TCCS - Vinh dự trở thành thành viên mạng lưới “Các thành phố sáng tạo” của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), với mục tiêu tăng cường mạnh mẽ hội nhập quốc tế, khẳng định vị thế Thủ đô, Hà Nội nỗ lực trở thành điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới.
Hà Nội tham gia vào mạng lưới “Các thành phố sáng tạo”
Được thành lập năm 2004, mục tiêu của mạng lưới “Các thành phố sáng tạo” của UNESCO là tăng cường hợp tác giữa các thành phố đã được công nhận sáng tạo, coi đây là một yếu tố chiến lược phục vụ phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường. Mặc dù các thành phố của mạng lưới có vị trí địa lý, mức thu nhập và dân số khác nhau, song tất cả đều cùng hướng tới một sứ mệnh chung, đó là đặt sự sáng tạo và nền kinh tế sáng tạo làm cốt lõi trong việc phát triển đô thị để tiến tới các thành phố an toàn, hội nhập và phát triển bền vững, triển khai mục tiêu Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Là trái tim của cả nước, tròn 20 năm kể từ khi được vinh danh là “Thành phố hòa bình” của UNESCO, Hà Nội gia nhập mạng lưới “Các thành phố sáng tạo” của UNESCO năm 2020, tiếp tục những bước tiến mạnh mẽ khẳng định vị thế. Với tầm nhìn và thương hiệu của một “Thành phố sáng tạo về thiết kế”, Hà Nội có thể xây dựng và thúc đẩy vị trí cạnh tranh trong thu hút đầu tư quy mô lớn, kích thích tái tạo đô thị, tập trung các chương trình phát triển giáo dục và các sự kiện văn hóa gắn liền với tầm nhìn phát triển bền vững. Đồng thời, Hà Nội tham gia quá trình tăng cường hợp tác quốc tế giữa các thành phố trong mạng lưới, tạo nền tảng cho công tác đối ngoại - một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, luôn được ưu tiên tập trung nguồn lực.
Bên cạnh đó, Hà Nội tạo tiền đề thúc đẩy các thành phố khác của Việt Nam tham gia mạng lưới này. Điều này góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Thủ đô trở thành thành phố kết nối toàn cầu, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của mạng lưới, khẳng định vị trí và tầm vóc Thủ đô.
Nỗ lực hội nhập và nâng cao vị thế Thủ đô
Thời gian qua, thế giới và cả nước đã ghi nhận những nỗ lực của Thủ đô về phát triển văn hóa. Việc Hà Nội ghi danh vào mạng lưới “Các thành phố sáng tạo” của UNESCO góp phần xác định mục tiêu phát triển của Thành phố, coi hội nhập là động lực của sự phát triển bền vững, đồng thời là cơ hội thuận lợi cho “miền đất lành” trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh và hướng tới trở thành thành phố sáng tạo của khu vực Đông Nam Á.
Hiện nay, Hà Nội đang duy trì và phát huy vai trò tích cực trong các khuôn khổ hợp tác đa phương với vai trò là thành viên của các tổ chức liên đô thị quốc tế như: Tổ chức thành phố thông minh bền vững thế giới (WeGO), mạng lưới “Chính quyền địa phương về quản lý dân cư” (CityNet), Nhóm các thành phố dẫn đầu về chống biến đổi khí hậu (C40), Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF), Hiệp hội quốc tế các thị trưởng thành phố nói tiếng Pháp (AIMF), Hiệp hội các thành phố lớn thế giới (Metropolis)..., qua đó góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Thủ đô trong khu vực và trên thế giới.
Về đối ngoại, Hà Nội đã có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thành phố, Thủ đô của các nước và là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế uy tín; được UNESCO trao danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” năm 1999 và chính thức trở thành thành viên mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” năm 2020. Cùng với đó, thành phố góp phần tổ chức thành công các sự kiện quốc tế lớn, như Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai năm 2019. Không chỉ có vậy, nhằm góp phần tuyên truyền về những thành tựu của đất nước, năm 2020, thành phố tích cực triển khai công tác thông tin đối ngoại về việc tổ chức những sự kiện chính trị quan trọng trong nước trong bối cảnh đại dịch COVID-19, như: Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; 1010 năm Thăng Long - Hà Nội; kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc và Đại hội Thi đua yêu nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2020 - 2025…
Bên cạnh hiệu quả trong hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước, công tác đối ngoại nhân dân của Hà Nội cũng được chú trọng và có nhiều điểm nhấn đặc biệt trong những năm qua, góp phần tăng cường giao lưu, thúc đẩy sự hiểu biết giữa người dân Thủ đô và người dân của các quốc gia trên thế giới. Thông qua việc triển khai nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, dấu ấn tốt đẹp từ ngoại giao nhân dân được tạo dựng, đồng thời xây dựng cầu nối hữu nghị vững chắc giữa Thủ đô Hà Nội và bạn bè quốc tế. Không chỉ làm phong phú đời sống văn hóa của người dân Hà Nội, các hoạt động nhân kỷ niệm các dấu mốc lớn trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước, các sự kiện giao lưu văn hóa quốc tế được tổ chức trong thời gian qua còn góp phần quảng bá hình ảnh Thủ đô giàu truyền thống đã bước qua nghìn năm tuổi.
Với những thành tựu đã đạt được trong nỗ lực nâng cao vị thế Thủ đô, Hà Nội đã xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Thủ đô trong quá trình hội nhập quốc tế và thể hiện sâu sắc trong Báo cáo chính trị, cụ thể hóa trong chủ đề Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) của Đảng bộ thành phố Hà Nội (tháng 2-2021). Cụ thể, trong 5 năm tới, Hà Nội đặt mục tiêu hội nhập, cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á; đến năm 2030, mục tiêu là ngang tầm các quốc gia châu Á và đến năm 2045 hướng tới hội nhập cạnh tranh toàn cầu(1).
Hơn nữa, mục tiêu của Hà Nội trong giai đoạn tới là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19; phục hồi tăng trưởng, xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; tạo bước chuyển căn bản sang mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Việc duy trì, mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các thủ đô, thành phố và các tổ chức quốc tế trên thế giới cũng được thành phố chú trọng thực hiện. Đồng thời, Hà Nội nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại trên ba trụ cột: ngoại giao kinh tế, ngoại giao chính trị, ngoại giao văn hóa; tích cực chủ động hội nhập quốc tế trên mọi lĩnh vực.
Đặc biệt, mặc dù dịch bệnh COVID-19 có tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng, song kinh tế của Thủ đô năm 2020 vẫn tăng trưởng tích cực, gấp 1,5 lần mức chung của cả nước; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt dự toán và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2019. Nền kinh tế cũng ghi nhận mức tăng trưởng GRDP cả năm 2020 là 3,98%, gấp khoảng 1,4 lần bình quân chung của cả nước; chỉ số giá tiêu dùng CPI được kiểm soát ở mức 2,67%(2). Nông nghiệp tăng 4,2%, mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Ngoài ra, lĩnh vực dịch vụ vẫn tăng 3,1%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 2,4%, trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2019; quốc phòng, an ninh, an sinh, phúc lợi xã hội vẫn được bảo đảm(3).
Về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Hà Nội đạt những thành tựu đáng kể trong 6 tháng đầu năm. Tuy dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố vẫn đạt 5,91%, cao hơn nhiều so với mức cùng kỳ năm 2020 là 2,92%. Đặc biệt, thành phố vẫn duy trì để không đứt gẫy chuỗi sản xuất, kinh doanh. Căn cứ tình hình hiện tại và phân tích những thuận lợi, khó khăn trong thời gian tới, thành phố Hà Nội xây dựng hai kịch bản phát triển kinh tế năm 2021, với mức tăng trưởng là 7,5% và 6,5% - 7%(4).
Trong thời gian tới, Hà Nội tiếp tục nâng cao tính chủ động, đổi mới trong tư duy và hình thức triển khai các hoạt động đối ngoại, sáng tạo, đồng thời phát huy tinh thần đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp nhằm thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường, tận dụng tối đa các lợi thế mà các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đem lại. Thành phố đồng thời đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại văn hóa, nâng cao hiệu quả quảng bá hình ảnh Thủ đô - “Thành phố vì hòa bình”; hướng tới phát triển ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo trong tương lai. Hà Nội tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm trong các cơ chế hợp tác quốc tế liên khu vực, diễn đàn đa phương, góp phần tận dụng tri thức, kinh nghiệm và hỗ trợ trong giải quyết các thách thức.
Với những chính sách đối ngoại và nỗ lực tăng cường hội nhập trong thời gian qua, Hà Nội khẳng định vị thế xứng tầm là Thủ đô ngàn năm văn hiến, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh của cả nước. Với tầm nhìn mới, quyết tâm mới, công tác đối ngoại của Hà Nội sẽ đạt được những kết quả thực chất, đồng thời phát huy tối đa khí thế, truyền thống lịch sử, văn hóa con người Thủ đô trong giai đoạn tới, qua đó nâng cao hơn nữa uy tín, vị thế Thủ đô, góp phần vào sự nghiệp phát triển Thủ đô và đất nước./.
--------------------------
(1) Nguyễn Văn Thắng: “Hà Nội xác định hội nhập quốc tế là động lực của sự phát triển bền vững”, TTXVN, ngày 22-10-2020
(2) Nguyễn Văn Cảnh: “Năm 2020, Hà Nội thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép””, TTXVN, ngày 28-12-2020
(3) Nguyễn Thị Tuyết Mai: “Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội thảo luận, cho ý kiến các nội dung quan trọng”, TTXVN, ngày 22-11-2020
(4) Phạm Tiếp: “Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xây dựng Hà Nội xứng tầm với Thủ đô ngàn năm văn hiến, “Thành phố vì hòa bình”, TTXVN, ngày 19-7-2021
Nâng cao chất lượng hệ thống báo chí - góp phần phát triển văn hóa, con người Thủ đô  (10/09/2021)
Hà Nội: Đô thị thông minh để hội nhập quốc tế hiệu quả  (08/09/2021)
Hà Nội tập trung nguồn lực xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia  (05/09/2021)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên