Dịch chuyển lao động nông nghiệp ở Việt Nam: Một số hàm ý chính sách
TCCS - Dịch chuyển lao động là một xu thế khách quan của quá trình vận động của các nền kinh tế. Quá trình dịch chuyển lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp được đẩy mạnh cùng với quá trình phát triển kinh tế, dịch chuyển cơ cấu ngành và công nghiệp hóa, đô thị hóa. Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, xu hướng dịch chuyển lao động nông nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ và là một trong những chỉ báo cho thấy sự phát triển theo hướng ngày càng hiện đại của nền kinh tế.
Thách thức của lao động nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay
Theo số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê, dân số thành thị ngày càng tăng, trong khi dân số nông thôn có xu hướng giảm. Dân số khu vực thành thị ở Việt Nam năm 2019 là 33.122.548 người so với 26.515.900 người năm 2010, tương ứng chiếm 34,4% so với mức 30,6% tổng dân số cả nước. Từ năm 2009 đến nay, tỷ trọng dân số khu vực thành thị tăng 4,8 điểm phần trăm. Một trong những lý do dẫn đến sự thay đổi này chính là quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh và rộng khắp tại nhiều địa phương đã tác động làm gia tăng dân số ở khu vực thành thị (1).
So sánh số liệu thống kê hằng năm cho thấy, sự dịch chuyển giảm dần đều về cơ cấu lao động ngành nông nghiệp trong tổng số lao động. Tỷ trọng lao động có việc làm trong khu vực nông, lâm, thủy sản ở nước ta liên tục giảm, từ 53,9% năm 2009 xuống còn 35,3% năm 2019. Đây là lần đầu tiên, số lao động làm việc trong khu vực dịch vụ cao hơn số lao động trong khu vực nông, lâm, thủy sản.
Thách thức lớn nhất hiện nay đối với lao động nói chung và lao động nông nghiệp ở Việt Nam nói riêng là chất lượng lao động còn thấp. Theo đánh giá của nhiều nghiên cứu, trong đó có đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thì chất lượng nguồn nhân lực của nước ta còn khoảng cách khá xa so với các nước phát triển và một số nước trong khu vực. Tỷ lệ lao động qua đào tạo và đào tạo nghề còn thấp, cơ cấu nguồn nhân lực phân theo trình độ đào tạo còn bất cập, tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” vẫn chưa có hướng khắc phục hiệu quả, dẫn đến sử dụng lãng phí nguồn nhân lực; lợi thế giá nhân công rẻ bị mất dần, dạy nghề chưa gắn với nhu cầu việc làm và còn biểu hiện lãng phí.
Việt Nam đang ở thời kỳ “dân số vàng”, nếu tận dụng tốt có thể đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế, mở rộng đầu tư vào xã hội. Vậy câu hỏi là làm thế nào để có thể phát huy được lợi thế “lao động vàng” trong điều kiện chất lượng lao động còn thấp như hiện nay? Theo Quyết định số 579/QĐ - TTg, ngày 19-4-2011, của Thủ tướng Chính phủ, về “Phê duyệt chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020” thì đến năm 2020 sẽ có 70% lao động được qua đào tạo; tuy nhiên, thống kê thực tế năm 2020 của Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ có 24,1% lao động được qua đào tạo có bằng và chứng chỉ sơ cấp trở lên(2). Lực lượng lao động phần lớn vẫn còn thiếu kỹ năng và kiến thức để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Nếu so sánh với một số nước trong khu vực, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Việt Nam có những bước tiến bộ nhưng trên thực tế vấn đề chất lượng, bằng cấp của lao động khi vào làm việc vẫn là điều đáng lo ngại. Hầu hết lao động được tuyển dụng vẫn phải đào tạo lại, thậm chí nhiều lao động phải làm trái ngành nghề do đào tạo không sát với nhu cầu của thị trường.
Tính chuyên nghiệp trong kỷ luật lao động của lao động Việt Nam cũng là vấn đề đáng quan tâm. Một bộ phận không nhỏ người lao động chưa được tập huấn về kỷ luật lao động công nghiệp, thậm chí khi được tập huấn rồi nhưng việc tuân thủ các quy định, quy trình công nghiệp hiện đại của người lao động còn thấp. Phần lớn lao động xuất thân từ nông thôn, mang nặng tác phong của một nền sản xuất nông nghiệp tiểu nông. Đây là một trong những khó khăn khi người lao động dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp sang khu vực phi nông nghiệp, đặc biệt là sang các ngành nghề đòi hỏi tính quy chuẩn cao.
Ngoài ra, nhận thức về thị trường lao động chưa đầy đủ, quản lý thị trường lao động kém hiệu quả, dự báo cung - cầu lao động chưa được quan tâm đúng mức dẫn tới tình trạng thiếu việc làm và di dân thời vụ ở nông thôn ra thành thị ngày càng có xu hướng tăng, gây nên sức ép lớn về dịch vụ nhà ở, chăm sóc sức khỏe, nước sạch, vệ sinh môi trường, giao thông…
Một số hàm ý chính sách cho Việt Nam
Lựa chọn mô hình kinh tế
Thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, đặc biệt trong điều kiện Việt Nam đã thoát khỏi ngưỡng thu nhập thấp nhưng lại đang đối diện với vấn đề bẫy thu nhập trung bình, thì mô hình phát triển kinh tế cần có sự chuyển biến mạnh mẽ theo hướng phát triển dựa vào chiều sâu. Trong bối cảnh khoa học - công nghệ phát triển nhanh chóng, kinh tế tri thức trở nên phổ quát, tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt, lợi thế “lao động vàng” không được phát huy, nếu chúng ta không đưa ra lựa chọn mô hình tăng trưởng kinh tế phù hợp, kịp thời, nhằm phát huy được thế mạnh hiện tại, sẽ không tạo nên thế mạnh nội tại thực sự của quốc gia.
Mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu với đặc trưng cơ bản là dựa vào khoa học - công nghệ hiện đại, nâng cao hiệu quả, chất lượng của tăng trưởng, như nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tăng năng suất lao động, nâng cao sự đóng góp của nhân tố năng suất tổng hợp (TFP), hướng hoạt động của nền kinh tế vào các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng, giảm chi phí sản xuất,... trên cơ sở khai thác triệt để các lợi thế, thực hiện đồng bộ hóa quá trình khai thác và chế biến sản phẩm. Đây cũng chính là mục tiêu mà các nước muốn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình cần vượt qua. Tăng trưởng theo chiều sâu không chỉ nâng cao chất lượng, hiệu quả nền kinh tế mà còn gắn liền với bảo vệ môi trường, cải thiện an sinh xã hội, phúc lợi xã hội...
Giáo dục - đào tạo nghề
Các chương trình giáo dục - đào tạo nghề cho lao động, đặc biệt là lao động nông thôn của nước ta hiện nay chủ yếu vẫn tập trung vào các ngành, nghề cũ mà chưa hướng nhiều đến đào tạo lao động cho các ngành phi nông nghiệp, đặc biệt là lao động công nghiệp và dịch vụ hiện đại. Vì vậy, cần đánh giá nhu cầu thị trường để có hướng đào tạo thích hợp. Ở đây cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với sự chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ.
Thông tin và kết nối thị trường lao động
Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với đầu mối là Tổng cục Việc làm đã có nhiều nỗ lực nghiên cứu và đưa ra báo cáo thông tin thị trường cập nhật hằng quý, tuy nhiên nội dung thông tin thị trường chi tiết liên quan đến cung cầu thị trường lao động theo ngành, nghề còn thiếu, mới chỉ dừng lại ở các số liệu cơ bản. Đối với ngành, nghề phi nông nghiệp, cần tập trung đào tạo theo vị trí việc làm. Trong đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài theo hợp đồng. Mở rộng việc giao cho doanh nghiệp trực tiếp thực hiện đào tạo và tuyển dụng lao động sau đào tạo, gắn tuyển sinh với tuyển dụng.
Bên cạnh đó, cần phát triển nguồn nhân lực theo hướng đưa tiến bộ khoa học - công nghệ vào nâng cao năng suất lao động. Trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, cần đặc biệt chú ý đến phát triển khoa học - công nghệ.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn và tạo việc làm
Chính sách chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn gắn liền với quá trình công nghiệp hóa nền kinh tế, vì vậy cần phải đáp ứng các vấn đề mới phát sinh của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đồng nghĩa với quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng của đất nông nghiệp. Một bộ phận nông dân trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa không còn đất hoặc còn rất ít đất để sản xuất nông nghiệp, trong khi đó lại chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng về chuyển đổi nghề nghiệp nên dễ rơi vào tình trạng thất nghiệp và vòng luẩn quẩn của đói nghèo, đặc biệt đối với những lao động đã lớn tuổi. Mặc dù bên cạnh chính sách đền bù khi thu hồi đất đã có các giải pháp hỗ trợ về đào tạo nghề mới, chuyển đổi nghề nghiệp, nhưng quá trình đào tạo, định hướng nghề nghiệp chưa đi vào thực chất.
Trong nguyên tắc tiếp cận hỗ trợ lao động nông nghiệp dịch chuyển khỏi khu vực, trước tiên cần nhấn mạnh vào xác định cơ hội rồi sau đó mới đưa ra sự hỗ trợ. Chiến lược việc làm cần lồng ghép nhiều chương trình khác nhau. Đào tạo gắn với việc làm; lập nghiệp và mở rộng kinh doanh đi kèm với các dịch vụ hỗ trợ. Thực tế ở các nước cho thấy, việc khuyến khích tạo việc làm trong khu vực nông thôn được thực hiện thông qua nhiều chương trình, dự án của chính phủ và các nhà tài trợ. Để nâng cao hiệu quả thì những hoạt động này cần được kết hợp với nhau từ trên xuống dưới, từ cộng đồng nông thôn tới thành phố. Những người hưởng lợi cần được tiếp cận về dịch vụ việc làm, khuyến nông, đào tạo nghề, tài chính vi mô, phát triển kết cấu hạ tầng và bảo hiểm xã hội. Để sử dụng có hiệu quả các nguồn hỗ trợ, cần có sự điều phối tốt giữa các cơ quan của chính phủ và các chương trình phát triển.
Quản lý lao động di cư
Dịch chuyển lao động nông nghiệp liên quan mật thiết tới di cư lao động. Lao động di cư từ nông thôn ra thành thị cần thiết cho tăng trưởng kinh tế. Việc quản lý lao động di cư theo hướng phát triển thị trường lao động thống nhất, xóa bỏ phân biệt giữa lao động thành thị và lao động nhập cư là điều kiện cơ bản và quyết định để lao động di cư hòa nhập vào đời sống xã hội nơi đến. Tuy nhiên, chính sách đối với lao động di cư không chỉ đơn giản là việc làm và chỗ ở mà còn cả quyền được tiếp cận các dịch vụ xã hội, như giáo dục, chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội... Chính vì vậy, bên cạnh vai trò kết nối thị trường, hỗ trợ an sinh cho lao động di cư thì chính quyền địa phương cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể cho nhóm đối tượng này. Các thông tin cần minh bạch và tạo thuận lợi cho người di cư khai báo.
Hỗ trợ các ngành phi nông nghiệp thu hút lao động nông nghiệp
Kinh nghiệm các nước cho thấy, muốn chuyển dịch lao động nông nghiệp hiệu quả, chính phủ cần áp dụng các chính sách nhằm tạo thêm việc làm phi nông nghiệp và khuyến khích chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn tập trung vào các vấn đề, như tăng đầu tư vào các dự án sử dụng nhiều lao động; cải thiện cơ cấu và hoạt động của các hiệp hội, hợp tác xã, các tổ chức dựa vào cộng đồng để các tổ chức này trở nên chuyên nghiệp hơn theo định hướng thị trường và tạo việc làm ổn định cho người lao động; tăng cường cung cấp tín dụng cho hoạt động phi nông nghiệp, khuyến khích chế biến nông sản, kinh doanh nông nghiệp ở quy mô hộ gia đình, doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa; khuyến khích bằng các đòn bẩy tài chính đối với doanh nghiệp mới thành lập ở khu vực nông thôn và doanh nghiệp chuyển từ thành thị về nông thôn, thị trấn nhỏ./.
------------------------
(1) Tổng cục Thống kê: “Thông cáo báo chí kết quả điều tra dân số và nhà ở năm 2019”, https://www.gso.gov.vn/su-kien/2019/12/thong-cao-bao-chi-ket-qua-tong-dieu-tra-dan-so-va-nha-o-nam 2019/#:~:text=(20)%20D%C3%A2n%20s%E1%BB%91%20th%C3%A0nh%20th%E1%BB%8B,n%C3%B4ng%20th%C3%B4n%20c%C3%B9ng%20giai%20%C4%91o%E1%BA%A1n.
(2) Tổng cục Thống kê: “Thông cáo báo chí tình hình lao động việc làm quý IV và năm 2020”, https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/01/thong-cao-bao-chi-tinh-hinh-lao-dong-viec-lam-quy-iv-va-nam-2020/
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển