Triển khai các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và toàn diện
TCCS - Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã đàm phán, ký kết và thực thi 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với gần 60 đối tác; trong đó đã thực thi 12 FTA, ký và chuẩn bị phê chuẩn 1 FTA, đang đàm phán 3 FTA. Việc tham gia và thực thi các FTA đem lại nhiều cơ hội to lớn đối với Việt Nam trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, đồng thời cũng đặt ra những thách thức cần vượt qua để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy các hoạt động kinh tế đối ngoại, đưa kinh tế Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị.
Trong bối cảnh thuận lợi, thách thức đan xen, đối ngoại Việt Nam đang nỗ lực hết mình để đóng góp vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng của đất nước, củng cố và tăng cường các khuôn khổ quan hệ giữa Việt Nam và các nước đối tác, cũng như hướng tới những lợi ích thiết thực, cụ thể về kinh tế, thương mại, đầu tư và phát triển bền vững, phù hợp với định hướng chính sách của Đảng và Nhà nước ta.
Những dấu mốc quan trọng
Nước ta bước vào năm 2019 trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu có dấu hiệu sụt giảm trước sự gia tăng xu hướng bảo hộ và căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn. Theo dự báo của các tổ chức kinh tế quốc tế uy tín, như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), GDP toàn cầu năm 2019 chỉ tăng trưởng ở mức 2,9% - 3%, giảm sút so với mức tăng 3,6% của năm 2018, thương mại toàn cầu được dự báo chỉ tăng 1,2%. Hệ thống thương mại đa phương tiếp tục đứng trước thách thức lớn, trong đó tiến trình cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) chưa đạt được tiến triển thực chất do bất đồng sâu sắc giữa các nhóm nước. Các chức năng chủ chốt của WTO như đàm phán thương mại và giải quyết tranh chấp chưa phát huy được hiệu quả mong muốn. Tuy nhiên, điểm tích cực trong xu hướng chung của thương mại toàn cầu năm 2019 là nhiều nền kinh tế, nhất là các nền kinh tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục tích cực thúc đẩy các hình thức liên kết kinh tế đa tầng nấc với nội hàm hợp tác ngày càng đa dạng.
Trước diễn biến phức tạp của kinh tế và thương mại toàn cầu, kết quả đạt được trong lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong năm 2019 rất ấn tượng. Trong 11 tháng đầu năm, xuất khẩu của nước ta đạt hơn 240 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2018, đạt chỉ tiêu 7% - 8% của Quốc hội giao và là năm thứ tư liên tiếp xuất khẩu duy trì được đà tăng trưởng khả quan. Tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tính đến hết tháng 11-2019 đạt hơn 31 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2018; vốn thực hiện đạt hơn 17 tỷ USD, tăng 7,2%; số dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư tăng hơn 28%. Đây là những con số rất khả quan trong bối cảnh các hoạt động thương mại và đầu tư của nhiều nền kinh tế đang phát triển giảm sút do tác động của môi trường kinh tế khu vực và toàn cầu.
Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam năm 2019 chứng kiến những dấu mốc quan trọng với việc nước ta đẩy mạnh tham gia và thực thi các FTA “thế hệ mới”, trong đó Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ ngày 14-1-2019 và FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết vào ngày 30-6-2019. Đây là những FTA có mức độ cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư sâu rộng và lộ trình ngắn hơn so với đa số các FTA nước ta đã ký kết và tham gia trước đây.
Trong khuôn khổ CPTPP, các nước tham gia cam kết xóa bỏ từ 97% - 100% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam theo lộ trình 10 năm. Đáng chú ý, phần lớn hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3 - 5 năm, ví dụ như một số loại thủy sản (cá, tôm), các loại rau quả tươi và rau quả chế biến, gạo, các loại hạt khô...
Trong khi đó, với EVFTA, ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Về phía Việt Nam, nước ta sẽ thực hiện lộ trình mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư cho các nước đối tác. Trong khuôn khổ EVFTA, ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, nước ta sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch xuất khẩu của EU vào Việt Nam và sẽ tăng lên 91,8% số dòng thuế sau 7 năm. Đối với các nước đối tác trong CPTPP, ngày 26-6-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2019/NĐ-CP, về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện CPTPP giai đoạn 2019 - 2022, trong đó quy định cụ thể mức cắt giảm thuế quan với các nước đối tác. Trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư, Việt Nam cũng đưa ra những cam kết về mở cửa thị trường với mức độ tương đương hoặc cao hơn các cam kết trong WTO. Đơn cử như, trong khuôn khổ EVFTA, các lĩnh vực dịch vụ mà Việt Nam cam kết thuận lợi cho các nhà đầu tư EU, bao gồm một số dịch vụ chuyên môn, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, dịch vụ phân phối…
Với đặc trưng của FTA “thế hệ mới”, các hiệp định CPTPP và EVFTA cũng đưa ra những cam kết trong các lĩnh vực, như lao động, doanh nghiệp nhà nước, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ và phát triển bền vững. Đây là những cam kết chưa xuất hiện trong đa số các FTA trước đây. Hiệp định EVFTA có một chương riêng về các vấn đề phát triển bền vững, trong đó quy định các bên ký kết sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, như các nguyên tắc của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cam kết trong công ước đa phương về môi trường, Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu biển, Công ước quốc tế về buôn bán động, thực vật hoang dã bị đe dọa...
Cơ hội to lớn từ các FTA thế hệ mới
Với các cam kết sâu rộng và toàn diện, các hiệp định CPTPP và EVFTA được đánh giá sẽ đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Trước hết, các hiệp định góp phần tạo dựng khuôn khổ ổn định, lâu dài cho việc củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác, nhất là hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các nước tham gia ký kết, trong đó có nhiều nước đối tác quan trọng của Việt Nam, như Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, Ca-na-đa, Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a... và các nước thành viên EU.
Việc triển khai CPTPP và EVFTA là bước đi quan trọng thúc đẩy đa dạng hóa thị trường, đối tác của Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường CPTPP tăng trưởng tốt, thể hiện việc bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ hiệp định này để thúc đẩy kim ngạch và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường chủ chốt và tiềm năng đều tăng trưởng tích cực, trong đó Mê-hi-cô tăng 30%, Ca-na-đa tăng 27%, Nhật Bản tăng 7%. EVFTA sau khi có hiệu lực được dự báo sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm cho người lao động. Theo kết quả nghiên cứu, những mặt hàng được “hưởng lợi” nhiều nhất từ các FTA thế hệ mới của Việt Nam, bao gồm nông sản, thủy sản, da giày, dệt may, xuất khẩu gỗ, một số mặt hàng máy móc và linh kiện.
Trong lĩnh vực thu hút FDI, Việt Nam sẽ có cơ hội đón nhận dòng vốn FDI “chất lượng cao” của các nước thành viên CPTPP, như Nhật Bản, Ca-na-đa, Ô-xtrây-li-a… và các nước thành viên EU, nhất là trong các lĩnh vực doanh nghiệp EU có thế mạnh, như công nghiệp chế biến chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, các dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ ngân hàng, tài chính… Theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), 80% doanh nghiệp EU cho rằng EVFTA sẽ giúp Việt Nam tăng tính cạnh tranh; 72% cho rằng EVFTA sẽ giúp Việt Nam trở thành cánh cổng giao thương cho các doanh nghiệp EU tại khu vực Đông Nam Á.
Việc triển khai các FTA thế hệ mới là cơ hội để nước ta thực hiện chủ trương hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế. Trong lĩnh vực lao động, việc Quốc hội nước ta thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi với nhiều bổ sung, điều chỉnh quan trọng về quan hệ lao động và bảo vệ quyền lợi của người lao động được cộng đồng quốc tế đánh giá là thực thi nghiêm túc, hiệu quả cam kết của Việt Nam trong các hiệp định EVFTA và CPTPP, góp phần cải thiện vấn đề việc làm và quan hệ lao động của Việt Nam, tạo nền tảng vững chắc cho hội nhập quốc tế và thương mại công bằng. Bên cạnh đó, việc triển khai các cam kết về phát triển bền vững trong các FTA thế hệ mới sẽ góp phần cụ thể hóa các mục tiêu của Nhà nước ta về phát triển bền vững và bao trùm.
Trong bối cảnh gia tăng xu hướng bảo hộ và căng thẳng thương mại, việc Việt Nam ký kết và thực thi các FTA thế hệ mới đã khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam về tiếp tục đổi mới kinh tế, hội nhập quốc tế và ủng hộ tự do hóa thương mại theo hướng mở, minh bạch và dựa trên luật lệ, đồng thời góp phần duy trì động lực hội nhập, liên kết kinh tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội lớn, Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức từ việc thực thi các FTA thế hệ mới. Là quốc gia thành viên có trình độ phát triển thấp hơn so với đa số các thành viên của CPTPP và EVFTA, Việt Nam sẽ chịu sức ép mở cửa thị trường trong các lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư. Để tận dụng cơ hội về xuất khẩu, hàng hóa của Việt Nam sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn, vệ sinh thực phẩm cũng như các tiêu chuẩn “khắt khe” trong CPTPP và EVFTA về quy tắc xuất xứ, nhất là đối với lĩnh vực dệt may và thủy sản. Các đánh giá bước đầu cho thấy, tỷ lệ tận dụng các cam kết ưu đãi của hàng hóa Việt Nam trong các FTA “thế hệ mới” còn khiêm tốn, tỷ lệ tận dụng của nhiều mặt hàng xuất khẩu thậm chí chỉ ở mức 1% - 2%. Hiện còn một số lượng lớn doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm và thiếu thông tin về CPTPP và EVFTA.
Việc thực thi các cam kết “thế hệ mới” đòi hỏi chúng ta phải có lộ trình phù hợp và các giải pháp đồng bộ hoàn thiện hệ thống thể chế - pháp luật, đi đôi với các hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức và nâng cao năng lực cho cán bộ các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp để bảo đảm tận dụng được cơ hội cũng như tránh việc vi phạm các cam kết trong CPTPP và EVFTA. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chủ động nắm bắt nội dung các cam kết trong CPTPP và EVFTA liên quan đến lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp mình để chủ động xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường, mở rộng xuất khẩu, thu hút đầu tư từ các nước thành viên CPTPP và EVFTA.
Giai đoạn mới của hội nhập kinh tế quốc tế
Nhìn lại năm 2019, có thể khẳng định việc nước ta tham gia các FTA thế hệ mới, như CPTPP và EVFTA góp phần đánh dấu giai đoạn mới của hội nhập quốc tế, đó là giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và toàn diện. Tuy đi kèm với không ít khó khăn, thách thức song các FTA thế hệ mới, như CPTPP và EVFTA, về tổng thể sẽ đem lại nhiều lợi ích to lớn cho Việt Nam từ góc độ tăng cường quan hệ hợp tác giữa nước ta với các nước đối tác cũng như các lợi ích cụ thể về thương mại, đầu tư, tăng trưởng, việc làm và phát triển bền vững.
Do phạm vi cam kết sâu rộng và bao trùm, tiến trình đàm phán, ký kết các FTA thế hệ mới đòi hỏi sự tham gia tích cực và phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ban, ngành. Trong đó, tiến trình ký kết hiệp định EVFTA giai đoạn 2018 - 2019 phải đối mặt với những thách thức trong bối cảnh EU phải tập trung giải quyết nhiều vấn đề nội bộ quan trọng, như nước Anh chuẩn bị rời khỏi EU (Brexit), chuẩn bị cho bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 5-2019. EU cũng có những quy định chặt chẽ về quy trình ký kết, như văn kiện EVFTA với hơn 4.000 trang tài liệu phải được dịch sang ngôn ngữ của toàn bộ 28 nước thành viên để tiến hành rà soát ngôn ngữ - pháp lý; đồng thời, việc thông qua quyết định ký kết hiệp định đòi hỏi sự đồng thuận của đa số các quốc gia thành viên. Trong bối cảnh đó và với ý nghĩa quan trọng của EVFTA đối với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tích cực trao đổi với các cơ quan của EU để thúc đẩy việc sớm ký kết các hiệp định. Bộ Ngoại giao được phân công chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương tiến hành công tác vận động chính trị - ngoại giao, trao đổi, làm việc với phía EU để thúc đẩy ký và phê chuẩn EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) trong thời gian sớm nhất. Có thể nói, việc các thành viên EU sớm thông qua quyết định ký EVFTA và EVIPA khẳng định EU đánh giá cao vai trò và vị thế của Việt Nam, hết sức coi trọng quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện song phương, đồng thời là kết quả của quá trình phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan hai bên.
Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ Bộ Công Thương và các bộ, ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp nhằm tận dụng hiệu quả các cam kết của CPTPP phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Đồng thời, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Việt Nam và EU thúc đẩy tiến trình phê chuẩn Hiệp định EVFTA nhằm sớm đưa hiệp định quan trọng này có hiệu lực và đi vào triển khai trên thực tiễn, góp phần củng cố và tăng cường quan hệ đối tác hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU./.
Quan điểm của Ph. Ăng-ghen về tư duy lý luận và ý nghĩa đối với việc đổi mới tư duy về phát triển kinh tế thị trường hiện đại ở Việt Nam hiện nay  (19/01/2020)
Yêu cầu đổi mới quản lý nhà nước đối với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay  (12/01/2020)
Về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước  (29/12/2019)
Về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước  (29/12/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển