Phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới: Nhìn từ thực tiễn tỉnh Thái Bình
TCCS - Luật Hợp tác xã năm 2012 ra đời là sự đột phá cho phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi và quản lý dân chủ, dựa trên sở hữu của các thành viên và sở hữu của hợp tác xã. Sau 10 năm, mô hình hợp tác xã kiểu mới ngày càng được nhân rộng, góp phần giải quyết việc làm, tăng năng suất, sản lượng, nâng cao thu nhập và chất lượng sống cho một bộ phận không nhỏ người dân. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai Luật Hợp tác xã năm 2012 và mô hình hợp tác xã kiểu mới cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cần sớm được điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh mới.
Luật Hợp tác xã năm 2012: Đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn
Qua hơn 35 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đạt được những thành tựu quan trọng, đời sống của người nông dân không ngừng được tăng lên, nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam có sản lượng và thị phần xuất khẩu thuộc nhóm cao nhất thế giới, như gạo, tiêu, điều, cà-phê, cao-su, chè, cá, tôm… Tuy nhiên, nền nông nghiệp của nước ta vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt hiện tượng được mùa rớt giá thường xuyên xảy ra. Thu nhập của nông dân vẫn thấp hơn đáng kể so với lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Mặc dù lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm khoảng 50% lao động, nhưng chỉ đóng góp dưới 20% tổng sản phẩm quốc nội, tức là năng suất lao động hay thu nhập bình quân của một nông dân chưa bằng 1/3 của người lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ.
- Trước khi ban hành Luật Hợp tác xã năm 2012: Tại thời điểm ngày 31-12-2010, cả nước có 6.302 hợp tác xã nông, lâm, thủy sản, trong đó có 6.072 hợp tác xã nông nghiệp (chiếm 96,3%); 197 hợp tác xã thủy sản (3,2%) và 33 hợp tác xã lâm nghiệp (0,5%). Số hợp tác xã năm 2011 đã giảm 935 (-12,9%) so với năm 2006 và giảm 1.211 (-16%) so năm 2001. Các tỷ lệ này không thay đổi so với giai đoạn 2001 - 2006, nhưng xu hướng chung là giảm về số lượng ở cả ba ngành. Các kết quả về sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã nông, lâm, thủy sản năm 2010 tuy có tăng so với năm 2005 nhưng vẫn còn chậm và không đều, chưa vững chắc. Nếu loại trừ yếu tố trượt giá thì các chỉ tiêu về kết quả sản xuất và lợi nhuận năm 2010 giảm so với năm 2005(1).
Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân cơ bản nhất chính là việc tổ chức sản xuất của nông nghiệp còn chậm đổi mới cho phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Đa số hộ nông dân, những đơn vị sản xuất cơ bản trong nông nghiệp, rất nhỏ về tiềm lực kinh tế, sản xuất đơn lẻ và chưa tương thích với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế hiện nay.
Để liên kết các hộ nhỏ lẻ thành các đơn vị kinh tế lớn hơn, chúng ta đã có chủ trương và chỉ đạo hình thành các hợp tác xã. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, nên có một thời gian dài, nhận thức về bản chất và vai trò của hợp tác xã trong nông nghiệp chưa phù hợp với quy luật phát triển hợp tác xã. Vì vậy, tác dụng và hiệu quả của hợp tác xã còn hạn chế. Đa số các hợp tác xã chỉ cung cấp một số đầu vào cho xã viên như giống, phân bón, thức ăn, nhưng hơn 90% số hợp tác xã chưa chú trọng đến vấn đề xã viên quan tâm nhất đó là tiêu thụ sản phẩm của hộ xã viên. Các hợp tác xã hoạt động hiệu quả chỉ liên kết, hỗ trợ được khoảng 5% số hộ nông dân cả nước, còn 95% số hộ thực chất là sản xuất theo phương thức tự phát. Bên cạnh đó, do nhận thức về hợp tác xã còn rất khác nhau ở các địa phương nên quy mô hợp tác xã và số lượng các dịch vụ hợp tác xã cũng rất khác nhau. Chưa kể, chất lượng, hiệu quả hoạt động và lợi nhuận của các hợp tác xã còn thấp (ước tính chỉ có khoảng 10% số hợp tác xã nông nghiệp làm ăn đạt hiệu quả tốt, còn lại hoạt động không hiệu quả, cầm chừng hoặc phải ngừng hoạt động, lợi nhuận bình quân hằng năm rất thấp). Đa số các hợp tác xã nông nghiệp trước đây mới chỉ cung cấp được các dịch vụ đầu vào cơ bản cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, rất ít các hợp tác xã cung cấp được dịch vụ đầu ra. Một số hợp tác xã không còn khả năng hoạt động, muốn giải thể nhưng gặp phải những vấn đề phức tạp liên quan tới vốn góp, tài sản, công nợ của hợp tác xã được chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn khác; một số địa phương cố giữ lại những hợp tác xã làm ăn không hiệu quả để "đáp ứng tiêu chí" về xây dựng nông thôn mới… là những lý do chính khiến hơn 20% số hợp tác xã dù đã ngừng hoạt động nhưng không thể giải thể được.
- Sau khi ban hành Luật Hợp tác xã năm 2012: Nhận thức của chúng ta về hợp tác xã nói chung và hợp tác xã nông nghiệp nói riêng đã thay đổi căn bản, phù hợp với quy luật phát triển hợp tác xã của thế giới.
Luật Hợp tác xã năm 2012 đã thể hiện rõ hơn bản chất của hợp tác xã là được thành lập trên cơ sở tự nguyện, hợp tác, bình đẳng, đồng sở hữu, tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên hợp tác xã, nhằm mang lại lợi ích cho thành viên thông qua việc đáp ứng nhu cầu chung của thành viên về kinh tế, xã hội và văn hóa. Luật bổ sung nguyên tắc kết nạp rộng rãi thành viên đối với hợp tác xã và nguyên tắc bình đẳng, gắn kết về kinh tế của thành viên với hợp tác xã, bằng các quy định: Thành viên hợp tác xã có quyền bình đẳng, biểu quyết ngang nhau không phụ thuộc vốn góp trong việc quyết định tổ chức, quản lý và hoạt động của hợp tác xã; thu nhập của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được phân phối chủ yếu theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thành viên, hợp tác xã thành viên hoặc theo công sức lao động đóng góp của thành viên đối với hợp tác xã tạo việc làm; về nghĩa vụ của thành viên, Luật bổ sung thành viên hợp tác xã bắt buộc phải sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã theo hợp đồng dịch vụ giữa thành viên và hợp tác xã.
Khác với mô hình kiểu cũ, hợp tác xã kiểu mới hoạt động nhằm mục đích tập trung mang lại lợi ích cho thành viên thông qua việc cam kết cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, việc làm theo nhu cầu của thành viên. Để đạt mục đích đó, hợp tác xã tự chủ trong hoạt động, có quyền được cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, việc làm cho cả đối tượng không phải là thành viên.
Ngoài ra, Luật Hợp tác xã năm 2012 làm rõ hơn về các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước, bao gồm 6 danh mục chính sách hỗ trợ; 2 danh mục chính sách ưu đãi chung cho các loại hình hợp tác xã; đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, ngoài các chính sách hỗ trợ, ưu đãi trên, còn được hưởng thêm 5 mục ưu đãi về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; giao đất, cho thuê đất để phục vụ hoạt động; tín dụng; vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh.
Thực tế thành lập và vận hành các hợp tác xã kiểu mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012 ở nhiều địa phương đã chứng minh, các hợp tác xã tuy chỉ có vài chục xã viên song đã thực sự giúp các hộ xã viên sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn hẳn, đặc biệt là quy hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Đến ngày 31-12-2021, cả nước có 27.342 hợp tác xã, tăng 16.420 hợp tác xã (gấp 2,5 lần so với năm 2001); khu vực hợp tác xã thu hút gần 6 triệu thành viên và tạo việc làm cho gần 1 triệu lao động(2). Trong đó, hợp tác xã nông nghiệp là 18.327, chiếm 67,03% và 79 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp. Như vậy, so với thời điểm Luật Hợp tác xã năm 2012 có hiệu lực thì số lượng hợp tác xã nông nghiệp cả nước tăng 7.917 hợp tác xã.
Bên cạnh việc tăng nhanh về số lượng, các hợp tác xã cũng tập trung phát triển chất lượng hoạt động sản xuất bằng việc ứng dụng công nghệ cao. Tính đến năm 2021, cả nước có khoảng 2.200 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (chiếm 12% tổng số hợp tác xã nông nghiệp). Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vừa qua, các hợp tác xã tích cực thúc đẩy xây dựng và vận hành ổn định trang thông tin điện tử để giới thiệu và bán sản phẩm online.
Những kết quả đạt được từ thực tiễn tỉnh Thái Bình
Tính đến ngày 31-12-2021, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 338 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, gồm 315 hợp tác xã tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012 và 28 hợp tác xã thành lập mới. Có 317 hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp tổng hợp, 4 hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, 6 hợp tác xã chăn nuôi; 11 hợp tác xã trồng trọt. Đến hết năm 2016, 100% số hợp tác xã đã hoàn thành việc tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Hiện nay, tổng số hộ thành viên hợp tác xã là 414 nghìn hộ.
Các hợp tác xã nông nghiệp ở tỉnh Thái Bình có vai trò chủ đạo trong cung ứng vật tư nông nghiệp, bao tiêu và tiếp thị sản phẩm, hỗ trợ nông dân sản xuất, tăng thu nhập trong điều kiện cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt. Đồng thời, hợp tác xã nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong tổ chức sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Các hợp tác xã chuyên ngành, lĩnh vực mới được thành lập là mắt xích quan trọng gắn kết người nông dân với thị trường và doanh nghiệp, giữa sản xuất với chế biến, xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm chủ lực tại địa phương. Hiện toàn tỉnh có 250 hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với 20 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đã đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực(3).
Việc liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp bắt đầu thể hiện trong xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Nếu như năm 2013, năm đầu thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, toàn tỉnh Thái Bình có 63 cánh đồng mẫu ở 55 xã, với diện tích 5.802ha, thì đến nay có 15 doanh nghiệp và 120 hợp tác xã tham gia vào liên kết với trên 10.000ha diện tích sản xuất. Với thế mạnh sản xuất lúa, toàn tỉnh hiện có 12 doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa với 115 hợp tác xã. Về liên kết giữa hợp tác xã và người dân, năm 2021, tỉnh Thái Bình đã xây dựng 9 mô hình liên kết, đồng thời thành lập mới 9 hợp tác xã chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông sản gắn với các địa danh văn hóa, lịch sử của địa phương. Việc thành lập các hợp tác xã kinh doanh nông sản đã tạo điều kiện cho các hộ nông dân có điều kiện về máy móc, góp quyền sử dụng ruộng đất để hợp tác xã chủ động các khâu dịch vụ đầu vào. Ngoài việc sản xuất, các hợp tác xã còn đại diện cho người nông dân trực tiếp bán sản phẩm đến người tiêu dùng.
Sản phẩm của hợp tác xã ngày càng đa dạng, phong phú, từng bước đáp ứng thị trường. Hiện có 18 hợp tác xã xây dựng được 21 thương hiệu có nhãn mác bao bì và có 5 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 4 sao, có 7 sản phẩm được bán tại các siêu thị, không ít sản phẩm là đặc sản tiêu biểu của các địa phương(4). Nhiều hợp tác xã đã tham gia vào sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, tạo các sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, có bao bì, truy xuất nguồn gốc, mã vạch sản phẩm… Nhờ đó, người tiêu dùng dễ dàng nhận biết thương hiệu sản phẩm của hợp tác xã, nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện thu nhập cho các hợp tác xã cũng như người lao động.
Đáng chú ý, đối với hợp tác xã thôn, xã, sau khi chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012, người đứng đầu các hợp tác xã đã có tư duy đổi mới, sáng tạo, mạnh dạn xây dựng phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh; đa dạng dịch vụ hoạt động phục vụ thành viên hợp tác xã và dịch vụ truyền thống cho nông dân toàn xã tại địa phương; góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên; phát huy vai trò cộng đồng, giúp nông dân trên địa bàn ổn định tổ chức, phát triển kinh tế tại địa phương. Doanh thu bình quân một hợp tác xã tăng từ 1,9 tỷ đồng năm 2011 lên 3,3 tỷ đồng năm 2021. Thông qua hợp tác xã, đời sống của thành viên và lao động trong hợp tác xã được cải thiện đáng kể.
Qua thực tiễn tại Thái Bình cho thấy, kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã, là một bộ phận của nền kinh tế, là thành tố không thể thiếu trong chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững; phát triển cộng đồng bảo đảm an sinh xã hội cho một bộ phận nông dân và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn. Với Luật Hợp tác xã năm 2012, nhiều hợp tác xã kiểu mới đang tạo ra công ăn việc làm ổn định cho những người ít có cơ hội tham gia thị trường lao động.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các hợp tác xã kiểu mới vẫn còn nhiều hạn chế, như: Trình độ quản lý, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ quản lý hợp tác xã còn thấp, thiếu tính năng động, sáng tạo để thích ứng linh hoạt với cơ chế thị trường, tận dụng những cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay; các hợp tác xã thành lập mới chưa tạo được bước đột phá trong liên kết theo chuỗi giá trị, gắn kết giữa sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu sản phẩm...
Nguyên nhân của những hạn chế trên là do việc ban hành và triển khai các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 ở tỉnh Thái Bình còn chậm so với yêu cầu; nhiều nội dung chưa được thống nhất, nhất là về thủ tục đăng ký lại và đăng ký thành lập khiến các hợp tác xã khó khăn trong chuyển đổi nội dung hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Một số quy định tại Luật Hợp tác xã năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật vẫn còn bất cập dẫn đến tính khả thi không cao, khó triển khai. Bên cạnh đó, nhiều chính sách hỗ trợ được ban hành nhưng chưa đồng bộ, thiếu nguồn lực; công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 và các chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã chưa thường xuyên,...
Một số giải pháp tiếp tục phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới
Để tiếp tục phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới ở Thái Bình nói riêng, cả nước nói chung, thời gian tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế; tăng cường việc tổng kết, nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể làm ăn có hiệu quả; phổ biến các mô hình hợp tác xã kiểu mới, kinh nghiệm của phong trào hợp tác xã trong khu vực và quốc tế đến với đông đảo người dân.
Đổi mới và đa dạng hóa công tác tuyên truyền, tập huấn pháp luật về hợp tác xã. Tích cực tuyên truyền về chủ trương, chính sách phát triển hợp tác xã, mô hình hợp tác xã kiểu mới đến người nông dân thông qua tài liệu tập huấn, tờ rơi, báo chí ở Trung ương và địa phương.
Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm của các bộ, ngành, các địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội (nhất là Hội Nông dân các cấp), Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012.
Thứ ba, tập trung hỗ trợ tài chính từ các nguồn lồng ghép với chính sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để thành lập một số mô hình điểm ở các tỉnh nông nghiệp trọng điểm đối với hai loại hình hợp tác xã là hợp tác xã dịch vụ công ở nông thôn và hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, củng cố lại hoạt động của hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012.
Ưu tiên các giải pháp thiết thực hỗ trợ các hợp tác xã về khoa học - công nghệ, vốn, nguồn nhân lực, thị trường...; tận dụng cơ hội cũng như khắc phục hạn chế, tác động tiêu cực trong quá trình hội nhập để phát triển các hợp tác xã.
Thứ tư, xây dựng mô hình hợp tác xã chuyên ngành, phát triển đa dạng các loại hình hợp tác xã ở các địa phương với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và văn hóa khác nhau nhằm phát huy thế mạnh tiềm năng, ưu thế nổi trội của địa phương. Mỗi địa phương chọn chỉ đạo điểm xây dựng một số hợp tác xã kiểu mới trên các lĩnh vực nông nghiệp; thương mại dịch vụ cung ứng giống, vật tư, tiêu thụ sản phẩm; vận tải…, từ đó, tổng kết, phổ biến và nhân rộng những hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả trên toàn quốc.
Thứ năm, tổ chức, củng cố lại hoạt động của các hợp tác xã; phát huy vai trò làm chủ của thành viên, vận động thành viên hợp tác xã góp vốn và nâng mức vốn góp; vận động hợp tác xã thu hút thêm thành viên, hợp nhất, sáp nhập hợp tác xã cùng ngành, nghề và địa bàn hoạt động để tăng tiềm lực tài chính và quy mô hoạt động của hợp tác xã. Giải thể các hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả, hoạt động hình thức.
Thứ sáu, Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ nguồn nhân lực cho hợp tác xã thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ quản lý chủ chốt của hợp tác xã; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã.
Thứ bảy, tiếp tục hoàn thiện các quy định về bản chất hợp tác xã, góp phần mở rộng thành viên tham gia hợp tác xã, làm rõ nguyên tắc minh bạch thông tin trong hoạt động của hợp tác xã theo hướng bổ sung các quy định cụ thể về nội dung, cách thức, thời hạn cung cấp thông tin của hợp tác xã cho thành viên, các cơ quan chức năng. Giảm thiểu tối đa thủ tục thành lập, đăng ký.
Hoàn thiện các quy định về loại hình tổ chức kinh tế hợp tác và tổ chức đại diện. Nghiên cứu bổ sung đối tượng tổ hợp tác hoạt động lâu dài phải đăng ký thành lập; hoàn thiện các quy định để làm rõ vị trí và vai trò của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phù hợp với bản chất, các quy định hiện hành và hội nhập với thế giới. Sửa đổi quy định giao dịch của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã với các đối tượng không phải thành viên theo hướng điều lệ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tự quyết định, sau khi đáp ứng nhu cầu của thành viên./.
-------------------
(1) Tổng cục Thống kê: Kết quả tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011
(2) Phùng Quốc Chí, Quách Thái Sơn: “Kết quả 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, “Về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể” và những vấn đề đặt ra”, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 2, tháng 1-2022
(3) Gồm: liên kết sản xuất lúa giống Nhật, lúa chất lượng cao, liên kết sản xuất cây hoa màu (khoai tây, ngô ngọt, bí, ớt, dưa bao tử, dược liệu,…
(4) Vịt biển Đại Xuyên, mắm cáy Hồng Tiến, gạo nếp bể làng Keo, gạo chợ Gốc, cây phát lộc Minh Tân, trà thảo dược,…
Tỉnh An Giang phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới  (01/04/2022)
Khởi công 5 dự án tổng vốn đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng tại tỉnh Thái Bình  (19/02/2022)
Một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên của Đảng bộ tỉnh Thái Bình trong thời gian qua  (21/11/2021)
Hội nghị nghiên cứu, quán triệt một số nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Trung ương mới ban hành và của Tỉnh ủy Thái Bình  (04/11/2021)
Mô hình nuôi thủy sản đạt giá trị kinh tế cao ở huyện Tiền Hải  (27/10/2021)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên