Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 01 đến 07-01-2018)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN, chinhphu.vn)
00:58, ngày 09-01-2018

TCCSĐT - Trong một phát biểu mới đây với nhật báo Sueddeutsche Zeitung của Đức, ông Ewald Nowotny, thành viên Hội đồng điều hành của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã kêu gọi các chính phủ quản lý và đánh thuế đối với bitcoin, cho rằng đồng tiền kỹ thuật số này là một mục tiêu của hoạt động đầu cơ và là công cụ rửa tiền.

Thủ tướng giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định giao năm Bộ gồm Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.

Theo Quyết định số 01/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) là 6,7%, tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân (CPI) khoảng 4%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so GDP 33-34%, tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 88%.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng kế hoạch năm 2018 khoảng 41,6%.

Bộ Công Thương được giao chỉ tiêu kế hoạch năm 2018 như sau: Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 8-10%, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%.

Bộ Y tế được giao chỉ tiêu số giường bệnh trên 10.000 dân (không tính giường trạm y tế xã) là 26 giường, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế trên 88,5%.

Những chỉ tiêu kế hoạch năm 2018 được giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội gồm mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều từ 1-1,5%, trong đó giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo là 4%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 58-60%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ ba tháng trở lên có chứng chỉ công nhận đào tạo là 23-23,5%.

Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 về thông tin và truyền thông, giáo dục, đào tạo và nhiệm vụ điều tra cơ bản cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương. Các nhiệm vụ điều tra cơ bản được giao theo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo để các cơ quan đại diện chủ sở hữu biết, giao nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh năm 2018 cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo quy định.

Thủ tướng yêu cầu căn cứ vào các chỉ tiêu được giao nêu trên, các bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở Trung ương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước giao các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 cho các đơn vị liên quan trước ngày 31-01. Đồng thời, tổ chức thực hiện, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 được giao theo Nghị quyết số 48/2017/QH14 của Quốc hội và Quyết định này; định kỳ hàng quý, gửi báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

Các ngân hàng thương mại đồng loạt thay đổi cách tính lãi suất

Các ngân hàng đồng loạt thay đổi cách tính lãi đối với người gửi tiết kiệm và vay tiền kể từ ngày 01-01 theo lãi suất năm, một năm được xác định là 365 ngày thay vì 360 ngày như trước đây.

Các ngân hàng thương mại như SeABank, VPBank, Eximbank, ACB, VIB, LienVietPostBank... vừa thông báo thay đổi cách tính lãi đối với tiền gửi tiết kiệm và cho vay. Tại Eximbank, đối với các tài khoản tiền gửi của các khách hàng phát sinh từ ngày 01-01 (gửi mới, tái đáo hạn…), Eximbank sẽ tính lãi theo tỷ lệ %/năm (365 ngày) thay vì 360 ngày như trước. Với các khoản tiền gửi trước ngày 01-01, món tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn, Eximbank sẽ tiếp tục tính lãi theo phương pháp cũ là theo tỉ lệ %/năm (360 ngày) cho đến khi hết thời hạn của khoản tiền gửi.

Còn tại SeABank, tiền lãi được tính trên cơ sở số dư thực tế, lãi suất và số ngày trong kỳ tính lãi; lãi suất được quy định thống nhất theo %/năm (một năm là 365 ngày). Các khoản tiền gửi có kỳ hạn được mở mới hoặc tái tục từ ngày 1/1 trở đi sẽ được áp dụng nguyên tắc và phương thức tính lãi mới, các khoản tiền gửi có kỳ hạn được mở mới hoặc tái tục trước ngày 01-01 mà có ngày đáo hạn từ ngày 01-01 trở đi được tiếp tục thực hiện nguyên tắc và công thức tính lãi đã ký kết và thỏa thuận với SeABank tại ngày gửi tiền hoặc tái tục cho đến hết thời hạn của khoản tiền gửi.

Tương tự, tại LienVietPostBank cũng như vậy, từ ngày 01-01, khách hàng đến gửi tại ngân hàng này hoặc có sổ tiết kiệm được tái tục đáo hạn sẽ được tính theo công thức: Số tiền x lãi suất/365 ngày x số ngày thực gửi.

Lãnh đạo các ngân hàng cho biết, sự thay đổi này nhằm tuân thủ Thông tư số 14/2017 của Ngân hàng Nhà nước quy định về phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi và cho vay giữa tổ chức tín dụng với khách hàng.

Việc thống nhất quy định một năm là 365 ngày sẽ tạo ra cơ sở để các ngân hàng thương mại bảo đảm tuân thủ các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, tạo tính nhất quán trong cách tính lãi suất huy động, cho vay toàn hệ thống. Sự thống nhất này cũng thuận lợi khi đưa ra cách thức xử lý những vướng mắc, tranh chấp về lãi suất giữa ngân hàng với khách hàng gửi tiền hoặc khách hàng vay vốn.

Theo lãnh đạo các ngân hàng, với cách tính lãi mới, người gửi tiền sẽ nhận lãi ít hơn so với cách tính trước đây, tuy nhiên thấp hơn không đáng kể. Nhưng ngược lại người đi vay lại có lợi. Trước đây các ngân hàng thương mại áp dụng công thức tính lãi suất tiết kiệm là: Tiền lãi = số tiền gửi x lãi suất (%năm) x số ngày gửi thực/360. Còn hiện tại áp dụng số ngày trong năm là 365 thì người gửi tiền bị thiệt thêm 5 ngày.

Tái cơ cấu Tập đoàn Hóa chất giai đoạn 2017 - 2020

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký Quyết định 16/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) giai đoạn 2017 - 2020 với mục tiêu bảo đảm Vinachem có cơ cấu hợp lý; nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của Tập đoàn.

Theo Đề án, ngành, nghề kinh doanh chính của Vinachem là sản xuất và kinh doanh hóa chất cơ bản; công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất phân bón và hóa chất; sản xuất, kinh doanh phân bón chứa lân; sản xuất thuốc bảo vệ thực vật. Vốn điều lệ của Vinachem đến năm 2020 khoảng 20.000 tỷ đồng. Vinachem xây dựng kế hoạch, phương án và lộ trình thực hiện cổ phần hóa Công ty mẹ giai đoạn 2018 - 2019. Sau cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối từ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ.

Về kế hoạch sắp xếp, tái cơ cấu các đơn vị thành viên của Vinachem giai đoạn 2017 - 2020, Đề án nêu rõ, thực hiện cổ phần hóa Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam theo Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg ngày 22-6-2015 của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nắm giữ cổ phần chi phối; tái cấu trúc lại Trường Cao đẳng Công nghiệp Hóa chất theo hướng tinh giản, gọn nhẹ, hiệu quả.

Thực hiện thoái hết vốn sau khi doanh nghiệp hết lỗ, sản xuất kinh doanh có hiệu quả đối với các doanh nghiệp sau: Công ty cổ phần Phân đạm Hóa chất Hà Bắc; Công ty cổ phần DAP-Vinachem; Công ty cổ phần DAP số 2-Vinachem; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đạm Ninh Bình.

Thực hiện cổ phần hóa Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Apatit Việt Nam giai đoạn 2017 - 2018, Vinachem nắm giữ trên 65% vốn điều lệ. 7 doanh nghiệp do Vinachem nắm giữ từ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ gồm: Công ty cổ phần Hơi kỹ nghệ Que hàn; Công ty cổ phần Hóa chất Việt Trì; Công ty cổ phần Hóa chất cơ bản Miền Nam; Công ty cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao; Công ty cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển; Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình; Công ty cổ phần Thuốc sát trùng Việt Nam.

9 doanh nghiệp do Vinachem nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ gồm: Công ty cổ phần Công nghiệp Cao su Miền Nam; Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng; Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng; Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền; Công ty cổ phần Phân bón và Hóa chất Cần Thơ; Công ty cổ phần Phân bón Miền Nam; Công ty cổ phần Bột giặt NET; Công ty cổ phần Bột giặt LIX; Công ty cổ phần Pin Ắc quy Miền Nam.

Vinachem thực hiện thoái toàn bộ vốn tại 15 doanh nghiệp sau: Công ty cổ phần Xà phòng Hà Nội; Công ty cổ phần Pin Ắc quy Vĩnh Phú; Công ty cổ phần Ắc quy tia sáng; Công ty cổ phần Cao su Inoue Việt Nam; Công ty cổ phần Nhựa và Hóa chất TPC Vina; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hóa chất Miền Nam; Công ty cổ phần Sơn tổng hợp Hà Nội; Công ty cổ phần Bột giặt và Hóa chất Đức Giang; Công ty cổ phần Pin Hà Nội; Công ty cổ phần Vật tư và Xuất nhập khẩu Hóa chất; Công ty cổ phần Cảng Đạm Ninh Bình; Công ty cổ phần Công nghiệp Hóa chất Tây Ninh; Công ty cổ phần Công nghiệp Hóa chất Đà Nẵng; Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư và Xây dựng mỏ; Công ty cổ phần Thiết kế công nghiệp Hóa chất.

Dự báo kinh tế thế giới trước xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ

Báo cáo mới nhất của ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) cho thấy lần đầu tiên kể từ năm 2010, trong năm 2017, nền kinh tế thế giới đã tăng trưởng vượt trội hơn so với hầu hết các dự đoán, và giới chuyên gia kỳ vọng đà tăng này sẽ tiếp diễn trong năm 2018. Dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu trong năm 2018 sẽ là 4,0%, cao hơn so với ước tính tăng 3,7% của cả năm 2017 và khởi sắc hơn rất nhiều so với con số 3,3% hồi năm 2016.

Điều này là nhờ các điều kiện tài chính thuận lợi cùng những hỗ trợ từ chính sách tiền tệ của các quốc gia. Song Goldman Sachs cũng không loại trừ những yếu tố tiêu cực có thể ảnh hưởng đến đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong đó đáng chú ý nhất là việc các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ.

Hồi giữa tháng 12-2017, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed, Ngân hàng Trung ương) đã thông báo quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm, từ khoảng 1,0-1,25% lên 1,25%-1,5%, sau khi các điều kiện thị trường lao động và lạm phát diễn biến theo như kỳ vọng. Đây là lần thứ 3 Fed tăng lãi suất trong năm 2017, cho thấy mức độ tự tin của cơ quan này đối với nền kinh tế Mỹ. Dự kiến sẽ có thêm ba đợt tăng lãi suất nữa trong năm 2018.

Sau khi Fed nâng lãi suất cơ bản, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) ngay sau đó đã tiến hành tăng lãi suất (bao gồm việc tăng lãi suất hợp đồng repo đảo ngược kỳ hạn 7 ngày từ 2,45% lên 2,5%, lãi suất hợp đồng repo đảo ngược kỳ hạn 28 ngày từ 2,75% lên 2,8%). Giới quan sát nhận định động thái trên của PBoC được coi là bước đi nhằm tránh phải tăng lãi suất chuẩn.

Bên cạnh việc tăng lãi suất tại hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong năm 2018 cũng được dự báo sẽ bắt đầu thắt chặt chính sách nới lỏng định lượng (QE) - vốn là biện pháp bơm thêm tiền vào thị trường bằng việc mua trái phiếu.

Kết hợp với mức lãi suất thấp và khoản tín dụng ưu đãi dành cho các ngân hàng, chương trình mua trái phiếu này nhằm khuECB mới đây thông báo sẽ thu hẹp quy mô chương trình mua trái phiếu xuống 30 tỷ euro (36 tỷ USD)/tháng kể từ tháng 01-2018, giữa bối cảnh kinh tế Eurozone phục hồi mạnh mẽ hơn. Đây sẽ là bước đi đầu tiên hướng tới việc bình thường hóa lãi suất tại khu vực đồng euro.

Tuy nhiên, dù việc thắt chặt chính sách tiền tệ trên phạm vi toàn cầu khó có thể gây biến động lớn cho các thị trường tài chính, xu hướng này vẫn tiềm ẩn những rủi ro và nguy cơ đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế. QE đã làm giảm lợi suất và đẩy giá tài sản lên cao, khiến cho các nhà đầu tư hướng tới các tài sản rủi ro hơn.

Một nguy cơ khác là việc chính phủ các nước và giới nghiên cứu chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế về tác động của việc cắt hoặc giảm bớt những gói kích thích tài chính đối với thị trường, do kinh tế thế giới chưa bao giờ triển khai các gói QE với quy mô lớn như vừa qua.

Bất chấp những rủi ro từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ của nhiều ngân hàng trung ương, với điều kiện tài chính thuận lợi và một số hỗ trợ từ chính sách tài khóa, triển vọng kinh tế toàn cầu khá tươi sáng và đồng đều giữa các nền kinh tế phát triển và mới nổi.

Kinh tế Mỹ đang ở giai đoạn an toàn và có nhiều chỉ số tích cực như việc làm, giá nhà ở và lợi nhuận từ đầu tư kinh doanh đều tăng. Tuy nhiên, tiền lương trung bình tại Mỹ vẫn chưa tăng mặc dù tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất từ năm 2001. Trong năm 2018, GDP của Mỹ ước sẽ tăng trưởng khoảng 2,5%.

Nền kinh tế khu vực Eurozone nhiều khả năng tiếp tục duy trì đà phục hồi với mức tăng trưởng ước tính là 2,2%, mặc dù nguy cơ chính trị vẫn còn. Trong khi đó, kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng vào khoảng 1,6% vào năm tới. Những thách thức chính của kinh tế Nhật Bản là lực lượng lao động suy giảm, tỷ lệ phụ thuộc của người cao tuổi tăng lên, trong khi chính sách thắt chặt nhập cư vẫn không được nới lỏng. Lạm phát vẫn duy trì trong khoảng mục tiêu của BoJ đặt ra là 2%.

Vương quốc Anh là nền kinh tế phát triển duy nhất “đi lùi” so với xu hướng khi chỉ tăng 1,3% vào năm 2018, thấp hơn mức ước tính 1,5% của năm 2017, do lạm phát cao hơn sẽ ảnh hưởng đến mức tăng thu nhập thực tế và hoạt động tiêu dùng.

Trong khi đó, triển vọng của các nền kinh tế mới nổi trong năm tới là khá tích cực. Ấn Độ và Nga đều sẽ tăng trưởng trở lại sau giai đoạn suy thoái kéo dài, với Xứ sở Càri ước sẽ đạt mức tăng trưởng 8% trong năm tài chính 2018, còn kinh tế Nga tăng trưởng 3,3% vào năm tới. Brazil cũng được dự báo sẽ tiếp tục hồi phục với mức tăng ước khoảng 2,7% vào năm 2018.

Trái ngược với các nền kinh tế trên, Trung Quốc sẽ chứng kiến quá trình tăng trường “giảm tốc” dần trong năm tới.

Goldman Sachs cho rằng những cải cách hiện hành, trong đó có các biện pháp hạn chế rủi ro tài chính và cải thiện tình hình môi trường, sẽ hạn chế đà đi lên của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Do vậy, nhịp độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại từ mức ước tính 6,8% trong năm 2017 xuống 6,5% vào năm 2018 và còn 6,1% vào năm 2019.

Quan chức ECB kêu gọi các chính phủ quản lý và đánh thuế bitcoin

Trong một phát biểu mới đây với nhật báo Sueddeutsche Zeitung của Đức, ông Ewald Nowotny, thành viên Hội đồng điều hành của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã kêu gọi các chính phủ quản lý và đánh thuế đối với bitcoin, cho rằng đồng tiền kỹ thuật số này là một mục tiêu của hoạt động đầu cơ và là công cụ rửa tiền.

Ông Nowotny cho rằng cần áp dụng quy định cơ bản trong mỗi một giao dịch tài chính, yêu cầu những người có liên quan đều phải cung cấp danh tính, đồng thời chính phủ các nước cũng cần phải đánh thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với bitcoin, vì đây không phải là một loại tiền tệ.

Những bình luận của vị Thống đốc Ngân hàng Trung ương Áo này cũng trùng với quan điểm với các quan chức khác của ECB, cho rằng sự gia tăng giá trị ngoạn mục của bitcoin là một dạng “bong bóng," chứ không phải là dấu hiệu cho thấy đồng tiền ảo này có thể cạnh tranh với đồng euro đang được 19 quốc gia thành viên sử dụng.

Bitcoin là một mối quan ngại đối với ngân hàng trung ương các nước, vì nó có thể cho phép tội phạm thực hiện các hành vi rửa tiền.

Ông Nowotny thừa nhận rằng bitcoin đang trở thành một chủ đề nóng trong đời sống hàng ngày. Quan chức này cho hay ECB sẽ chỉ can thiệp nếu nó thay đổi hành vi của người dân, nhưng đến giờ chưa có dấu hiệu của việc này. Theo ông, những biến động mạnh trong giá trị của bitcoin và tốc độ giao dịch chậm khiến cho đồng tiền này khó có thể được sử dụng trong các giao dịch thanh toán hằng ngày.

Ra đời năm 2009, Bitcoin có lẽ là đồng tiền ảo được biết đến nhiều nhất. Giá trị của đồng tiền này đã tăng gần 20 lần trong năm 2017, nhưng gần đây có dấu hiệu mất đà sau khi chính phủ các nước và giới phân tích lần lượt đưa ra các lời cảnh báo về những rủi ro và sự bất ổn liên quan đến các đồng tiền kỹ thuật số./.