Thị trường lao động trong nền kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ
TCCS - Trên thế giới hiện nay, trừ vài ngoại lệ, hầu như tất cả các nước đều đi theo mô hình kinh tế thị trường. Cho dù đó là mô hình kinh tế thị trường tự do như ở Mỹ, Ca-na-đa, Ô-xtrây-li-a, kinh tế thị trường xã hội ở châu Âu, kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc hay kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam thì đều không thể thiếu vai trò của nhà nước, với mức độ can thiệp phù hợp tùy theo đặc điểm của thị trường, trình độ phát triển của nền kinh tế, hệ thống thể chế, pháp luật và văn hóa tuân thủ của các bên tham gia thị trường để giúp cho thị trường vận hành đầy đủ, đúng quy luật và đem lại kết quả phát triển kinh tế - xã hội như mong muốn.
Nền kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ
Kinh tế thị trường (KTTT) là một hệ thống, ở đó quy luật cung và cầu định hướng cho việc sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Cung bao gồm tài nguyên thiên nhiên, vốn và lao động. Cầu bao gồm mua hàng của người tiêu dùng, doanh nghiệp và chính phủ. Các doanh nghiệp bán sản phẩm của họ với giá cao nhất mà người tiêu dùng sẽ trả. Người tiêu dùng tìm kiếm mức giá thấp nhất cho hàng hóa và dịch vụ mà họ muốn mua. Người lao động nhận dịch vụ ở mức lương cao nhất có thể mà kỹ năng của họ cho phép. Các nhà tuyển dụng tìm cách có được những nhân viên tốt nhất với mức lương thấp nhất có thể.
Kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ ít nhất phải thể hiện sáu đặc điểm sau:
Thứ nhất là sở hữu tư nhân. Để KTTT vận hành, hầu hết tài sản là hàng hóa và dịch vụ đều phải thuộc sở hữu tư nhân. Chủ sở hữu tài sản có thể lập các hợp đồng ràng buộc về mặt pháp lý để mua, bán hoặc cho thuê tài sản của họ. Tài sản của họ sẽ cho họ quyền sinh lợi từ quyền sở hữu.
Thứ hai là quyền tự do lựa chọn. Chủ sở hữu được tự do lựa chọn sản xuất cái gì, bán và mua hàng hóa và dịch vụ gì trong một thị trường cạnh tranh. Họ chỉ có hai ràng buộc: Một là, giá mà họ sẵn sàng mua hoặc bán; hai là, số vốn họ có.
Thứ ba là động cơ tư lợi. Mọi người đều bán sản phẩm của mình cho người nào trả giá cao nhất và thương lượng giá thấp nhất để mua. Mặc dù điều này là tư lợi, nhưng lại có lợi cho nền kinh tế về lâu dài. Hệ thống đấu giá này sẽ định giá cho hàng hóa và dịch vụ phản ánh giá trị thị trường của hàng hóa và dịch vụ, đồng thời cung cấp một bức tranh chính xác về cung - cầu tại bất kỳ thời điểm nào.
Thứ tư là cạnh tranh. Áp lực cạnh tranh sẽ giữ cho giá thấp. Cạnh tranh cũng bảo đảm xã hội cung cấp hàng hóa và dịch vụ một cách hiệu quả nhất. Ngay khi nhu cầu tăng lên đối với một mặt hàng cụ thể, giá cả sẽ tăng theo quy luật cầu. Các đối thủ cạnh tranh thấy rằng họ có thể nâng cao lợi nhuận bằng cách sản xuất thêm vào nguồn cung. Điều đó làm giảm giá đến mức chỉ còn lại những đối thủ cạnh tranh tốt nhất. Áp lực cạnh tranh này cũng áp dụng đối với người lao động và người tiêu dùng. Người lao động cạnh tranh với nhau để có công việc được trả lương cao nhất. Người tiêu dùng cạnh tranh để có sản phẩm tốt nhất với giá thấp nhất.
Thứ năm là hệ thống thị trường và giá cả. Nền KTTT dựa trên một thị trường hiệu quả để bán hàng hóa và dịch vụ. Đó là nơi mà tất cả người mua và người bán đều có quyền truy cập bình đẳng vào cùng một thông tin. Sự thay đổi giá cả là sự phản ánh thuần túy quy luật cung - cầu. Có năm yếu tố quyết định cầu: Giá sản phẩm, thu nhập của người mua, giá cả của hàng hóa liên quan, thị hiếu tiêu dùng, kỳ vọng của người mua.
Thứ sáu là vai trò của chính phủ. Vai trò của chính phủ là bảo đảm rằng thị trường mở cửa và hoạt động. Ví dụ, chính phủ chịu trách nhiệm về an ninh, quốc phòng để bảo vệ thị trường. Chính phủ cũng bảo đảm rằng mọi người đều có quyền tiếp cận thị trường bình đẳng. Chính phủ trừng phạt các công ty độc quyền hạn chế cạnh tranh, bảo đảm không ai thao túng thị trường và mọi người đều có quyền truy cập thông tin bình đẳng.
Kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ có đầy đủ tất cả các loại thị trường, gồm thị trường các nhân tố sản xuất, thị trường hàng hóa và dịch vụ... và kết nối cung - cầu hoàn hảo để giảm bớt phụ thuộc xuất, nhập khẩu, trừ các mặt hàng đặc biệt và thật sự đặc biệt mà năng lực sản xuất trong nước không đáp ứng được, để từ đó không bị ảnh hưởng bởi thị trường bên ngoài.
Trong một số tình huống, KTTT tự do đi ngược với lợi ích chung của xã hội; một số người vì lòng tham lợi nhuận mà sẵn sàng gây tổn hại cho xã hội. Việc xả thải ra môi trường không còn là câu chuyện hiếm. Trong dịch bệnh COVID-19, chúng ta đã chứng kiến tình trạng cửa hàng thuốc lợi dụng dịch bệnh để đẩy giá bán khẩu trang, nước sát khuẩn lên cao. Giả sử có thuốc chữa COVID-19 hiệu quả, cũng không có gì bảo đảm người dân nghèo sẽ đủ tiền mua thuốc khi mà khan hiếm thuốc, nhà buôn thuốc sẽ đẩy giá lên cao. Hoặc thị trường sản xuất phim ảnh, ca nhạc giải trí, nhà sản xuất vì chạy theo lợi nhuận mà sản xuất những tác phẩm mang nội dung phản cảm, đồi trụy, làm suy đồi đạo đức xã hội. Chính vì vậy, nền KTTT hiện đại, đầy đủ cần có vai trò điều tiết của nhà nước để điều chỉnh những hành vi làm méo mó quy luật thị trường và đưa sự vận hành của nền kinh tế trở về trạng thái thị trường cạnh tranh hoàn hảo như mong muốn.
Thị trường lao động cạnh tranh hoàn hảo
Thị trường lao động là thị trường của sức lao động, của các chủ thể tìm việc làm và các chủ thể tạo ra việc làm trong một địa phương hoặc một quốc gia cụ thể. Thị trường lao động bao gồm các hoạt động thuê mướn lao động và cung ứng lao động để thực hiện những công việc nhất định, xác định các điều kiện lao động, tiền công và các phúc lợi phải trả cho người lao động.
Trong nền KTTT hiện đại, đầy đủ, thị trường lao động cũng sẽ là thị trường cạnh tranh hoàn hảo. Thị trường lao động cạnh tranh hoàn hảo sẽ có các đặc điểm cơ bản của yếu tố thị trường.
Thứ nhất, người lao động có cơ hội bình đẳng tham gia thị trường. Một thị trường lao động hiệu quả thì ở đó người lao động có thể tìm kiếm việc làm dựa trên kinh nghiệm, trình độ chuyên môn và kỹ năng làm việc, từ đó, nguồn nhân lực được tuyển dụng phát huy tối ưu hiệu suất công việc. Nếu có tình trạng phân biệt đối xử trong tuyển dụng lao động, ví dụ tuyển dụng lao động dựa trên giới, độ tuổi, thiên vị vùng, miền, ưu tiên tuyển dụng nam/nữ hay những người có độ tuổi từ 18 đến 25,... Điều đó có nghĩa, một bộ phận người lao động có năng lực chuyên môn bị mất đi cơ hội việc làm. Ở Việt Nam, quảng cáo tuyển dụng rất nhiều vị trí việc làm, ví dụ bán hàng, thu ngân, đóng gói, kiểm kê hàng, giao hàng,... thường thích tuyển những người trẻ, trong khi ở các nước phát triển, để tận dụng nguồn nhân lực, những loại việc làm này lại thường do người có tuổi làm. Hơn nữa, việc tuyển dụng lao động dựa trên sự thiên vị và định kiến sẽ tạo ra các ngành, nghề không đồng đều về lao động, những ngành lao động nam hoặc lao động nữ chi phối, hay những ngành lao động trẻ chi phối,... từ đó ảnh hưởng tới sự phát triển và sử dụng tối ưu nguồn nhân lực.
Thứ hai, cạnh tranh việc làm phải dựa trên các nguyên tắc công bằng và minh bạch. Tuyển dụng không công bằng và minh bạch làm cho thị trường lao động không vận hành theo nguyên tắc thị trường. Việc không công bố rộng rãi thông tin và thiếu tiếp cận thông tin có thể dẫn tới một bộ phận những người có chuyên môn và năng lực phù hợp không tiếp cận được công việc phù hợp và phải chấp nhận làm các công việc trái với chuyên môn và trình độ, từ đó, không phát huy tối ưu hiệu quả nguồn nhân lực. Việc tuyển dụng không công bằng và minh bạch tạo điều kiện cho sự chi phối quyền lực ở một dạng thức nào đó, ví dụ bằng tiền, cấp bậc, mối quan hệ, “con ông cháu cha”, sự ban phát,... và ngược lại, sự chi phối quyền lực trong tuyển dụng sẽ dẫn tới việc tuyển dụng không công bằng và minh bạch, từ đó, làm méo mó thị trường lao động.
Thứ ba, cần có sự kết nối giữa khu vực nhà nước và tư nhân. Làm việc lâu ở một vị trí sẽ mất dần đi động lực tìm tòi, khám phá và sáng tạo. Người lao động sẽ không được khuyến khích chuyển đổi việc làm và tìm kiếm việc làm phù hợp với năng lực, chuyên môn và sở thích nếu không có sự kết nối giữa khu vực nhà nước và tư nhân. Các chính sách lao động không đồng bộ sẽ không khuyến khích sự linh hoạt trên thị trường lao động để phát huy tính toàn dụng về lực lượng lao động dựa trên năng lực, sự say mê và yêu thích công việc. Thực tiễn này sẽ cản trở việc phát huy tối ưu hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực.
Thứ tư, cơ hội việc làm đầy đủ. Tạo ra việc làm đầy đủ là rất quan trọng để thúc đẩy thị trường lao động linh hoạt. Thiếu cơ hội việc làm sẽ khiến cho những người đang có việc làm “cố giữ việc làm hiện tại” vì sợ không tìm được việc làm mới; làm cho những người tìm việc không có sự lựa chọn và buộc phải chấp nhận những việc làm có sẵn, ngay cả khi việc làm đó không hợp chuyên môn của họ. Cơ hội việc làm đầy đủ chính là để phát huy hiệu quả toàn bộ lực lượng lao động. Ví dụ ở Mê-hi-cô, tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 4,94% xuống còn 3,88% trong giai đoạn 2013 - 2016. Nhưng thất nghiệp ở Mê-hi-cô giảm không phải do tạo thêm nhiều việc làm trong giai đoạn này, mà do tỷ lệ người thất nghiệp đã ngừng tìm kiếm việc làm lên tới 16,09% bởi thiếu cơ hội việc làm.
Thứ năm, cung - cầu lao động gặp nhau. Cung - cầu lao động gặp nhau là yếu tố then chốt của một thị trường lao động cạnh tranh hoàn hảo. Người lao động thiếu thông tin về thị trường lao động, người tìm việc không biết nơi cần người và nơi cần người không tìm đúng người có chuyên môn nghĩa là thị trường lao động không hoạt động hiệu quả. Kết nối cung - cầu lao động chính là giúp cho thị trường lao động vận hành và hỗ trợ cho chính sách đào tạo và kích thích nhu cầu học nghề và học chuyên môn phù hợp với yêu cầu của thị trường.
Thứ sáu, người lao động có năng lực thương lượng liên quan tới việc làm. Năng lực thương lượng là yếu tố vô cùng quan trọng để thị trường lao động vận hành. Trong quan hệ giữa người lao động và doanh nghiệp hay người sử dụng lao động, người lao động luôn ở thế yếu hơn, và vì vậy, họ thường yếu hơn về năng lực thương lượng liên quan tới việc làm của họ. Không có năng lực thương lượng đồng nghĩa với việc người lao động phải chấp nhận tiền lương và điều kiện lao động do người sử dụng lao động áp đặt cho họ, và khi đó, sức lao động không được phát huy tối ưu, bởi thiếu động lực và tinh thần làm việc sẽ hạn chế sức sáng tạo và nỗ lực của người lao động. Năng lực thương lượng được tạo ra từ năng lực chuyên môn, trình độ, kỹ năng, vì vậy, đào tạo năng lực chuyên môn, trình độ và kỹ năng cho người lao động là vô cùng quan trọng để tạo vị thế thương lượng về việc làm trên thị trường lao động. Năng lực thương lượng sẽ giúp người lao động linh hoạt trong tìm kiếm việc làm, chuyển đổi việc làm phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế.
Thứ bảy, các chủ thể quan hệ lao động phải độc lập để thực hiện đối thoại, thương lượng thực chất. Đối thoại và thương lượng chính là công cụ để thị trường lao động phát triển và cạnh tranh hoàn hảo. Muốn đối thoại và thương lượng thì các bên quan hệ lao động phải bình đẳng và độc lập với nhau. Với tư cách cá nhân, người lao động luôn ở thế yếu so với nhà tuyển dụng, nên muốn có vị thế bình đẳng, họ phải có tổ chức đại diện cho mình để tư vấn, giúp đỡ và hỗ trợ cả về mặt kỹ thuật và pháp lý trong quá trình đối thoại và thương lượng với nhà tuyển dụng. Nếu tổ chức đại diện cho người lao động không độc lập với nhà tuyển dụng; bị chi phối, điều khiển và kiểm soát bởi nhà tuyển dụng thì hoạt động đối thoại và thương lượng sẽ không có nhiều ý nghĩa cho sự cạnh tranh bình đẳng trên thị trường lao động.
Thứ tám, nhà nước có vai trò hết sức quan trọng trong sự vận hành của thị trường lao động. Dựa trên các yếu tố của thị trường lao động cạnh tranh hoàn hảo, bằng các chính sách thị trường lao động, nhà nước kết nối cung - cầu trên thị trường lao động, khuyến khích tạo việc làm trong cả khu vực công và khu vực tư, kích thích người lao động tìm kiếm việc làm và chuyển đổi việc làm phù hợp với năng lực và sở trường,... Ví dụ chính sách về tiền lương, điều kiện làm việc tạo ra sự hấp dẫn trên thị trường lao động, từ đó giúp tăng năng suất lao động cá nhân; chính sách an toàn, vệ sinh lao động giúp giảm nguy cơ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, từ đó, tiết kiệm chi phí khắc phục hậu quả và tối ưu hóa nguồn lực; chính sách đào tạo nghề giúp kết nối cung - cầu lao động, giúp người lao động chuyển đổi tay nghề và thích ứng với sự thay đổi việc làm trong môi trường mới; chính sách trợ cấp thất nghiệp và bảo vệ việc làm giúp người lao động sẵn sàng chấp nhận rủi ro mất việc để tìm kiếm việc làm mới dựa trên sự đam mê, đổi mới và sáng tạo, từ đó, tạo điều kiện cho người lao động làm đúng ngành, nghề để phát huy tối đa khả năng lao động;... Đồng thời, nhà nước có vai trò ngăn chặn các hành vi lợi dụng kẽ hở pháp luật để kinh doanh phi đạo đức, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, như trốn tránh nghĩa vụ trong quan hệ lao động, chẳng hạn trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động,... bảo đảm đền bù cho người lao động trong trường hợp tai nạn lao động phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm các chính sách lao động và an sinh xã hội để thị trường lao động vận hành linh hoạt.
Đặc biệt trong môi trường thay đổi, ví dụ trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay biến đổi khí hậu, đòi hỏi sự thay đổi công nghệ kỹ thuật số hay sự chuyển đổi sang ngành, nghề thân thiện với môi trường, nhà nước đóng vai trò dẫn dắt để quá trình chuyển đổi được công bằng - những người mất việc trong môi trường mới được đào tạo phù hợp và có thể tìm kiếm việc làm mới mà không trở thành thất nghiệp hoàn toàn hay “vô dụng” trên thị trường lao động.
Cơ hội và thách thức về xây dựng thị trường lao động ở Việt Nam
Kinh tế Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu với kinh tế thế giới thông qua việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, trong đó có các quy định về lao động nhằm tạo ra sân chơi bình đẳng trên thị trường lao động toàn cầu. Đây là cơ hội để Việt Nam sửa đổi pháp luật lao động và thể chế lao động nhằm tăng cường sự linh hoạt của thị trường lao động. Các quy định về lao động trong các FTA thế hệ mới yêu cầu việc hình thành các thể chế hỗ trợ quan hệ lao động, thúc đẩy các công cụ đối thoại và thương lượng trên thị trường lao động, cho phép người lao động thành lập tổ chức đại diện của mình để tạo thế cân bằng với người sử dụng lao động nhằm tiến hành đối thoại và thương lượng một cách thực sự giữa hai bên. Người sử dụng lao động cũng có quyền thành lập các tổ chức đại diện mới của mình để tham gia thương lượng và đối thoại ở cấp cao hơn cấp doanh nghiệp. Hệ thống pháp luật sẽ được sửa đổi, bổ sung phù hợp với cam kết trong FTA nhằm bảo vệ người lao động trước các hành vi phân biệt đối xử và không thiện chí của người sử dụng lao động trong đối thoại và thương lượng ở doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp cho thị trường lao động vận hành linh hoạt hơn và có khả năng “đàn hồi” tốt hơn trước các biến động của nền kinh tế, ví dụ như đại dịch COVID-19 thời gian qua.
Đồng thời, với yêu cầu của các FTA, Nhà nước sẽ giảm dần vai trò can thiệp vào xác lập điều khoản lao động trên thị trường lao động. Thay vào đó, Nhà nước sẽ xây dựng khung pháp lý tạo thuận lợi cho các bên tự tương tác với nhau để xác lập các điều khoản lao động phù hợp với điều kiện riêng của từng doanh nghiệp. Quan trọng hơn, Nhà nước sẽ đóng vai trò xúc tác và hỗ trợ để các bên đối thoại và thương lượng, giúp tháo gỡ các bế tắc để các bên tiếp nối đối thoại và thương lượng đi đến thỏa thuận đáp ứng mong muốn của các bên. Đây là cơ hội tốt cho sự phát triển thị trường lao động ở Việt Nam thời gian tới.
Tuy nhiên, việc thúc đẩy thị trường lao động phát triển hiện đại, đầy đủ, phù hợp với các cam kết quốc tế, quá trình chuyển đổi để vận hành thị trường lao động theo nguyên tắc thị trường sẽ gặp những khó khăn do phải thay đổi thói quen từ phương pháp xác lập điều khoản lao động dựa trên chính sách của Nhà nước sang phương pháp xác lập dựa trên đối thoại và thương lượng. Hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện cho sự vận hành của một phương pháp mới cùng với nhận thức chưa đầy đủ của các bên quan hệ lao động, chưa có kinh nghiệm trong thực hành đối thoại và thương lượng sẽ là những yếu tố khiến cho sự vận hành của thị trường lao động chưa thể như mong muốn.
Thế giới đang đổi thay nhanh chóng với tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chúng ta chưa hình dung được về thị trường lao động sẽ phát triển ra sao với các ứng dụng và kinh tế nền tảng. Máy móc và công nghệ rô-bốt với trí tuệ nhân tạo sẽ thay đổi gần như mọi ngành, nghề trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Nhiều người sẽ thất nghiệp nếu không được đào tạo kịp thời và đào tạo phù hợp, đi kèm với giới thiệu việc làm và kết nối việc làm mới. Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa đoán định được việc làm sẽ thay đổi ra sao; việc làm gì sẽ mất đi và việc làm gì sẽ được tạo ra; yêu cầu về kỹ năng và trình độ để tìm kiếm việc làm mới là gì; quan hệ việc làm giữa người lao động và người sử dụng lao động thay đổi như thế nào,... Thị trường lao động trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ rất khác.
Trong xu hướng hội nhập quốc tế với việc tham gia các FTA, trong đó có Hiệp định Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Việt Nam cần tiếp tục phát triển thị trường lao động theo hướng hiện đại để nắm bắt các cơ hội mới. Muốn vậy, Việt Nam cần sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, thể chế và chính sách thị trường lao động dựa trên các nguyên tắc công bằng, bình đẳng, minh bạch; quan tâm tạo việc làm, đào tạo nghề, nâng cao khả năng thương lượng về việc làm của người lao động và tổ chức đại diện của họ với người sử dụng lao động, kết nối cung - cầu để tối ưu hóa sử dụng nguồn lực lao động. Đặc biệt, vai trò kiến tạo của Nhà nước là hết sức quan trọng để thị trường lao động mới được định hình và phát triển trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư./.
Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa  (24/10/2020)
Quan điểm của Đảng về công bằng xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam  (17/06/2020)
Cầm quyền bằng pháp luật và dựa vào đức để cầm quyền - Hai vấn đề của quá trình đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng  (17/03/2020)
Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ và bền vững  (17/02/2020)
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên