Tư tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân: Giá trị lý luận và thực tiễn
TCCS - “Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân” đã trở thành di sản tinh thần thiêng liêng, quý giá, luôn được các thế hệ Công an nhân dân quán triệt, học tập, thực hành một cách nghiêm túc, tự giác; là cội nguồn sức mạnh, động lực tinh thần to lớn cổ vũ, động viên lực lượng Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, góp phần xuất sắc vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
1- Công an Việt Nam là Công an nhân dân (CAND) từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc. Ra đời trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 (ngày 19-8-1945), được Đảng và Bác Hồ chăm lo giáo dục, rèn luyện; được nhân dân hết lòng tin yêu, giúp đỡ, lực lượng CAND đã thể hiện bản chất anh hùng, bản lĩnh kiên cường, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, lập nên nhiều chiến công hiển hách, khẳng định được vị thế, vai trò nòng cốt trong nhiệm vụ bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đóng góp rất quan trọng vào việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, mở rộng quan hệ đối ngoại của đất nước, nâng cao vị thế dân tộc trên trường quốc tế...
Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc ta, người cha thân yêu của lực lượng CAND, đã để lại cho lực lượng CAND di sản vô giá có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc về công tác chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, mà tiêu biểu trong đó là “Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân”. Theo đó, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra gay go, ác liệt; để động viên, khích lệ tinh thần chiến đấu, xây dựng và rèn luyện đội ngũ cán bộ, chiến sĩ CAND, tháng 3-1948, trong thư gửi đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an khu XII, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra tư cách của người Công an cách mạng là: “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính. Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ. Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành. Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép. Đối với công việc, phải tận tụy. Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”(1).
“Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân” là một chỉnh thể thống nhất, hàm chứa những giá trị tư tưởng, cách mạng, đạo đức nhân văn cao quý; không chỉ có giá trị lịch sử to lớn, mà còn có giá trị thời đại; là di sản tinh thần vô giá, là chuẩn mực về đạo đức, phong cách, phương châm hành động và thái độ ứng xử có ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với toàn lực lượng và mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND, là “kim chỉ nam” chỉ dẫn, định hướng về tư tưởng và hành động của lực lượng CAND nói chung, của mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND nói riêng trong rèn luyện, học tập, công tác, chiến đấu, cần được tiếp tục vận dụng một cách sáng tạo trong điều kiện hiện nay.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức vừa mang tính bao quát, vừa phù hợp với từng đối tượng, lực lượng cụ thể. Người cho rằng, cần, kiệm, liêm, chính là 4 đức tính cần có của người cán bộ cách mạng nói chung và người cán bộ, chiến sĩ CAND nói riêng. Cần “là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai”(2), không lười biếng, ngại khó, ngại khổ, làm việc qua loa, đại khái; Cần còn là làm việc một cách thông minh, sáng tạo, có kế hoạch, khoa học và hiệu quả. Kiệm “là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”(3), phải tiết kiệm từ cái nhỏ đến cái lớn, không phô trương hình thức, không lãng phí thời gian, của cải của mình và của nhân dân. Cần và Kiệm phải đi đôi với nhau, bởi cần mà không kiệm thì như gió vào nhà trống, như nước đổ vào thùng không đáy. Liêm “là trong sạch, không tham lam”(4), sống trong sạch, lành mạnh, quang minh, chính đại, không tham chức quyền, địa vị, không tham ô, tham nhũng, tiêu cực. Chính là việc phải, việc đúng, việc nghĩa, việc thiện; người cán bộ công an luôn ủng hộ và bảo vệ cái đúng, cái thiện, tôn trọng lẽ phải, làm theo lẽ phải, đấu tranh bảo vệ lẽ phải, chống mọi biểu hiện bàng quan, vô trách nhiệm, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh.
Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, chiến sĩ CAND luôn đề cao và coi trọng nghề nghiệp của mình; muốn thế, trước hết cần rèn luyện đạo đức làm người, biểu hiện ở lòng thương yêu, quý trọng con người một cách thấu tình, đạt lý, sống với nhau có nghĩa có tình, có lòng nhân ái vị tha, giúp đỡ đồng đội, đồng sự vượt qua khó khăn, khắc phục mọi khuyết điểm, hạn chế, yếu kém để vươn lên cùng nhau tiến bộ và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, người cán bộ, chiến sĩ CAND phải tuyệt đối trung thành với Chính phủ cũng đồng nghĩa với tuyệt đối trung thành với Đảng. Bởi lẽ, Chính phủ của ta là Chính phủ của nhân dân, có nhiệm vụ tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng. Công an nhân dân là công cụ chuyên chính sắc bén của Đảng và Nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân; vì vậy, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Chính phủ là một yêu cầu, một nguyên tắc không thể thiếu trong phẩm chất của người cán bộ, chiến sĩ CAND.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, chiến sĩ CAND cần hiểu rõ, “làm công an không phải là làm quan cách mạng”, làm công an là để giữ gìn trật tự, an ninh cho nhân dân, mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân. Người thường xuyên căn dặn cán bộ, chiến sĩ CAND: “Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép”(5), hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu, dựa vào nhân dân mà làm việc, có như vậy, CAND mới xứng đáng là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Công an nhân dân là con em của nhân dân; vì vậy, kính trọng, lễ phép với nhân dân, xưng hô, ứng xử đúng mực với nhân dân, có trách nhiệm với nhân dân, lắng nghe ý kiến góp ý của nhân dân để hoàn thiện bản thân, mỗi ngày làm nhiều việc tốt vì nhân dân, “gần dân, hiểu dân, trọng dân, tin dân, dựa vào nhân dân” là quan điểm, thái độ, nguyên tắc xử thế của cán bộ, chiến sĩ CAND.
Đối với công việc, Người luôn yêu cầu cán bộ, chiến sĩ CAND phải tận tụy, toàn tâm, toàn ý, hết lòng, hết sức với công việc; luôn xây dựng ý thức làm việc tự giác, có kỷ luật, kỷ cương, có trách nhiệm; thường xuyên đổi mới, cải tiến phương pháp làm việc, hình thành tác phong làm việc chu đáo, nền nếp, cẩn thận, có tính khoa học và hiệu quả thiết thực.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, trong thực tiễn công tác, lực lượng CAND phải luôn giữ vững nguyên tắc: “Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”. Cương quyết, khôn khéo là hai yêu cầu, hai nội dung, hai mặt của một vấn đề có mối quan hệ biện chứng với nhau, tác động, bổ sung qua lại lẫn nhau. Cương quyết đối với địch là thể hiện tinh thần, ý chí sắt đá, thái độ cứng rắn, quyết đoán, không khoan nhượng, thà hy sinh chứ nhất định không lùi bước trước bất kỳ kẻ thù nào. Còn khôn khéo là cách ứng xử thông minh, nhanh nhẹn, linh hoạt, sáng tạo của người cán bộ, chiến sĩ CAND với địch. Sự cương quyết và khôn khéo không thể tách rời nhau, cương quyết phải dựa trên cơ sở khôn khéo; ngược lại, sự khôn khéo là để giữ vững sự cương quyết, là cách thức, phương pháp thể hiện sự cương quyết. Đây là cách đánh bại kẻ địch mang tầm chiến lược, là nghệ thuật đánh địch mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dạy cho lực lượng CAND.
“Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân” là nền tảng tư tưởng, “kim chỉ nam” cho công cuộc xây dựng lực lượng CAND vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.
Để xây dựng lực lượng CAND vững về chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chính trị là linh hồn, chuyên môn là cái xác. Có chuyên môn mà không có chính trị thì chỉ còn cái xác không hồn”(6). Do tính chất hoạt động đặc thù của lực lượng CAND nên phải thường xuyên giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng về nhiệm vụ chính trị của mình, củng cố niềm tin, sự kiên định, lòng trung thành với Đảng, giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo CAND tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt; mỗi cán bộ, chiến sĩ phải xây dựng lý tưởng, mục tiêu phấn đấu, gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện, thực hiện lời dạy của Người: “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính”.
Đặc biệt chú trọng xây dựng lực lượng CAND về tư tưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đây là cơ sở để xây dựng lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, là nền móng để xây dựng lực lượng CAND đoàn kết, thống nhất, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Người khẳng định: “Về tư tưởng, nhất định phải học tập lý luận Mác - Lênin... giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất của Đảng, phải kiên quyết chống cái thói xem nhẹ tư tưởng”(7). Theo Người: “... mỗi cán bộ công an phải cố gắng, gương mẫu trong học tập, trong công tác, gương mẫu về đạo đức cách mạng”(8); thường xuyên nâng cao tính tổ chức, đề cao kỷ luật, tinh thần cảnh giác cách mạng, dũng cảm, mưu trí, đối với địch phải “cương quyết, khôn khéo”.
Xây dựng lực lượng CAND về tổ chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu xây dựng bộ máy CAND tinh, gọn, thiết thực, coi trọng tính hiệu quả, tiết kiệm; “Cách tổ chức công an phải giản đơn, thiết thực, tránh cái tệ quá hình thức, giấy má”(9). Đồng thời, Người nhấn mạnh tập trung xây dựng lực lượng CAND vững về chuyên môn, giỏi về nghiệp vụ, am hiểu trên mọi lĩnh vực, bộ máy công an phải trong sạch là nhiệm vụ cấp thiết và chỉ rõ: “... phải xây dựng một bộ máy công an rất tốt, rất chắc chắn. Ai phải xây dựng? Mỗi một cán bộ công an đều có trách nhiệm vào đấy”(10).
Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải chăm lo xây dựng bộ máy công an ở địa phương, biên giới, hải đảo: “Phải củng cố thật tốt công an khu phố, huyện và xã. Đó là những cơ sở của công an”(11). Để xây dựng bộ máy công an thật sự trong sạch, luôn phải nêu cao “cần, kiệm, liêm, chính”, xây dựng bộ máy công an đoàn kết, có lề lối làm việc dân chủ; tăng cường công tác quản lý, thường xuyên kiểm tra, giám sát, giúp đỡ cán bộ, phòng ngừa sai phạm. Người yêu cầu: “Lề lối làm việc phải dân chủ. Cấp trên phải thường kiểm tra cấp dưới. Cấp dưới phải phê bình cấp trên. Giúp nhau kinh nghiệm và sáng kiến, giúp nhau tiến bộ. Tự phê bình và phê bình nhau theo tinh thần thân ái và lập trường cách mệnh”(12).
Xây dựng lực lượng CAND về đạo đức: Người nhấn mạnh đạo đức là gốc, là nhân cách của người công an cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa, thì không thành trời. Thiếu một phương, thì không thành đất. Thiếu một đức, thì không thành người”(13). Trong tư cách người công an cách mạng, điều đầu tiên Người nhắc đến là: “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính”. Đây là phẩm chất đạo đức cốt lõi trong hệ thống chuẩn mực đạo đức, là một trong những điều kiện để cán bộ, chiến sĩ công an nâng cao tri thức, nêu cao kỷ luật, tính tổ chức, làm gương cho cấp dưới, gương mẫu trước nhân dân, một lòng một dạ vì nước quên thân, vì dân phục vụ.
Học tập, thấm nhuần “Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân”, 74 năm qua (1948 - 2022) lực lượng CAND đã nỗ lực phấn đấu, xây dựng, chiến đấu và trưởng thành về mọi mặt, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trong mọi tình huống.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, thực hiện lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”(14), lực lượng CAND tuy còn non trẻ, nhưng đã đoàn kết thống nhất, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, các tầng lớp nhân dân, sát cánh cùng Quân đội nhân dân dũng cảm chiến đấu, lập nhiều chiến công oanh liệt, đập tan mọi âm mưu phá hoại của địch, giữ vững an ninh, trật tự vùng tự do, các khu căn cứ, bảo vệ tuyệt đối an toàn các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước, tổ chức lực lượng đánh sâu vào vùng địch tạm chiếm, phá tề, trừ gian, diệt ác, trấn áp kịp thời bọn phản cách mạng... góp phần quan trọng làm nên chiến thắng trên các chiến trường, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước, ở miền Bắc lực lượng CAND đã thực hiện tốt nhiệm vụ giữ vững an ninh, trật tự, bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; đánh bại chiến tranh gián điệp, biệt kích của Mỹ - Ngụy phá hoại miền Bắc; tích cực chi viện cho chiến trường miền Nam. Ở miền Nam, lực lượng an ninh cách mạng sớm được hình thành và không ngừng củng cố, phát triển, kiên cường bám trụ, bám đất, bám dân, diệt ác, phá kìm, tổ chức công tác điệp báo, tình báo, đấu tranh làm thất bại các kế hoạch tình báo, gián điệp, các hoạt động “bình định”, “chiêu hồi” của địch; bảo vệ các phong trào quần chúng, căn cứ địa kháng chiến, bảo vệ các cơ quan lãnh đạo; chiếm lĩnh, tiếp quản các cơ quan tình báo, cảnh sát của địch ở vùng mới giải phóng, triệt phá các tổ chức địch “cài cắm” vào nội bộ ta, góp phần đánh bại các chiến lược chiến tranh của địch, làm nên những chiến thắng vang dội, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Tổ quốc thống nhất, non sông thu về một mối, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội rất phức tạp, nhất là vùng mới giải phóng. Trước tình hình đó, lực lượng CAND đã gắn bó mật thiết với nhân dân, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, các cấp, các ngành, đấu tranh làm thất bại chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch, trấn áp kịp thời các loại tội phạm, làm tốt vai trò nòng cốt, xung kích trên mặt trận bảo vệ an ninh, trật tự, cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định cuộc sống của nhân dân. Trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, cán bộ, chiến sĩ CAND đã kề vai, sát cánh cùng bộ đội và nhân dân các tỉnh biên giới dũng cảm chiến đấu chống quân xâm lược, giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc; hỗ trợ, giúp đỡ lực lượng công an non trẻ của nước bạn với tinh thần quốc tế cao cả.
Bước vào thời kỳ đổi mới, bối cảnh đất nước hết sức khó khăn, tình hình quốc tế, khu vực diễn biến phức tạp, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, các thế lực thù địch ra sức đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, phi chính trị hóa lực lượng vũ trang, trong đó có lực lượng CAND. Trước tình hình đó, lực lượng CAND đã chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu cho Đảng và Nhà nước nhiều chủ trương, quyết sách có ý nghĩa chiến lược về an ninh, lợi ích quốc gia, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng quan hệ đối ngoại của đất nước; chủ động phát hiện, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động kích động gây rối an ninh, trật tự, gây bạo loạn ở các vùng chiến lược, các thành phố lớn; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ đắc lực sự nghiệp đổi mới của đất nước.
2- Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết các Đại hội Đảng và các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an đã có nhiều chủ trương, kế hoạch, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng CAND đẩy mạnh việc học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy gắn với việc học tập và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Trung ương về xây dựng Đảng. Ngành công an đã tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”... Ngành tổ chức thực hiện thường xuyên việc tự soi, tự sửa, tự nhận diện biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; xây dựng phong cách, tác phong người đứng đầu của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định có liên quan về trách nhiệm nêu gương(15).
Bộ Công an đã gương mẫu, đi đầu trong điều chỉnh, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 15-3-2018, của Bộ Chính trị, về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị định số 01/2018/NĐ-CP, ngày 6-8-2018, của Chính phủ, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an, theo hướng “Bộ tinh gọn, tỉnh vững mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”. Đối với cơ quan Bộ, từ 6 Tổng cục, 2 Bộ tư lệnh, 8 đơn vị trực thuộc Bộ và 103 đơn vị cấp Cục, đã được sắp xếp lại thành 48 đơn vị trực thuộc Bộ, 4 Bệnh viện CAND và 11 học viện, trường CAND; sáp nhập 20 cảnh sát phòng cháy, chữa cháy cấp tỉnh vào Công an tỉnh; sắp xếp lại tổ chức bộ máy bảo đảm “một việc chỉ một người làm”, “một việc chỉ do một cơ quan chủ trì thực hiện”, “một người làm nhiều việc”, và triển khai thực hiện khung tiêu chuẩn, tiêu chí, bố trí cán bộ theo 4 cấp công an. Đến nay, ngành đã bố trí đủ 100% là công an chính quy đảm nhận chức danh công an xã, thị trấn, bước đầu đem lại hiệu quả tích cực, tình hình an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở được bảo đảm và có những chuyển biến rõ rệt. Tính đến ngày 14-8-2022, Công an 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã bố trí được 49.664 cán bộ/8.864 Công an xã, thị trấn (trung bình mỗi xã, thị trấn bố trí 5,6 cán bộ); về chức vụ: Có 8.538 trưởng Công an xã, thị trấn; 10.375 phó trưởng Công an xã, thị trấn; 30.751 công an viên.
Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã chỉ đạo xây dựng, bổ sung, hoàn thiện quy định, quy trình, quy chế và tiêu chí nêu gương trong lực lượng CAND; yêu cầu cam kết, giao ước thực hiện tiêu chí gương mẫu của người lãnh đạo, chỉ huy trong việc giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, tu dưỡng, rèn luyện “Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân”. Qua thực tiễn công tác đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hy sinh “thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi, lấy hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui, lẽ sống của mình”. Cụ thể, trong cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19, niềm tin của nhân dân vào lực lượng CAND ngày càng được khẳng định, khi hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ bị lây nhiễm trong khi thực hiện nhiệm vụ, 11 đồng chí đã hy sinh, trong đó có những đồng chí tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ; đối với lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, trong 5 năm (2017 - 2021) có 8 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh và nhiều đồng chí bị thương trong khi làm nhiệm vụ; trong cuộc đấu tranh chống tội phạm về ma túy có 27 cá nhân là cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng CAND, bộ đội biên phòng và quần chúng nhân dân đã hy sinh, hơn 700 đồng chí bị thương hoặc bị phơi nhiễm HIV.
Trong thực hiện nhiệm vụ được giao, lực lượng CAND đã chủ động nắm, đánh giá, dự báo tình hình, kịp thời tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp đề ra các chủ trương, giải pháp quan trọng, chiến lược về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống các thế lực thù địch, phản động; không để xảy ra khủng bố, bạo loạn, hình thành các tổ chức chính trị đối lập trong nội địa, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Ngành đã kiên quyết đấu tranh, trấn áp kịp thời các loại tội phạm, nhất là tội phạm về kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trên tinh thần “Thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường hòa bình, ổn định, an toàn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngành chủ động xây dựng và thực hiện các phương án bảo vệ an toàn đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng; bảo vệ an toàn bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026; triển khai thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19. Nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số trong ngành Công an được đẩy mạnh thực hiện theo đúng chương trình, kế hoạch. Bên cạnh đó, ngành cũng tập trung đầu tư trang thiết bị, hiện đại hóa một số lực lượng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Hiện nay và trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp với nhiều vấn đề mới nảy sinh, tác động trực tiếp đến độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh, trật tự của đất nước. Trước tình hình đó, để bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước; lực lượng CAND kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, trấn áp kịp thời các loại tội phạm, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân. Ngành công an nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, đến năm 2025 về cơ bản xây dựng lực lượng tinh gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu đến năm 2030 xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16-3-2022, của Bộ Chính trị, “Về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề và cấp thiết, đòi hỏi Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an phải tập trung xây dựng nhiều đề án tổng thể, với lộ trình và bước đi phù hợp, cụ thể, trên từng lĩnh vực công tác; chuẩn bị chu đáo về nhân lực, vật tư, thiết bị, tài chính... để tổ chức thực hiện thành công những nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16-3-2022, của Bộ Chính trị đề ra cho lực lượng CAND từ nay đến năm 2030. Về lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng, xây dựng người Công an cách mạng theo Sáu điều Bác Hồ dạy, lực lượng CAND cần tập trung triển khai thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trước mắt như sau:
Một là, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với công tác công an và xây dựng lực lượng CAND. Tiếp tục học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16-3-2022, của Bộ Chính trị. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào “Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy” gắn chặt với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII của Đảng, gắn với phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”, thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Định kỳ tổ chức liên hệ, kiểm điểm việc tự soi, tự sửa, nhận diện 27 biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã chỉ ra, gắn với kiểm điểm việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và “Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân”, Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””. Lấy kết quả đó làm một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá, phân loại cán bộ, đảng viên hằng năm, nhất là đánh giá cán bộ để quy hoạch, luân chuyển, điều động, đào tạo, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ.
Chú trọng tuyên truyền những tấm gương mưu trí, dũng cảm trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm; những tấm gương tận tụy trong học tập, công tác, vì nhân dân phục vụ; những tấm gương liêm khiết, hình ảnh đẹp của người cán bộ, chiến sĩ CAND trong cuộc sống. Tập trung xây dựng, củng cố các tổ chức đảng trong CAND trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; đề cao trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là năng lực tổ chức học tập, quán triệt và thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của ngành Công an.
Hai là, xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy Bộ Công an khoa học, hợp lý, chính quy, hiện đại; tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường tính chất vũ trang, tính kỷ cương, kỷ luật; bảo đảm thống nhất quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp và đặt trong tổng thể về kiện toàn tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, nhưng không hành chính hóa hoạt động của lực lượng CAND. Bố trí lực lượng, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ và lãnh đạo, chỉ huy, cơ cấu biên chế trong nội bộ một cách hợp lý, bảo đảm nguyên tắc “một việc chỉ một đơn vị chủ trì thực hiện”, theo hướng “Bộ tinh gọn, tỉnh vững mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, tăng cường cho lực lượng trực tiếp chiến đấu, hướng về cơ sở và chính quy hóa lực lượng công an xã, thị trấn.
Ba là, tập trung tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ, bảo đảm có nguồn nhân lực trình độ cao, năng lực toàn diện, tinh thông nghiệp vụ, có tư duy chiến lược, chiến thuật sắc sảo, tác phong chuyên nghiệp, khả năng làm chủ và sử dụng thành thạo các loại phương tiện được trang bị; đủ trình độ ngoại ngữ, kiến thức phục vụ công tác công an thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục - đào tạo, đổi mới công tác tuyển sinh, điều chỉnh nội dung, chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu sử dụng cán bộ; nghiên cứu xây dựng mô hình đại học thông minh, sử dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào phục vụ giảng dạy và huấn luyện. Tập trung nghiên cứu và ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ trong các lĩnh vực của ngành công an, nhất là công nghệ số, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo; xây dựng các dự án trọng điểm, cấp bách để đưa một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại.
Bốn là, đổi mới mạnh mẽ về nội dung, phương pháp học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh theo hướng phù hợp với từng đối tượng, phát huy tính tự giác, tinh thần trách nhiệm, thường xuyên tự học tập, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị và phương pháp công tác của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, nhất là thanh niên CAND. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống; xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ CAND tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, có lập trường tư tưởng vững vàng, có đạo đức cách mạng trong sáng, có trình độ cao về chuyên môn, nghiệp vụ, nắm vững pháp luật, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc học tập và thực hiện “Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân”, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các tập thể và cá nhân vi phạm. Định kỳ 3 năm, 5 năm tiến hành sơ kết, tổng kết, đề xuất khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào “Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy” nhằm nhân rộng điển hình tiên tiến, tạo sức lan tỏa sâu, rộng trong toàn lực lượng làm cho việc học tập, thực hiện “Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân” ngày càng có chất lượng và hiệu quả hơn.
Năm là, tiếp tục tổng kết, đổi mới lý luận xây dựng lực lượng CAND. Trên cơ sở những thành tựu nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về CAND, ngành tập trung xây dựng, phát triển, hoàn thiện hệ thống lý luận về xây dựng lực lượng CAND, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cấp ủy, lãnh đạo công an các cấp và toàn thể cán bộ, chiến sĩ. Đây là cơ sở khoa học, định hướng đúng đắn cho công tác xây dựng lực lượng trong toàn ngành, góp phần bổ sung, phát triển lý luận bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trong thời kỳ mới. Theo đó, nội dung cơ bản là phải đổi mới sâu sắc, toàn diện công tác nghiên cứu lý luận xây dựng lực lượng CAND trong thời kỳ đổi mới và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, nâng tầm nhận thức, trình độ lý luận cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, trước hết và đặc biệt là người đứng đầu công an các đơn vị, địa phương./.
--------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 498 – 499
(2), (3), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 118, 122, 126
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 499
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 269
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 279
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 250
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 312
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 250
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 72
(12), (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 312, 117
(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 534
(15) Như: Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7-6-2012, của Ban Bí thư; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016, của Bộ Chính trị và Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương, về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”; Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23-9-2019, của Bộ Chính trị, “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”; Quy định số 136-QĐ/ĐUCA, ngày 6-8-2012 và Quy định số 01-QĐi/ĐUCA, ngày 28-1-2019, của Đảng ủy Công an Trung ương, “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Ủy viên Ban Thường vụ và người đứng đầu Công an các đơn vị, địa phương”
Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở Việt Nam hiện nay  (19/04/2023)
Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở Việt Nam hiện nay  (19/04/2023)
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, hợp tác quốc tế trong đường lối đối ngoại của Việt Nam hiện nay  (19/04/2023)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện của Đảng
- “Chạm thẻ JCB, vi vu Nhật Bản miễn phí” cùng VietinBank
- Tám mươi năm “Linh hồn, mạch sống của quân đội cách mạng”
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp