Truyền thông chính trị trong bối cảnh chuyển đổi số ở nước ta hiện nay
TCCS - Truyền thông chính trị ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tạo sự đồng thuận xã hội; đơn giản hóa và giúp người dân tiếp cận nhanh chóng các vấn đề chính trị phức tạp. Trong bối cảnh phát triển của khoa học - công nghệ cũng như quá trình chuyển đổi số, hoạt động truyền thông chính trị ở Việt Nam được triển khai phù hợp, mang lại nhiều thay đổi tích cực; tuy nhiên, cũng nảy sinh nhiều khó khăn, thách thức, cần có những giải pháp mới, phù hợp thời gian tới.
Truyền thông chính trị trong bối cảnh mới ở nước ta
Truyền thông chính trị có thể được hiểu là quá trình các nhà lãnh đạo chính quyền, các cơ quan truyền thông và người dân tương tác, trao đổi, bàn bạc về nội dung những thông điệp hoặc đề xuất liên quan đến việc hình thành các chính sách công(1); các giai cấp, đảng phái, nhà nước cung cấp thông tin, giải thích, thuyết phục người dân ủng hộ, tán thành và tuân theo tư tưởng, chủ trương, đường lối trong những giai đoạn lịch sử cụ thể; có thể sử dụng nhiều hình thức, biện pháp khác nhau, như tuyên truyền miệng, tuyên truyền qua sách, báo,…(2) Truyền thông chính trị có sức mạnh to lớn trong việc tạo sự đồng thuận cũng như nâng cao nhận thức của người dân đối với hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền; thấu hiểu hơn các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần hoàn thiện quá trình phân tích, hoạch định và thực thi chính sách, kiến tạo sự phát triển của xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đúc kết: “Ta được lòng dân thì ta không sợ gì cả. Nếu không được lòng dân thì ta không thể làm tốt công tác”(3); “Được lòng dân, thì việc gì cũng làm được/Trái ý dân, thì chạy ngược chạy xuôi"(4). Thực tế, khi người dân không hiểu, không tin vào chủ trương, chính sách sẽ dẫn đến sự thờ ơ, không quan tâm thực hiện và những chủ trương, chính sách đó có nguy cơ thất bại trong thực tiễn; ngược lại, khi người dân thấu hiểu, có niềm tin thì quá trình hiện thực hóa các mục tiêu xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước sẽ thành công. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến mục đích, hiệu quả và chất lượng của hoạt động truyền thông, Người căn dặn: “Người tuyên truyền bao giờ cũng phải tự hỏi: Viết cho ai xem? Nói cho ai nghe? Nếu không vậy, thì cũng như cố ý không muốn cho người ta nghe, không muốn cho người ta xem”(5); khẳng định tuyên truyền là “đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại”(6). Lời căn dặn này của Người vẫn còn nguyên giá trị hiện nay, trong đó có nhiệm vụ đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động truyền thông chính trị.
Quá trình chuyển đổi số quốc gia hiện nay tác động đến sự phát triển trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội,...; đã và đang làm thay đổi mọi mặt của đời sống, trong đó có lĩnh vực thông tin, truyền thông chính trị. Thời gian qua, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã mang lại cho nước ta nhiều cơ hội để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đồng thời, tạo ra không ít khó khăn, thách thức, nhất là trong lĩnh vực truyền thông chính trị, áp lực phải thay đổi cách tiếp cận trong hoạch định và thực hiện chính sách, cũng như nâng cao vai trò của người dân. Hiện nay, Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có năng lực cạnh tranh quốc tế. Trong bối cảnh đó, lĩnh vực truyền thông chính trị có vai trò rất quan trọng và cũng chịu sự tác động đa chiều, thể hiện ở một số khía cạnh sau:
Thứ nhất, truyền thông chính trị là một quá trình bao gồm các bước: Chủ thể truyền thông (chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước, nhà lãnh đạo) thực hiện cung cấp thông tin cho các thiết chế truyền thông, sau đó, chuyển tải thông tin thành các thông điệp và phổ biến đến người dân. Đồng thời, người dân cũng tác động ngược trở lại và các thiết chế truyền thông cần có khoảng thời gian để phản hồi các nội dung mà người dân quan tâm. Trong bối cảnh chuyển đổi số, quá trình truyền thông chính trị diễn ra nhanh chóng, đòi hỏi các thiết chế truyền thông phải bắt nhịp nhanh với các phương thức, phương tiện và các loại hình truyền thông mới, theo hướng ngày càng hiện đại, hiệu quả, xóa nhòa ranh giới về thời gian, không gian hoặc vị trí địa lý.
Thứ hai, trước yêu cầu ngày càng cao của quá trình truyền thông chính trị, các thiết chế truyền thông cần xây dựng các chiến lược, kế hoạch thực hiện truyền thông khoa học. Bên cạnh đó, người dân được tiếp cận đa dạng hơn các nguồn thông tin, từ chính thống đến các phương tiện truyền thông mới, khiến nhận thức và năng lực tiếp nhận của người dân ngày càng được nâng cao, tác động mạnh mẽ đến quá trình truyền thông chính trị.
Hiện nay, các cơ quan báo chí chủ lực đã và đang xây dựng những phương thức hoạt động truyền thông chính trị ngày càng phù hợp, hiệu quả, cụ thể: Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) chú trọng tính nhanh nhạy, kịp thời phát hiện, đưa tin về những vấn đề mới, “nóng”, được công chúng trong và ngoài nước quan tâm, đồng thời, các chương trình, hoạt động của Đài luôn là cầu nối quan trọng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; Thông tấn xã Việt Nam bảo đảm cung cấp kịp thời thông tin thời sự về mọi mặt đời sống xã hội với nguồn tin chính thống được cập nhật liên tục, ngoài ra, chú trọng đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng bằng các sản phẩm truyền thông đa dạng, hấp dẫn trên nền tảng công nghệ hiện đại; trong khi đó, Báo Nhân dân vừa là kênh thông tin chính thống, chuẩn mực trong công tác tuyên truyền, có nhiều đóng góp trong các chương trình truyền thông chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, vừa chú trọng xây dựng chiến lược đa dạng hóa đối tượng bạn đọc thông qua các nền tảng số, như đưa vào ứng dụng đọc báo bằng định dạng PDF, đổi mới phương thức tiếp cận bạn đọc trên các phương tiện truyền thông xã hội theo tinh thần “nhân dân ở đâu, Báo Nhân dân ở đó”, chú trọng các chỉ số tương tác trên các nền tảng các phương tiện truyền thông xã hội, như Facebook, Youtube…
Thứ ba, việc tiếp cận, thấu hiểu thông điệp truyền thông của chủ thể truyền thông và người dân có sự khác biệt do vị trí và vai trò của nhà lãnh đạo và người dân là khác nhau. Trong bối cảnh của chuyển đổi số, quá trình trao đổi, nhận thức và tiếp cận thông tin của các chủ thể có độ “vênh” nhất định; đồng thời, khi tiếp nhận thông điệp truyền thông, người dân cũng dễ có sự so sánh với thông tin trên các phương tiện truyền thông xã hội khác. Do đó, đòi hỏi thông điệp của truyền thông chính trị phải có chất lượng, chiều sâu thông tin, gia tăng tính chính xác, chính thống.
Thứ tư, trong bối cảnh của công nghệ số, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị có nhiều phương thức, thủ đoạn ngày một tinh vi để chống phá Đảng và Nhà nước ta; do đó, truyền thông chính trị tốt sẽ góp phần đấu tranh hiệu quả với các thông tin xấu, độc, các quan điểm sai trái, thù địch, phòng, chống các hoạt động “diễn biến hòa bình”, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Để thích ứng với tình hình mới và tận dụng cơ hội mà quá trình chuyển đổi số mang lại, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm chủ động ứng dụng các thành tựu của khoa học - kỹ thuật hiện đại(7); xác định mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Nhà nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp(8). Bên cạnh đó, chuyển đổi số báo chí hướng đến mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin, tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; bảo đảm vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả, tạo nguồn thu mới, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số(9); bảo đảm hoạt động truyền thông chính sách, pháp luật cho người Việt Nam ở nước ngoài(10),…; từ đó, tạo tiền đề cho truyền thông chính trị có các điều kiện để tiếp tục phát triển, người dân được tiếp cận nhanh hơn, đa dạng hơn nguồn thông tin thông qua các phương tiện truyền thông mới, đặc biệt là truyền thông xã hội.
Những khó khăn, thách thức
Thứ nhất, các quy định của pháp luật về chuyển đổi số và báo chí, truyền thông đã được ban hành khá đầy đủ, như Luật Báo chí (năm 2016), Luật An ninh mạng (năm 2018), Luật Tiếp cận thông tin (năm 2016), Luật An toàn thông tin mạng (năm 2015),... và các văn bản dưới luật khác; quy định rõ khung hình phạt đối với các loại hình tội phạm chia sẻ thông tin xuyên tạc, bịa đặt, bôi xấu, gây ảnh hưởng tới danh dự, uy tín của tập thể, cá nhân. Tuy nhiên, hành lang pháp lý về lĩnh vực này vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, chưa bắt kịp và phù hợp với thực tiễn; việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật còn chậm trễ, quy trình áp dụng, xử lý các hành vi vi phạm còn thiếu chặt chẽ; cách hiểu và vận dụng pháp luật ở nhiều bộ, ngành, địa phương có sự khác nhau dẫn đến có biểu hiện “nhờn luật”.
Thứ hai, trong bối cảnh chuyển đổi số, các hoạt động của Đảng và Nhà nước hiện diện trên môi trường số, nên yếu tố cung cấp thông tin, truyền thông một cách nhanh chóng, thuận tiện và kịp thời là rất quan trọng, nhất là khi các dòng thông tin thay đổi liên tục, không phụ thuộc vào thời gian, không gian. Yêu cầu về tính đa dạng và tốc độ thông tin gây áp lực không nhỏ đối với các chủ thể truyền thông. Hiện nay, có khoảng 77 triệu người Việt Nam đang sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội (chiếm 97,8% dân số từ 13 tuổi trở lên); lượng người dùng cũng có xu hướng tăng nhanh (năm 2022 tăng 6,9% so với năm 2021) cho thấy tiềm năng to lớn của các phương tiện truyền thông xã hội, ngày càng có sự chiếm lĩnh không gian thông tin, kéo theo năng lực truyền thông chính trị rộng mở(11). Tuy nhiên, thông tin thiếu tính xác thực, độ bảo mật không cao... cũng đặt ra nhiều vấn đề trong truyền thông chính trị bằng các phương tiện truyền thông xã hội. Bên cạnh đó, việc tiếp nhận, phản hồi của người dân thông qua các phương tiện truyền thông xã hội của các cơ quan quản lý nhà nước, nhà lãnh đạo còn tương đối chậm và chưa hiệu quả.
Thứ ba, các cơ quan báo chí, truyền thông phải đối mặt với nhiều thách thức, sức ép lớn từ sự thay đổi về phương thức tổ chức, quản lý theo mô hình tòa soạn hội tụ, mô hình đa nền tảng và công nghệ; chuyển dịch phương thức truyền thông để tiếp cận đa dạng công chúng; thông qua ứng dụng công nghệ và kỹ thuật để định hướng, dẫn dắt công chúng, đặc biệt đối với các hoạt động mang tính định hướng như hoạt động truyền thông chính trị. Mặt khác, các loại hình báo chí, truyền thông mới ra đời, truyền thông xã hội có thể tiếp cận đại đa số công chúng một cách nhanh chóng, khiến việc cung cấp thông tin truyền thông nói chung, truyền thông chính trị nói riêng ở các thiết chế truyền thông truyền thống cũng gặp trở ngại, từ việc tổ chức, quản lý đến khâu phát hành trên các phương tiện truyền thông.
Thứ tư, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cơ quan báo chí còn chậm, đặc biệt là tuyên truyền đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận chính trị; công tác thông tin, tuyên truyền, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi chưa kịp thời, định hướng nội dung chưa rõ nét,... Nội dung và hình thức thông tin, tuyên truyền, đấu tranh còn thiếu hấp dẫn, chưa phù hợp với đối tượng truyền thông.
Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động truyền thông chính trị thời gian tới
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 28-CT/TW, ngày 16-9-2013, của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI, “Về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng”; Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Bộ Chính trị, “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”; Quyết định số 874/QĐ-BTTTT, ngày 17-6-2021, của Bộ Thông tin và Truyền thông, “Về việc ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội”; Chỉ thị số 12/CT-TTg, ngày 12-5-2021, của Thủ tướng Chính phủ, “Về tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng hoạt động truyền thông, báo chí phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; kịp thời chấn chỉnh và xử lý các vi phạm trong hoạt động báo chí, truyền thông”; Chỉ thị số 7/CT-TTg, ngày 21-3-2023, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách”,…; đặc biệt là Quyết định số 407/QĐ-TTg, ngày 30-3-2022, của Thủ tướng Chính phủ, về phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”, trong đó, nhấn mạnh cần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của công tác truyền thông dự thảo chính sách, đồng thời, hoàn thiện chính sách, thể chế về công tác truyền thông dự thảo chính sách,… Mặt khác, cần thống nhất quan điểm, chủ trương về truyền thông chính trị, trong đó, chú trọng tăng cường các nội dung tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; truyền thông bảo vệ Đảng, nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế,... Bên cạnh đó, truyền thông chính trị cần được coi là cơ sở để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần vào thành công chung trong nhiệm vụ nhận diện, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Thứ hai, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của hoạt động truyền thông chính trị; thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức, chất lượng hoạt động tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên các ấn phẩm báo chí, truyền thông và không gian mạng. Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nhận thức lý luận chính trị cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý, phóng viên, biên tập viên báo chí, truyền thông. Mặt khác, cần nâng cao vai trò của các cơ quan báo chí chủ lực, như Báo Nhân dân, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ,… trong truyền thông chính trị, truyền thông chính sách.
Thứ ba, tăng cường rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng như nghiên cứu các giải pháp quản lý truyền thông nói chung, truyền thông chính trị nói riêng, bảo đảm phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới; nâng cao chất lượng, quản lý chặt chẽ hoạt động và hiệu quả của nhà quản lý, nhà cung cấp dịch vụ và người dùng internet, mạng xã hội; phân định rõ chức năng, đối tượng, vai trò của báo chí điện tử, tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử,... Bên cạnh đó, xây dựng các thiết chế rà soát, xử lý thông tin sai lệch, bao gồm bảo đảm tính minh bạch thông tin; ban hành quy định pháp lý chặt chẽ, nghiêm minh về việc xử lý những đối tượng sản xuất, phát tán tin giả, tin không chính xác, gây thiệt hại cho cộng đồng.
Thứ tư, báo chí, truyền thông cần coi trọng, kiên trì thế giới quan, phương pháp luận khoa học và các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; truyền bá, phát triển hệ giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời, nghiên cứu, kế thừa tinh hoa giá trị và các thành tựu mới của nhân loại. Xây dựng chiến lược, nội dung truyền thông chính trị toàn diện, thường xuyên và lâu dài, sử dụng nhiều loại hình báo chí, truyền thông khác nhau, cách thức thể hiện nội dung hấp dẫn, thuyết phục. Các cơ quan báo chí lớn dựa trên tiềm lực về công nghệ và mạng lưới phóng viên, cộng tác viên chủ động tham gia xây dựng các dự án kiểm chứng thông tin, góp phần phục vụ hiệu quả công tác truyền thông chính trị; nâng cao trách nhiệm, nhận thức trong phát hiện tin giả, tin xấu, độc, tin chống phá Đảng và Nhà nước, từ đó, giúp người dân hiểu rõ tác hại của tin giả và có ý thức tránh phát tán, chia sẻ những nội dung sai lệch.
Thứ năm, các cơ quan báo chí, truyền thông phát huy vai trò dẫn dắt thông tin chính thống, định hướng dư luận xã hội tích cực, góp phần nâng cao nhận thức chính trị, hiểu biết xã hội, gia tăng sức “đề kháng” trước các quan điểm sai trái, thù địch trong các tầng lớp nhân dân, cộng đồng mạng; đồng thời, thông điệp truyền thông đưa ra cần định hướng người dân vào những suy nghĩ, cách nhìn tích cực, ngôn ngữ sử dụng nên rõ ràng, tránh bị suy diễn(12). Bên cạnh đó, tích cực đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền hấp dẫn, nhanh chóng, chính xác; cập nhật, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ kỹ thuật, phương tiện đấu tranh hiện đại, nhất là các tiện ích mới nhằm thu hút công chúng tham gia chia sẻ; chú trọng xây dựng hệ thống thiết chế, phương tiện, kỹ thuật đủ mạnh, đủ khả năng tham gia và cạnh tranh với các tập đoàn truyền thông trên thế giới./.
-----------------------
(1) Xem: Nguyễn Thu Trang: “Kinh nghiệm truyền thông chính trị ở một số quốc gia và gợi ý tham khảo đối với Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản, số 956, tháng 12 - 2020, tr. 105
(2) Xem: Cao Thu Hằng - Lê Trọng Tuyến: “Nâng cao hiệu quả sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội trong tuyên truyền chính trị ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 20-12-2022, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/826922/nang-cao-hieu-qua-su-dung-cac-phuong-tien-truyen-thong-xa-hoi%C2%A0trong-tuyen-truyen-chinh-tri-o-viet-nam-hien-nay.aspx
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 142
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sdđ, t. 8, tr. 163
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sdđ, t. 5, tr. 340
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 191
(7) Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27-9-2019, của Bộ Chính trị, “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”; Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3-6-2020, của Thủ tướng Chính phủ, “Về phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030”; Quyết định số 348/QĐ-TTg, ngày 6-4-2023, của Thủ tướng Chính phủ, “Về phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”,…
(8) Xem: Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3-6-2020, của Thủ tướng Chính phủ, “Về phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030”
(9) Xem: Quyết định số 348/QĐ-TTg, ngày 6-4-2023, của Thủ tướng Chính phủ, “Về phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”
(10) Xem: Quang Minh: “Tăng cường truyền thông chính sách cho người Việt Nam ở nước ngoài”, Báo Nhân dân, ngày 21-6-2023, https://nhandan.vn/tang-cuong-truyen-thong-chinh-sach-cho-nguoi-viet-nam-o-nuoc-ngoai-post736617.html
(11) Xem: Nguyễn Thị Trường Giang - Nguyễn Thị Thu: “Sử dụng mạng xã hội trong truyền thông chính trị ở Việt Nam”, Tạp chí Lý luận chính trị điện tử, ngày 9-9-2022, http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/dien-dan/item/4465-su-dung-mang-xa-hoi-trong-truyen-thong-chinh-tri-o-viet-nam.html
(12) Xem: Nguyễn Thu Trang: “Kinh nghiệm truyền thông chính trị ở một số quốc gia và gợi ý tham khảo đối với Việt Nam”, Tldđ, tr. 110
Chuyển đổi số để phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng đa chức năng, kinh tế tuần hoàn  (15/06/2023)
Chiến lược chuyển đổi số các dịch vụ công của Pháp trong bối cảnh phục hồi kinh tế, thích ứng an toàn sau đại dịch COVID-19 và một số gợi mở đối với Việt Nam  (15/06/2023)
Hà Nội chú trọng truyền thông tạo đồng thuận xã hội (kỳ 3): Tránh cứng nhắc, rập khuôn để tạo hiệu quả  (12/06/2023)
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên
- Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW
- Kỳ họp thứ 51 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
- Ngày Nhà giáo Việt Nam: Tổng Bí thư Tô Lâm dự gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục
- Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Dân vận Trung ương
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp