Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tiếp tục làm sáng tỏ hơn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta
Từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới đến nay, Đảng ta đã có bước phát triển rõ rệt về trình độ lý luận, tư duy lý luận của Đảng đã được đổi mới và có những tiến bộ đáng kể. Những thành tựu tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận đã cung cấp nhiều luận cứ khoa học cho việc bổ sung và phát triển đường lối đổi mới của Đảng, tăng cường sự thống nhất về chính trị, tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần vào những thành công to lớn của Đảng và nhân dân ta trong công cuộc đổi mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, như Nghị quyết Đại hội IX của Đảng đã nhận định “công tác lý luận chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn và yêu cầu của cách mạng, chưa làm sáng tỏ nhiều vấn đề quan trọng trong công cuộc đổi mới để phục vụ việc hoạch định chiến lược, chủ trương, chính sách của Đảng, tăng cường sự nhất trí về chính trị, tư tưởng trong xã hội"(1). Hiện nay còn nhiều vấn đề trong nước và thế giới đặt ra mà lý luận chưa có lời giải đáp hoặc giải đáp chưa đủ sức thuyết phục. Nói chung trình độ tư duy lý luận của Đảng về nhiều mặt vẫn trong tình trạng bất cập so với yêu cầu của thực tiễn cách mạng, vì vậy vai trò tiên phong, dẫn đường của lý luận cách mạng bị hạn chế.
Những yếu kém, bất cập của công tác lý luận do nhiều nguyên nhân (khách quan và chủ quan) trong đó có những nguyên nhân chủ quan về lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành ; về chế độ, chính sách ; về xây dựng đội ngũ cán bộ lý luận ; về cơ chế nghiên cứu lý luận ; về đào tạo, bồi dưỡng lý luận ; về cơ sở vật chất cho công tác lý luận.
Bước vào những thập niên đầu của thế kỷ XXI, tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, nhất là sau sự kiện 11-9 ở Mỹ, sự kiện Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Irắc… Ở nước ta, công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa càng được đẩy mạnh và đi vào chiều sâu càng bộc lộ nhiều vấn đề mới, phức tạp đòi hỏi lý luận phải làm sáng tỏ. Trong Đảng ta, một bộ phận cán bộ, đảng viên sa sút về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, phai nhạt về lý tưởng, thậm chí một số người hoài nghi, dao động về chủ nghĩa xã hội và con đường xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh âm mưu “diễn biến hòa bình", trong đó trên lĩnh vực tư tưởng – lý luận bằng các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tung ra các quan điểm phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận con đường xã hội chủ nghĩa, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta. Tình hình đó đòi hỏi Đảng ta phải đẩy mạnh công tác lý luận, tăng cường tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội IX, chuẩn bị tiến tới Đại hội X của Đảng.
Trong tình hình hiện nay, nhiệm vụ bao trùm và cấp bách của công tác lý luận của Đảng là nắm vững và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh ; bám sát và đẩy mạnh tổng kết thực tiễn đổi mới ; tham khảo có chọn lọc lý luận và kinh nghiệm nước ngoài, tăng cường nghiên cứu lý luận để tiếp tục làm sáng tỏ hơn quan niệm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Văn kiện Đại hội IX của Đảng đã khẳng định : “Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, thảo luận dân chủ, sớm làm rõ và kết luận những vấn đề mới, bức xúc nảy sinh từ thực tiễn ; từng bước cụ thể hóa, bổ sung, phát triển đường lối, chính sách của Đảng ; đấu tranh với những khuynh hướng tư tưởng sai trái”(2).
Trong thời gian tới, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) "Về nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới" chúng ta phải phấn đấu đẩy mạnh hơn một bước công tác lý luận, làm chuyển biến thực sự công tác lý luận, tiếp tục làm sáng tỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, tập trung trí tuệ toàn Đảng để giải đáp cho được những vấn đề bức xúc xoay quanh công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt và phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm. Đó chính là phải làm rõ về mặt lý luận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ; con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa ; đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân ; xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong điều kiện mới ; phát triển văn hóa, con người và nguồn nhân lực ; đặc điểm, nội dung cuộc cách mạng khoa học – công nghệ hiện đại và sự phát triển của kinh tế tri thức ; những tác động nhiều mặt của quá trình toàn cầu hóa ; dự báo các xu thế phát triển chủ yếu của thế giới và khu vực ; những vấn đề lý luận phục vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại ; những vấn đề dân tộc, tôn giáo v.v..
Để thực hiện phương hướng, nhiệm vụ trên đây cần phải có những giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ, kiên quyết, trong đó đặc biệt coi trọng việc tổng kết lý luận - thực tiễn.
Đến cuối năm nay, chúng ta sẽ trải qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng. Và đến năm 2006, sẽ tiến hành Đại hội X của Đảng, công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo tròn 20 năm. Hai mươi năm đổi mới không phải là thời gian dài so với lịch sử dân tộc, song đây là giai đoạn lịch sử có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Đảng ta và dân tộc ta, nó đánh dấu một bước ngoặt trong nhận thức, tư duy lý luận của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, nó đưa đến những thành tựu rất to lớn của Đảng và nhân dân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khẳng định sức sống của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, tạo ra thế và lực mới cho đất nước, tăng thêm ảnh hưởng và uy tín nước ta trên trường quốc tế trong bối cảnh chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu bị sụp đổ, chủ nghĩa xã hội thế giới tạm thời lâm vào thoái trào. Hai mươi năm đổi mới cũng là thời gian nhân dân ta đứng trước nhiều thử thách khắc nghiệt của lịch sử nhất là khi Liên Xô tan rã và đã vượt qua một cách thắng lợi. Đây cũng là thời kỳ nhiều vấn đề to lớn về quy mô, về tầm vóc, về tính phức tạp cũng như về tính mới mẻ chưa có tiền lệ trong lịch sử đặt ra cho Đảng ta. Những vấn đề này vừa mang tính thực tiễn vừa mang tính lý luận sâu sắc cần phải được tổng kết, được soi sáng, khái quát về mặt lý luận. Đó cũng chính là nhiệm vụ tổng kết đường lối đổi mới của Đảng ta qua 20 năm, thông qua tổng kết mà làm sáng tỏ hơn quan niệm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta để chuẩn bị cơ sở lý luận cho sự phát triển đất nước trong giai đoạn tiếp theo.
Vì vậy, vừa qua Bộ Chính trị đã quyết định tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 20 năm đổi mới ; Bộ Chính trị cũng đã quyết định lập Ban Chỉ đạo tổng kết do đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh làm Trưởng ban, Hội đồng Lý luận Trung ương là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo tổng kết. Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng đã có Chỉ thị số 24-CT/TW về tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 20 năm đổi mới. Chỉ thị đã nêu rõ mục đích của tổng kết là nhằm "khẳng định những thành tựu, tiến bộ, chỉ ra những hạn chế và thiếu sót trong quá trình phát triển tư duy lý luận của Đảng ta, phân tích nguyên nhân, rút ra kinh nghiệm ; phát hiện những nhân tố mới và những vấn đề mới về lý luận trong quá trình đổi mới ; làm sáng tỏ hơn về lý luận một số vấn đề chủ yếu về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam ; lý giải, kết luận một số vấn đề lý luận - thực tiễn còn ý kiến khác nhau hoặc mới nảy sinh trong quá trình đổi mới ; góp phần bổ sung, hoàn chỉnh Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991) và cung cấp luận cứ khoa học cho việc soạn thảo các Văn kiện Đại hội X của Đảng”.
Với mục đích như vậy, việc tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 20 năm đổi mới là việc làm rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng. Đây là nhiệm vụ của toàn Đảng, các cấp, các ngành, là trách nhiệm của đội ngũ cán bộ nghiên cứu lý luận nước ta, trong đó trách nhiệm chính tham gia tổng kết là các ban Đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương ; một số tỉnh ủy, thành ủy ; một số viện và trường đại học lớn, 8 Chương trình khoa học xã hội cấp Nhà nước giai đoạn 2001-2005…
Bộ Chính trị đã cho ý kiến về nội dung tổng kết, trong đó tập trung vào 5 vấn đề lớn là :
1- Đặc điểm mới của thời đại, những xu hướng chủ yếu của thế giới hiện nay.
2- Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
3- Tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước phát triển.
4- Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.
5- Đảng và xây dựng Đảng trong điều kiện mới.
Từ kết quả tổng kết lý luận - thực tiễn 5 vấn đề nêu trên, đánh giá khái quát quá trình đổi mới và việc thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, trên cơ sở đó làm sáng tỏ hơn quan niệm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ; đối chiếu với Cương lĩnh năm 1991 của Đảng, để bổ sung, phát triển, hoàn thiện Cương lĩnh đó.
Việc lựa chọn các vấn đề tổng kết cần phải tập trung, tránh phân tán, dàn trải, phải thiết thực, sát với thực tiễn cuộc sống, từ thực tiễn đổi mới của đất nước mà tổng kết lý luận, sát với nội dung các vấn đề chuẩn bị cho Văn kiện Đại hội X của Đảng.
Việc tổng kết phải quán triệt các quan điểm biện chứng, lịch sử, khách quan ; nhìn thẳng vào sự thật, báo cáo trung thực, phát huy tự do tư tưởng, thảo luận dân chủ.
Chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, với sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành ở Trung ương và địa phương, sự nhiệt tình hưởng ứng của đội ngũ cán bộ lý luận cả nước, việc tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 20 năm đổi mới sẽ đạt kết quả tốt. Qua tổng kết sẽ nâng cao một bước chất lượng và hiệu quả công tác nghiên cứu lý luận, sẽ đề xuất được những luận điểm mới có căn cứ khoa học và những giải pháp mới, đúng đắn để tiếp tục đưa công cuộc đổi mới ở nước ta tiến lên, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh./.
(1) Văn kiện Đại hội IX, tr.78
(2) Văn kiện Đại hội IX, tr.84
Cách mạng tháng Tám năm 1945 và tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân  (18/01/2007)
Tác phẩm "thà ít mà tốt" của V.I Lê-Nin  (18/01/2007)
Đẩy mạnh cải cách tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam  (18/01/2007)
Số lượng doanh nghiệp  (17/01/2007)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển