Sở hữu toàn dân về đất đai - cống hiến xuất sắc của V.I. Lê-nin trong phát triển lý luận về sở hữu đất đai của C. Mác
TCCS - Phạm trù “sở hữu toàn dân về đất đai” là một trong những nội dung luôn nằm trung tâm của cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận, được các thế lực thù địch triệt để lợi dụng để công kích, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta. Cần phải khẳng định rằng, sở hữu toàn dân về đất đai là phát kiến khoa học của C. Mác, được V.I. Lê-nin phát triển, áp dụng vào thực tiễn và được Đảng ta nghiên cứu, vận dụng sáng tạo trong thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Sở hữu toàn dân về đất đai là một trong những nội dung quan trọng nhất của Hiến pháp và Luật Đất đai, được xác định một cách liên tục và nhất quán ở nước ta qua các thời kỳ trước và trong đổi mới. Mặc dù Hiến pháp năm 2013 và Luật Đất đai năm 2013 tiếp tục khẳng định điều này nhưng vẫn còn không ít những ý kiến hoài nghi, thậm chí phản bác tính chất đúng đắn của chế độ sở hữu toàn dân về đất đai. Một số ý kiến còn cho rằng, chính sở hữu toàn dân về đất đai là nguyên nhân dẫn đến những vụ khiếu kiện đông người kéo dài, gây mất ổn định xã hội ở một số địa phương. Họ đòi phải “đa dạng hóa” sở hữu đất đai, trong đó có bao gồm sở hữu tư nhân về đất đai. Một số người, có cả những cán bộ, công chức,... có những hiểu biết rất “mơ hồ” về khái niệm “toàn dân” với tư cách là chủ thể sở hữu đất đai. Thậm chí còn phủ nhận sự tồn tại của khái niệm đó.
Tất cả những điều nói trên cho thấy cần làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn của việc xác định sở hữu toàn dân về đất đai nhằm đáp ứng các yêu cầu không chỉ về nhận thức mà còn cả về hành động trong thực thi Hiến pháp và các đạo luật liên quan tới đất đai ở nước ta.
Trước hết, cần phải khẳng định rằng, phạm trù “sở hữu toàn dân về đất đai” không phải là sản phẩm riêng có của Đảng ta mà là kết quả của sự vận dụng những nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn trong di sản kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lê-nin.
Vào thời của mình, khi nghiên cứu về đất đai và địa tô dưới các chế độ phong kiến và tư bản chủ nghĩa, C. Mác đã chứng minh một cách thuyết phục rằng, trong chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất thì chế độ tư hữu về ruộng đất là vô lý nhất và quyền tư hữu về ruộng đất là hoàn toàn vô lý; nói đến quyền tư hữu về ruộng đất chẳng khác gì nói đến quyền sở hữu cá nhân đối với những người đồng loại của mình. Ông cho rằng, loài người không tạo ra đất đai, nó rõ ràng là có trước con người. Vì thế không một ai có quyền sở hữu đất đai.
Quyền tư hữu về đất đai sinh ra địa tô tuyệt đối là một lực cản ghê gớm đối với sự phát triển lực lượng sản xuất trong nông nghiệp, là nguồn gốc của sự đói khổ của số đông nhân loại trong lịch sử. C. Mác cho rằng, về mặt sở hữu thì đất đai thuộc về sở hữu toàn nhân loại theo nghĩa rộng, tức là tất cả các thế hệ loài người đã, đang và sẽ sống trên trái đất. Mỗi thế hệ vừa là bộ phận của chủ sở hữu vừa là chủ thể sử dụng đất. Với tư cách là chủ thể sử dụng đất, thế hệ đó phải có trách nhiệm không chỉ tạo ra những của cải cho cuộc sống của mình mà còn phải tôn tạo, bảo vệ độ phì nhiêu của đất để bàn giao cho đời sau. Người nào sử dụng đất mà làm cho đất bị ô nhiễm, sa mạc hóa là có tội. Ông kịch liệt lên án việc sử dụng đất theo phương pháp tư bản chủ nghĩa bởi vì nó làm giảm độ phì nhiêu của đất,… Theo C. Mác, trong điều kiện còn tồn tại các quốc gia, dân tộc thì đất đai thuộc về chủ quyền lãnh thổ của quốc gia đó và chỉ có toàn thể chủ nhân của quốc gia đó (chứ không phải là chính quyền nhà nước) mới là chủ thể sở hữu lãnh thổ đó.
V.I. Lê-nin là người am hiểu sâu sắc cơ sở pháp lý của vấn đề sở hữu đất đai cũng như lý luận về đất đai và địa tô của C. Mác. Khi nghiên cứu về hai con đường phát triển tư bản chủ nghĩa trong nông nghiệp, V.I. Lê-nin đã đi đến kết luận rất khoa học về sự cần thiết phải quốc hữu hóa đất đai để xóa bỏ địa tô tuyệt đối nhằm mở đường cho sự phát triển lực lượng sản xuất trong nông nghiệp. Chính V.I. Lê-nin từng viết báo lên án mạnh mẽ chính quyền Sa hoàng vì đã bán toàn bộ lãnh thổ Alaska cho Mỹ (năm 1867), đồng thời, chỉ ra sự cam chịu của chính quyền Mãn Thanh dưới áp lực của Liên quân Anh, Pháp ký hiệp định cho thuê 99 năm Hồng Kông (với Anh) và một phần Quảng Châu cùng đường sắt Côn Minh - Vân Nam (với Pháp).
Với sự thấu hiểu về sở hữu đất đai như thế nên ngay vào ngày thứ hai sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi, chính V.I. Lê-nin đã soạn thảo và ban hành hai sắc lệnh đầu tiên của Chính quyền Xô-viết là Sắc lệnh về hòa bình và Sắc lệnh về ruộng đất. Trong Sắc lệnh về ruộng đất đó, phạm trù “sở hữu toàn dân về đất đai” ở nước Nga xô-viết đã được luật hóa. Theo quan điểm của V.I. Lê-nin, thể hiện trong Sắc lệnh về ruộng đất, Nhà nước xô-viết cũng như tất cả mọi nhà nước không có quyền sở hữu đất đai, do vậy không được phép bán cho bất kỳ chủ thể nào dù chỉ một phần nhỏ đất đai(1). Nhà nước xô-viết chỉ là người quản lý, người giám đốc điều hành nhằm bảo vệ lợi ích của chủ thể sở hữu là Toàn Dân. Không làm được điều đó là một nhà nước tồi. Để mất đất đai vào tay ngoại bang hay tư nhân cũng đều làm hại tới lợi ích của Toàn Dân với tư cách là chủ thể sở hữu. Toàn Dân cũng không phải chỉ là toàn thể nhân dân (tức là những người đang sống trên đất) mà còn bao gồm cả những người đã khuất vì họ có kết tinh lao động vào trong đất và có công khai phá, bảo vệ đất nước. Toàn Dân cũng còn bao gồm cả những thế hệ tương lai sẽ xuất hiện và sẽ tiếp tục sinh sống trên đất đai của tiền nhân. Mở rộng ra hơn nữa, khái niệm Toàn Dân cũng còn bao gồm tất cả những ai (cho dù không có quốc tịch) coi vùng lãnh thổ đó là Tổ quốc và sẵn sàng làm tất cả, kể cả hy sinh tính mạng để bảo vệ Tổ quốc.
Không có gì để có thể nghi ngờ rằng những cống hiến nêu trên của V.I. Lê-nin là một trong những thành tựu xuất sắc nhất của ông khi kiên trì bảo vệ sự trong sáng của Chủ nghĩa Mác và tiếp tục phát triển nó trong điều kiện lịch sử mới của thế giới khi đó.
Ở Việt Nam, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng nói với các chiến sĩ Vệ quốc quân trước ngày tiếp quản Thủ đô là: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”(2) ngay tại Đền Hùng thiêng liêng. Câu nói đó cũng thể hiện tư tưởng của Người về chủ thể đích thực của đất đai. Tất cả đất đai đều là những di sản nhắc nhở những thế hệ đang sống và tiếp theo phải ghi nhớ công lao của các thế hệ trước.
Hiến pháp 1959 dưới sự chủ trì biên soạn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lần đầu tiên luật hóa vấn đề sở hữu toàn dân về hầm mỏ, sông ngòi, và những rừng cây, đất hoang, tài nguyên khác,... Từ đó đến Hiến pháp các năm 1980, 1992, 2013 và các văn bản pháp lý về đất đai được soạn thảo và sửa đổi theo các Hiến pháp đó cho phù hợp với thực tiễn mới, nhưng một điều khoản bất di, bất dịch là “sở hữu toàn dân về đất đai”.
Xa hơn nữa về mặt lịch sử dân tộc, vị vua anh minh Lê Thánh Tông cũng đã cho khắc lên bia đá ở Phú Yên dòng chữ: “Mỗi tấc trời, tấc đất, tấc biển của tiền nhân để lại đều quyết phải gìn giữ”. Điều đó cũng hàm chứa ý nghĩa nhất định về sở hữu toàn dân đối với đất đai.
Vậy những luận điệu đòi “đa dạng hóa sở hữu đất đai”; phải “công nhận sở hữu tư nhân về đất đai” bản chất là gì? Một số người nhận thức chưa đầy đủ, một phần do công tác tuyên truyền và giáo dục về chủ nghĩa Mác - Lê-nin còn hạn chế; một bộ phận cố tình xuyên tạc bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tính đúng đắn của chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, hòng phục vụ cho những mưu đồ chính trị đen tối.
Chủ nghĩa yêu nước kết hợp với chủ nghĩa Mác - Lê-nin là vũ khí sắc bén trong 90 năm đấu tranh cách mạng của Đảng ta, sở hữu toàn dân về đất đai là một trong những biểu hiện rất sinh động của sự kết hợp ấy, tiếp tục được Đảng ta vận dụng sáng tạo xây dựng thành công nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam./.
------------------------------
(1) Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô, Nxb Chính trị, Mátxcơva (tiếng Nga), tr.221
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2011, tr.59
Di sản của V.I. Lê-nin: Giá trị lý luận và thực tiễn đối với cách mạng thế giới và Việt Nam  (24/04/2020)
Dâng hoa kỷ niệm 150 năm Ngày sinh lãnh tụ cộng sản V.I. Lê-nin  (21/04/2020)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên