TCCSĐT - Hiện nay, vẫn có những nhận thức khác nhau về phát triển công nghiệp nông thôn. Bởi vậy, việc thống nhất nhận thức trong hệ thống chính trị và nâng cao trình độ hiểu biết của nông dân về phát triển công nghiệp nông thôn trong tiến trình xây dựng nông thôn mới là rất cần thiết.

Thực trạng nhận thức về phát triển công nghiệp nông thôn trong quá trình đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới hiện nay

Qua nghiên cứu về vấn đề công nghiệp nông thôn, có thể thấy, do có những cách tiếp cận khác nhau mà dẫn đến những nhận thức, hiểu biết khác nhau về phát triển công nghiệp nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, cụ thể là:

Tiếp cận từ góc độ cơ cấu vùng lãnh thổ: Theo cách tiếp cận này, công nghiệp nông thôn là một bộ phận của cơ cấu kinh tế vùng lãnh thổ, được phân bố ở nông thôn. Cách tiếp cận này thường được các cán bộ quản lý kinh tế và các cán bộ lãnh đạo ở địa phương sử dụng, vì nó thuận tiện cho các cơ quan quản lý nhà nước trên các vùng lãnh thổ, như dễ quy hoạch, dễ tập hợp số liệu, dễ chỉ đạo, nhằm khai thác triệt để các nguồn lực cũng như phục vụ trực tiếp phát triển kinh tế của từng địa phương. Cách tiếp cận này dẫn đến xu hướng phát triển công nghiệp nông thôn thường bị khép kín trong giới hạn của kinh tế địa phương. Công nghiệp nông thôn bị tách khỏi sự phát triển chung, làm mất tính cân đối, toàn diện, hệ thống trong phát triển công nghiệp nông thôn; việc chuyển giao công nghệ gặp khó khăn và chậm, làm cho công nghiệp nông thôn chưa đủ mạnh để trở thành “đòn xeo” cho quá trình phát triển nông thôn mới.

Tiếp cận từ góc độ cơ cấu kinh tế ngành: Theo đó, công nghiệp nông thôn là các hoạt động sản xuất công nghiệp hoặc hoạt động mang tính công nghiệp phục vụ nông thôn, nông nghiệp. Cách tiếp cận này hiện diện ở phần lớn những nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn, vì như vậy sẽ dễ quy hoạch, dễ phân bố, điều chỉnh, dễ theo dõi tình hình phát triển của các ngành kinh tế ở nông thôn. Cách tiếp cận thiên về quan hệ kinh tế, kỹ thuật trong nội bộ từng ngành như vậy đã dẫn đến việc tập trung đầu tư phát triển những khu công nghiệp tập trung, xem nhẹ sự phát triển công nghiệp nông thôn.

Tiếp cận từ góc độ kinh tế - xã hội: Theo đó, công nghiệp nông thôn là sự đẩy mạnh hoạt động sản xuất có tính công nghiệp ở nông thôn, góp phần phát triển nông thôn mới. Cách tiếp cận này xuất phát từ thực trạng kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn hiện nay: lực lượng sản xuất còn kém phát triển; diện tích đất canh tác màu mỡ bị thu hẹp, khả năng thâm canh, tăng vụ, hiệu quả sản xuất hạn chế; sự chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp chậm; dân số tăng nhanh;... Cách tiếp cận này chú trọng đến phát triển công nghiệp nông thôn, thể hiện tính hệ thống và tính chiến lược trong quá trình phát triển công nghiệp nông thôn. Song, đến một thời gian nhất định, sự phát triển đó sẽ trở nên bất cập, vì làm cho khoảng cách phát triển giữa đô thị và nông thôn ngày càng tăng, chứ không thu hẹp lại như Nghị quyết số 26-NQ/TW của Trung ương Đảng đã đề ra(1).

Tiếp cận từ góc độ mô hình và quy mô tổ chức: Theo cách tiếp cận này, công nghiệp hộ gia đình, các cơ sở công nghiệp có quy mô vừa và nhỏ được gọi là công nghiệp nông thôn. Cơ sở của nhận thức vấn đề này xuất phát từ bối cảnh dân số nông thôn tăng nhanh, cơ hội tìm việc làm trong nông nghiệp giảm nên công nghiệp nông thôn và công nghiệp hộ gia đình nổi lên như một tiềm năng giải quyết được việc làm ở nông thôn. Cách tiếp cận như vậy chưa nêu rõ công nghiệp nông thôn hiện nay phải bao gồm những hoạt động gì, ngành nghề nào, nên dễ dẫn đến quy kết tất cả các hoạt động phi nông nghiệp đều là công nghiệp nông thôn.

Ngoài ra, còn có cách tiếp cận xuất phát từ sự phân chia công nghiệp nông thôn theo hai góc độ: công nghiệp dựa trên cơ sở nông nghiệp (tức là dựa vào nông nghiệp) và tài nguyên thiên nhiên từ nông nghiệp; công nghiệp định hướng theo nông nghiệp (tức là công nghiệp tạo ra các đầu vào cho nông nghiệp, như sản xuất thức ăn gia súc, phân bón, công cụ sản xuất nông nghiệp,...). Hoặc cách tiếp cận xuất phát từ tính chất cộng đồng làng xóm, có mặt tích cực là bảo tồn, duy trì các kỹ nghệ truyền thống, góp phần duy trì bản sắc văn hóa cũng như tính bản địa trong phát triển công nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ phát triển thì cách tiếp cận này dẫn đến kìm hãm sự phát triển công nghiệp nông thôn.

Do chưa có sự thống nhất nhận thức về vấn đề công nghiệp nông thôn nên đã ảnh hưởng nhất định đến phát triển công nghiệp nông thôn trong xây dựng nông thôn mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nhận định: “Ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, cơ giới hóa, công nghiệp chế biến nông sản và dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu”(2). Tình hình đó cho thấy, việc phát triển công nghiệp nông thôn trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở nước ta hiện nay vẫn đang là vấn đề rất bức thiết, cần tìm cách tháo gỡ những vướng mắc, bất cập.

Thực trạng hiểu biết về công nghiệp nông thôn trong xây dựng nông thôn mới dẫn đến một số hệ lụy cần được cảnh báo là:

Một là, quan niệm cho rằng, công nghiệp nông thôn là tiểu thủ công nghiệp được phân bố ở nông thôn; là một bộ phận kinh tế địa phương nhằm cung cấp hoặc bổ sung các sản phẩm khi công nghiệp quốc doanh không cung cấp đủ hoặc bỏ qua, không sản xuất. Hiểu như vậy sẽ làm cản trở sự phát triển công nghiệp nông thôn, vì chỉ thấy chức năng bổ sung của công nghiệp nông thôn, chứ chưa thấy hết ý nghĩa, vai trò của việc phát triển công nghiệp nông thôn.

Hai là, quan niệm cho rằng, công nghiệp nông thôn bao gồm các cơ sở sản xuất công nghiệp ở nông thôn, không cần biết công nghiệp đó có gắn với kinh tế nông thôn hay không. Hiểu như vậy sẽ dễ dẫn đến đánh giá không chính xác sự phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Ví dụ, có cơ sở sản xuất công nghiệp tuy có sức sản xuất lớn, được phân bố ở nông thôn nhưng không gắn với kinh tế nông thôn, làm cho tỷ trọng công nghiệp ở đó tăng lên. Từ đó, dễ ngộ nhận cơ cấu kinh tế nông thôn ở đó đã có sự chuyển dịch, nhưng thực tế lại khác. Do đó, có thể dẫn đến việc đề ra chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn không phù hợp.

Ba là, quan niệm cho rằng, công nghiệp nông thôn là bộ phận công nghiệp phục vụ trực tiếp cho nông thôn, nhưng không nhất thiết phải ở nông thôn. Hiểu như vậy sẽ gặp trở ngại khi nghiên cứu công nghiệp nông thôn, bởi lẽ, một mặt, khó phân biệt công nghiệp nông thôn với công nghiệp khác; mặt khác, khó xác định chủ thể pháp nhân nào đó có thuộc công nghiệp nông thôn hay không, vì có nhiều chủ thể không chỉ sản xuất phục vụ nông thôn, nông nghiệp.

Bốn là, quan niệm cho rằng, công nghiệp nông thôn là bộ phận công nghiệp được phân bố ở nông thôn, gắn trực tiếp với sản xuất, kinh doanh ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Hiểu như vậy tuy dễ chấp nhận nhưng chưa làm rõ xu hướng mở rộng thị trường nông thôn, nên sự gắn bó của công nghiệp nông thôn với kinh tế nông nghiệp, nông thôn bị thu hẹp. Hơn nữa, khi một doanh nghiệp công nghiệp đặt chi nhánh ở vùng khác thì sự gắn bó đó khó thực hiện. Do đó, nếu chấp nhận quan niệm này thì sẽ chỉ chấp nhận cái hiện có của công nghiệp nông thôn, không thấy được sự phát triển của nó.

Năm là, quan niệm cho rằng, công nghiệp nông thôn bao gồm những hoạt động phi nông nghiệp, nghĩa là ngoài công nghiệp, thủ công nghiệp, còn có cả thương mại, dịch vụ,..., vì nói đến công nghiệp là nói đến tính chất sản xuất hàng hóa. Rằng, để có thể tồn tại và phát triển, công nghiệp phải gắn bó chặt chẽ với thương mại, dịch vụ và thành một thể thống nhất; hơn nữa, cùng với sự phát triển của sản xuất và tăng thu nhập, phải có các dịch vụ thông thường (ăn uống, vui chơi, chữa bệnh,...) và các dịch vụ ở mức cao hơn (dịch vụ kỹ thuật, thông tin, tư vấn, giáo dục,...). Nhận thức theo hướng này có thuận lợi ở chỗ, dễ dàng thống kê số liệu khi nghiên cứu công nghiệp nông thôn, vì ngoài sản xuất nông nghiệp, phần còn lại là công nghiệp nông thôn. Nhưng nếu quá nhấn mạnh theo hướng này thì tại sao không gộp cả nông nghiệp vào công nghiệp nông thôn, vì sản xuất nông nghiệp cũng là sản xuất hàng hóa, và nó cũng cần gắn với thương mại, dịch vụ như hoạt động công nghiệp. Do đó, với nhận thức này, sẽ khó xác định công nghiệp nông thôn bao gồm những ngành nghề gì và gây khó khăn cho việc nghiên cứu công nghiệp nông thôn.

Một số giải pháp nhằm thống nhất nhận thức về phát triển công nghiệp nông thôn trong xây dựng nông thôn mới hiện nay

Từ thực trạng nhận thức, hiểu biết nói chung về công nghiệp nông thôn hiện nay, để góp phần xây dựng nông thôn mới ở nước ta theo hướng phát triển bền vững, trước hết cần chú trọng thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền nhằm làm chuyển biến nhận thức trong hệ thống chính trị và nâng cao trình độ hiểu biết của người nông dân về phát triển công nghiệp nông thôn trong tiến trình xây dựng nông thôn mới hiện nay. Hiện nay, trên địa bàn nông thôn đang triển khai nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, như các chương trình về giảm nghèo, việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường, văn hóa, giáo dục - đào tạo,...; nhiều chương trình hỗ trợ có mục tiêu, như các chương trình hỗ trợ xây dựng trụ sở xã, đầu tư kiên cố hóa trường, lớp học, phát triển giao thông nông thôn,... Nghị quyết số 13/2011/QH13, ngày 9-11-2011, của Quốc hội khóa XIII, đã thông qua 16 chương trình mục tiêu quốc gia thì 100% số chương trình đó được triển khai trên địa bàn nông thôn. Đặc biệt, việc phát triển công nghiệp nông thôn không phải đợi đến khi Chính phủ triển khai chính sách xây dựng nông thôn mới, mà là chủ trương của Đảng ta về phát triển đất nói chung, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói riêng - bao hàm cả phát triển công nghiệp nông thôn - trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trong đó Nghị quyết số 26-NQ/TW cụ thể hóa thêm một bước và đi vào chiều sâu. Vì vậy, nếu hiểu không đúng sẽ rất khó khăn trong tổ chức thực hiện.

Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 (trong đó có nội dung phát triển công nghiệp nông thôn) không nên được hiểu theo nghĩa cái nào “trùm lên” cái nào, mà mỗi chương trình, đề án trong đó đều có mục tiêu, yêu cầu, tiêu chí riêng, nhưng đều nhằm mục đích xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với xu thế mở cửa, hội nhập ngày càng sâu rộng. Trong phần mục tiêu chung của Chương trình có ghi: “Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức sản xuất hợp lý; gắn phát triển nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ;…”. Căn cứ vào tình hình, thực trạng nông nghiệp, nông thôn, nông dân hiện nay thì các chương trình mục tiêu quốc gia khác phải được điều chỉnh các quy chuẩn cho phù hợp với bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới đã quy định tại Quyết định số 491/QĐ/TTg, ngày 16-4-2009, của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, có thể hiểu, Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là một chương trình khung, trong đó bao hàm nhiều chương trình khác liên quan đến địa bàn nông thôn (cho dù chủ trương phát triển công nghiệp nông thôn đã được triển khai từ nhiều năm, nhưng cũng phải điều chỉnh cho phù hợp với tình hình hiện nay). Trong thực hiện Chương trình, xã là đơn vị xây dựng đề án theo hướng dẫn của cấp trên và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện. Các bộ, ngành ở Trung ương, theo chức năng của mình, hướng dẫn và đôn đốc, kiểm tra thực hiện các tiêu chí theo phân công của Chính phủ.

Theo quy định, thời gian thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là 10 năm (bắt đầu từ năm 2010), tầm nhìn là 20 năm. Tiến trình thực hiện mục tiêu cụ thể của Chương trình được xác định theo 2 giai đoạn: Từ năm 2012 đến năm 2015 có 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (Nhưng trên thực tế, “Đến hết năm 2015 có 1.566 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 17,5% tổng số xã”(3); như vậy, chưa đạt chỉ tiêu đề ra); từ năm 2015 đến năm 2020 có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Do vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến để thống nhất cách hiểu về phát triển công nghiệp nông thôn trong tiến trình xây dựng nông thôn mới; qua đó, làm chuyển biến nhận thức của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị và nâng cao trình độ hiểu biết của nông dân về phát triển công nghiệp nông thôn trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, tạo hợp lực thúc đẩy thực hiện nhanh, hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới - một chương trình rất quan trọng, đang được toàn xã hội quan tâm.

Thứ hai, có chiến lược phát triển công nghiệp nông thôn để tăng tính hiệu quả xây dựng nông thôn mới, củng cố lòng tin và nâng cao nhận thức của nông dân đối với những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nêu rõ: “Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách và tiêu chí xây dựng nông thôn mới phù hợp với đặc thù từng vùng”(4). Đây là một định hướng rất quan trọng của Đảng, làm cơ sở để Chính phủ tiến hành rà soát, điều chỉnh, đề ra một chiến lược phát triển công nghiệp nông thôn một cách khoa học, cụ thể, sát với tình hình nông nghiệp, nông thôn, nông dân hiện nay, đặc biệt là phù hợp với Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới mà Chính phủ đã phê duyệt.

Trong quá trình thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, việc phát triển công nghiệp nông thôn cần được lựa chọn một cách khoa học và tiến hành đồng bộ, sát với thực tế của từng địa phương; xác định cụ thể những nội dung phát triển công nghiệp nông thôn cần được ưu tiên thực hiện trước trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới trên từng vùng, từng địa phương; đồng thời, kiên trì quy hoạch và bổ sung quy hoạch phát triển công nghiệp nông thôn theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra, cần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tại địa phương nông thôn có trình độ hiểu biết, đủ năng lực tiếp nhận các chủ trương, chính sách và kế hoạch về phát triển công nghiệp nông thôn ở địa phương mình; đồng thời, phối, kết hợp tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân hiểu rõ các chủ trương, chính sách và kế hoạch đó, tạo sự đồng thuận cho quá trình triển khai thực hiện phát triển công nghiệp nông thôn. Đặc biệt, tuyên truyền, vận động nông dân trực tiếp tham gia quá trình phát triển công nghiệp nông thôn (như tạo điều kiện về mặt bằng, bổ sung nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường sinh thái,…); qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, củng cố lòng tin của nông dân vào những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn, nông dân, làm cơ sở thực hiện tốt các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới.

Thứ ba, tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và đội ngũ chuyên gia giỏi phục vụ phát triển công nghiệp nông thôn; chú trọng đầu tư thỏa đáng cho nông nghiệp, nông thôn, làm cơ sở nâng cao trình độ hiểu biết của nông dân về phát triển công nghiệp nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Từ khi thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, việc phát triển công nghiệp nông thôn tuy đạt được những kết quả nhất định nhưng cũng nảy sinh nhiều vấn đề nan giải, khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, khi đã có chủ trương, chính sách đúng, nhân tố quyết định của việc tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách đó chính là con người. Do đó, trước hết phải tập trung xây dựng một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và đội ngũ chuyên gia “vừa hồng, vừa chuyên” phục vụ cho lĩnh vực phát triển công nghiệp nông thôn. Thực tiễn cho thấy, việc phát triển công nghiệp nông thôn trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta cần có sự tập trung nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, mọi cấp, mọi ngành, mọi thành phần kinh tế, của tất cả các doanh nghiệp - không phân biệt thành phần kinh tế, quy mô ngành nghề kinh doanh,… Trong các mắt khâu của quá trình đó, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và đội ngũ chuyên gia về lĩnh vực phát triển công nghiệp nông thôn có vai trò rất quan trọng, thực sự trở thành chỗ dựa để người nông dân hiểu, tin và làm theo. Đây là một bài học kinh nghiệm thực tế trong phát triển nông thôn Việt Nam những năm qua, cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết để vận dụng vào tình hình mới cho có hiệu quả.

Hiện nay, nền nông nghiệp nước ta cũng như các lĩnh vực kinh tế khác của đất nước đang trong quá trình hội nhập chung vào nền kinh tế thế giới. Đây vừa là điều kiện, vừa là cơ hội để nông nghiệp, nông thôn và nông dân tiếp nhận sự đầu tư của Nhà nước. Những năm vừa qua, Chính phủ đã rất cố gắng đầu tư cho sự phát triển của khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân, cả trong phát triển lực lượng sản xuất và trong xây dựng quan hệ sản xuất mới. Các chính sách giao đất cho nông dân sản xuất cùng với tự do hóa thương mại và đầu tư mạnh về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, ứng dụng công nghệ sinh học, bảo vệ môi trường, xóa đói, giảm nghèo,… đã được quan tâm. Song, sự đầu tư đó vẫn chưa tạo được bước đột phá cho lĩnh vực này nên đã ảnh hưởng nhất định đến phát triển công nghiệp nông thôn. Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay, vấn đề tăng cường đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và đội ngũ chuyên gia giỏi phục vụ công cuộc phát triển công nghiệp nông thôn có ý nghĩa rất quan trọng, vì qua đó, người nông dân tăng thêm sự hiểu biết về khoa học, công nghệ. Đó là một mấu chốt để thực hiện ngày càng hiệu quả chủ trương, chính sách phát triển công nghiệp nông thôn của Đảng, Chính phủ.

Như vậy, xây dựng công nghiệp nông thôn theo hướng hiện đại sẽ là yếu tố bảo đảm cho nông nghiệp, nông thôn phát triển ổn định, bền vững. Trong quá trình thực hiện chính sách của Chính phủ về xây dựng nông thôn mới, hiệu quả kinh tế - xã hội mà công nghiệp nông thôn mang lại đã khẳng định sự phát triển công nghiệp nông thôn là cần thiết và cấp bách. Cùng với tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, dưới tác động của sự phát triển khoa học và công nghệ trên thế giới, những tiềm năng công nghệ mới, công nghệ cao, nhất là công nghệ sinh học và nguồn nhân lực có tri thức khoa học sẽ được tạo ra trong công nghiệp nông thôn. Đây là cơ hội, là “đòn xeo” trong quá trình thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở nước ta hiện nay./.

--------------------------------------------

(1) Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5-8-2008, của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 253

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Tài liệu đã dẫn, tr. 283