Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả - Biện pháp bảo vệ sản xuất và tiêu dùng
Tác động tiêu cực đến cả sản xuất và tiêu dùng
Buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là hiện tượng thường gặp trong nền kinh tế thị trường. Ở đó, lợi nhuận là động cơ chính thúc đẩy các chủ thể kinh tế sản xuất kinh doanh, tham gia thị trường, vừa làm giàu chính đáng vừa thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước, cộng đồng. Cũng chính vì động cơ lợi nhuận, có không ít các đối tượng sẵn sàng lợi dụng những “kẽ hở” của Nhà nước về cơ chế, chính sách, về quản lý để buôn lậu, làm hàng giả hoặc có các hành vi gian lận thương mại. Buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là một tác nhân phá hoại sản xuất, kinh doanh, làm nản lòng những người làm ăn chân chính, bởi lẽ hàng hóa do buôn lậu, trốn thuế, hàng giả tiêu thụ với mức giá thấp hơn, cạnh tranh hơn. Kết quả là Nhà nước thì thất thu thuế, doanh nghiệp làm ăn chân chính thì không tiêu thụ được hàng hóa do mình sản xuất ra và đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Như thế, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả làm méo mó các quan hệ thị trường, gây khó khăn cho sự quản lý, điều tiết của Nhà nước. Người tiêu dùng cũng chịu thiệt khi mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không có xuất sứ rõ ràng, trong đó, có những mặt hàng nguy hiểm, độc hại, ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn, sức khỏe, tính mạng của người dùng. Như vậy, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, một mặt, góp phần tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch cho các chủ thể tham gia thị trường, mặt khác, điều tiết được sự phát triển cơ cấu kinh tế theo những định hướng ưu tiên của Nhà nước, hơn thế nữa, còn bảo đảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả luôn được Đảng, Nhà nước xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, đòi hỏi sự vào cuộc của các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp. Nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được giao cho các ngành, các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương, bao gồm lực lượng quản lý thị trường của ngành Công Thương, các lực lượng chức năng của Công an, Biên phòng, Hải quan cũng như chính quyền địa phương các cấp.
Ngày 19-3-2014, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hay còn được gọi là Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập theo Quyết định số 389/QĐ-TTg. Việc thành lập Ban Chỉ đạo nhằm tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng; khắc phục những sự không đồng bộ trong công tác này của các ngành, các địa phương, để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đây là cơ quan liên ngành gồm Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng và Bộ Công An,…, trực thuộc Chính phủ với nhiệm vụ phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đứng đầu Ban Chỉ đạo là Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ. Ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều thành lập Ban Chỉ đạo cấp tương đương.
Ban Chỉ đạo 389 đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, quán triệt, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, chương trình công tác của Đảng, Nhà nước và yêu cầu sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương. Qua đó, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã được các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp quan tâm, thực hiện, từng bước vào nề nếp, phát huy hiệu quả tích cực, góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh -chính trị, kinh tế - xã hội, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng thu ngân sách nhà nước. Theo số liệu sơ bộ năm 2017, các cơ quan chức năng đã phát hiện 225.837 vụ việc vi phạm (tăng 1,15% so với cùng kỳ năm 2016), thu nộp ngân sách nhà nước từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế đạt trên 23.101 tỷ đồng (tăng 7,17% so với cùng kỳ năm 2016), khởi tố 1.637 vụ (tăng 4,87% so với cùng kỳ), 2.118 đối tượng (tăng 13,69 % so với cùng kỳ).
Mặc dù đã đạt được một số kết quả trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhưng thực tế tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là ở các thành phố và đô thị lớn. Ở thị trường nội địa, tình trạng buôn bán, tiêu thụ, vận chuyển trái phép các loại hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng; vi phạm về niêm yết giá bán hàng, kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn còn xảy ra tại nhiều địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh,… Nhóm các mặt hàng có vi phạm chủ yếu là hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu thụ cao, như rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá điếu, sản phẩm công nghệ, quần, áo, giầy, dép, mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,...
Có tình trạng trên là do việc triển khai, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên ở một số cơ quan, địa phương còn chưa nghiêm túc; công tác nắm và dự báo tình hình còn bị động, chưa kịp thời, chưa sát với thực tiễn, còn để xảy ra những điểm nóng về buôn lậu, hàng giả; công tác phối hợp cung cấp thông tin, hiệp đồng tác chiến chưa chặt chẽ; kỷ cương, kỷ luật hành chính nhiều nơi chưa nghiêm, bộ máy còn cồng kềnh, kém hiệu quả, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế. Cá biệt còn có tình trạng bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu. Cấp ủy, chính quyền một số nơi chưa quan tâm, chưa thực sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại; chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc.
Giải pháp tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả luôn tồn tại trong nền kinh tế thị trường. Vấn đề đặt ra là đấu tranh khống chế, hạn chế đến mức thấp nhất để vừa bảo vệ sản xuất, vừa bảo vệ người tiêu dùng, làm cho tín hiệu thị trường thực sự là đòn bẩy kích thích sản xuất, kinh doanh theo pháp luật. Để nâng cao hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm:
Thứ nhất, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật; phát huy vai trò của các cơ quan thông tin báo chí trong việc đấu tranh lên án, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, làm hàng giả. Kết hợp tuyên truyền với việc vận động nhân dân tham gia phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng về các dấu hiệu buôn lậu, gian lận thương mại và làm hàng giả để có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn. Phát hiện, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, khen thưởng gương người tốt, việc tốt trong tố giác tội phạm cũng như trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tăng cường vai trò của xã hội trong việc theo dõi, phối hợp, đánh giá tình hình, qua đó xây dựng và củng cố niềm tin của nhân dân trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong phạm vi địa bàn hoạt động, căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan hải quan chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, quản lý thị trường và các cơ quan hữu quan khác tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến công tác phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới để nâng cao nhận thức của người dân và để họ tự giác chấp hành, không tiếp tay cho buôn lậu.
Thứ hai, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thương mại, quản lý thị trường, tạo hành lang pháp lý toàn diện và đồng bộ, khắc phục những khoảng trống, những sơ hở trong quản lý nhà nước để các đối tượng không thể lợi dụng. Theo đó, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng như một số văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan trực tiếp đến công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và làm hàng giả.
Sửa đổi, bổ sung quy định phối hợp trong ngăn chặn, điều tra, lập hồ sơ và xử lý vi phạm. Cụ thể, cơ quan hải quan có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, công an, quản lý thị trường và các cơ quan hữu quan khác thực hiện các biện pháp ngăn chặn, điều tra, lập hồ sơ và xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu khi có yêu cầu. Trong quá trình thực hiện các biện pháp ngăn chặn, điều tra, lập hồ sơ và xử lý vi phạm, theo đề nghị của cơ quan hải quan thì cơ quan công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, quản lý thị trường và các cơ quan hữu quan khác có trách nhiệm: Phối hợp lực lượng, hỗ trợ điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện khám người, phương tiện vận tải, đồ vật, nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo thủ tục hành chính và áp giải người vi phạm; phối hợp, hỗ trợ lực lượng, phương tiện trong việc lấy lời khai, thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ, mở rộng điều tra, xác lập chuyên án; phối hợp trong việc lập hồ sơ và xử lý các vụ việc vi phạm.
Thứ ba, cần xác định công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của tất cả các bộ, ngành, địa phương. Triển khai và thực hiện tốt đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các bộ, ngành và địa phương; đánh giá mức độ hoàn thành công việc của người đứng đầu trong công tác này để nâng cao hiệu quả thực hiện. Bên cạnh việc đấu tranh trực tiếp với buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, chính quyền các địa phương cần triển khai các biện pháp phát triển kinh tế, tăng cường xoá đói giảm nghèo để người dân có công ăn, việc làm, thu nhập, không tiếp tay cho buôn lậu, nhất là bà con các dân tộc thiểu số khu vực biên giới. Trừng trị nghiêm các chủ đầu nậu, đường dây buôn lậu lớn. Trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, kiên quyết không cho phép có “vùng cấm”.
Thứ tư, tăng cường phối hợp trong kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng và địa bàn trọng điểm để phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Tăng cường tuần tra, kiểm soát các tuyến biên giới đường bộ, đường biển để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, nhất là các mặt hàng như ma túy, xăng đầu, khoáng sản, thuốc lá, gỗ, hàng tiêu dùng… Xác lập các chuyên án lớn, đánh đúng, đánh trúng các ổ nhóm tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có tổ chức theo kiểu “xã hội đen”, tội phạm buôn lậu các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, thuốc lá, tân dược…
Lực lượng Hải quan, Thuế tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh nhưng phải bảo đảm quản lý chặt chẽ, không để các đối tượng lợi dụng kẽ hở để buôn lậu, trốn thuế; xử lý nghiêm các hành vi gian lận thuế, chiếm đoạt tiền thuế từ ngân sách; có biện pháp thu đủ, kịp thời về ngân sách số tiền bị thất thoát. Lực lượng quản lý thị trường tập trung kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng và địa bàn trọng điểm để phát hiện, xử lý kịp thời các hành vì sản xuất, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không để xảy ra các vụ việc vi phạm kéo dài. Bộ đội biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát các tuyến biên giới đường bộ, đường biển để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, nhất là các mặt hàng như ma túy, xăng đầu, khoáng sản, thuốc lá, gỗ, hàng tiêu dùng…
Thứ năm, thực hiện phòng, chống tội phạm ngay trong chính cơ quan phòng, chống tội phạm; phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả ngay trong chính các cơ quan có chức năng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nội bộ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức; kiên quyết “không có vùng cấm” trong công tác phòng chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. /.
Quyết liệt tái cấu trúc, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nộp ngân sách nhà nước 5 tháng đạt 55% kế hoạch năm 2018  (04/06/2018)
Một số văn bản chỉ đạo, điều hành mới của Chính phủ  (04/06/2018)
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tăng cường thực hiện giám sát, phản biện xã hội đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân  (04/06/2018)
105 tác phẩm xuất sắc sẽ được vinh danh tại Lễ trao Giải Báo chí quốc gia năm 2017  (04/06/2018)
Kỷ niệm Ngày truyền thống Người cao tuổi Việt Nam  (04/06/2018)
Kỳ vọng vào phiên chất vấn của Quốc hội  (03/06/2018)
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên