Huyện ủy Kim Sơn tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển đảng viên là người có đạo
TCCS - Với đặc thù là huyện có nhiều đồng bào theo đạo, thời gian qua Huyện ủy Kim Sơn đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển đảng viên là người có đạo; nhờ đó, công tác này đã đạt được những kết quả tích cực.
Công tác phát triển đảng viên là người có đạo - Cơ sở lý luận và thực tiễn
Công tác phát triển đảng viên nói chung, phát triển đảng viên là người có đạo nói riêng là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, nhằm giúp bổ sung cho Đảng những quần chúng ưu tú, có đủ tiêu chuẩn, điều kiện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Việc kết nạp đảng viên mới vào Đảng không chỉ có ý nghĩa làm tăng về số lượng, mà qua đó còn từng bước cải thiện thành phần, cơ cấu, trẻ hóa đội ngũ đảng viên, khắc phục tình trạng “già hóa” ở các đảng bộ, chi bộ. Đồng thời, bên cạnh công tác phát triển đảng viên cũng cần chú trọng rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng.
Việc Đảng thường xuyên bổ sung vào hàng ngũ của mình những quần chúng ưu tú, nhất là những người có đạo, còn góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên. Thực tế cho thấy, trong suốt quá trình lãnh đạo phát triển sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, Đảng luôn chú trọng phát hiện và bổ sung kịp thời vào hàng ngũ của mình những người có đủ năng lực, phẩm chất chính trị vững vàng. Ở bất kỳ một tổ chức cơ sở đảng nào nếu không làm tốt công tác này, thì tổ chức đảng ở đó sẽ bị già hóa, trì trệ, giảm sút năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, không hoàn thành được vai trò lãnh đạo và sứ mệnh của mình đối với sự nghiệp cách mạng.
Đảng Cộng sản Việt Nam là một đảng cách mạng, tiên phong, lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo đất nước trong tình hình mới, Đảng cần có một đội ngũ đảng viên hùng hậu, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn. Đảng luôn xác định phát triển đảng viên là vấn đề có tính nguyên tắc trong công tác tổ chức xây dựng Đảng, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, quyết định sự tồn tại, phát triển của Đảng. Công tác phát triển đảng luôn được quan tâm lãnh đạo, tổ chức thực hiện theo đúng phương châm, nguyên tắc, quy trình, thủ tục về công tác kết nạp đảng viên và chuyển đảng viên dự bị thành đảng viên chính thức, giới thiệu quần chúng ưu tú học cảm tình đảng bảo đảm nguyên tắc của Điều lệ Đảng và các quy định, hướng dẫn của Đảng về công tác đảng viên. Khi công tác phát triển đảng viên được thực hiện tốt sẽ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức giai cấp, giác ngộ chính trị cho quần chúng, thúc đẩy quần chúng tích cực tham gia các phong trào cách mạng.
Trong giai đoạn phát triển như hiện nay, Đảng đang tiếp tục lãnh đạo công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, từng bước thực hiện mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ to lớn, nặng nề của công cuộc đổi mới được thực hiện trong điều kiện có thời cơ, thuận lợi, nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức đan xen. Để lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ ấy, Đảng phải thường xuyên kết nạp đảng viên mới, thường xuyên trau dồi nâng cao trình độ trí tuệ cho đội ngũ đảng viên, đặc biệt là đảng viên trẻ - nguồn kế cận cho tương lai. Những đảng viên này sẽ góp phần nâng cao trình độ trí tuệ, tạo sự đa dạng, phong phú, đa chiều trong tư duy của Đảng, giúp Đảng có khả năng nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện, khách quan và đưa ra những quyết định sáng suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Toàn thể đồng bào ta, không chia lương, giáo, đoàn kết chặt chẽ, quyết lòng kháng chiến, để giữ gìn non sông Tổ quốc, mà cũng để giữ gìn quyền tôn giáo tự do”(1). Người chủ trương: “Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”(2). Những tư tưởng mang tầm triết lý sâu sắc của Người đã huy động được tất cả các thành phần, lực lượng không trừ một ai vào sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc và cũng chính vì vậy mà công tác phát triển đảng viên là người có đạo là một yêu cầu khách quan, thường xuyên trong hoạt động lãnh đạo và công tác tổ chức xây dựng Đảng.
Trải qua từng thời kỳ phát triển, quan điểm của Đảng về công tác phát triển đảng viên là người có đạo luôn được thể hiện xuyên suốt, nhất quán và được cụ thể hóa trong từng điều kiện lãnh đạo phát triển. Ngày 28-9-2004, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 123-QĐ/TW, “Quy định một số điểm về kết nạp đảng viên đối với người có đạo và đảng viên tham gia sinh hoạt tôn giáo”. Trên cơ sở đó, ngày 8-4-2005, Ban Tổ chức Trung ương ban hành Hướng dẫn số 40-HD/BTCTW “Một số điểm về kết nạp đảng viên đối với người có đạo và đảng viên có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo”.
Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(3). Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, mỗi tôn giáo có giáo lý, giáo luật, cơ sở thờ tự, quá trình hình thành, phát triển khác nhau. Mặc dù khác nhau như vậy, giữa các tôn giáo đều có tinh thần đoàn kết, bao dung, độ lượng, thực hiện lời răn dạy “kính Chúa yêu nước”, làm tốt “việc đời, việc đạo”, “dân tộc, đạo pháp, chủ nghĩa xã hội” góp phần vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Công tác phát triển đảng viên là người có đạo ở huyện Kim Sơn - Kết quả đạt được và những vấn đề đặt ra
Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên là người có đạo, quán triệt sâu sắc định hướng chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy Ninh Bình, Ban Thường vụ Huyện ủy Kim Sơn luôn quan tâm chỉ đạo công tác tạo nguồn, bồi dưỡng kết nạp đảng viên đối với quần chúng là người theo tôn giáo bảo đảm thực hiện đúng theo quy định, hướng dẫn của Trung ương, Tỉnh ủy(4). Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các cấp ủy đảng thường xuyên quan tâm tạo nguồn, bồi dưỡng quần chúng ưu tú là người có đạo phấn đấu vào Đảng, nhất là những người có uy tín trong tín đồ tôn giáo. Đây là những nhân tố tích cực trong tuyên truyền, vận động nhân dân có đạo thực hiện tốt chính sách, pháp luật về tôn giáo và các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
Hằng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy giao chỉ tiêu kết nạp đảng viên cho đảng bộ các xã, thị trấn, trong đó có chỉ tiêu về kết nạp đảng viên là người có đạo. Việc kết nạp đảng viên, trong đó có đảng viên là người có đạo được chú trọng cả về số lượng và chất lượng, bảo đảm nguyên tắc, quy trình, tiêu chuẩn chặt chẽ, không vì số lượng mà hạ thấp tiêu chuẩn, chất lượng. Trên cơ sở chỉ tiêu Huyện ủy giao, đảng ủy các xã, thị trấn căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu cụ thể cho các chi bộ trực thuộc về phát triển đảng viên, trong đó quan tâm, chú trọng tới những chi bộ khó khăn, ít đảng viên, đảng viên tuổi cao, sức yếu.
Huyện ủy chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là đoàn thanh niên làm tốt công tác giáo dục, lựa chọn đoàn viên, hội viên ưu tú giới thiệu với chi bộ để xét cảm tình đảng và giao nhiệm vụ để thử thách, phân công đảng viên chính thức giúp đỡ cảm tình đảng phấn đấu vào Đảng; chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, lớp bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đảng viên mới. Mỗi năm, Ban Thường vụ Huyện ủy quyết định mở 4 - 5 lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho quần chúng ưu tú, trong đó có quần chúng ưu tú là người có đạo của các tổ chức cơ sở đảng, mở 3 - 4 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đảng viên mới.
Trước thực trạng nguồn kết nạp đảng viên ở các chi bộ thôn, xóm rất khó khăn do thanh niên trẻ đi làm ăn xa, nhiều quần chúng có nguyện vọng xin vào Đảng, nhưng trình độ văn hóa chưa bảo đảm theo quy định, Thường trực Huyện ủy đã chỉ đạo Ban Tổ chức Huyện ủy phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện khảo sát nhu cầu và tham mưu chỉ đạo mở các lớp bổ túc trung học cơ sở để chuẩn hóa trình độ văn hóa cho quần chúng ưu tú (trong đó có cả quần chúng ưu tú là người có đạo, chức việc tôn giáo) ở các chi bộ khu dân cư, góp phần tạo nguồn kết nạp(5).
Ban Thường vụ Huyện ủy phân công, chỉ đạo các đồng chí thường vụ huyện ủy, huyện ủy viên phụ trách tiểu khu, huyện ủy viên phụ trách xã, thị trấn thường xuyên đi cơ sở; hằng tháng, dự hội nghị giao ban đảng ủy xã (thị trấn) mở rộng để nắm tình hình, đôn đốc các tổ chức cơ sở đảng thường xuyên rà soát, tạo nguồn, bồi dưỡng kết nạp đảng viên, trong đó có phát triển đảng viên là người có đạo và chức việc tôn giáo.
Công tác tạo nguồn, bồi dưỡng, xem xét, đề nghị kết nạp đảng viên là người có đạo được Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo triển khai thực hiện bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục theo Điều lệ Đảng và các quy định, hướng dẫn của Trung ương. Nhiều trường hợp, Ban Tổ chức Huyện ủy đã trực tiếp nghiên cứu, giúp đỡ các các đảng bộ, chi bộ chỉnh sửa lý lịch người xin vào Đảng trước khi tiến hành thẩm tra, tránh việc phải đi thẩm tra nhiều lần.
Từ năm 2021 đến nay, Đảng bộ huyện Kim Sơn kết nạp được 945 đảng viên mới, trong đó có 231 là người có đạo (chiếm tỷ lệ 24,4% tổng số đảng viên mới); luôn hoàn thành vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (mục tiêu trong nhiệm kỳ kết nạp 1.000 đảng viên mới trong đó có 100 đảng viên là người có đạo).
Huyện ủy Kim Sơn quán triệt và thực hiện nghiêm túc Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2021 - 2025” ban hành kèm theo Quyết định số 334-QĐ/TU, ngày 29-6-2021, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (mục tiêu mỗi năm phát triển từ 85 đảng viên là người có tôn giáo trở lên). Kết quả, số quần chúng ưu tú là người có đạo của huyện được kết nạp vào Đảng năm 2021 là 41/85 (chiếm 48,2% chỉ tiêu của tỉnh); năm 2022 kết nạp 70/85 (chiếm 82,4% chỉ tiêu của tỉnh); năm 2023 kết nạp 67/85 (chiếm 78,8% chỉ tiêu của tỉnh); và năm 2024, kết nạp 53/85 (chiếm 62,4% chỉ tiêu của tỉnh). Những kết quả này đã góp phần quan trọng để tỉnh hoàn thành vượt chỉ tiêu phát triển đảng viên là người có đạo. Đặc biệt, Đảng bộ huyện đã kết nạp được 3 quần chúng là chức việc tôn giáo vào Đảng; năm 2022, kết nạp 1 và năm 2023, kết nạp 2 (toàn tỉnh đã kết nạp được 5 quần chúng là chức việc tôn giáo vào Đảng).
Bên cạnh việc kết nạp đảng viên ở các thôn, xóm, phố và các cơ quan, đơn vị, trong những năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Kim Sơn thường xuyên quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn chi bộ các trường trung học phổ thông trên địa bàn huyện bồi dưỡng học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập, có nhiều đóng góp trong các hoạt động phong trào của nhà trường để phát triển đảng, trong đó quan tâm đến các em học sinh là người có đạo. Từ năm 2021 đến nay, chi bộ các trường trung học phổ thông, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện đã kết nạp 191 quần chúng ưu tú là học sinh vào Đảng, trong đó có 55 học sinh là người có đạo.
Việc tổ chức lễ kết nạp đảng viên là người có đạo ở một số chi bộ cũng có sự linh hoạt, sáng tạo, vừa đúng quy định của Điều lệ Đảng, vừa bảo đảm trang trọng, ý nghĩa. Trong lễ kết nạp đảng viên, nhiều chi bộ đã mời người thân trong gia đình, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội đến dự, qua đó quần chúng là người có đạo vào Đảng và người thân của họ đều cảm thấy vinh dự, tự hào, thấy được vai trò, trách nhiệm của mình và của gia đình trong việc chấp hành và vận động họ hàng, nhân dân chấp hành tốt chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định, hương ước, quy ước của địa phương.
Tuy nhiên, công tác phát triển đảng viên là người có đạo ở huyện Kim Sơn còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc là: 1- Tỷ lệ người có đạo được kết nạp vào Đảng vẫn còn thấp so với tỷ lệ dân số theo đạo, số lượng chức việc được kết nạp vào Đảng còn khiêm tốn do công tác tuyên truyền của một số cấp ủy, tổ chức đảng ở cơ sở có mặt còn hạn chế; 2- Nguồn kết nạp đảng nói chung, kết nạp đảng viên là người có đạo nói riêng ngày càng khó khăn; đa số thanh niên đi học tập, công tác, đi làm ăn xa, số còn lại ở địa phương đều cao tuổi; 3- Công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên là người có đạo, kết nạp chức sắc, chức việc tôn giáo vào Đảng còn phụ thuộc vào nhận thức của quần chúng và các quy định của tổ chức tôn giáo.
Thực tiễn công tác phát triển đảng viên là người có đạo ở huyện Kim Sơn đặt ra một số vấn đề trong thời gian tới là:
Thứ nhất, dân số của huyện Kim Sơn có trên 191 nghìn người; trong đó, dân số theo đạo chiếm 52,29% (đạo Công giáo chiếm 47,07%, đạo Phật chiếm 5,22%). Trên địa bàn huyện hiện có Tòa Giám mục Phát Diệm, 34 giáo xứ, 160 giáo họ với 113 nhà thờ, 5 nhà nguyện, 2 nhà thờ Đức bà; 1 Trường Hạ (cơ sở II), 30 ngôi chùa. Trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước về tôn giáo trên địa bàn huyện không ngừng được tăng cường. Tuy nhiên, đối với địa bàn có đông đồng bào có đạo và có tính đặc trưng như huyện Kim Sơn, để công tác quản lý nhà nước về tôn giáo được tốt hơn, chuyên môn hóa sâu hơn, nắm bắt tình hình kịp thời hơn, yêu cầu cấp thiết là cần có đội ngũ cán bộ chuyên trách để tăng cường công tác nắm tình hình, giải quyết kịp thời các vấn đề tôn giáo.
Thứ hai, quần chúng là chức sắc, chức việc tôn giáo muốn xin vào Đảng thì phải được sự chấp thuận, đồng ý của cấp trên có thẩm quyền trong tổ chức tôn giáo. Vì vậy, cần có những cơ chế, chính sách linh hoạt, tạo điều kiện để kết nạp quần chúng vào Đảng là chức sắc, chức việc tôn giáo nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định./.
----------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 544
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr. 244
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 171
(4) Điển hình như: Quy định số 06-QĐi/TW, ngày 28-8-2018, của Bộ Chính trị, “Về một số điểm về kết nạp đảng viên đối với người theo tôn giáo và đảng viên là người theo tôn giáo tham gia sinh hoạt tôn giáo”; Hướng dẫn số 20-HD/BTCTW, ngày 26-9-2019, của Ban Tổ chức Trung ương, “Về thực hiện Quy định số 06-QĐi/TW ngày 28/8/2018 của Bộ Chính trị”; Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16-6-2022, của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, “Về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”; Chỉ thị số 05-CT/TU, ngày 29-4-2021, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển đảng viên giai đoạn 2021 - 2025”; Kế hoạch số 17-KH/BTCTU, ngày 4-4-2022, của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, “Về kết nạp đảng viên là chức sắc, chức việc tôn giáo giai đoạn 2021 - 2025”.
(5) Năm học 2022 - 2023, toàn huyện có 56 học viên; năm học 2023 - 2024, có 54 học viên đủ điều kiện xét tốt nghiệp và được cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hệ bổ túc.
Tỉnh Ninh Bình chú trọng phát huy tổng thể các nguồn lực, trong đó có các tổ chức tôn giáo để xây dựng nông thôn mới  (07/11/2024)
Vai trò của nghệ nhân trong bảo tồn, phát triển các nghề tiểu thủ công nghiệp tại tỉnh Ninh Bình  (06/11/2024)
Huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình) triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người dân  (06/11/2024)
Huyện ủy Nho Quan chủ trương phát huy nguồn lực văn hóa, con người, khai thác bền vững văn hóa truyền thống dân tộc trong xây dựng nông thôn mới  (05/11/2024)
Vai trò các tôn giáo trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Kim Sơn  (28/10/2024)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển