Di sản quý báu nhất của đất Quảng là con người Quảng Nam và tài nguyên thiên nhiên. Con người Quảng Nam chịu thương, chịu khó, bất chấp điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt vẫn vươn lên xây dựng quê hương, những con người rất mực kiên trung, đã xả thân vì độc lập, tự do và thống nhất của đất nước. Hai di sản thế giới Hội An và Mỹ Sơn với các kiến trúc độc đáo, hòa quyện với tư duy "mở" của con người Quảng Nam hiền lành, quả cảm, nhất định Quảng Nam sẽ tiến xa trong hành trình phát triển của mình.

Phiên họp toàn thể Hội nghị Bộ trưởng Du lịch APEC 2006

Năm 1997, Quảng Nam được tách ra từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ. Mấy năm đầu rất khó khăn, tỷ lệ nghèo đói quá cao, vùng sâu, vùng xa và đặc biệt khó khăn nhiều; thu ngân sách quá ít; 3 năm liên tiếp bị thiên tai làm hư hại gấp 20 lần mức thu ngân sách 1 năm lúc đó; cán bộ từ Đà Nẵng vào Tam Kỳ làm việc không có trụ sở cơ quan và không có chỗ ở.

Trong hoàn cảnh hết sức khó khăn ấy, yếu tố tinh thần - văn hóa được khơi dậy và phát huy, là nguyên nhân quan trọng bậc nhất của thành công với tinh thần đoàn kết, chung sức chung lòng, cùng phấn đấu cho Quảng Nam vượt khó, phát triển. Lúc đó, chúng tôi thường nói với nhau: "Vì một Quảng Nam phát triển"... Ngày mới chia tỉnh, ai cũng làm việc nhiều, không kể giờ giấc, rất tâm huyết, nỗ lực thật sự vì tình yêu đất Quảng và đặt câu hỏi vì sao Quảng Nam nghèo để cùng tìm nguyên nhân, định hướng phát triển, tìm giải pháp đột phá, tìm cơ chế để vươn lên.

Qua 10 năm, Quảng Nam đã vượt khó và bắt đầu phát triển, có khởi sắc, dù là bước đầu, chưa thật nhiều, nhưng rất quan trọng, tạo tiền đề để có thể tiến xa hơn trong thời gian tới. Sản xuất công nghiệp tăng 6 lần, du lịch tăng 12 lần, xuất khẩu tăng hơn 20 lần, thu ngân sách (kể cả nội địa và xuất nhập khẩu) tăng gần 10 lần, phát triển thêm 160 trường học, trên 3.000 km đường giao thông, bộ mặt đô thị và nông thôn đã có nhiều thay đổi... Những việc làm được là không ít, đáng ghi nhận, nhưng chưa phải quan trọng nhất. Điều quan trọng hơn rất nhiều (so với những con số ấy) là đã làm rõ chiến lược phát triển, lối ra, con đường và cách thức để tiếp tục tiến lên, để đi xa (mặc dù luôn phải bổ sung, hoàn thiện).

Mục tiêu ở phía trước còn khó khăn và nặng nề hơn nhiều, dù không phải cái khó như lúc ban đầu chia tách tỉnh. Cái khó bây giờ đang ở một tầm khác, cao hơn, sâu hơn, không phải quyết tâm là làm được, mặc dù điều ấy là không thể thiếu và cần có đầu tiên. Mục tiêu phát triển Quảng Nam thì 10 năm qua và bây giờ vẫn vậy. Nhưng tầm nhìn, cách nghĩ, cách làm, trong rất nhiều lĩnh vực, phải đổi mới mạnh, đổi mới một cách căn bản chứ không phải tiến bộ hơn một ít, phải thật sự hiệu quả và chắc chắn hơn. Dù một số năm gần đây Quảng Nam có khởi sắc, có một bước phát triển đáng khích lệ, tuy nhiên, cho tới nay Quảng Nam vẫn là tỉnh nghèo, tỷ lệ nghèo đói trên mức bình quân cả nước, hiệu quả kinh tế thấp, còn có mặt tụt hậu so với nhiều địa phương khác trong cả nước.

Sáu trăm năm qua, cơ cấu kinh tế của Quảng Nam chủ yếu vẫn là nông nghiệp. Một tỉnh nông nghiệp. Trong nông nghiệp chủ yếu là sản xuất lương thực, tự túc. Quảng Nam lại không có lợi thế để phát triển theo hướng ấy. Nguyên nhân trực tiếp và chính yếu của cái nghèo bắt đầu từ đó - từ một cơ cấu kinh tế kém hiệu quả. Tuy nhiên không thể trách cứ quá khứ. Cơ cấu kinh tế còn là sản phẩm khách quan do điều kiện và hoàn cảnh cụ thể chi phối, trước đây chưa thể làm khác được.

Năm vừa qua, Đại hội Đảng bộ Quảng Nam lần thứ XIX đã quyết định chuyển hướng mạnh mẽ, đi theo định hướng phát triển một tỉnh công nghiệp, phấn đấu để trước năm 2020 phải cơ bản thành tỉnh công nghiệp (mới là cơ bản thôi, và theo một số tiêu chí tự định ra: Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP là 95%, lao động phi nông nghiệp 70%, tỷ lệ nghèo còn dưới 3%, thu nhập bình quân đầu người vào hàng địa phương tiến bộ). Từ một tỉnh nông nghiệp phấn đấu trở thành một tỉnh công nghiệp là việc to lớn, là một cuộc cách mạng thật sự, và đương nhiên là hết sức khó khăn, gian khổ nữa, nhưng là con đường phải lựa chọn, không có cách nào khác, nếu muốn thoát khỏi nghèo nàn và tụt hậu.

Quảng Nam lựa chọn phát triển song song công nghiệp và dịch vụ trong những năm trước mắt, đồng thời ra sức tạo các tiền đề để phát triển khối dịch vụ lên vị trí hàng đầu trong những năm tiếp sau. Qua một năm sau Đại hội, Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam tiếp tục nhận thức và tư duy, gần đây đã bắt đầu nói đến dịch vụ trước công nghiệp. Vẫn là phát triển song song dịch vụ và công nghiệp (nói dịch vụ trước), đồng thời, tích cực và khẩn trương, tìm mọi cách để sớm đưa khối dịch vụ lên hàng đầu, nhất là du lịch. Trong quy hoạch bố trí không gian, ưu tiên cho dịch vụ, nhất là dịch vụ cao cấp. Phía đông của tỉnh là dịch vụ, nội dung chính của Khu kinh tế mở Chu Lai là dịch vụ; công nghiệp chuyển về phía tây, phía trung du, nơi gần các trục đường quốc gia và yêu cầu nghiêm ngặt về xử lý môi trường. Việc phát triển các khu du lịch và các khu đô thị, nói chung, theo hướng sinh thái, và cố gắng nhìn xa trong bố trí quy hoạch. Công nghiệp cũng phải chọn lọc, không trải "thảm đỏ" cho tất cả, khuyến khích công nghệ cao và công nghiệp sạch, nói chung không khuyến khích công nghiệp nặng. Thực hiện phương châm "thà chưa làm còn hơn làm nát; thà chưa có công nghiệp còn hơn bị ô nhiễm".

Dù đi theo định hướng là tỉnh công nghiệp, dù đẩy mạnh phát triển dịch vụ lên vị trí hàng đầu, thì nông nghiệp vẫn còn rất lâu dài, thậm chí là còn mãi mãi, thậm chí là vô cùng quan trọng trong nhiều năm trước mắt, vì đa số nhân dân Quảng Nam vẫn còn phải sống bằng nông nghiệp là chính, chưa dễ gì chuyển đổi nghề nghiệp tất cả được ngay. Tuy nhiên, nông nghiệp cũng phải chuyển đổi một cách căn bản, từ chỗ sản xuất lương thực tự túc là chủ yếu, chuyển sang sản xuất thực phẩm và nguyên liệu - hàng hóa là chủ yếu. Trong đó, vai trò của doanh nghiệp và doanh nhân trở thành quan trọng nhất trong việc tổ chức lại nền sản xuất, mặc dù vẫn trên cơ sở của kinh tế hộ.

Định hướng chiến lược cho đúng, vừa kiên trì, ổn định, vừa linh hoạt, nhạy bén với tình hình thị trường là rất khó. Tuy nhiên, điều còn khó hơn nữa là những giải pháp hữu hiệu, đột phá, khả thi hóa các ý tưởng, để triển khai trên thực tế. Giải pháp đầu tiên là "mở", "tư duy mở", "cơ chế mở", "cách làm mở". Quảng Nam có lợi thế về vị trí nhưng nguồn lực tại chỗ không nhiều. Mở để phát huy nhân tố con người và giải phóng năng lực tại chỗ, đồng thời là để thu hút mọi nguồn lực trong và ngoài nước, sử dụng sức mạnh tổng hợp của thời đại. Khu kinh tế mở Chu Lai là một không gian cụ thể, một mô hình cụ thể của tư tưởng mở, cơ chế mở; trong đó, Khu thương mại tự do là chỗ mở nhất. Khu thương mại tự do sẽ gắn với cảng tự do và một sân bay được quy hoạch làm trung chuyển quốc tế đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép kêu gọi đầu tư nước ngoài, kể cả hình thức BOT. Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang cũng đã có chủ trương và đang hình thành cơ chế mở. Một khu du lịch đặc biệt ở đảo Cù Lao Chàm đã hình thành ý tưởng và đang nghiên cứu đề án, cơ chế. Trong Khu kinh tế mở Chu Lai còn có dự kiến một khu công nghệ cao và quy hoạch một khu đào tạo quốc tế với cơ chế quản lý riêng (sẽ xin Chính phủ và các bộ); tức là không chỉ mở về kinh tế mà còn mở cả lĩnh vực đào tạo để chuẩn bị nguồn nhân lực, chuẩn bị con người cho thời kỳ hội nhập và đẩy mạnh công nghiệp hóa. Mọi sự phát triển đều do con người làm nên. Không thể giải quyết vấn đề tụt hậu về kinh tế - xã hội nếu như không khắc phục được sự tụt hậu về tư duy, kiến thức. Sự phát triển chỉ có thể mạnh và bền vững khi nhân tố con người - chủ nhân được chú trọng, chăm lo và phát huy đúng mức. Nếu không chuẩn bị tích cực về con người và phát triển doanh nghiệp trong nước thì rồi tất cả phải đi làm thuê. Và, khi tất cả phải làm thuê thì làm chủ thật sự bằng cách nào? Vì vậy, khẩn trương chuẩn bị cán bộ và nguồn nhân lực là việc hệ trọng vào bậc nhất trong những năm tiếp theo.

Trên đây là hướng đi và các giải pháp, tất nhiên là chưa đủ, cần phải bổ sung nhiều và quá trình thực hiện chắc chắn không đơn giản, nhưng điều cần có đầu tiên vẫn phải là một cách nghĩ...


* TS, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam