TCCS - Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và ở Việt Nam, xuất bản số trở thành xu thế tất yếu của ngành xuất bản, đòi hỏi các đơn vị xuất bản cần xây dựng định hướng và giải pháp đẩy mạnh phát triển xuất bản số để đáp ứng nhu cầu xã hội và bắt kịp xu thế của thời đại.
Bước vào thế kỷ XXI, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông đã tác động sâu sắc tới hoạt động xuất bản, làm thay đổi hình thái của ngành xuất bản và làm xuất hiện các mô hình hoạt động mới, như tự xuất bản, xuất bản điện tử, xuất bản số,... Đi cùng với đó là các hình thức phân phối, kinh doanh thương mại điện tử. Các mô hình xuất bản mới đã tạo ra sản phẩm mới, giá trị mới trên nền tảng công nghệ hiện đại với tính tập trung lớn về nội dung, tích hợp sâu sắc hàm lượng công nghệ và nhiều đặc điểm vượt trội; không bị giới hạn bởi phạm vi không gian, thời gian và đối tượng tham gia. Trong số đó, mô hình xuất bản số đang được xem là một hướng đi mở, có tính xã hội hóa cao, giúp cho xuất bản truyền thống khắc phục được những hạn chế vốn có, đồng thời phát huy được ưu thế về tài nguyên nội dung tri thức. Đây là mô hình được dự báo có nhiều triển vọng phát triển ở Việt Nam, đáp ứng yêu cầu đổi mới hoạt động xuất bản và bảo đảm cho ngành xuất bản bắt kịp xu thế của thời đại.
Xuất bản số - nội hàm và cấu trúc
Trên thế giới, digital publishing là khái niệm được dùng để chỉ xuất bản kỹ thuật số hay còn gọi là xuất bản số, bao gồm các xuất bản phẩm được số hóa, như: sách kỹ thuật số, tạp chí kỹ thuật số và các thư viện, danh mục kỹ thuật số,.. Ngoài ra, khái niệm xuất bản số còn được dùng để chỉ việc biên tập, sản xuất các cuốn sách, tạp chí truyền thống thành một xuất bản phẩm có định dạng số để có thể đọc được trên màn hình máy tính, các thiết bị đọc sách điện tử chuyên dụng, máy tính bảng, điện thoại thông minh(1).
Ở Trung Quốc, khái niệm này đã được đề cập từ thập niên 90 của thế kỷ XX, tuy nhiên, cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa đưa ra một định nghĩa rõ ràng và thống nhất về xuất bản số. Theo Tổng cục Báo chí - Xuất bản Trung Quốc(2), hoạt động xuất bản số được định nghĩa là phương pháp xuất bản mới sử dụng công nghệ kỹ thuật số để chỉnh sửa nội dung và xử lý nội dung xuất bản phẩm, đồng thời thông qua mạng để truyền bá, phát hành xuất bản phẩm số. Nói một cách đơn giản, xuất bản số là việc sử dụng công nghệ máy tính, công nghệ mạng để thay thế một số khâu trong hoạt động xuất bản truyền thống.
Ở Việt Nam, chưa có một khái niệm thống nhất về “xuất bản số”, và về cơ bản, vẫn chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa “xuất bản điện tử” và “xuất bản số”. Hiện nay, trong hoạt động của ngành xuất bản sách, mới chỉ chủ yếu là xuất bản điện tử (với các sản phẩm chính như sách điện tử (e-book), sách nói (audiobook), CD-ROM,...) - một nhánh của xuất bản số. Theo đó, nội hàm và cấu trúc của xuất bản số ở nước ta chưa được định hình rõ nét.
Về cơ bản, xuất bản số là hình thức xuất bản, phổ biến thông tin ở định dạng số và phân phối cho người dùng tiềm năng trên internet và mạng nội bộ hoặc ở các định dạng độc lập như CD-ROM và đĩa mềm. Các thông tin trong xuất bản số có thể là văn bản, số liệu, đồ họa, hình ảnh tĩnh hoặc chuyển động, video, âm thanh, thậm chí là sự tích hợp của tất cả những dạng thông tin này.
Đặc trưng của xuất bản số được thể hiện ở công thức sau: Xuất bản số = Công nghệ điện tử + Công nghệ máy tính + Công nghệ truyền thông + Xuất bản.
Xuất bản số liên quan đến việc thu thập, sửa đổi và phân phối thông tin dưới các hình thức khác nhau, chẳng hạn như trên phương tiện vật lý hoặc thông qua mạng máy tính. Xuất bản số có thể được chia thành hai loại: xuất bản trực tuyến và xuất bản ngoại tuyến. Xuất bản trực tuyến sử dụng máy tính và mạng truyền thông bao gồm internet, mạng nội bộ để phân phối nội dung. Xuất bản ngoại tuyến sử dụng phương tiện lưu trữ như CD-ROM, CD-I, DVD, thẻ nhớ và đĩa mềm để phân phối nội dung.
Các loại sản phẩm xuất bản số bao gồm: sách số; tạp chí số; cơ sở dữ liệu số; tài liệu học thuật số (luận văn, luận án số); lưu trữ số; danh mục số; tài nguyên đa phương tiện;...
Các tính năng chính của xuất bản số là số hóa việc sản xuất nội dung, quy trình quản lý, số hóa các hình thức sản phẩm và mạng hóa kênh truyền thông. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã mở rộng cấu trúc của xuất bản số, các sản phẩm xuất bản số chủ yếu bao gồm: báo số, tạp chí số, nhạc số, tài liệu gốc trực tuyến, xuất bản phẩm giáo dục trực tuyến, bản đồ trực tuyến, hoạt hình trực tuyến, trò chơi trực tuyến, ấn phẩm cơ sở dữ liệu, sản phẩm di động (MMS, CRBT, điện thoại di động), sách điện tử, báo điện tử, tạp chí điện tử, văn học mạng, trò chơi di động,...
Kênh phát hành phổ biến các sản phẩm xuất bản số chủ yếu bao gồm internet, mạng truyền thông không dây và mạng vệ tinh. Do dung lượng lưu trữ lớn, tìm kiếm thuận tiện, truyền tải nhanh, tương tác mạnh, chi phí thấp và lượng phát thải các-bon nhỏ, góp phần bảo vệ môi trường, nên xuất bản số đã trở thành hướng phát triển chính của các ngành công nghiệp mới nổi và chiến lược xuất bản trong ngành xuất bản hiện đại trên thế giới.
Xuất bản số - mô hình tích hợp đa phương tiện hiện đại
Trong những năm gần đây, xuất bản số đang thu hút được sự quan tâm và dự báo sẽ đem lại triển vọng tươi sáng cho ngành xuất bản ở một số quốc gia trên thế giới. Xuất bản số thường được xem là có 3 tính chất nổi bật: 1- Tính tích hợp cao về nội dung, phương thức, hệ sinh thái; 2- Khả năng hỗ trợ cao về công nghệ; 3- Tính thương mại hóa cao trong phương thức phát hành và phân phối. Cụ thể là:
Thứ nhất, tính tích hợp cao về nội dung, phương thức, hệ sinh thái. Sự phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt là công nghệ máy tính, công nghệ mạng đã tạo nền móng và là môi trường “thai nghén” cho khả năng hiện thực hóa việc tích hợp ngành, nghề, mô hình phát triển ngành. Đặc biệt, đối với những ngành coi nội dung tri thức là cốt lõi như xuất bản sách thì việc tích hợp này lại càng có vai trò quan trọng, vừa tích hợp âm thanh, hình ảnh, số liệu, vừa nâng cao khả năng hoán đổi và liên kết giữa các hình thức truyền thông khác, như điện ảnh, báo chí, truyền hình, truyền thanh, quảng cáo,... Từ đó, giá trị nội dung tri thức được nâng lên nhiều lần, tầm quan trọng của việc đổi mới và sáng tạo nội dung được đề cao, khái niệm “ngành nội dung tri thức” được coi trọng và nhân rộng. Bên cạnh đó, trong hệ sinh thái của xuất bản số, các nhà xuất bản, thư viện, báo, tạp chí, trang web, nhà sản xuất thiết bị cầm tay, nhà cung ứng các giải pháp kỹ thuật đều là một thành viên; mỗi thành viên đảm nhiệm một vai trò tương ứng. Điều đó cũng có nghĩa là, các ngành dịch vụ tri thức và truyền thông, công nghệ sẽ cùng tồn tại và liên kết với nhau, hình thành nên hệ sinh thái đa phương tiện với trọng tâm là nội dung tri thức được mạng hóa.
Thứ hai, khả năng hỗ trợ cao về công nghệ. Trong nghiệp vụ xuất bản, xuất bản số rất coi trọng việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, các nghiệp vụ thông qua internet. Đây là công tác trọng tâm của ngành; trong đó, không những nội dung xuất bản phẩm được số hóa toàn bộ, mà toàn bộ hoạt động, nghiệp vụ có liên quan cũng được đưa vào hệ thống internet và được quản lý bởi hệ thống quản lý chuyên sâu đa ngành (ERP). Có thể nói, xuất bản số tạo ra môi trường thuận lợi cho tất cả các khâu trong quy trình biên tập và xuất bản, sự đồng bộ trong hệ thống, chế độ quản lý, làm việc trực tuyến hoặc ngoại tuyến; môi trường sử dụng công nghệ cơ sở dữ liệu để hoàn thiện việc tích lũy tài nguyên nội dung...
Thứ ba, tính thương mại hóa cao trong phương thức phát hành và phân phối. Việc số hóa các xuất bản phẩm đã tạo ra các xuất bản phẩm số với nhiều hình thức khác nhau: sản phẩm số hóa văn bản (CD-ROM, DVD-ROM, sách điện tử), hoặc sản phẩm âm thanh (sách nói), sách tương tác, các video clip,..;, từ đó, dẫn tới sự thay đổi sâu rộng phương thức vận hành và phân phối, trong đó có khâu kinh doanh, phát hành, phân phối xuất bản phẩm, đồng thời thương mại điện tử được thực hiện đối với các xuất bản phẩm. Quy trình và thời gian một tác phẩm từ người viết (tác giả) đến với công chúng sẽ được rút ngắn tối đa. Thông qua hệ thống phát hành trực tuyến trên mạng, các đơn vị xuất bản và phát hành có thể trực tiếp bán hàng cho tất cả khách hàng trên thế giới mà không phải mất thời gian gửi và chi phí vận chuyển ấn phẩm. Các nhà cung cấp nội dung xuất bản phẩm công bố, phát hành thông tin trên mạng, còn người tiêu dùng truy cập mạng để xem hoặc tải về một cách rất dễ dàng, có thể mua một phần hoặc toàn bộ nội dung của xuất bản phẩm tùy nhu cầu của mình. Không còn phụ thuộc vào hệ thống phát hành, đồng thời vốn đầu tư không đòi hỏi quá lớn là cơ hội phát triển bình đẳng cho các đơn vị, nhà xuất bản vừa và nhỏ trong xuất bản số. Phạm vi thị trường không phải là những khu vực địa lý xác định, mà là phạm vi rộng lớn hơn nhiều: tất cả các khách hàng có nhu cầu đọc xuất bản phẩm số. Bên cạnh đó, ấn phẩm số còn thúc đẩy văn hóa đọc phát triển thông qua việc thu hút một bộ phận lớn thanh, thiếu niên đọc sách, do nó có nhiều tính năng hấp dẫn như âm thanh, hình ảnh và tính tương tác cao. Với việc thực hiện hình thức kinh doanh, phân phối này, chuỗi kinh doanh được rút ngắn, chi phí được giảm thiểu, hiệu quả được nâng lên; và theo đó, phương thức phân phối sản phẩm được thực hiện theo các kênh, hệ thống khác nhau và các đơn vị xuất bản đều có xu hướng chuyển đổi vai trò từ nhà sản xuất nội dung sang nhà cung cấp dịch vụ nội dung.
Một số kinh nghiệm quốc tế về phát triển xuất bản số
Trên thực tế, các tập đoàn xuất bản - truyền thông lớn ở nước ngoài với sự nhạy bén cao về các cơ hội phát triển kinh doanh trong thời đại internet đã tích cực thúc đẩy quá trình số hóa tích hợp. Các tập đoàn đầu tư nguồn vốn lớn để xây dựng nền tảng số hóa, không những hoàn thành việc số hóa các tài liệu từ rất sớm, mà còn xây dựng được kho dữ liệu số hóa, chuyển toàn bộ số sách, tạp chí giấy thành định dạng số hóa để phát hành trên internet; xây dựng kênh biên tập trực tuyến (online), nền tảng giáo dục trực tuyến và hàng loạt các sản phẩm số hóa với nhiều hình thức khác nhau. Điển hình là một số tập đoàn xuất bản giáo dục lớn, như Pearson, Sage đã đầu tư vốn để phát triển, tập hợp, tích hợp và khai thác kho dữ liệu số sử dụng tài nguyên giáo dục để mang lại nguồn lợi nhuận cho mình(3). Bên cạnh đó, các tập đoàn truyền thông nước ngoài thường có lĩnh vực hoạt động mang tính tổng hợp cao, không có ranh giới rõ ràng về phạm vi, nghiệp vụ chuyên môn, không bị hạn chế về hình thức truyền thông. Theo đó, vừa có thể phát hành sách, báo, tạp chí, vừa có thể sản xuất các sản phẩm phát thanh, truyền hình, điện ảnh; vừa có thể khai thác, sử dụng các hình thức truyền thông để hình thành cơ chế khai thác chung một nội dung trên nhiều loại hình truyền thông khác nhau, tái sử dụng nguồn tài nguyên nội dung nhiều lần; vừa có thể phối hợp, hợp tác cùng có lợi với các loại hình truyền thông khác để tối đa hóa lợi ích kinh tế và hiệu quả truyền thông. Tập đoàn Walt Disney là một ví dụ điển hình, sử dụng tổng hợp nhiều loại hình truyền thông từ điện ảnh, truyền hình, sách, tạp chí theo chủ đề sản xuất để truyền bá liên tục, lặp đi lặp lại về cùng một nội dung, thực hiện sự bổ sung tài nguyên lẫn nhau, tác động mạnh mẽ vào tâm lý và cảm xúc của người dùng; từ đó, mở rộng chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị và chuỗi kinh doanh của mình. Các tập đoàn truyền thông - xuất bản như Taylor & Francis, John Wiley,... cũng tương tự như vậy(4). Có thể nói, từ rất sớm, các quốc gia có ngành xuất bản phát triển đã nhanh chóng nhập cuộc vào “thế giới công nghệ” để có những bước tiến mạnh mẽ về mô hình, công nghệ và giá trị của xuất bản số.
Ngày nay, công nghệ thông tin và truyền thông phát triển mạnh mẽ đã tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động xuất bản. Theo dự báo của nhiều nước phát triển, trong tương lai gần, xuất bản số sẽ là một phương thức cơ bản của hoạt động xuất bản. Quá trình ra đời và hoàn thiện không ngừng của sách kỹ thuật số, với những tiện ích vượt trội so với sách in giấy đã và đang mở ra một “chân trời mới” cho ngành xuất bản. Hơn nữa, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ điện tử, kỹ thuật số cùng với khả năng cung cấp internet ngày càng trở nên dễ dàng và thuận tiện, đã tác động mạnh mẽ đến phương thức đọc và thị phần xuất bản số trên thế giới ngày càng tăng lên.
Thực tế ngành xuất bản thế giới cho thấy, các quốc gia có nền xuất bản phát triển hiện đại đều là những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực xuất bản số, xuất bản điện tử, tiêu biểu là các nước: Anh, Mỹ, Trung Quốc, Đức, Pháp...
Nước Anh luôn nằm trong tốp đầu của những nền xuất bản lớn trên thế giới, với những đổi mới mạnh mẽ về công nghệ xuất bản, tiêu biểu là xuất bản số. Sách kỹ thuật số ở Anh phát triển đến mức chính phủ đã phải áp dụng thuế giá trị gia tăng (VAT) 20% đối với các định dạng kỹ thuật số, trong khi định dạng sách in truyền thống đánh thuế ở mức 0%. Doanh thu bán sách năm 2018 tại thị trường Anh cho thấy: tổng doanh số bán sách kỹ thuật số tăng 5%, lên tới 653 triệu bảng Anh (trong đó, doanh số bán sách kỹ thuật số tại nhà đã tăng 8%, lên 394 triệu bảng Anh); tổng doanh số bán sách in giảm 5%, xuống còn 2,9 tỷ bảng Anh; thu nhập từ việc tải sách nói tăng lên 69 triệu bảng Anh(5). Những điều này một lần nữa khẳng định, công nghiệp xuất bản và nhất là xuất bản số đã thực sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện ở Anh(6). Các ấn phẩm xuất bản số đã trở thành phổ biến trong phát hành sách, báo, tạp chí cho người tiêu dùng thông qua các thiết bị đọc sách, máy tính bảng. Thị trường này được phát triển bởi hàng triệu thiết bị mỗi năm, bởi các nhà cung cấp trực tuyến như iTunes của Apple, Kindle Amazon.com,...
Tại Mỹ, xuất bản số (bao gồm cả sách và tạp chí) đã trở thành một ngành công nghiệp thực sự. Ngành công nghiệp xuất bản số phát triển mạnh mẽ trong hơn hai thập niên qua, chủ yếu là do cung - cầu về các thiết bị và ứng dụng sách điện tử ngày càng cao, và do giá thành của các xuất bản phẩm điện tử thấp hơn so với các phiên bản sách giấy, đồng thời có thể dễ dàng đọc được khi đi du lịch hoặc để lưu trữ.
Chỉ riêng khoảng 266 triệu sách kỹ thuật số được bán ở Mỹ vào năm 2017 đã là một con số rất ấn tượng cho thấy sự gia tăng đáng kể của các xuất bản phẩm số trên thị trường nước này kể từ khi công nghệ xuất bản điện tử bắt đầu trở thành xu hướng vào khoảng năm 2010. Amazon đã trở thành doanh nghiệp dẫn đầu thị trường trong ngành này với hàng trăm triệu cuốn sách điện tử được bán ra, và thương hiệu máy đọc sách điện tử phổ biến nhất là Kindle. Đối với ngành công nghiệp xuất bản, người tiêu dùng đang đòi hỏi nhiều sản phẩm số hóa hơn(7). Doanh thu bán sách điện tử ở Mỹ trong năm 2017 là 1.054 triệu USD, năm 2018 là 1.016,2 triệu USD, năm 2020 và năm 2021 là 1.100 triệu USD/năm(8). Những số liệu này cho thấy, ngành xuất bản và công chúng Mỹ đã chấp nhận các định dạng đọc mới một cách nhanh chóng trong hai thập niên qua, đặc biệt là trong những năm gần đây. Đối với độc giả, sách điện tử như một sự lựa chọn tự nhiên và lâu dài bên cạnh sách in. Các nhà xuất bản đã đáp ứng nhu cầu về các thiết bị đọc sách mới của người tiêu dùng và mở rộng khái niệm về sách. Theo đó, xuất bản số ở Mỹ đã thực sự trở thành một ngành công nghiệp có đóng góp đáng kể cho nền kinh tế quốc gia này, trở thành nền xuất bản số 1 trên thế giới.
Tại Trung Quốc, ngành xuất bản số tiếp tục tăng trưởng, tổng doanh thu năm 2020 đạt gần 1,2 nghìn tỷ nhân dân tệ (NDT). Trong đó, doanh thu của sách kỹ thuật số đạt 6,2 tỷ NDT, tạp chí điện tử đạt 2,453 tỷ NDT, báo kỹ thuật số đạt 750 triệu NDT... Ngành xuất bản số Trung Quốc đang ngày càng mở rộng về nội dung, có khả năng tích hợp đa phương tiện mạnh mẽ, phạm vi ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xuất bản ngày càng lớn; xu hướng kết hợp trong kinh doanh xuất bản số ngày càng rõ ràng với sự tham gia của trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, internet kết nối vạn vật (internet of things - IoT) và các công nghệ khác của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư(9).
Định hướng phát triển xuất bản số ở Việt Nam
Ngày nay, hoạt động xuất bản của hầu hết các nước trên thế giới không nằm ngoài thời đại số hóa. Thậm chí, hoạt động xuất bản còn là một trong những hoạt động chịu tác động nhiều nhất, lớn nhất từ sự bùng nổ của khoa học, công nghệ trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bên cạnh những cơ hội, ngành xuất bản trên thế giới nói chung, ở Việt Nam nói riêng còn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức đan xen trong thời đại số hóa, nhất là khi mô hình và hoạt động xuất bản ở nước ta còn nhiều bất cập, cơ chế quản lý, vận hành chưa theo kịp thực tiễn, cơ sở vật chất và năng lực tài chính còn nhiều hạn chế, nền tảng hạ tầng kỹ thuật còn lạc hậu, phần lớn đội ngũ nhân lực chưa tiếp cận được những vận động mạnh mẽ về công nghệ, kỹ thuật và nguồn thông tin khổng lồ hiện nay; hệ thống chính sách, pháp luật về phát triển ngành xuất bản còn nhiều bất cập; nhận thức của một số cơ quan quản lý nhà nước chưa ngang tầm với chức năng, nhiệm vụ của hoạt động xuất bản; văn hóa đọc của một bộ phận nhân dân có phần suy giảm...
Xuất phát từ yêu cầu của thời đại, để phát triển xuất bản số ở Việt Nam, cần thực hiện một số giải pháp mang tính định hướng sau:
Thứ nhất, tiềm năng của thị trường xuất bản số Việt Nam là rất lớn, nhưng những rào cản đối với sự phát triển của nó cũng không hề nhỏ. Muốn phát triển vươn lên, đáp ứng yêu cầu của thời đại và xã hội, thực hiện tốt chức năng văn hóa - tư tưởng, ngành xuất bản Việt Nam cần phải xây dựng chiến lược phát triển theo hướng số hóa, gắn kết chặt chẽ với sự phát triển của thời đại công nghệ số và nằm trong chiến lược tổng thể phát triển hạ tầng số, kinh tế số, chính phủ số của đất nước.
Thứ hai, các đơn vị xuất bản Việt Nam hiện nay, nhất là những nhà xuất bản hàng đầu phải nhanh chóng đổi mới và hiện đại hóa công nghệ, kỹ thuật, phương tiện, chuỗi giá trị, xác định cụ thể phân khúc khách hàng - người đọc,...; không chỉ coi trọng sách giấy, mà còn phải đa dạng hóa các loại hình xuất bản, số hóa nguồn tài nguyên nội dung, tích hợp đa phương tiện sản phẩm nội dung để đạt được lợi ích tối đa và phục vụ người dùng một cách tốt nhất, hiệu quả nhất. Nói cách khác, các đơn vị xuất bản phải xác định việc xây dựng và phát triển xuất bản số là một xu hướng tất yếu, trong đó cần phải tính đến sự tích hợp giữa xuất bản truyền thống và xuất bản số, để đáp ứng được nhu cầu của xã hội và duy trì, phát triển chính tổ chức xuất bản của mình.
Thứ ba, các đơn vị, nhà xuất bản cần tham khảo kinh nghiệm từ các nền xuất bản hiện đại, xuất bản số phát triển, để xây dựng định hướng phát triển về xuất bản số, xác định mô hình phát triển xuất bản số phù hợp, hiệu quả; có chiến lược, kế hoạch, giải pháp cụ thể, khả thi, để vừa có thể bắt nhịp với cơ chế thị trường, vừa nâng cao chất lượng ấn phẩm, phát triển bền vững. Sự phát triển các hình thức xuất bản kéo theo các hình thức liên kết đa phương tiện sẽ trở thành hình thái căn bản của xuất bản. Tuy nhiên, cần có các biện pháp hạn chế những rủi ro đi kèm với các tiện ích của công nghệ.
Thứ tư, xuất bản số là một hướng đi cần đầu tư kinh phí lớn, đầu tư nhiều về nhân lực, vật lực và tài lực. Xuất bản số cần phải hội tụ đầy đủ bốn yếu tố là: nội dung, sự sáng tạo, kỹ thuật và kênh tiêu thụ, tức là tài nguyên nội dung số, sự sáng tạo về hình thức của tài nguyên nội dung số, kỹ thuật xuất bản số và kênh tiêu thụ xuất bản phẩm số. Cả bốn yếu tố này đều rất quan trọng, cho nên không thể thiếu bất kỳ yếu tố nào; trong đó, hai yếu tố then chốt, đóng vai trò nền tảng của xuất bản số là tài nguyên nội dung số và kỹ thuật xuất bản số.
Thứ năm, chưa có đơn vị xuất bản nào ở Việt Nam có thể xây dựng, tập hợp, tích hợp được kho dữ liệu số thực sự lớn. Mỗi đơn vị xuất bản hiện nay chỉ mới số hóa được một phần nhỏ nguồn tài nguyên nội dung đang có; còn rất nhiều cuốn sách, ấn phẩm chưa được số hóa, chưa được sắp xếp vào các kho dữ liệu. Chưa có sự trao đổi, tích hợp nguồn tài nguyên giữa các đơn vị xuất bản với nhau, giữa các đơn vị xuất bản với đơn vị giáo dục và đào tạo, các viện nghiên cứu chuyên ngành (để tạo kho dữ liệu học thuật số), hoặc giữa xuất bản với báo, tạp chí, truyền thanh, truyền hình,... Chính vì vậy, hiện nay, tài nguyên nội dung của ngành xuất bản nước ta vẫn còn phân tán, mức độ tập trung thấp, chưa được đưa vào dữ liệu chung để cùng khai thác, sử dụng; chưa tích hợp để hình thành lượng thông tin khổng lồ, nên đã hạn chế quá trình chuyển đổi từ xuất bản truyền thống sang xuất bản số; chưa thể đem lại lợi nhuận cao cho các đơn vị xuất bản và chưa phục vụ đắc lực cho nhu cầu tìm kiếm, tiếp cận hệ thống dữ liệu nội dung cho người dùng.
Do đó, cần phải cải cách thể chế quản lý, cơ chế vận hành và cơ chế sử dụng nguồn nhân lực, tập trung nguồn tài nguyên, bởi nếu chỉ dựa vào tài nguyên của từng đơn vị xuất bản đang nắm giữ hiện nay, nếu không phá vỡ ranh giới giữa các loại hình truyền thông, giữa các chuyên ngành, không tiến hành tích hợp trên quy mô lớn các đơn vị xuất bản cũng như các đơn vị sở hữu kho dữ liệu thông tin dựa trên cơ sở nguồn tài nguyên nội dung, thì trong điều kiện, môi trường xuất bản số hiện đại sẽ khó hình thành mô hình xuất bản được vận hành và kinh doanh hiệu quả.
Với vai trò là một ngành đặc thù có đặc tính song trùng: vừa mang tính văn hóa, vừa mang tính thương mại; vừa có thuộc tính của hình thái ý thức, vừa có thuộc tính hàng hóa; vừa mang tính thương phẩm, vừa mang tính sản phẩm công ích, ngành xuất bản cùng lúc đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau, như: truyền bá và lưu trữ thông tin, truyền tải văn hóa và kinh doanh sinh lợi. Sự hình thành các thuộc tính này đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài. Trong suốt quá trình đó, tính chất, chức năng của ngành xuất bản cũng không ngừng thay đổi. Những biến đổi này luôn gắn với môi trường xã hội mà nó tồn tại; trong đó, tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ đóng vai trò then chốt, là động lực thúc đẩy sự đổi mới trong ngành xuất bản; ngược lại, những thay đổi trong ngành xuất bản, đến lượt nó, sẽ thúc đẩy việc truyền bá tri thức khoa học, kỹ thuật và công nghệ lên một trình độ cao hơn. Vì thế, đổi mới và phát triển ngành xuất bản Việt Nam theo hướng số hóa là một yêu cầu tất yếu và cần có lộ trình hợp lý để ngành xuất bản được hiện đại hóa, hoạt động hiệu quả và “khẳng định vị thế, vai trò là một trong những hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân; là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc”(10) như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh./.
-----------------------------------
(1) Xem: “E-publishing” (Tạm dịch: Xuất bản số), MaRS, ngày 27-1-2017, https://web.archive.org/web/20180713170148/https://www.marsdd.com/mars-library/e-publishing/
(2) Văn bản ngày 16-8-2010 của Tổng cục Báo chí - Xuất bản Trung Quốc: “Ý kiến của Tổng cục Báo chí - Xuất bản về đẩy mạnh hoạt động xuất bản số” gửi Cục Báo chí - Xuất bản các tỉnh, thành phố, khu tự trị và các đơn vị, tổ chức liên quan đến công tác xuất bản ở Trung Quốc
(3), (4) Xem Châu Úy Hoa: Truyền thông số và chuyển đổi mô hình xuất bản, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017, tr. 640, 638 - 639
(5) , (6) Xem: “The UK’s Publishers Association Releases Its 2018 Yearbook Report”, (Tạm dịch: Báo cáo niên giám năm 2018 của Hiệp hội các nhà xuất bản Anh), https://publishingperspectives.com/2019/06/uk-publishers-association-releases-2018-yearbook-report/
(7) Xem: “U.S. digital publishing industry - statistics & facts” (Tạm dịch: Công nghiệp xuất bản số ở Mỹ - Thống kê và sự kiện) ngày 10-6-2022, https://www.statista.com/topics/1453/digital-publishing/
(8) Xem: “Trade e-book sales revenue in the United States from 2017 to 2021” (Tạm dịch: Doanh thu bán sách điện tử tại Mỹ từ năm 2017 đến năm 2021), https://www.statista.com/statistics/278235/e-book-sales-revenue-in-the-us/
(9) Xem: “(2020 - 2021中国数字出版产业年度报告)发布 逆势上扬,产业年收入达11781.67亿元” (Tạm dịch: “Báo cáo thường niên 2020 - 2021 về ngành xuất bản số của Trung Quốc” cho thấy doanh thu của ngành có sự tăng trưởng, ngược với xu hướng chung, đạt 1.178,167 tỷ NDT), ngày 29-10-2021, http://m.cadpa.org.cn/3278/
202110/41407.html
(10) Thư chúc mừng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi Ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống của Ngành (10-10-1952 - 10-10-2022), ngày 20-9-2022
Tỉnh Quảng Ninh đồng hành cùng doanh nghiệp chuyển đổi số  (20/10/2022)
Bí quyết sinh tồn cho doanh nghiệp trong thế giới “đa đám mây”  (19/10/2022)
Hà Nội phục hồi kinh tế sau COVID-19 - phát triển Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại  (12/10/2022)
Công nghệ nhận diện khuôn mặt của VNPT giúp Việt Nam đạt kỷ lục mới  (04/10/2022)
Thị xã Đông Triều tích cực chuyển đổi số trong nông nghiệp  (02/10/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển