Tỉnh Đồng Nai hướng đến chuyển đổi số toàn diện
TCCS - Với ưu thế công nghiệp, hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển, những năm qua tỉnh Đồng Nai đã chủ động chuyển đổi số mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27-9-2019, của Bộ Chính trị “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, tỉnh Đồng Nai cần triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm bám sát thực tiễn hơn.
Những kết quả nổi bật về chuyển đổi số
Quán triệt chủ trương của Trung ương về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển chuyển đổi số, tỉnh Đồng Nai đã nhanh chóng chỉ đạo triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh thông qua việc ban hành các quyết định, kế hoạch triển khai thực hiện(1). Để công tác chỉ đạo điều hành được tập trung xuyên suốt và hiệu quả, Ủy ban nhân dân tỉnh đã kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Đồng Nai và đổi tên thành Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh Đồng Nai. Song song đó, tỉnh mời các chuyên gia, các nhà khoa học có kinh nghiệm, trình độ về lĩnh vực chuyển đổi số để tham gia tư vấn cho tỉnh.
Các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh lộ trình chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực trên địa bàn. Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh được đầu tư, xây dựng nhằm tạo điều kiện cho các địa phương, cơ quan, đơn vị triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào chỉ đạo, điều hành và trong cải cách hành chính. Nhiều giải pháp công nghệ đã phát huy hiệu quả tích cực như: Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, bảo hiểm; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành có tích hợp chữ ký số được kết nối liên thông văn bản điện tử bốn cấp (Trung ương - tỉnh - huyện - xã); Hệ thống một cửa điện tử triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã. Cổng dịch vụ công của tỉnh đã tích hợp đầy đủ các dịch vụ công trực tuyến để phục vụ người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ thủ tục hành chính qua mạng. Các cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến huyện đều đã xây dựng cổng thông tin điện tử. Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh được đầu tư xây dựng đúng tiêu chuẩn. Các sở, ban, ngành tỉnh và ủy ban nhân dân các huyện, thành phố sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh và được trang bị thiết bị tường lửa tích hợp khả năng chống xâm nhập, phần mềm chống virus để hoạt động thông suốt bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Đến nay, đã có 169/170 ủy ban nhân dân cấp xã được triển khai sử dụng đường truyền riêng với băng thông 2 Mbps để kết nối vào hệ thống một cửa điện tử của tỉnh. Hơn 98% số cán bộ, công chức, viên chức được trang bị máy tính; 12.000 hộp thư điện tử công vụ được cấp cho 100% số cơ quan và cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên sử dụng hiệu quả trong công việc. Các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng ký số văn bản điện tử, gửi nhận văn bản điện tử có ký số trên môi trường mạng, thực hiện theo mô hình liên thông bốn cấp. Tỉnh đã triển khai và đưa vào hoạt động trung tâm điều hành thông minh tại các thành phố Biên Hòa, Long Khánh.
Công tác cải cách hành chính theo hướng phục vụ xã hội, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động các cơ quan nhà nước được các cấp ủy đặc biệt quan tâm lãnh đạo. Việc thành lập Trung tâm hành chính công của tỉnh kết hợp kiện toàn bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã thống nhất, hiện đại, hoạt động chuyên nghiệp, thân thiện, được người dân, doanh nghiệp đồng tình. Theo đó, kiểm soát thủ tục hành chính được triển khai thường xuyên, nhiều sáng kiến cải cách hành chính đưa vào áp dụng, cải tiến quy trình giải quyết, rút ngắn thời gian, đơn giản hồ sơ thủ tục hành chính. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của địa phương được xây dựng, ban hành kịp thời, phù hợp với thực tiễn địa phương.
Việc xây dựng chính quyền điện tử được chú trọng, một số cơ sở dữ liệu quan trọng phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành đã phát huy hiệu quả. Các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu cho người dân, doanh nghiệp được triển khai đồng bộ, kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia. Hệ thống xử lý hồ sơ công việc, hồ sơ thủ tục hành chính “một cửa” trên môi trường mạng được đưa vào vận hành nhằm nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức. Hệ thống tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về thủ tục hành chính phát huy tác dụng tốt, trở thành kênh tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước. Cơ chế gắn kết trách nhiệm công vụ, trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện cải cách hành chính đã từng bước phát huy hiệu quả tích cực. Nhờ vậy, các chỉ số cải cách hành chính (PAR index), hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính từng bước cải thiện và ngày càng được nâng lên. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp tăng dần qua từng năm.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, quá trình chuyển đổi số ở tỉnh Đồng Nai vẫn còn một số hạn chế, đó là: Xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh vẫn chỉ dừng lại ở mức trung bình khá so với cả nước; hạ tầng kỹ thuật đang được đầu tư nhưng chưa bảo đảm yêu cầu phát triển trong tình hình mới; cơ sở dữ liệu chưa được chia sẻ, kết nối, đồng bộ giữa các hệ thống thông tin; dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã được triển khai nhưng chưa chuẩn hóa quy trình điện tử nên chưa thuận tiện cho người dân trong việc sử dụng; cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin còn thấp, khó khăn trong việc thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên môi trường mạng chưa phát triển mạnh; thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đối số trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch, giao thông vận tải, logistics,... trên địa bàn tỉnh chưa đạt như mong muốn.
Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong thời gian tới
Nhận thức rõ tầm quan trọng trong việc xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số theo định hướng của Đảng, Chính phủ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai, ngày 28-3-2022, đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU, về chuyển đổi số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, với mục tiêu tổng quát: “Tăng cường sự lãnh đạo của Tỉnh ủy đối với công tác chuyển đổi số; đổi mới, nâng cao chất lượng điều hành công tác quản lý của Nhà nước tiến tới xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường”.
Theo đó, chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025, phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động với 100% số dịch vụ công đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. Có 90% số hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, cấp huyện và 80% số hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). Thực hiện 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội của địa phương để phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh, huyện, xã được thực hiện trên hệ thống thông tin báo cáo tỉnh và kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên hệ thống thông tin báo cáo quốc gia. Có 50% số các hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý trong tỉnh và Trung ương. Tỉnh Đồng Nai nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số trong cả nước. Hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, phấn đấu kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%. Năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 10%. Về phát triển xã hội số, đến năm 2025, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 90% số hộ gia đình, 100% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ ấp/khu phố được phủ sóng mạng di động 4G/5G đạt 100%; phấn đấu tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 60% vào năm 2025, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong thanh toán hằng ngày.
Định hướng đến năm 2030, phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động với 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. Về phát triển kinh tế số, phấn đấu kinh tế số chiếm 30% GDP trở lên. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%, năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 12%. Phát triển xã hội số, tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 80%.
Trong thời gian tới, để hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Đồng Nai cần tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về chuyển đổi số. Các cấp ủy, chính quyền địa phương cần thường xuyên quán triệt, lãnh đạo thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về sự cần thiết và tầm quan trọng của chuyển đổi số một cách toàn diện trên địa bàn; trong đó, tập trung tuyên truyền Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3-6-2020, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình chuyển đổi số tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai; Nghị quyết số 05-NQ/TU, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai. Đồng thời, phát huy mạnh mẽ vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động, giám sát người dân tích cực tham gia hưởng ứng chương trình chuyển đổi số tại địa phương.
Hai là, tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách về thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Xây dựng và ban hành các chính sách về chuyển đổi số của tỉnh theo hướng toàn diện, hiệu quả, gắn với khai thác và phát huy các tiềm năng, lợi thế để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công nghệ thông tin và truyền thông, doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, thương mại, đầu tư, kinh doanh, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Tích cực thu hút các doanh nghiệp số đầu tư vào tỉnh và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số, internet và không gian mạng.
Ba là, phát triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông chất lượng cao sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số của tỉnh. Chủ động, tích cực tham gia các tổ chức, diễn đàn trong nước và quốc tế về chuyển đổi số, thành phố thông minh; tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, huy động nguồn lực, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao các công nghệ và mô hình mới. Đẩy mạnh hợp tác với các viện, trường đại học, cao đẳng, các chuyên gia trong và ngoài tỉnh để nghiên cứu, phát triển các nguồn lực phục vụ quá trình chuyển đổi số.
Bốn là, phát triển hạ tầng kỹ thuật và dữ liệu phục vụ quá trình chuyển đổi số. Huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp hạ tầng thiết bị kỹ thuật bảo đảm đồng bộ, hiện đại, ưu tiên hệ thống truyền tải dữ liệu, trung tâm tích hợp dữ liệu, năng lượng và các hệ thống thiết bị thu thập, lưu trữ, xử lý, bảo vệ dữ liệu. Triển khai đồng bộ mạng băng thông rộng chất lượng cao trên địa bàn toàn tỉnh, phát triển mạnh mẽ mạng di động 5G, nâng cấp mạng di động 4G; đầu tư mua sắm thay thế, bổ sung, nâng cấp trang thiết bị công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của các cơ quan đảng và chính quyền các cấp để hướng đến năm 2025, chuyển đổi toàn bộ các hệ thống sang sử dụng địa chỉ giao thức internet thế hệ mới (IPv6) đối với toàn bộ hệ thống ứng dụng của tỉnh.
Năm là, phát triển chính quyền số, thực hiện chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Xây dựng các đô thị thông minh, trong đó tập trung xây dựng hệ thống giao thông thông minh, số hóa các lĩnh vực có tác động thường xuyên đến người dân như tài nguyên - môi trường, y tế, giáo dục... Tiếp tục duy trì và hoàn thiện khung kiến trúc chính quyền điện tử 2.0, cập nhật và nâng cấp thành chính quyền số. Phát triển nền tảng số phục vụ họp trực tuyến, các giao dịch điện tử giữa người dân với cơ quan nhà nước và các giao dịch điện tử dân sự. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm hành chính công của tỉnh. Tạo lập cơ sở dữ liệu mở dễ dàng truy cập, sử dụng, tăng cường công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, thúc đẩy phát triển các dịch vụ số.
Đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số trong các doanh nghiệp tại địa phương để nâng cao năng lực cạnh tranh, kết nối toàn cầu. Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng, xây dựng giải pháp bảo mật toàn diện, đa lớp cho toàn tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông; chuẩn hóa các thiết bị bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho tất cả các cấp.
Việc thực hiện chuyển đổi số là một quá trình lâu dài mang lại nhiều lợi ích trong quản lý xã hội, rất cần sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn tỉnh. Chuyển đổi số thành công sẽ giúp chính quyền ngày càng cải thiện chất lượng công tác của cán bộ, công chức, viên chức cùng với cải thiện dịch vụ công, giảm ách tắc và phục vụ nhu cầu của người dân hiệu quả hơn; giúp doanh nghiệp tiết giảm được chi phí hoạt động bởi khả năng kết nối vô hạn của quá trình số hóa... Chuyển đổi số vừa là cơ hội, vừa là động lực khơi dậy khát vọng, mở ra không gian phát triển mới cho tỉnh nhà. Với những lợi ích mà chuyển đổi số mang lại, có thể tin tưởng rằng đến năm 2030, tỉnh Đồng Nai sẽ cơ bản hình thành chính quyền số, nền kinh tế số, xã hội số./.
-----------------
(1) Kế hoạch số 155-KH/TU, ngày 11-11-2013, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai khóa IX thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 28-3-2022, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai khóa XI về “Chuyển đổi số tỉnh Đồng Nai đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 5003/QĐ-UBND, ngày 30-12-2020, của Ủy ban nhân dân tỉnh về “Chương trình chuyển đổi số tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đảng cầm quyền trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh  (20/08/2022)
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đảng cầm quyền trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh  (20/08/2022)
Việt Nam đẩy mạnh phát triển kinh tế số  (16/08/2022)
Lào Cai tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh  (06/08/2022)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam