Chung sức, đồng lòng vượt qua thách thức để Cần Đước xứng đáng là huyện “Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới”

Nguyễn Việt Cường Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Cần Đước
14:52, ngày 14-10-2016

TCCSĐT - Xuất phát điểm là một huyện thuần nông, Cần Đước đã có những bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ, tạo sự đột phá mới về kinh tế gắn với việc bảo đảm an sinh xã hội. Với những thành tích nổi trội đạt được, nhiều năm liền huyện luôn dẫn đầu phong trào thi đua của tỉnh và được Đảng, Nhà nước ghi nhận… Đây là cơ sở để huyện Cần Đước, tỉnh Long An vinh dự đón nhận danh hiệu “Huyện Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới” vào giữa tháng 4-2016 vừa qua.

Đi lên từ gian khó

Là huyện có16 xã và 01 thị trấn, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh Long An, từ một huyện thuần nông đất hẹp, người đông, Cần Đước đã chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - nông nghiệp - thương mại dịch vụ. Chính nhờ sự thay đổi đó đã tạo bước đột phá mới cho Cần Đước, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rõ nét, đổi mới diện mạo nông thôn, bảo đảm phát triển kinh tế gắn với giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, cùng với đó đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân ngày được cải thiện, nâng cao.

Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, huyện Cần Đước có 3.987 liệt sĩ và 530 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; gần 11.000 cán bộ và nhân dân được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến; 02 cá nhân được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, và 14 xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Đảng bộ và nhân dân huyện Cần Đước ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng quê hương trong bối cảnh muôn vàn khó khăn, phức tạp diễn ra gay gắt. Tổ chức đảng và cơ sở cách mạng bị tổn thất nặng nề; trình độ văn hóa của cán bộ chủ chốt vừa thấp, lại vừa thiếu kinh nghiệm quản lý kinh tế - xã hội, chủ yếu vừa học vừa làm. Trong khi đó, lực lượng ngụy quân, ngụy quyền tan rã tại chỗ, một bộ phận vẫn tìm mọi cách chống phá thành quả của cách mạng; tệ nạn do chế độ cũ để lại gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực như thiếu đói, thất nghiệp, đất đai hoang hóa…

Bước vào giai đoạn đổi mới (1991- 1995), Cần Đước lại phải đối mặt với: Tình trạng sản xuất nông nghiệp, công nghiệp bấp bênh; điều kiện bảo đảm cho sản xuất, cơ sở vật chất, hạ tầng vừa thiếu, vừa yếu; công tác tổ chức, quản lý kinh doanh sản xuất còn nhiều bất cập; thương mại dịch vụ tuy được chú trọng mở rộng từ huyện đến xã nhưng hoạt động kém hiệu quả. Đáng nói nữa là, do hậu quả thua lỗ của các cơ sở kinh tế quốc doanh, nên ngân sách của huyện thiếu trước, hụt sau; cơ sở vật chất thiếu thốn; dân số tăng nhanh, lao động chưa có việc làm khá phổ biến, đời sống của một bộ phận nhân dân và cán bộ công nhân viên, chiến sĩ, các đối tượng chính sách cũng gặp không ít khó khăn.

Trước tình hình đó, tháng 11-1991 Đại hội Đảng bộ huyện Cần Đước lần thứ VI đã đề ra các giải pháp: Tiếp tục tăng cường công tác xây dựng Đảng, nâng cao sức chiến đấu cho đội ngũ đảng viên; xác định lại thế mạnh của từng xã để phát huy lợi thế; huy động mọi nguồn lực trong các thành phần kinh tế, chú trọng sản xuất gắn với thị trường và chất lượng sản phẩm, … với mục tiêu thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Thành tựu của giai đoạn này đã giúp cho Cần Đước cơ bản vượt qua được giai đoạn khó khăn, là động lực để Cần Đước đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, nâng cao hơn nữa đời sống nhân dân trong giai đoạn 1996 - 2000. Đến năm 2005, thu nhập bình quân đầu người là 7,5 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo 2%; tăng trưởng bình quân gia đoạn 2000 - 2005 là 9%, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống nhân dân thay đổi rõ rệt, những thành tựu đạt được đó đã đưa Cần Đước cơ bản sánh ngang với các huyện trong khu vực.

Đến Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX, nhiệm kỳ 2005 - 2010, Cần Đước quyết định cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp, công nghiệp, thương mại - dịch vụ sang công nghiệp, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp. Đây là quyết định đúng đắn và kịp thời, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội địa phương. Sau năm 5 thực hiện, đến năm 2010: Nông nghiệp chiếm 47,11%, công nghiệp - xây dựng 17,72%, thương mại - dịch vụ 29%, tăng trưởng bình quân 15,4%, thu nhập bình quân đầu người 20 triệu đồng/năm. Dấu mốc quan trọng của huyện là, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010 - 2015 quyết định chọn Cần Đước xây dựng huyện điểm điển hình về văn hóa của tỉnh, đây là cơ sở đặc biệt quan trọng để được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An cho ý kiến đề nghị Trung ương xét phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Những thành tựu nổi bật xuất sắc

Với việc đề ra những giải pháp kịp thời, phù hợp cho từng giai đoạn phát triển, Cần Đước từng bước vượt qua những khó khăn, thử thách và đạt được nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động sáng tạo.

Trước hết, Cần Đước là đơn vị dẫn đầu về các mặt năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế - xã hội, đóng góp vào sự phát triển của địa phương, đất nước. Thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp toàn diện kết hợp phát triển công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ, trong những năm gần đây kinh tế - xã hội của huyện phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, trong đó động lực để thực hiện mục tiêu chính là tạo mọi điều kiện trong phát triển các thành phần kinh tế. Để đạt được mục tiêu đó, huyện đã thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trung và dài hạn, theo đó đã hình thành các vùng và tiểu vùng sản xuất như: các khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; vùng nuôi trồng thủy sản bao gồm nuôi tôm sú và các loài thủy sản khác; vùng lúa đặc sản nàng thơm Chợ Đào; vùng lúa cao sản, vùng chuyên canh rau an toàn, các khu trung tâm thương mại; làng nghề truyền thống. Các vùng và tiểu vùng phát triển ổn định mang tính bền vững cao.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Cần Đước huy động hàng trăm tỷ đồng đầu tư hoàn chỉnh hệ thống đê bao, cống, đập thuỷ lợi nội đồng phục vụ cho sản xuất. Nhờ kết hợp giữa tăng cường công tác thông tin, dự báo, chuyển giao khoa học kỹ thuật, quản lý tốt giống vật nuôi, cây trồng với khuyến khích nhân dân tự nguyện liên kết làm ăn, tham gia thực hiện các chương trình, đề án trong sản xuất, nhất là phát huy dân chủ trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, cải thiện mức sống nhân dân trong thời kỳ phát triển công nghiệp, bước đầu đã phát huy hiệu quả. Điển hình là, Cần Đước đã xây dựng 5 cánh đồng mẫu 200 ha, năng suất cao hơn bên ngoài từ 2 đến 3 tấn/ha, lợi nhuận cao hơn từ 5-6 triệu đồng/ha, chất lượng lúa gạo được nâng cao, nhất là thương hiệu gạo Nàng thơm Chợ Đào đã được công nhận độc quyền tại Mỹ; duy trì diện tích nuôi tôm, bình quân sản lượng hàng năm xấp xỉ 4.000 tấn, mức lãi từ 60-80 triệu/1ha, cá biệt có những hộ nuôi tôm lãi từ 150 triệu đến 200 triệu đồng/ha; duy trì được mô hình kinh tế hợp tác, hiện toàn huyện có 40 tổ hợp tác, 13 hợp tác xã.

Đối với lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao ngày càng phát huy vai trò động lực, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng chung của huyện. Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện tăng bình quân hàng năm là 23% (năm 2014 là 25%). Tiểu thủ công nghiệp ngày càng phát triển phong phú, đa dạng, góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương, nâng cao thu nhập trong nhân dân. Cần Đước còn quan tâm, tạo điều kiện phát triển thương mại - dịch vụ, “lấy sức dân bù đắp cho dân”; chống hàng giả và gian lận thương mại, được tiểu thương và nhân dân đồng tình ủng hộ; mở rộng và nâng dần chất lượng, do đó tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 9,4% (năm 2014 là 10%).

Trong xây dựng kết cấu hạ tầng, huyện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không ngừng nâng cao các kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; cải thiện môi trường đầu tư, phát triển sản xuất, điều kiện sống ở khu vực nông thôn được nâng lên rõ rệt. Cùng với việc triển khai xây dựng các công trình xây dựng cơ bản do ngân sách đầu tư, những năm qua nhiều địa phương, đơn vị đã phát động phong trào thi đua phát triển cơ sở hạ tầng theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã phát huy nội lực và tranh thủ các nguồn ngoại lực; 10 năm qua, với nguồn vốn của Trung ương, tỉnh, huyện, xã và nhân dân đóng góp, huyện đã đầu tư trên 2.192 tỷ đồng để xây dựng 709 công trình vừa và nhỏ nhằm hoàn thiện các kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn. Cơ bản đã phủ kín đường điện trung thế, hạ thế và hệ thống nước sạch, đường giao thông nông thôn đến 118 ấp, khu phố/118 ấp, khu phố, từ đó đã tạo diện mạo mới vùng nông thôn. Hệ thống trường học, bệnh viện, trạm y tế được quan tâm, đầu tư nâng cấp mở rộng theo hướng đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng tốt nhu cầu học tập và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.

Thứ hai, dẫn đầu trong việc triển khai và thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, ổn định trật tự xã hội. Những năm gần đây, Cần Đước duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm sau cao hơn năm trước từ 37,244 tỷ đồng năm 2005, đến năm 2014 là 159 tỷ đồng và đạt 161% chỉ tiêu tỉnh giao (tăng 122,756 tỷ đồng so với năm 2004; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 7,5 lần từ 6 triệu đồng năm 2005, đến năm 2014 đạt 46,6 triệu đồng (sau 10 năm mức thu nhập bình quân đầu người tăng 40 triệu đồng). Văn hóa - xã hội phát triển không ngừng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ vật chất, tinh thần của nhân dân. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc được triển khai cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Đặc biệt, dấu mốc quan trọng tạo nên điểm nhấn, động lực giúp huyện đạt danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới” chính là huyện Cần Đước đã xây dựng thành công huyện điểm, điển hình về văn hóa đầu tiên của tỉnh vào năm 2015.

Thứ ba, đi đầu trong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới và phong trào phát huy sáng kiến trong chuyển dịch cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế song song với bảo vệ môi trường sinh thái. Cần Đước đã có sự đầu tư đồng bộ để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đó là đẩy mạnh phục hóa ngăn mặn giữ ngọt sản xuất lúa trên 13.800ha; đào mới, nạo vét hệ thống thủy lợi kết hợp với xây dựng hệ thống đê bao để chủ động tưới tiêu với trên 217km kênh mương, góp phần tháo chua, rửa phèn bảo đảm tưới tiêu cho 100% diện tích canh tác; chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân để ứng dụng vào sản xuất bằng việc chủ động nhân giống và đưa giống tốt vào sản xuất; cơ giới hóa 100% các khâu sản xuất; kịp thời triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển thủy sản vùng nước mặn, làm mũi đột phá phát triển kinh tế các xã vùng hạ của huyện. Công tác quản lý nhà nước về môi trường được tăng cường, 100% hộ dân có bản cam kết bảo vệ môi trường.

Thứ tư, đi đầu trong việc bồi dưỡng, đào tạo trình độ về mọi mặt cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Nhìn lại trước năm 2004, toàn huyện chỉ có 60 cán bộ, công chức, viên chức có trình độ đại học, 136 trình độ trung học về chuyên môn. Thực hiện Chương trình đào tạo và phát huy nguồn nhân lực, giờ đây nguồn nhân lực của huyện được không ngừng được đào tạo, bồi dưỡng từ huyện đến cơ sở về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ, góp phần đưa tỷ lệ cán bộ chủ chốt cấp huyện đạt chuẩn, trên chuẩn 100%, chủ chốt cấp xã 100%.

Những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn

Để đạt được những thành tích trên, trong thời gian qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cần Đước đã đề ra nhiều giải pháp, qua đó rút ra được một số bài học kinh nghiệm sau:

Một là, quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo và phù hợp đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào điều kiện thực tế của địa phương, từ đó đã xác định đúng hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đề ra các giải pháp thích hợp, tạo sự thống nhất, đồng thuận từ trong nội bộ đảng, đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân trong huyện.

Hai là, phát huy có hiệu quả quy chế dân chủ ở cả 3 loại hình, phát huy trí tuệ, tiềm năng, tinh thần đoàn kết, thi đua phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của huyện Đảng bộ hằng năm, và cả nhiệm kỳ.

Ba là, thực hiện có hiệu quả phương châm “Nhà nước, địa phương và nhân dân cùng làm” trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trên lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Bốn là, nêu cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền; phát huy có hiệu quả vai trò của mặt trận, đoàn thể quần chúng, truyền thống yêu nước của Đảng bộ và nhân dân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của huyện.

Năm là, mở rộng quan hệ, giao lưu các địa phương trong khu vực, đặc biệt là với Thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó trao đổi học hỏi kinh nghiệm, liên doanh liên kết, tranh thủ sự hỗ trợ, kêu gọi đầu tư vào địa bàn huyện.

Sáu là, đưa công tác thi đua, khen thưởng trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thường xuyên tuyên dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong lao động sản xuất, học tập, công tác gắn chặt với việc phê phán, uốn nắn, xử lý những thiếu sót, lệch lạc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cần Đước luôn nhận thức rằng, danh hiệu cao quý “Huyện Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới” mà huyện đã đạt không phải là đích đến, mà đó chính là sự khởi đầu của một hành trình dài. Vì vậy, thời gian tới Cần Đước sẽ tiếp tục tận dụng những tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển kinh tế; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; nhanh chóng xác lập tầm nhìn và tư duy chiến lược, trên nền móng tinh thần hợp tác, cầu thị, khát khao học hỏi và ý thức trách nhiệm với quê hương; phát huy sức mạnh lòng dân, sự đồng thuận của nhân dân nhằm tạo ra thế và lực mới đưa Cần Đước tiến lên phía trước theo hướng văn minh, hiện đại./.