Hà Nội đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong tiến trình hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng
TCCS - Nguồn nhân lực chất lượng cao là bộ phận cấu thành của nguồn nhân lực quốc gia, đóng vai trò quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng hiện nay, phát triển nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng, càng trở nên quan trọng và cấp thiết. Nhận thức rõ điều đó, trong những năm qua, Hà Nội luôn đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần tạo nền tảng quan trọng để Thủ đô thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững.
Vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao
Nguồn nhân lực chất lượng cao là khái niệm chỉ người lao động có sức khỏe thể chất, tinh thần tốt; trình độ tay nghề cao, khả năng lao động giỏi và kỹ năng chuyên môn tốt trong nghề; có những phẩm chất xã hội tốt đẹp, như tinh thần nhân văn, tập thể, hòa nhập, thích nghi làm việc trong môi trường đa văn hóa... Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, khi nền kinh tế chủ yếu dựa trên tri thức, thì nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng thể hiện vai trò quyết định.
Thứ nhất, là một trong những nguồn lực chính quyết định quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Xét trong quá trình sản xuất, con người không chỉ là một yếu tố câu thành, mà còn là nhân tố quyết định việc khai thác, sử dụng, bảo vệ và tái tạo các nguồn lực khác. Thực tế cho thấy, tài nguyên thiên nhiên, cơ sở vật chất kỹ thuật, khoa học - công nghệ đều hữu hạn, chỉ có thể phát huy tác dụng khi kết hợp hiệu quả với nguồn nhân lực. Trong khi đó, nguồn nhân lực có ưu thế nổi bật là không bị cạn kiệt nếu biết bồi dưỡng, khai thác và sử dụng hợp lý.
Thứ hai, là điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa rút ngắn của đất nước. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện nền kinh tế từ dựa vào nông nghiệp và thủ công sang máy móc công nghiệp là chính. Đây là quá trình sử dụng nguồn lao động được đào tạo, kết hợp với công nghệ, phương pháp tiên tiến nhằm tạo ra năng suất lao động xã hội cao.
Thứ ba, là điều kiện quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Toàn cầu hóa kinh tế tiếp tục phát triển về quy mô, mức độ và hình thức biểu hiện với những tác động tích cực và tiêu cực, cơ hội và thách thức đan xen phức tạp. Sự tùy thuộc lẫn nhau, hội nhập, cạnh tranh và hợp tác giữa các nước ngày càng trở thành phổ biến. Kinh tế tri thức phát triển mạnh, do đó, nguồn nhân lực chát lượng cao càng trở thành nhân tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia.
Thứ tư, là yếu tố quyết định đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Khi khoa học - công nghệ thực sự trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, kinh tế tri thức ngày càng chiếm ưu thế trong phát triển kinh tế - xã hội, thì lợi thế cạnh tranh dựa trên công nghệ, tri thức, tư duy đổi mới và năng lực sáng tạo của chính con người. Vì vậy, nguồn nhân lực chất lượng cao được xác định là yếu tố trung tâm trong hệ thông các nguồn lực phát triển, như tài nguyên thiên nhiên, nguồn tài chính, nguồn lực khoa học - công nghệ.
Thực tiễn phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Hà Nội
Trong những năm qua, quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; Quyết định số 579/QĐ-TTg, ngày 19-4-2011, của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt “Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020” và Quyết định số 1216/QĐ-TTg, ngày 22-7-2011, của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; thành phố Hà Nội đã xây dựng, ban hành và triển khai nhiều văn bản thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, như: Chương trình số 04-CTr/TU, ngày 24-6-2016, “Về phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”; Chương trình 06-CTr/TU, ngày 17-3-2021, của Thành ủy Hà Nội “Về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021 - 2025” và Quyết định số 4907/QĐ-UBND, ngày 8-12-2022, phê duyệt Đề án “Phát triển chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc gia và kiểm định các trường đại học Đông Nam Á”, bước đầu đạt những kết quả quan trọng, tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô.
Thứ nhất, chất lượng giáo dục - đào tạo liên tục được nâng cao. Hiện nay, Hà Nội là địa phương có tỷ lệ giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn cao nhất cả nước, trong đó 100% giáo viên đứng lớp ở các cấp học, bậc học có trình độ đào tạo đạt chuẩn. Chất lượng giáo dục đại học trên địa bàn được nâng cao, nhiều trường tích cực đổi mới, tiệm cận với xu hướng phát triển của giáo dục đại học trên thế giới. Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội đã có tên trong bảng xếp hạng 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới… Không chỉ bứt phá về chất lượng giáo dục mũi nhọn, chất lượng giáo dục toàn diện của thành phố Hà Nội cũng có sự khởi sắc mạnh mẽ. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 đạt 99,17%, tăng hơn 8% so với năm 2015. Tỷ lệ học sinh đạt thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế cũng liên tục dẫn đầu cả nước. Năm 2020, học sinh trung học phổ thông của Thủ đô đã giành được 338 giải và huy chương trong các kỳ thi Olympic quốc tế, tăng gấp hơn 30 lần so với năm 2015.
Thứ hai, công tác giáo dục nghề nghiệp được đẩy mạnh. Hiện nay, Hà Nội trở thành một trong những thành phố có số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp lớn nhất cả nước với 380 đơn vị (67 trường cao đẳng; 83 trường trung cấp; 75 loại hình trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 141 doanh nghiệp và loại hình khác có hoạt động giáo dục nghề nghiệp). Trong đó, có 4 trường cao đẳng đang triển khai xây dựng trường chất lượng cao, hướng tới trường đạt chuẩn khu vực, quốc tế theo quy định của Chính phủ; 16 trường trung cấp, cao đẳng được lựa chọn 29 nghề trọng điểm (bao gồm 14 nghề cấp độ quốc tế, 11 nghề cấp độ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN, 14 nghề cấp độ quốc gia). Cùng với sự phát triển của hệ thống cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, số lượng lao động tham gia đào tạo cũng được tăng lên, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất. Giai đoạn 2016 - 2020, các đơn vị có hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố thực hiện tuyển sinh đào tạo đạt trên 1 triệu lượt người. Bình quân mỗi năm có khoảng trên 200.000 lượt người được qua đào tạo nghề. Số lao động qua đào tạo nghề tăng dần và chất lượng dạy nghề có chuyển biến tích cực với cơ cấu ngành nghề đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, giúp người học nghề dễ dàng có thể tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp. Theo đánh giá về kết quả giáo dục nghề nghiệp của Thủ đô, tỷ lệ lao động qua đào tạo cũng tăng từ 53,12% (năm 2015) lên 70,23% (năm 2020); tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 70%. Hà Nội cũng luôn dẫn đầu trong nhiều kỳ thi, hội thi tay nghề cấp quốc gia và quốc tế.
Thứ ba, các điều kiện bảo đảm chất lượng hệ thống giáo dục nghề nghiệp dần được chuẩn hóa. Để phát triển trường chất lượng cao, đầu tư nghề trọng điểm, Hà Nội thực hiện chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng hệ thống giáo dục nghề nghiệp; đồng thời, đặt ra mục tiêu đầu tư phát triển 4 trường cao đẳng là trường chất lượng cao với một số nghề đạt chuẩn khu vực, quốc tế. Công tác đào tạo gắn với doanh nghiệp cũng luôn được thành phố quan tâm chú trọng, coi đây là một giải pháp thúc đẩy mạnh kết quả tuyển sinh, đạo tạo nghề gắn với doanh nghiệp. Trong hơn 3 năm qua, đã có hơn 2.300 lượt doanh nghiệp hợp tác với các sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố trong công tác xây dựng chỉnh sửa bổ sung chương trình đào tạo, tuyển sinh, đào tạo, thực tập, thực hành sản xuất, đến tuyển dụng và sử dụng lao động... mang lại sự đột phá mới trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp hiện nay. Chất lượng nguồn nhân lực tăng lên cũng góp phần tăng năng suất lao động. Hiện tại, năng suất lao động ở Hà Nội ước đạt 258,3 triệu đồng, gấp 1,65 lần bình quân cả nước, tăng 6,15% so với giai đoạn 2011-2015, vượt mục tiêu đề ra.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, của Hà Nội hiện nay còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ mới đạt 48%. Nguồn nhân lực sẵn sàng cung ứng cho thị trường chủ yếu là lao động phổ thông và đang rất thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng, nhất là ở một số ngành nghề như công nghệ thông tin, tự động hóa, điện tử, cơ điện tử... So với những năm trước, chất lượng lao động có trình độ đã tăng nhưng chưa thật sự đáp ứng được với nhu cầu thực tế. Nhiều doanh nghiệp hiện nay đòi hỏi lao động không chỉ được đào tạo bài bản về mặt chuyên môn, mà còn cả những yếu tố khác như tin học, ngoại ngữ… Nhiều lao động sau đào tạo về công nghệ thông tin lại thiếu yếu tố ngoại ngữ, dư địa tìm kiếm việc làm thu hẹp hoặc thu nhập hạn chế hơn khi thiếu các yếu tố khác ngoài chuyên môn. Đặc biệt, cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư và trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng đang đặt ra nhiều thách thức về lao động, việc làm và chất lượng nguồn nhân lực của cả nước nói chung, Thủ đô nói riêng. Nhiều nghiên cứu cho thấy, trong khoảng 10 - 15 năm tới, do tác động của công nghệ thông tin, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI), khoảng 1/3 số công việc trên thế giới ở thời điểm hiện tại sẽ thay đổi khiến khoảng 40% lao động phải bổ sung kỹ năng, mới có thể đáp ứng yêu cầu công việc.
Để Hà Nội “cất cánh” vươn lên xứng tầm khu vực, quốc tế
Từ xưa đến nay, Thăng Long - Hà Nội luôn là nơi trọng yếu hội tụ nhân tài bốn phương và nguồn lực quý báu này đã giúp kinh Thăng Long thành xưa, Thủ đô Hà Nội ngày nay không ngừng phát triển về mọi mặt. Trong tình hình mới, thời kỳ mới, để có được nguồn nhân lực chất lượng cao đủ trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Hà Nội cần ưu tiên một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục kiên trì mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, hình thành hệ giá trị văn hóa mới trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, lan tỏa hơn nữa giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, con người Hà Nội nhằm bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, tình yêu Hà Nội, truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, gương mẫu về đạo đức, lối sống, có khát vọng đổi mới sáng tạo, có ý chí vươn lên của mỗi người dân Thủ đô.
Hai là, đẩy nhanh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có chất lượng giáo dục - đào tạo, trọng tâm là chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị, thay đổi phương thức giáo dục đào tạo, nhất là giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.
Ba là, tích cực hơn nữa trong công tác tham mưu, chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đến năm 2025 thực hiện đào tạo cho 1.150.000 lượt người, bình quân mỗi năm đạt khoảng 230.000 lượt người; tỷ lệ lao động qua đào đạt từ 75% - 80%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 55% - 60%; xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, bảo đảm quy mô, cơ cấu hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo (đa ngành, chuyên ngành), chuẩn hóa, hiện đại hóa, có phân tầng chất lượng.
Bốn là, bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô; hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư, cả doanh nghiệp, người sử dụng lao động tích cực tham gia vào hoạt động đào tạo, phát triển kỹ năng nghề.
Năm là, xây dựng các mô hình gắn kết với giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động theo từng vùng, từng địa phương phù hợp với từng nhóm đối tượng, trong đó chú trọng đối tượng đặc thù. Ưu tiên phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có ngành, nghề đang phát triển, đáp ứng tốt nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của xã hội hiện nay, như du lịch, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ tự động hóa, số hóa công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, dược, mỹ phẩm, nông nghiệp công nghệ cao, logistics,... Khuyến khích thành lập các trường tư thục và trường có vốn đầu tư nước ngoài.
Sáu là, đẩy mạnh dự báo nhu cầu về đào tạo nghề nghiệp, đặc biệt là ngành nghề khoa học và kỹ thuật công nghệ, trong đó ưu tiên công nghệ thông tin, công nghệ mới, công nghệ cao; sắp xếp tổ chức mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, dễ tiếp cận đa dạng về loại hình, hình thức tổ chức, phân bổ hợp lý cả về cơ cấu ngành, trình độ vùng, miền và đủ khả năng đáp ứng nhu cầu về đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Bảy là, đẩy mạnh công tác tư vấn, tuyển sinh, phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, xây dựng kế hoạch tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp hàng năm; tư vấn tuyển sinh trực tuyến trên website, fanpage, các kênh liên kết tuyển sinh online; tổ chức ngày hội tư vấn, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp; hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động…
Nhìn chung, việc duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là nền tảng quan trọng để thành phố Hà Nội thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới./.
Kinh nghiệm của Nhật Bản trong thu hút lao động chất lượng cao: Hàm ý cho Thủ đô trong tiến trình hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng  (27/11/2023)
Hà Nội: Tâm thế mới, vóc dáng mới trong điều kiện mới  (26/11/2023)
Hà Nội: Chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, hội nhập  (25/11/2023)
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao của Thủ đô  (25/11/2023)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển