TCCSĐT - Sóc Trăng là vùng đất giàu tiềm năng để phát triển du lịch, nhất là loại hình du lịch tâm linh, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa, lễ hội. Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch Sóc Trăng đang chuyển mình, phát triển mạnh mẽ và trở thành ngành kinh tế chủ lực của tỉnh.

Tiềm năng du lịch đa dạng, phong phú

Sóc Trăng là vùng đất có lịch sử lâu đời. Là một tỉnh nằm trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Sóc Trăng có sự kết hài hòa văn hóa của các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer cùng với người Chăm bản địa. Sự đa dạng văn hóa đã tạo nên sức hấp dẫn của Sóc Trăng, để du khách tìm về khám phá vùng đất nơi đây. Trên địa bàn tỉnh có những điểm đến nổi tiếng như chùa Mahatup (chùa Dơi), chùa Srolôn (chùa Chén Kiểu), Bửu Sơn tự (chùa Đất Sét), chùa La Hán (Vĩnh Thiền tự).

 
Chùa Dơi là ngôi chùa nổi tiếng nhất Sóc Trăng và các tỉnh miền Tây Nam bộ. Chùa Dơi hay còn gọi là chùa Mã Tộc hay chùa Mahatup, được xây dựng từ thế kỷ XVI, là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu cho Phật giáo Nam tông Khmer Nam Bộ. Không những vậy chùa còn là nơi cư ngụ của hàng vạn con dơi lạ. Từ hàng trăm năm nay, khuôn viên chùa rộng trên 3ha với nhiều cây cổ thụ là điểm trú ngụ của hàng ngàn con dơi lớn như dơi quạ, dơi ngựa, có con nặng trên một kg, sải cánh dài hơn 1,5m nên người dân địa phương quen gọi là chùa Dơi.
Ban ngày, dơi treo lủng lẳng trên các nhành cây, tối đến bay đi kiếm ăn xa hàng chục km cho tới hừng sáng mới lại bay về chùa. Chính vì thế, du khách đến thăm chùa Dơi khá đông, đặc biệt vào những ngày cuối tuần.
Chùa Sà Lôn, còn được gọi bằng cái tên khác là chùa Chén Kiểu, nằm trên quốc lộ 1A, cách thành phố Sóc Trăng 12km, hướng từ thành phố Sóc Trăng đi Bạc Liêu. Nét đặc sắc ở ngôi chùa là sử dụng những mảnh bát (chén), đĩa sứ ốp lên tường trang trí cho ngôi chùa, bởi vậy chùa còn được gọi là chùa Chén Kiểu.
Chùa Đất Sét có các tác phẩm tượng Phật, linh thú, đỉnh trầm, bảo tháp… được tạo ra từ đất sét rất tinh tế, thể hiện sự tài hoa của những nghệ nhân tạo ra.


Bên cạnh đó, Sóc Trăng có nhiều lễ hội tiêu biểu, như Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo, lễ hội Nghinh Ông, Lễ hội Thác Côn, Lễ hội cúng Phước Biển, Lễ hội sông nước miệt vườn.

Sóc Trăng là tỉnh đồng bằng ven biển với 72 km bờ biển, 50 km chiều dài của sông Hậu. Dọc những bãi biển là những dãy cù lao xanh, những vườn trái cây và hệ thống sông rạch chằng chịt. Du khách có thể đến du lịch Sóc Trăng vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Khí hậu ở Sóc Trăng chia thành 2 mùa là mùa khô và mùa mưa, mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình hàng năm là khoảng 26,8 độ C, ít khi bị bão lũ.

Cùng với những kiến trúc chùa chiền độc đáo có niên đại hàng trăm năm và những thế mạnh về du lịch sinh thái, ở Sóc Trăng còn có những làng nghề thủ công mỹ nghệ đậm nét truyền thống, thuận lợi để tổ chức các hoạt động du lịch văn hóa tâm linh, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch sông nước miệt vườn kết hợp với du lịch biển. Ở Sóc Trăng còn có những món ẩm thực nổi tiếng như bánh pía, bánh cống, bún nước lèo, cốm dẹp, canh chua cá ngát nấu bần…

Khu căn cứ Tỉnh ủy: Được xây dựng trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Toàn khu di tích được đặt trong rừng tràm với tổng diện tích 20.000 ha, được bao bọc bởi một hệ thống sông ngòi, xung quanh là cây lá xanh mướt.

Bảo tàng Khmer: Bảo tàng trưng bày nhiều hiện vật quý, phản ánh đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của người Khmer qua nhiều thế hệ như trang phục, kiến trúc nhà ở, chùa chiền, nhạc cụ.

Chợ nổi Ngã Năm: Chợ họp ở giao điểm của năm con sông đi năm ngả, rất nhộn nhịp. Du khách sẽ được tìm hiểu lối sinh hoạt của người dân với cảnh mua bán sầm uất trên xuồng ghe. Đây là dịp để du khách thưởng thức những trái cây đặc sản của miền sông nước.

Vườn cò Tân Long: Đây nơi trú ngụ của hàng nghìn con cò và một số loài chim trong một khu vườn rộng lớn. Thú vị nhất đối với du khách là sáng sớm hay chiều về được ngắm những cánh cò bay lượn, tận hưởng không gian yên bình.

Lễ hội Ooc Om bok và đua ghe ngo vào tháng 9 âm lịch hàng năm, người dân ở đây sẽ thả đèn nước, một hoạt động quan trọng trong lễ hội Ooc Om bok và đua ghe ngo. Đèn nước thường là một chiếc bè làm từ cây chuối hoặc tre được lắp ghép thành chiếc thuyền với nhiều hoa văn trang trí lộng lẫy bên trong thắp nhiều đèn cầy. Lễ vật cúng thường là gạo, muối và các loại sản vật và trái cây, người dân cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ hội này luôn hấp dẫn khách du lịch.Toàn tỉnh Sóc Trăng có 8 di tích lịch sử cấp quốc gia, 27 di tích cấp tỉnh được công nhận và có 3 điểm được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh (chùa Mahatup, Trung tâm Văn hóa triển lãm Hồ Nước Ngọt, Tân Huê Viên) và 174 cơ sở lưu trú du lịch.

Du lịch Sóc Trăng từng bước khẳng định uy tín

Để phát triển du lịch, Sóc Trăng tập trung khai thác và phát huy tốt ba thế mạnh, đó là tài nguyên văn hóa, sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và vị trí ở giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Sóc Trăng đứng đầu về tài nguyên văn hóa trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Vị trí địa lý và điều kiện đi lại của Sóc Trăng rất thuận lợi để trở thành điểm kết nối về du lịch giữa các địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Lãnh đạo tỉnh có sự quyết tâm cao về phát triển du lịch. Ngày 02-8-2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng ban hành Nghị quyết số 05 về phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; ngày 12-12-2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng ban hành Chương trình hành động số 06 để cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết số 05.

Sau hơn 25 năm tái lập tỉnh, du lịch Sóc Trăng đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong, ngoài nước và được xem là ngành quan trọng trong chiến lược thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhiều sự kiện phục vụ quảng bá, xúc tiến du lịch đã được tỉnh tổ chức như hội thảo phát triển du lịch cộng đồng tại Sóc Trăng; tổ chức lớp tập huấn “Phát triển mô hình du lịch homestay ở Sóc Trăng”; tổ chức lớp quản lý nhà nước, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch tại Sóc Trăng; tổ chức các đoàn du lịch tìm hiểu, làm quen, tiếp thị cho các công ty du lịch, lữ hành và các cơ quan báo chí tìm hiểu thực tế về du lịch Sóc Trăng…

Qua việc tổ chức các sự kiện, ngành Du lịch Sóc Trăng nhận được nhiều ý kiến đóng góp, khắc phục những hạn chế, từng bước đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Đặc biệt, du lịch Sóc Trăng đã cho ra mắt Tổ Du lịch cộng đồng Mỹ Phước ở xã Nhơn Mỹ (Kế Sách), điểm du lịch cộng đồng Hưng Phú ở xã Hưng Phú (Mỹ Tú). Sau một thời gian hoạt động, mô hình điểm đến du lịch sông nước miệt vườn đã được một số công ty du lịch và du khách các tỉnh, thành phố lân cận trong nước và quốc tế biết đến. Bên cạnh đó, mô hình du lịch homestay cũng bước đầu phát triển và thu hút được nhiều du khách quốc tế đến với Sóc Trăng, đặc biệt là các du khách thích khám phá văn hóa dân tộc thiểu số.

Trong tháng 7-2017, với mục tiêu đa dạng sản phẩm du lịch, Sóc Trăng đã khai trương tuyến tàu cao tốc Trần Đề (Sóc Trăng) đi Côn Đảo. Có thể nói sản phẩm du lịch này đã tạo cú hích lớn, mở ra nhiều thuận lợi cho du lịch tỉnh Sóc Trăng khi thời gian di chuyển của du khách từ Trần Đề đi Côn Đảo chỉ còn 150 phút.

Các cơ sở lưu trú du lịch từng bước được chỉnh trang, đầu tư trang thiết bị hiện đại, tình hình vệ sinh môi trường, an ninh trật tự được đảm bảo, chất lượng dịch vụ được nâng cao, số lượng cơ sở lưu trú được đánh giá là đáp ứng đủ phục vụ du khách. Tỉnh có 4 công ty lữ hành nội địa kinh doanh dịch vụ du lịch. Số cơ sở lưu trú, nhà hàng, điểm tham quan vui chơi giải trí trên địa bàn ngày càng tăng. Tỉnh Sóc Trăng hiện có 8 di tích cấp quốc gia, 27 di tích cấp tỉnh, 4 điểm du lịch cấp tỉnh và 5 điểm đạt chuẩn dừng chân phục vụ khách du lịch. Tỉnh cùng các đơn vị liên quan, các doanh nghiệp nâng cấp các điểm du lịch như điểm du lịch Tân Huê Viên, chùa Dơi, trung tâm văn hóa triển lãm Hồ nước ngọt, chùa Chén Kiểu, trung tâm Từ thiện Văn hóa Tâm linh Phật giáo Sóc Trăng. Sóc Trăng cũng đã đầu tư phát triển một số hạng mục hạ tầng kết nối để làm tiền đề phát triển du lịch như đường dẫn vào Khu du lịch sinh thái Hồ Bể, Mỏ Ó, đê bao cồn Song Phụng, khu căn cứ Tỉnh ủy…

Nhờ các biện pháp đồng bộ và quyết liệt, du lịch Sóc Trăng đã có sự phát triển khởi sắc, từng bước khẳng định vị thế, uy tín. Du khách đến Sóc Trăng tăng dần qua các năm, từ 600.000 lượt năm 2009 lên 1,3 triệu lượt du khách năm 2016. Trong 9 tháng đầu năm 2017, khách du lịch đến Sóc Trăng hơn 1,1 triệu lượt người. Nếu tính từ khi tái lập tỉnh đến nay, tổng số lượt khách lưu trú đạt trên 2 triệu lượt (trong đó, khách quốc tế gần 200.000 lượt, khách trong nước gần 1,8 triệu lượt), tổng lượt khách tham quan trên 10 triệu lượt (khách quốc tế gần 2,5 triệu lượt, khách nội địa gần 7,5 triệu lượt). Qua đó, doanh thu của ngành du lịch trong 25 năm đạt trên 20.000 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, sự phát triển du lịch Sóc Trăng thời gian qua cũng có những hạn chế cần khắc phục. Các điểm vui chơi, giải trí phục vụ du khách còn ít, chất lượng dịch vụ khiêm tốn, vì vậy, lượng khách lưu trú tại Sóc Trăng còn khá thấp. Hiện nay, du khách đến Sóc Trăng chủ yếu mới chỉ là dừng chân tham quan một số ngôi chùa, thưởng thức một vài đặc sản ẩm thực rồi di chuyển về Bạc Liêu, Cà Mau hoặc Cần Thơ để nghỉ ngơi. Ngay cả tuyến du lịch Trần Đề - Côn Đảo, du khách di chuyển trong đêm xuống Sóc Trăng để sáng mai lên tàu hoặc dừng chân ngủ ở Cần Thơ, sáng mai đi chợ nổi Cái Răng sau đó di chuyển xuống Trần Đề đi Côn Đảo.

Việc đầu tư tạo ra sản phẩm du lịch còn gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn thu hút đầu tư vào du lịch còn nhiều hạn chế. Hệ thống các cơ sở lưu trú, các điểm du lịch còn hạn chế về số lượng cũng như chất lượng, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách. Kết cấu hạ tầng du lịch cũng còn nhiều bất cập, việc kết nối tour, tuyến đến các điểm tham quan chưa tốt, do đó, chưa tạo được những đột phá trong phát triển…

Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch còn ít, năng lực còn hạn chế, chưa chủ động sáng tạo trong việc xây dựng những tour du lịch hấp dẫn. Công tác định hướng của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở địa phương chưa được chú trọng, nên chưa xây dựng được những sản phẩm du lịch có tính đặc thù của địa phương như du lịch văn hoá - lễ hội gắn với sinh thái, du lịch văn hoá tâm linh.

Để phát triển du lịch thành ngành kinh tế chủ lực của tỉnh

Trong thời gian tới, Sóc Trăng đặt mục tiêu duy trì lượng du khách tăng bình quân 7%/năm, doanh thu bình quân 20%/năm. Năm 2020, lượng khách du lịch đến Sóc Trăng là 1,7 triệu lượt/năm; tỉnh có ít nhất 1 điểm du lịch cấp quốc gia, 1 khu du lịch và 7 điểm du lịch cấp tỉnh được công nhận. Đến năm 2025, Sóc Trăng có thêm ít nhất 1 điểm du lịch cấp quốc gia, 1 khu du lịch và 3 khu du lịch cấp tỉnh được công nhận.

Để đạt được mục tiêu đó, cần sự nỗ lực trước hết của ngành văn hóa - thể thao và du lịch, đồng thời, có sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của cộng đồng doanh nghiệp và sự tham gia của nhân dân.

Trước hết, cần quy hoạch phát triển du lịch dựa trên lợi thế so sánh, tập trung đầu tư các dự án phát triển sản phẩm có tính đặc thù, riêng biệt. Xây dựng các chương trình du lịch phù hợp với đặc thù văn hoá của địa phương, có gắn với chùa chiền (văn hoá tâm linh) sinh thái (cù lao, biển), làng nghề truyền thống và các di tích lịch sử - văn hoá, trong đó coi trọng nét đặc thù, để chương trình có nét độc đáo riêng. Thu hút sự tham gia của cộng đồng nhân dân địa phương trong quá trình thực hiện quy hoạch phát triển du lịch; đảm bảo sự phân chia lợi ích hợp lý giữa các đơn vị kinh doanh du lịch và cộng đồng địa phương, nâng cao đời sống cộng đồng dân cư và góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội.

Tăng cường liên kết phát triển du lịch với các tỉnh trong vùng, nhất là với TP. Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn của cả nước, hạt nhân phát triển của địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam. Liên kết chặt chẽ với TP. Hồ Chí Minh sẽ có những tác động mạnh mẽ và đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch văn hoá - lễ hội gắn với du lịch sinh thái và du lịch văn hoá tâm linh Sóc Trăng và cả vùng phát triển. Xây dựng cơ chế hợp tác phát triển du lịch trên cơ sở xây dựng sản phẩm đặc thù, phù hợp với tài nguyên du lịch của từng tỉnh, hạn chế việc phát triển sản phẩm du lịch trùng lắp, dẫn đến tâm lý nhàm chán đối với du khách.

Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch và phục vụ du lịch, phù hợp với cảnh quan môi trường du lịch văn hoá tâm linh, du lịch văn hoá - lễ hội gắn với du lịch sinh thái tại các khu, điểm du lịch, làng nghề truyền thống của địa phương. Đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ góp phần phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch làm tăng giá trị tài nguyên và môi trường văn hoá - lễ hội, văn hoá tâm linh và sinh thái cho các khu vực khai thác du lịch, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế đầu tư khai thác phát triển đa dạng sản phẩm du lịch của tỉnh.

Khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, tạo điểm đến cho du khách tham quan, tìm hiểu, qua đó, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Xây dựng các chương trình, các điểm vui chơi, giải trí phục vụ du khách. Đó có thể là những đêm biểu diễn về trang phục truyền thống, hội diễn nghệ thuật quần chúng hay trưng bày những sản phẩm đặc trưng của địa phương… Bên cạnh đó, cần quy hoạch lại chợ đêm, buôn bán những sản phẩm đặc trưng của các dân tộc địa phương như trang phục, ẩm thực tạo điểm nhấn, hấp dẫn du khách./.