Tăng cường quan hệ giữa Hà Nội và các thủ đô trên thế giới
TCCS - Với phương châm sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các thủ đô, thành phố của các nước, đến nay, Hà Nội đã có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thủ đô, thành phố lớn trên thế giới, đồng thời đẩy mạnh quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, đối tác quan trọng, đóng góp hiệu quả vào công tác đối ngoại của đất nước.
Không ngừng mở rộng quan hệ
Sau 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính, với vai trò là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia; trung tâm lớn về văn hóa, khoa học và công nghệ, giáo dục, kinh tế của cả nước, Thủ đô Hà Nội đã có thêm nhiều ưu thế về hợp tác, hội nhập quốc tế. Phát huy những tiềm năng của một thành phố lớn, năng động, Hà Nội đã không ngừng có những nỗ lực mở rộng quan hệ với các quốc gia trên thế giới, đóng góp cho sự phát triển của thành phố trong giai đoạn mới, đồng thời nâng cao vị thế của Thủ đô và đất nước trên trường quốc tế.
Song song với những hoạt động hiệu quả của đối ngoại Đảng và Nhà nước, công tác đối ngoại nhân dân của Thủ đô trong những năm qua đã có nhiều điểm nhấn đặc biệt, góp phần tăng cường giao lưu, thúc đẩy sự hiểu biết giữa người dân Hà Nội và nhân dân nhiều quốc gia trên thế giới. Dấu ấn tốt đẹp từ ngoại giao nhân dân được tạo dựng thông qua việc triển khai nhiều hoạt động phong phú, đa dạng và thực sự trở thành cầu nối hữu nghị giữa Thủ đô Hà Nội và bạn bè quốc tế. Các hoạt động nhân kỷ niệm các dấu mốc lớn trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước, các sự kiện giao lưu văn hóa quốc tế được tổ chức thời gian qua không chỉ làm phong phú đời sống văn hóa của người dân Hà Nội mà còn quảng bá hình ảnh Thủ đô giàu truyền thống, đang hội nhập quốc tế mạnh mẽ.
Bên cạnh các hoạt động văn hóa, những chương trình hỗ trợ các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội, an sinh xã hội cho các địa phương Lào, Cam-pu-chia đã trở thành một hình thức giao lưu mới, làm sâu sắc hơn tình đoàn kết giữa Hà Nội và hai quốc gia láng giềng. Hằng năm, Thành đoàn và Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội đều tổ chức chương trình tình nguyện của tuổi trẻ Thủ đô Hà Nội tại Thủ đô Viêng Chăn (Lào). Trong 10 năm, chương trình đã tổ chức khám bệnh, phát thuốc cho 300.000 lượt người; thăm tặng quà thanh, thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng sân chơi, tu sửa các trường học; chuyển giao khoa học - kỹ thuật… với tổng giá trị trên 10 tỷ đồng(1). Trong năm 2021, dù phải tập trung mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Hà Nội vẫn phát huy tinh thần đoàn kết và hợp tác quốc tế, hỗ trợ khẩu trang, vật tư y tế, tài chính cho nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế. Cụ thể, thành phố đã hỗ trợ Thủ đô Viêng Chăn (Lào) 30.000 khẩu trang y tế, 10.000 bộ test xét nghiệm kháng nguyên SARS-CoV-2, 40.000 USD; hỗ trợ 8 tỉnh Bắc Lào, mỗi tỉnh 20.000 USD; tặng nhân dân thủ đô La Habana (Cuba) 2.000 tấn gạo... Nghĩa cử cao đẹp này được người dân, chính phủ các nước và bạn bè quốc tế đón nhận với tinh thần cảm kích(2). Chính những chương trình mang đầy ý nghĩa nhân văn đó đã góp phần tô thắm tình hữu nghị giữa Hà Nội với các thành phố bạn, giữ vai trò tích cực trong việc vận động, tranh thủ nguồn lực đáng kể về tinh thần, vật chất, tri thức của bạn bè quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ công cuộc phát triển Thủ đô.
Công tác đối ngoại hiệu quả
Có thể thấy, những thành tựu trong sự phát triển của Thủ đô Hà Nội có sự đóng góp tích cực của công tác đối ngoại, nhất là trong các lĩnh vực hợp tác kinh tế, văn hóa, thương mại, đầu tư và du lịch... Ðến nay, Hà Nội đã có quan hệ hợp tác với hơn 100 thủ đô, thành phố các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế có uy tín trên thế giới. Trong đó, Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác với 61 thủ đô, thành phố các nước. Các cơ quan của Chính phủ Việt Nam, các phái đoàn ngoại giao, các đại sứ quán và các tổ chức quốc tế đều đặt trụ sở tại Hà Nội đã tạo cho các nhà đầu tư một mạng lưới liên lạc tốt nhất để chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm. Từ năm 2016 đến nay, thành phố đã thu hút được 25 tỷ USD vốn FDI, đồng thời, dẫn đầu cả nước trong thu hút vốn FDI trong hai năm 2018 - 2019. Hiện đã có 97 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đầu tư vào thành phố Hà Nội. Hằng năm, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp khoảng 16% GDP của thành phố(3).
Hà Nội xác định 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài là những “cánh tay nối dài” của đất nước và của doanh nghiệp Việt Nam tại các địa bàn. Ðồng thời, khẳng định mục tiêu duy trì và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các thủ đô, thành phố, các tổ chức quốc tế trên thế giới, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại trên cả ba trụ cột: ngoại giao kinh tế, ngoại giao chính trị, ngoại giao văn hóa; tích cực chủ động hội nhập quốc tế trên mọi lĩnh vực. Do đó, Hà Nội mong muốn trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài sẽ tiếp tục trở thành người bạn đồng hành, những sứ giả của Hà Nội, là nhịp cầu vững chắc, quan tâm, phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ thành phố trong việc thúc đẩy mối quan hệ giữa cộng đồng quốc tế với Thủ đô Hà Nội.
Liên minh chấu Âu (EU) với 27 nước là đối tác quan trọng của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, xuất khẩu vào EU sẽ tăng lên 42% vào năm 2025 và 44% vào năm 2030. Các nước EU có tiềm lực rất lớn về tài chính, công nghệ nhưng đầu tư vào Việt Nam còn rất khiêm tốn. Về du lịch, mới có khoảng 1,5 triệu khách du lịch từ EU trong tổng số 18 triệu khách du lịch vào Việt Nam năm 2019, trong khi chúng ta có đường bay trực tiếp rất thuận lợi(4).
Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung khẳng định, Bộ Ngoại giao và hệ thống 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẵn sàng hỗ trợ Hà Nội về thông tin thị trường, giới thiệu, kết nối đối tác nước ngoài; hỗ trợ thu xếp nhiều đoàn lãnh đạo chính phủ, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nước ngoài thăm, làm việc tại Hà Nội; hỗ trợ phát huy tiềm năng văn hóa đặc sắc của Hà Nội để quảng bá hình ảnh, phát triển Thủ đô(5).
Trong quan hệ với thủ đô các nước, quan hệ với các đối tác truyền thống luôn được củng cố, phát triển. Theo Đại sứ Liên bang Nga Gennady Bezdetko, quan hệ Nga - Việt Nam cũng như quan hệ giữa Hà Nội với Moscow và Saint Petersburg có truyền thống hữu nghị, gắn bó lâu dài, ngày càng phát triển tốt đẹp, mang lại lợi ích cho cả hai phía. Hằng năm, hai bên vẫn luân phiên tổ chức chương trình Năm chéo hữu nghị Việt Nam - Nga, Những ngày Hà Nội tại Mát-xcơ-va, Những ngày Mát-xcơ-va tại Hà Nội, cùng nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy thương mại song phương. Theo thống kê, năm 2020, Việt Nam đứng thứ 10 trong số những đối tác thương mại của thành phố Moscow. Tổng đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại Moscow ước tính vào khoảng 500 triệu USD.
Trong những năm gần đây, Hà Nội và Moscow đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác. Trên cơ sở đó, quan hệ hữu nghị giữa hai Thủ đô Hà Nội - Moscow ngày càng được củng cố và phát triển trên mọi lĩnh vực. Hiện tại, thành phố Saint Petersburg cũng đang xem xét thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Hà Nội thông qua các thỏa thuận giao lưu văn hóa, kinh tế, đầu tư(6)...
Bên cạnh việc tiếp tục phát triển quan hệ với các đối tác truyền thống, Hà Nội còn tích cực mở rộng quan hệ với các đối tác mới. Hiện, Hà Nội hướng tới hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp Bắc Âu trên địa bàn thành phố cũng như thiết lập quan hệ giữa Hà Nội với thủ đô các nước Bắc Âu. Đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp Bắc Âu tìm hiểu môi trường đầu tư, mở rộng cơ hội kinh doanh trên địa bàn. Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Chu Ngọc Anh, Hà Nội là trung tâm chính trị -hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, là một trong hai trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ là thành phố “xanh - thông minh - hiện đại,” phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Việc thúc đẩyquan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Hà Nội và thủ đô các nước góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và các nước Bắc Âu.
Theo Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Bắc Âu tại Việt Nam Quist Thomasen, các công ty Bắc Âu đang phát triển thế mạnh của mình ở các lĩnh vực, như thành phố thông minh, thành phố xanh, năng lượng tái tạo và phát triển bền vững... Các công nghệ tiên tiến có thể giảm thiểu tối đa nhu cầu năng lượng cho giao thông công cộng, tăng cường kết nối giữa khu vực công và khu vực tư, giúp việc quản lý đô thị trở nên hiệu quả. Đồng thời, các công ty Bắc Âu sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm giúp Hà Nội phát triển thành phố xanh, tạo ra cơ cấu để sử dụng năng lượng hiệu quả; cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa người phát triển năng lượng tái tạo với các doanh nghiệp trên địa bàn. Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Bắc Âu tại Việt Nam Quist Thomasen hy vọng có thể hiểu rõ nhu cầu, tầm nhìn của thành phố Hà Nội, qua đó truyền đạt cho các công ty; đồng thời, giới thiệu kinh nghiệm của các nước Bắc Âu, đóng góp vào sự phát triển chung của Thủ đô(7).
Nhiều người nước ngoài đã từng sinh sống và làm việc tại Hà Nội nhận định, nhờ mở rộng các hoạt động hợp tác, thu hút đầu tư, cùng với việc trở thành nơi đặt trụ sở của nhiều cơ quan, tổ chức quan trọng tại khu vực, Hà Nội có triển vọng trở thành trung tâm của khu vực Đông Nam Á và xa hơn nữa là một trong những trung tâm toàn cầu.
--------------------------
(1) “Đối ngoại Hà Nội - những dấu ấn trong giai đoạn phát triển mới”, Hanoimoi.com.vn
(2) ”Đối ngoại Thủ đô trong tình hình mới: Chủ động ứng phó, sáng tạo thích nghi”, http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Doi-ngoai/1014221/doi/ngoai/thu-do-trong-tinh-hinh-moi-chu-dong-ung-pho-sang-tao-thich-nghi
(3)” Tiếp tục nâng cao uy tín, vị thế Thủ đô”, http://dfa.hanoi.gov.vn/ly-luan-bai-viet/view_content/3919550-tiep-tuc-nang-cao-uy-tin-vi-the-thu-do.html
(4), (5) ”Mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trên thế giới”, https://nhandan.vn/tranghanoi-tin-chung/mo-rong...
(6)“Hà Nội luôn ưu tiên phát triển hợp tác với các địa phương của Liên bang Nga”, http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Doi-ngoai/1012857/ha-noi-luon-uu-tien-phat-trien-hop-tac-voi-cac-dia-phuongcua-lien-bang-nga
(7) “Hà Nội tăng cường hợp tác với Thủ đô các nước Bắc Âu”, http://www.vietnamplus.vn>hano...
Hà Nội: Cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển xanh  (18/10/2021)
Tiếp tục đẩy mạnh và phát huy hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ đô Hà Nội  (15/10/2021)
Phòng, chống dịch bệnh COVID-19: Một số kinh nghiệm từ Liên minh châu Âu và gợi ý chính sách với Hà Nội  (14/10/2021)
Phát huy bản sắc văn hóa, con người, khơi dậy khát vọng phát triển Thủ đô nghìn năm văn hiến  (11/10/2021)
Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong quảng bá điểm đến du lịch  (10/10/2021)
Khát vọng “Rồng bay”: Hà Nội hội nhập quốc tế sâu rộng, bền vững  (10/10/2021)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên