tưởng ở Việt Nam. Các thế lực thù địch, phản cách mạng cũng không bỏ lỡ thời cơ, dấn tới phản kích nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng. Song, nhờ có sự nhạy bén trong đánh giá tình hình, với lập trường kiên định và đổi mới có nguyên tắc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thẳng thừng bác bỏ quan điểm đòi đa nguyên, đa đảng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Nhờ đó đất nước giữ được sự ổn định về chính trị - xã hội trong bối cảnh của một thế giới đầy biến động.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị gặp mặt các đồng chí nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, ngày 2-2-2020_Video: TCCS/Truyền hình Thông tấn
Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà Việt Nam đạt được trong bối cảnh phức tạp của thời cuộc lại một lần nữa chứng minh bản lĩnh chính trị của Đảng là nhân tố quan trọng hàng đầu tạo nên sức mạnh của Đảng. Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, mỗi người dân Việt Nam đều có quyền tự hào và tin tưởng chắc chắn rằng, với một Đảng đã biết nêu cao bản lĩnh chính trị, truyền thống độc lập, tự chủ và sáng tạo để đưa dân tộc vượt qua những thử thách hiểm nghèo, giành được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế thì Đảng ấy nhất định sẽ lãnh đạo thành công sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay./.
--------------------------------------
(1), (2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc thời kỳ đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, Phần 1, tr. 14, 24
(3) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1981, t.31, tr. 435
(4) Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, vì tự do, vì chủ nghĩa xã hội tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1976, tr. 34
Lễ kỷ niệm trọng thể 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam  (04/02/2020)
Diễn văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam  (03/02/2020)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng; 70 năm thành lập tỉnh Vĩnh Phúc  (02/02/2020)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên