Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ nhằm chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam: Giá trị lý luận và thực tiễn cho giai đoạn hiện nay
TCCS - Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ là nhiệm vụ cốt yếu trong công tác xây dựng Đảng, cần được quan tâm tiến hành thường xuyên, khoa học. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đóng góp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng thế hệ cán bộ trẻ là rất to lớn, thể hiện nổi bật, sắc nét ngay từ đầu trong quá trình chuẩn bị thành lập Đảng. Những bài học kinh nghiệm trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ mà Người để lại là tài sản vô giá, cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng trong thực tiễn.
Khái quát quá trình hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong giai đoạn đầu ra đi tìm đường cứu nước
Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, mà sau này là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu sinh ra trong bối cảnh đất nước bị đặt dưới ách nô lệ, xiềng xích của thực dân Pháp. Tận mắt chứng kiến cảnh đất nước lầm than, loạn lạc, trong khi các phong trào đấu tranh của nhân dân lần lượt bị nhấn chìm trong bể máu, Người đã sớm nung nấu ý chí tìm kiếm con đường cứu nước thực tế, phù hợp hơn con đường mà các bậc tiền bối đáng kính đã thực hiện.
Ngày 5-6-1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh) với tên mới là Văn Ba, làm việc trên chiếc tàu vận tải hàng hải của nước Pháp mang tên tàu Đô đốc La-tút-sơ Tơ-rê-vin. Người hướng đến nước Pháp và phương Tây để “xem người ta làm thế nào”, từ đó nghiên cứu, nắm bắt tình hình thực tế của nước Pháp - nước đang đô hộ Việt Nam, nhằm tìm kiếm con đường giải phóng dân tộc.
Giai đoạn 1911 - 1917, Người đã lần lượt đến các nước tư bản, đế quốc và cả những nước thuộc địa ở nhiều châu lục; làm nhiều công việc vất vả để kiếm sống, như rửa bát, quét tuyết, rửa ảnh, phụ bếp, viết báo, phục vụ trong các khách sạn,...; có điều kiện sống, làm việc gần gũi với người lao động ở nhiều quốc gia. Từ đó, Người thấu hiểu hoàn cảnh và nguyện vọng phần lớn nhân dân lao động trên thế giới, đó là cơ sở đầu tiên để Người nhận thức đúng đắn về tinh thần đoàn kết quốc tế. Đặc biệt, năm 1917, Cách mạng Tháng Mười Nga bùng nổ, rung chuyển toàn thế giới kéo theo sự thức tỉnh của các dân tộc bị áp bức, trong đó có Việt Nam. Vào thời điểm này, Người sống ở Pa-ri (Pháp) và dành toàn bộ tâm trí hướng về đất nước Liên Xô anh hùng của lãnh tụ V.I. Lê-nin vĩ đại.
Năm 1919, chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, các nước đế quốc thắng trận tổ chức Hội nghị Véc-xây, Người gửi đến Hội nghị Bản Yêu sách của nhân dân An Nam, ký tên Nguyễn Ái Quốc (tên gọi Nguyễn Ái Quốc được xuất hiện từ đây). Ngày 16 và 17-7-1920, trên báo Nhân đạo của Đảng Xã hội Pháp đăng bài viết “Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I. Lê-nin, tác phẩm này có tác động mạnh mẽ, khiến Người cảm động, sáng tỏ niềm tin về một con đường giải phóng dân tộc đầy hy vọng. Tại Đại hội Tua được triệu tập vào ngày 25-12-1920, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế III, tán thành cách mạng vô sản, tham gia thành lập Phân bộ Pháp của Quốc tế Cộng sản, từ đây, Người trở thành người cộng sản và là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.
Như vậy, xuất phát là một người Việt Nam yêu nước chân chính cùng ý chí quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy con đường giải phóng Tổ quốc và trở thành người cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Sau này, khi nhìn lại sự kiện trên, Người bày tỏ: “Riêng về cá nhân tôi, từ lúc đầu nhờ được học tập truyền thống cách mạng oanh liệt và được rèn luyện trong thực tế đấu tranh anh dũng của công nhân và của Đảng Cộng sản Pháp, mà tôi đã tìm thấy chân lý chủ nghĩa Mác - Lênin, đã từ một người yêu nước tiến bộ thành một chiến sĩ xã hội chủ nghĩa”(1); Người cũng đi đến kết luận: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(2).
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ nhằm chuẩn bị cho sự ra đời của một chính đảng vô sản ở Việt Nam
Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc lần đầu tiếp cận nội dung “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I. Lê-nin, tìm ra đường lối cách mạng trong công cuộc giải phóng dân tộc Việt Nam; sau đó, Người tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin về nước, chuẩn bị cho sự ra đời của một chính đảng vô sản, tiến tới chấm dứt khủng hoảng về giai cấp lãnh đạo của cách mạng Việt Nam. Trong thời gian làm việc ở Ban Phương Đông - Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc nhiều lần đề nghị được trở về phương Đông gặp gỡ nhiều thanh niên yêu nước đang hoạt động ở thành phố Quảng Châu (Trung Quốc) để thực hiện ý nguyện “thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”(3).
Là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Quốc tế nông dân, Nguyễn Ái Quốc rất quan tâm theo dõi và chỉ đạo phong trào cách mạng ở một số nước châu Á. Tháng 9-1924, Quốc tế Cộng sản điều động Nguyễn Ái Quốc đi Quảng Châu nhằm tổ chức việc tập hợp thanh niên trong nước, huấn luyện họ làm cách mạng rồi đưa về nước hoạt động, giác ngộ đồng bào, gây dựng phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Ở Quảng Châu, với bí danh Lý Thụy, Người trực tiếp đến gặp gỡ, trao đổi với những người Việt Nam yêu nước đang sinh sống, học tập, làm việc tại đây, trong đó có các nhân sĩ yêu nước nổi tiếng, như Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong,... và trao đổi thư từ với nhà chí sĩ Phan Bội Châu. Người chủ trương mở lớp huấn luyện, làm cơ sở thành lập một tổ chức có tính quần chúng rộng rãi hơn nhằm tập hợp đầy đủ tất cả thanh niên yêu nước(4). Hệ thống bài giảng của Người được tập hợp in thành cuốn sách Đường Kách mệnh - một văn kiện lý luận quan trọng xác lập cơ sở tư tưởng cho đường lối cách mạng Việt Nam về sau.
Tháng 6-1925, Nguyễn Ái Quốc chính thức thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, lấy tổ chức “Cộng sản đoàn” làm nòng cốt, tập trung việc đào tạo cán bộ cộng sản để lãnh đạo Hội và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin về Việt Nam. Hội là một tổ chức chính trị theo khuynh hướng Mác-xít; có mục đích thực hiện cuộc cách mạng dân tộc (đánh đuổi thực dân Pháp, giành độc lập), sau đó, làm cuộc cách mạng thế giới (lật đổ chủ nghĩa đế quốc, xây dựng chủ nghĩa cộng sản).
Để thực hiện mục đích này, Người dành hầu hết thì giờ cho các lớp huấn luyện, trong đó các đồng chí Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn là phụ giảng. Trong Báo cáo của Nguyễn Ái Quốc gửi Quốc tế Cộng sản ngày 3-6-1926, Người chủ trương tổ chức một trường tuyên truyền, sau một tháng rưỡi học tập họ trở về nước; khóa thứ nhất được 10 học viên, khóa thứ hai sẽ mở vào tháng 7 và có khoảng 30 người(5) nhằm gấp rút tổ chức các lớp đào tạo cán bộ, làm nòng cốt cho phong trào. Tham gia lớp huấn luyện, các học viên không những được trang bị về kiến thức lý luận, mà còn được trau dồi kỹ năng thực hành các công việc cách mạng, như kỹ năng làm báo, diễn thuyết; được tiếp thu nhiều chương trình học tập phong phú, bao gồm các vấn đề về cách mạng thế giới, cách mạng Việt Nam, phương pháp vận động quần chúng đấu tranh cách mạng, hệ thống lý thuyết chủ nghĩa (Tam dân, Cộng sản),...
Kết thúc các khóa học, có học viên được giữ lại ở nước ngoài để công tác hoặc được cử đi học tiếp ở Trường Đại học Phương Đông (Liên Xô)(6), có người tiếp tục học ở Trường Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc); phần đông khác được cử về nước hoạt động, gây dựng và phát triển tổ chức Hội. Những thanh niên được Người bố trí về nước thực hiện cùng một lúc hai nhiệm vụ: Xây dựng một hệ thống tổ chức cách mạng từ chi bộ lên kỳ bộ trên toàn quốc và lựa chọn thanh niên trí thức yêu nước sang Quảng Châu tham dự các lớp huấn luyện chính trị. Với những hoạt động giá trị của các chiến sĩ tiên phong, nhịp độ và số lượng thanh niên bí mật sang Quảng Châu ngày một tăng (tháng 4-1927, cả nước có khoảng từ 250 - 300 người xuất dương sang dự lớp huấn luyện). Đồng thời, Người sáng lập “Báo Thanh niên”, tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta, số ra đầu tiên vào ngày 21-6-1925, đến tháng 4-1927 (thời kỳ có sự lãnh đạo trực tiếp của Nguyễn Ái Quốc), báo Thanh niên đã ra được 88 số; tính chung thời kỳ tồn tại của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, Báo xuất bản được 200 số(7). Bên cạnh việc hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền, tổ chức cho thanh niên trong nước bí mật sang Quảng Châu, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc còn triển khai trong cộng đồng người Việt Nam ở Xiêm (tức Thái Lan ngày nay). Nhờ tầm nhìn chiến lược và hành động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đến đầu năm 1927, hệ thống tổ chức của Hội được phủ rộng khắp đất nước, không một tổ chức chính trị cùng thời nào (như Hưng Nam, Tân Việt, Việt Nam Quốc dân Đảng...) có được mạng lưới rộng lớn như vậy.
Thực tế, bài học xương máu từ thất bại của các phong trào yêu nước trước đó cho thấy, để tiến tới lật đổ bộ máy thống trị thực dân - phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân thì nhất định phải thực hiện bạo lực vũ trang, vì thế Nguyễn Ái Quốc từ sớm đã chuẩn bị kỹ càng cho cách mạng đội ngũ cán bộ yêu nước, tài năng; gửi nhiều thanh niên Việt Nam, như Lê Hồng Phong, Trương Văn Lĩnh, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn theo học Trường Quân sự Hoàng Phố của Tôn Trung Sơn dưới sự huấn luyện của các chuyên gia quân sự Xô-viết,... Giai đoạn 1924 - 1927, tuy chỉ mở được 3 lớp huấn luyện với 75 học viên, nhưng ở buổi đầu mới hình thành với nhiều khó khăn, thử thách về trường lớp, tài liệu, quản lý, tuyển chọn và tài chính, thì đó vẫn là con số đầy ý nghĩa. Sau này, đây chính là lực lượng giữ vai trò quyết định trong việc tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào quần chúng nhân dân lao động ở trong nước, chuyển hóa con đường cách mạng Việt Nam những năm cuối thập niên 20 của thế kỷ XX sang quỹ đạo cách mạng vô sản.
Có thể khẳng định, Nguyễn Ái Quốc đã đào tạo được thế hệ đội ngũ cán bộ, đảng viên đầu tiên cho cách mạng Việt Nam và từ họ, lớp lớp thanh niên cách mạng kế tiếp xuất hiện trên toàn đất nước. Nhờ những hoạt động không mệt mỏi của Người và đóng góp lớn lao của các bậc cán bộ cách mạng tiền bối mà các điều kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng chín muồi. Từ ngày 6-1-1930 đến ngày 7-2-1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc đã diễn ra hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, quyết định thành lập một chính Đảng thống nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam(8), đánh dấu mốc quan trọng trong bước phát triển về chất của cách mạng Việt Nam (được đặt dưới sự lãnh đạo của một chính đảng thống nhất), là yếu tố quyết định những thắng lợi vang dội của cách mạng Việt Nam về sau này.
Vận dụng kinh nghiệm, bài học từ tầm nhìn, hành động của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vào đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ trong giai đoạn hiện nay
Quan điểm, chỉ dẫn về đào tạo, bồi dưỡng thế hệ cán bộ trẻ cho từng thời kỳ lịch sử là bộ phận quan trọng trong hệ thống tư tưởng và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong Di chúc, Người thiết tha căn dặn, nhiệm vụ “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”(9); như vậy, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị trong mọi thời kỳ. Thấm nhuần quan điểm ấy, Đảng ta không ngừng nghiên cứu, ban hành chủ trương, chính sách nhằm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, tạo nguồn bổ sung cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới(10). Thời gian tới, để hoàn thành hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, cần chú trọng thực hiện những nhiệm vụ chủ yếu sau:
Thứ nhất, phải luôn đánh giá cao vai trò, vị trí của cán bộ trẻ trong tiến trình cách mạng của Đảng và dân tộc.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định rõ tầm quan trọng của công tác cán bộ, Người khẳng định “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”(11), theo đó “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”(12). Như vậy, “Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn”(13). Người cũng đặc biệt đánh giá cao tiềm năng trí tuệ của đội ngũ cán bộ trẻ trên nguyên tắc “phải khéo kết hợp cán bộ già với cán bộ trẻ. Không nên coi thường cán bộ trẻ”(14).
Theo đó, người đứng đầu các cấp, chính quyền ở địa phương, cơ quan, đơn vị phải có nhận thức đúng đắn và quyết tâm cao trong việc sử dụng cán bộ trẻ, quan tâm đào tạo và luôn mạnh dạn tin tưởng giao việc, thử thách, sử dụng họ phù hợp. Cần nghiên cứu, ban hành quy định về trách nhiệm của lãnh đạo và cấp ủy viên các cấp trong việc tiến cử người có đức, có tài hay trong đào tạo, bồi dưỡng, tiến cử người thay thế mình. Mặt khác, cần xây dựng cơ chế phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ có bản lĩnh, năng lực nổi trội và triển vọng phát triển vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả vượt cấp; tiếp tục đổi mới công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển cán bộ.
Thứ hai, luôn coi trọng việc chăm sóc, bồi dưỡng cán bộ trẻ.
Xây dựng thế hệ tương lai của đất nước là nhiệm vụ chiến lược, mang tính quyết định, do đó Đảng phải chăm lo giáo dục đạo đức cho cán bộ trẻ, đào tạo họ thành người có phẩm chất vừa “hồng”, vừa “chuyên” thông qua một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Một là, chú trọng bồi dưỡng lý tưởng và đạo đức cách mạng cho cán bộ trẻ. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong nhiệm vụ bồi dưỡng thế hệ trẻ, việc xây dựng đạo đức cách mạng, giáo dục tư tưởng xã hội chủ nghĩa và gột rửa chủ nghĩa cá nhân là yếu tố then chốt. Đạo đức cách mạng không phải là cái có sẵn, mà là kết quả của sự đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày của mỗi người, bởi vậy, thế hệ trẻ phải luôn nỗ lực rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; có lối sống trong sạch, có chí tiến thủ và đoàn kết, không kiêu ngạo; tích cực đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân; phê phán thói hư, tật xấu; thường xuyên tiến hành tự phê bình và phê bình,... để giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
Mặt khác, nước ta đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước nông nghiệp lạc hậu nên cùng với việc học tập lý luận cách mạng, thế hệ trẻ phải tích cực trau dồi, ứng dụng kiến thức về lịch sử, văn hóa, khoa học - kỹ thuật,... nhằm xây dựng xã hội mới. Bản thân người cán bộ trẻ được tin tưởng phải chứng minh năng lực, phẩm chất, bản lĩnh chính trị của mình; không ngừng tự nâng cao nhận thức, trau dồi, bồi dưỡng tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong sạch, tôn trọng, gìn giữ truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc.
Hai là, chú trọng phương thức, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ trẻ(15). Muốn đạt được hiệu quả trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, nhất định phải có phương thức, phương pháp phù hợp dựa trên nội dung, yêu cầu của sự nghiệp đào tạo các thế hệ cách mạng cho đời sau; mặt khác, phải biết vận dụng phù hợp với đặc điểm tâm lý, tính cách của từng lứa tuổi. Theo đó, lãnh đạo các tổ chức đảng, cơ quan, chính quyền, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội phải có chiều sâu hiểu biết về đặc điểm tính cách, khát vọng của cán bộ trẻ; tạo môi trường thực tiễn tốt để đưa cán bộ trẻ vào rèn luyện; là tấm gương sáng để cán bộ trẻ noi theo. Bên cạnh đó, phải đề cao quá trình tự giáo dục, rèn luyện của thanh niên, coi đó là một phương pháp đào tạo hằng ngày của mỗi cá nhân.
Ba là, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ trẻ phong cách làm việc khoa học và tư duy độc lập, tự chủ sáng tạo. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp xuất phát từ điều kiện, hoàn cảnh cụ thể để bồi dưỡng phong cách tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo, bám sát yêu cầu của thực tiễn trong định hướng suy nghĩ, hành động của đội ngũ cán bộ trẻ. Bên cạnh đó, cần chú trọng rèn luyện cán bộ trẻ kỹ năng nắm bắt tình hình, nghiên cứu, phân tích toàn diện vấn đề, đồng thời phải tôn trọng quy luật khách quan trong các quyết định công việc, như Người chỉ dẫn: “Công việc gì bất kỳ thành công hoặc thất bại, chúng ta cần phải nghiên cứu đến cội rễ, phân tách thật rõ ràng rồi kết luận. Kết luận đó sẽ là cái thìa khóa phát triển công việc và để giúp cho cán bộ tiến tới”(16).
Thứ ba, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ.
Trong quá trình sử dụng cán bộ trẻ ở những vị trí chủ chốt tại các đơn vị, địa phương, phải thường xuyên quan tâm đánh giá cán bộ, đi liền với phát huy vai trò của các cơ quan kiểm tra, giám sát trong công tác cán bộ. Thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền theo hướng “quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó”; phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc và có chế tài xử lý nghiêm hành vi vi phạm; đặc biệt, nghiêm túc thực hiện các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương về nhiệm vụ kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, nhất là Quy định số 114-QĐ/TW, ngày 11-7-2023, của Bộ Chính trị, “Về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ”. Bên cạnh đó, xây dựng bổ sung, sửa đổi và ban hành nhiều quy định mới về đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền; không ngừng đổi mới quy trình công tác cán bộ.
Thứ tư, thường xuyên bồi dưỡng phong cách sinh hoạt giản dị, thanh cao của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho cán bộ trẻ.
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(17). Tuy nhiên, Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ, “Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””(18). Theo đó, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần “Tập trung xây dựng Đảng về đạo đức, tích cực đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; ngăn chặn, đẩy lùi hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy thật tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”(19).
Bên cạnh đó, thường xuyên định hướng đội ngũ cán bộ trẻ rèn luyện phong cách sinh hoạt giản dị, thanh cao trong cuộc sống, công việc, học tập; trong cả suy nghĩ và hành động; trong quan hệ với đồng chí, đồng nghiệp và nhân dân. Mặt khác, luôn đề cao tinh thần cầu tiến, ham học hỏi, chống thói chây lười, bệnh “ngại” học tập lý luận trong đội ngũ cán bộ trẻ; biết lắng nghe, tiếp thu kinh nghiệm, tri thức, tránh tâm lý ta đây, biết tuốt trên tinh thần “không được kiêu ngạo, phải khiêm tốn học hỏi các đồng chí già có kinh nghiệm”(20).
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định tính tất yếu về sự tiến bộ của xã hội loài người, rằng “Không có lực lượng gì ngăn trở được mặt trời mọc. Không có lực lượng gì ngăn trở được lịch sử loài người tiến lên. Cũng không có lực lượng gì ngăn trở được chủ nghĩa xã hội phát triển”(21). Cách mạng xã hội chủ nghĩa là một cuộc cách mạng vĩ đại và vẻ vang nhất trong lịch sử loài người, đồng thời cũng là một cuộc cách mạng cam go, phức tạp và khó khăn nhất; mỗi người dân Việt Nam phải chuẩn bị tư tưởng và nghị lực để vượt qua mọi thử thách và hoàn thành thắng lợi cuộc cách mạng này. Trong đó, đội ngũ cán bộ trẻ là chủ nhân tương lai của đất nước, là chiến sĩ tiên phong quyết định sự thành công của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; theo đó, những bài học mà Bác để lại về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ vẫn mãi vẹn nguyên giá trị./.
---------------------------------
(1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 12, tr. 740, 30
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 209
(4) Xem: Bá Ngọc: Hồ Chí Minh: Cuộc đời và sự nghiệp, Nxb. Nghệ An - Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông - Tây, Nghệ An, 2003, tr. 63
(5) Xem: Hữu Giới: “Nguyễn Ái Quốc và lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu”, Báo Nhân Dân điện tử, ngày 24-3-2007, https://nhandan.vn/nguyen-ai-quoc-va-lop-huan-luyen-chinh-tri-o-quang-chau-post409279.html
(6) Đến năm 1929, Nguyễn Ái Quốc đã gửi 27 thanh niên Việt Nam sang tham gia các khóa đào tạo ở Trường Đại học Phương Đông, trong đó có các đồng chí mà sau này đóng vai trò quan trọng trong tiến trình cách mạng giải phóng dân tộc của nước ta, như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Lý Tự Trọng, Phạm Văn Đồng,...
(7) Báo Thanh niên được bí mật chuyển về nước, phổ biến khắp cả 3 kỳ, góp phần to lớn trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin đến các tầng lớp nhân dân, chuẩn bị về mặt tư tưởng, chính trị và tổ chức để tiến tới thành lập chính đảng của giai cấp công nhân
(8) Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9-1960) của Đảng đã quyết định lấy ngày 3-2 hằng năm làm Ngày kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 622
(10) Nghị quyết số 32-NQ/TW, ngày 26-5-2014, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý”; Quy định số 57-QĐ/TW, ngày 8-2-2022, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị”; Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30-10-2016, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ””; Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”,...
(11), (12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 309, 280
(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 356
(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 278
(15) Xem: Phan Bá Giáp: “Bồi dưỡng cán bộ trẻ theo phong cách Hồ Chí Minh”, Tạp chí Tuyên giáo điện tử, ngày 16-9-2022, https://tuyengiao.vn/boi-duong-can-bo-tre-theo-phong-cach-ho-chi-minh-145385
(16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 283
(17) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 322
(18), (19) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 92, 41
(20) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 279
(21) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 158
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị gặp mặt và đối thoại với thanh niên  (26/03/2024)
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm và phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong công tác thanh niên  (25/03/2024)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Lễ khởi động Tháng Thanh niên và "Tết trồng cây" xuân Giáp Thìn 2024  (26/02/2024)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Kinh tế di sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay
- Giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế di sản từ góc nhìn quản trị vùng và địa phương
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay