Những điểm sáng của ngành nông nghiệp Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020
TCCS - Trong 5 năm 2016 - 2020, nông nghiệp, nông thôn nước ta đạt được nhiều thành tựu, kết quả quan trọng. Ngành nông nghiệp phát triển toàn diện, tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, thông qua việc bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người dân nông thôn, góp phần quan trọng ổn định chính trị - xã hội và phát triển đất nước. Trong giai đoạn tới, bên cạnh các thời cơ, thuận lợi cho phát triển nhanh, bền vững, nông nghiệp, nông thôn nước ta đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới. Để thúc đẩy phát triển và cơ cấu lại ngành nông nghiệp, cần tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt.
Những điểm sáng trong kết quả phát triển ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020
Giai đoạn 2016 - 2020, mục tiêu tổng quát của ngành nông nghiệp là tiếp tục phát triển trên 3 trụ cột về kinh tế - xã hội - môi trường; phát triển toàn diện cả về nông nghiệp, nông dân và nông thôn theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái và góp phần bảo đảm an ninh - quốc phòng. Tuy nhiên, bên cạnh các thời cơ, thuận lợi cho phát triển nhanh, bền vững, nông nghiệp, nông thôn nước ta vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: 1- Chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm chưa cao nên năng lực cạnh tranh của ngành hạn chế; 2- Thị trường tiêu thụ thiếu ổn định, cạnh tranh ngày càng cao; 3- Biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển và dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là dịch tả lợn châu Phi và đại dịch COVID-19; 4- Nguồn lực cho tăng trưởng nông nghiệp phải cạnh tranh gay gắt với các lĩnh vực khác; 5- Ô nhiễm môi trường nông thôn gia tăng, hàm chứa những thành tố phát triển chưa bền vững.
Trước bối cảnh và tình hình trên, phương châm chỉ đạo của Bộ, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tập trung vào tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt để thúc đẩy phát triển và cơ cấu lại ngành: 1- Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi và cơ cấu lại sản xuất nông, lâm, thủy sản (NLTS) theo 3 trục sản phẩm chủ lực; 2- Tập trung phát triển công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ; 3- Nâng cao năng lực, hiệu quả phòng, chống dịch bệnh xuyên biên giới và hạn chế tác động do thiên tai gây ra; 4- Tiếp tục hoàn thiện và tổ chức thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách về đất đai, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp... Nhờ vậy, 5 năm qua, nông nghiệp, nông thôn nước ta đạt được nhiều thành tựu, kết quả quan trọng.
Đến hết năm 2020 và cả 5 năm 2016 - 2020, dự kiến 15/15 chỉ tiêu chủ yếu của ngành đều đạt và vượt mục tiêu đề ra; nổi bật như 5 chỉ tiêu: 1- Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 5 năm ước đạt 2,71%/năm, vượt mục tiêu; 2- Tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS 5 năm khoảng 190,32 tỷ USD, năm 2020 ước đạt 41 tỷ USD, vượt mục tiêu (39 tỷ - 40 tỷ USD); 3- Tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 ước đạt 42%; 4- Hết năm 2020 ước có trên 63% xã đạt chuẩn nông thôn mới; 5- Thu nhập của cư dân nông thôn năm 2020 ước đạt 43 triệu đồng/người.
Nông nghiệp, nông dân và nông thôn được phát triển toàn diện theo hướng bền vững, cụ thể là:
Thứ nhất, về nông nghiệp
Một là, cơ cấu lại ngành, phát triển trên cơ sở phát huy các lợi thế từng vùng, miền; sản xuất hàng hóa chuyển dịch theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và bền vững; vận hành theo cơ chế thị trường, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và an ninh dinh dưỡng; giảm nghèo bền vững. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, nhất là khi có biến động khủng hoảng kinh tế thế giới và tác động của đại dịch COVID-19, thông qua việc bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm(1) trong mọi tình huống, tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người dân nông thôn, góp phần quan trọng ổn định kinh tế, chính trị, xã hội và phát triển đất nước.
Hai là, công nghiệp chế biến NLTS phát triển nhanh cùng với ứng dụng công nghệ cao để giảm chi phí, nâng cao giá trị gia tăng. Đến nay, cả nước có trên 43.000 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh NLTS, tăng trên 13.000 doanh nghiệp so với năm 2015; có trên 7.500 cơ sở chế biến NLTS quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu, tăng 1.500 cơ sở so với năm 2015. Trong 5 năm 2016 - 2020, số lượng nhà máy/cơ sở chế biến NLTS lớn khởi công mới, đi vào hoạt động là 67 nhà máy, với tổng mức đầu tư khoảng 2,58 tỷ USD.
Ba là, 5 năm qua ghi nhận thị trường tiêu thụ NLTS mở rộng cả trong nước và quốc tế, chuyển mạnh sang thương mại chính ngạch; với tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS 5 năm khoảng 190,32 tỷ USD, trung bình 38,06 tỷ USD/năm. Tăng nhanh tỷ trọng sản phẩm chất lượng cao, có lợi thế, như thủy sản (nhất là tôm nước lợ), rau, hoa, quả, cây công nghiệp giá trị cao, đồ gỗ và lâm sản. Xuất khẩu NLTS đứng thứ 2 Đông Nam Á, thứ 15 thế giới và hiện có mặt ở trên 196 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Thứ hai, về nông dân
Nông dân đã phát huy vai trò chủ thể, tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học - công nghệ, tham gia chuỗi giá trị, nhất là trong xây dựng nông thôn mới. Thu nhập của nông dân và người dân nông thôn ngày càng tăng, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm nhanh, từ mức 9,2% xuống 4,2%; trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã có 74,4% số xã đạt tiêu chí về “giảm tỷ lệ hộ nghèo”, tăng 21% số xã so với năm 2015.
Thứ ba, về nông thôn
Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới về đích sớm hơn 1,5 năm. So với giai đoạn trước, 5 năm 2016 - 2020 đánh dấu một bước chuyển căn bản về chất, như sản xuất nông nghiệp được cơ cấu lại theo hướng bền vững hơn, chú trọng ứng dụng công nghệ cao, phát triển hợp tác xã kiểu mới liên kết theo chuỗi giá trị; bảo vệ môi trường và văn hóa cộng đồng...; kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt vùng nông thôn, giai đoạn 2010 - 2020, cả nước đã xây dựng mới và nâng cấp được trên 206.743km đường giao thông, trung bình đạt 20,5 nghìn ki-lô-mét/năm; trong đó, giai đoạn 2016 - 2020, quan tâm nâng cao chất lượng, đồng bộ, góp phần tích cực hình thành các vùng sản xuất lớn và tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tổng nguồn lực huy động 5 năm 2016 - 2020 khoảng 2.115.677 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với 5 năm 2011 - 2015. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) mới được triển khai trong giai đoạn 2018 - 2020, nhưng đạt được nhiều kết quả tích cực, có tốc độ phát triển mạnh mẽ, dự kiến hết năm 2020 có 2.400 sản phẩm OCOP được công nhận.
Định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để phát triển ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025
Bối cảnh và yêu cầu mới
Bên cạnh những thuận lợi, cơ hội, nông nghiệp, nông dân và nông thôn nước ta hiện nay và thời gian tới đang và sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đó là: 1- Những hạn chế, yếu kém nội tại của nền sản xuất nhỏ, chậm được khắc phục; 2- Biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và trên người, đặc biệt là dịch bệnh xuyên biên giới xâm nhiễm và gây thiệt hại lớn; 3- Các nguồn lực cho tăng trưởng sẽ ngày càng khan hiếm và đắt đỏ; 4- Ô nhiễm môi trường và các mối nguy về ô nhiễm môi trường, tài nguyên (đất, rừng, nước, biển) ngày càng lớn và phức tạp hơn; 5- Áp lực cạnh tranh từ hội nhập quốc tế, căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn...
Định hướng phát triển
Tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng và nông thôn mới; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với 3 nhóm sản phẩm chủ lực (nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; nhóm sản phẩm chủ lực địa phương theo Chương trình OCOP); khai thác và tận dụng tốt lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, xây dựng và phát triển vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn đạt tiêu chuẩn phổ biến về an toàn thực phẩm; kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và thị trường, xuất khẩu, với chuỗi giá trị toàn cầu; tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng, tạo đột phá trong phát triển nhanh, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng nông thôn mới, cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường.
Mục tiêu phát triển đến năm 2025
Mục tiêu chung của toàn ngành là “Phát triển nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; nông thôn mới phồn vinh và văn minh, nông dân giàu có; kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ, sử dụng hiệu quả và bảo vệ bền vững tài nguyên thiên nhiên”.
Mục tiêu chung này được cụ thể hóa thành các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025: 1- Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 2,5% - 3%/năm; 2- Tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS đạt 48 tỷ - 50 tỷ USD/năm; 3- Tỷ lệ số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới ít nhất 80%; có 50% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có ít nhất 15 tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 4- Thu nhập bình quân đầu người của dân cư nông thôn năm 2025 gấp 1,5 lần năm 2020; 5- Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 42%.
Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
Để đạt được các mục tiêu nêu trên, trước yêu cầu của thời kỳ mới, cần tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, phát huy lợi thế so sánh, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và bền vững, phù hợp với kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Hai là, phát triển mạnh công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến NLTS, ngành, nghề và dịch vụ ở nông thôn.
Ba là, tiếp tục thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với chất lượng và quy mô ngày càng nâng cao.
Bốn là, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Năm là, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất phù hợp. Ưu tiên hình thành các doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng công nghệ quản trị tiên tiến, đủ sức tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân ở những vùng sản xuất tập trung.
Sáu là, thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn.
Bảy là, bảo vệ tài nguyên, môi trường, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai.
Tám là, đổi mới cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực đa dạng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách hiện hành, đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời quy định, nhất là các quy định về pháp luật đất đai.
Chín là, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; nâng cao năng lực, hiệu quả hội nhập quốc tế./.
------------------------
(1) Giai đoạn 2016 - 2020, sản lượng lúa tăng từ 43,16 triệu tấn lên 43,45 triệu tấn; sản lượng thịt hơi các loại tăng 1,13 lần; sữa các loại tăng 1,16 lần; trứng tăng 1,57 lần; sản lượng thủy sản tăng 1,24 lần
Tỉnh Gia Lai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá để phát triển bền vững, phấn đấu trở thành trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên  (13/12/2020)
Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp  (01/12/2020)
Tỉnh Quảng Ninh tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao  (19/11/2020)
Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững ở nước ta  (19/10/2020)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển