Đảng bộ thành phố Hà Nội quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện thật tốt các định hướng chỉ đạo trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác cán bộ
TCCS - Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng bao gồm hệ thống các quan điểm, tư tưởng, giải pháp, phương châm chỉ đạo xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trong đó, tư duy của Đảng về công tác cán bộ có nhiều nội dung mới, quan trọng, thể hiện tính định hướng chỉ đạo sâu sắc để các cấp ủy, tổ chức đảng tổ chức thực hiện hiệu quả trong thực tiễn. Quán triệt sâu sắc những định hướng chỉ đạo đó, Đảng bộ thành phố Hà Nội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác tổ chức thực hiện thật tốt, đặt công tác cán bộ một cách xứng tầm, thực sự là công việc “then chốt của then chốt”.
Định hướng chỉ đạo của Đại hội XIII của Đảng về công tác cán bộ
Với tư duy, tầm nhìn phát triển, Đại hội XIII của Đảng đã phát triển thêm nhận thức về cấu trúc công tác xây dựng Đảng, trong đó tách việc xây dựng đội ngũ cán bộ thành một mặt cơ bản, cùng với các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức để tạo thành một chỉnh thể toàn diện, hoàn chỉnh trong cấu trúc công tác xây dựng Đảng. Trong phương hướng, nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ mới, Đại hội XIII của Đảng yêu cầu: “Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ” (1). Điều này cho thấy những nhận thức mới, cũng như quyết tâm của Đảng trong thực hiện xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu cách mạng trong thời kỳ mới.
Xây dựng đội ngũ cán bộ vốn là một nội dung lớn trong xây dựng Đảng về tổ chức; bởi vì, cán bộ và tổ chức có mối liên hệ hữu cơ, mật thiết, tác động qua lại với nhau. Tổ chức do con người hình thành nên, là sản phẩm của con người, nên ở một mức độ nào đó phụ thuộc vào trình độ năng lực chuyên môn, khả năng hoạt động thực tiễn của con người. Nhưng khi đã hình thành xong, có được hình thái chính thức, tổ chức quay lại quy định chính hoạt động của con người. Tổ chức đặt ra mục tiêu, cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động… và yêu cầu mỗi người phải hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ trong khuôn khổ “guồng máy” của tổ chức. Khi đó, tổ chức đóng vai trò điều khiển con người, phối hợp hoạt động giữa các nhóm người để tạo nên sức mạnh của tổ chức. Khả năng và hiệu suất hoạt động của mỗi cá nhân phụ thuộc phần lớn vào cách thức tổ chức và hoạt động của tổ chức. Sự sắp xếp mỗi người vào những vị trí không phù hợp với năng lực, sở trường hay không thiết lập được mối quan hệ hợp tác công việc giữa các cá nhân hay các bộ phận, đều làm ảnh hưởng không chỉ đến hiệu quả công việc, mà còn tới sự phát triển của mỗi cá nhân trong tổ chức. Chính vì lẽ đó, trong nhiều nhiệm kỳ đại hội, Đảng ta luôn lồng ghép công tác cán bộ là một nội dung lớn trong công tác xây dựng Đảng về tổ chức, coi đây là hai nhiệm vụ cần được thực hiện đồng thời, cùng lúc.
Đến giai đoạn hiện nay, từ kinh nghiệm lịch sử của các đảng cộng sản cầm quyền; từ kinh nghiệm thành công và chưa thành công của Đảng ta; từ yêu cầu của tình hình mới đối với đội ngũ cán bộ; từ tình hình đội ngũ cán bộ đang trong thời kỳ chuyển giao thế hệ sang lớp cán bộ trưởng thành trong điều kiện đất nước hòa bình, vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ trở thành nhiệm vụ cấp bách và đặc biệt quan trọng, đòi hỏi phải tách ra, nhấn mạnh, tạo sự thống nhất nhận thức, trách nhiệm trong toàn Đảng đối với nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ và tập trung nguồn lực cho nhiệm vụ này. Nhận thức sâu sắc yêu cầu, nhiệm vụ trên, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nâng tầm công tác cán bộ trở thành một mặt trong cấu trúc chỉnh thể gồm 5 mặt của công tác xây dựng Đảng, bao gồm tư tưởng, chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Đồng thời, Đại hội XIII cũng xác định rõ phương hướng: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Xây dựng, hoàn thiện chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài; có cơ chế bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm” (2). Có thể thấy, Đảng ta đã đổi mới mạnh mẽ tư duy về cán bộ và công tác cán bộ, đưa ra định hướng, chủ trương, đường lối về công tác cán bộ một cách toàn diện, đồng bộ để bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, đáp ứng nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài.
So với Đại hội XII, Đại hội XIII bổ sung một số nhiệm vụ, giải pháp mới trong xây dựng Đảng về cán bộ, cụ thể là:
Thứ nhất, về yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, Đại hội XIII xác định: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Hoàn thiện thể chế, quy định về công tác cán bộ, tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí, cơ chế đánh giá cán bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết” (3).
Thứ hai, về trách nhiệm của người đứng đầu và kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, Đại hội nhấn mạnh yêu cầu: “Xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; xử lý nghiêm minh, đồng bộ kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật đối với cán bộ có vi phạm, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu” (4).
Thứ ba, về cơ chế, chính sách, Đại hội yêu cầu: “Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo động lực cho cán bộ phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc. Coi trọng và làm tốt công tác bảo vệ cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ. Kiên quyết phòng, chống các biểu hiện bè phái, “lợi ích nhóm” và lợi dụng các phương tiện thông tin đại chúng để xuyên tạc sự thật, kích động, gây rối, chia rẽ làm mất đoàn kết nội bộ” (5).
Những quan điểm của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ được nêu trong các Văn kiện Đại hội XIII chính là những định hướng, những quan điểm có tính chất chỉ đạo đòi hỏi các cấp, các ngành và toàn thể cán bộ, đảng viên phải nhận thức đầy đủ và nêu cao tinh thần trách nhiệm, cùng tham gia công tác xây dựng Đảng về cán bộ để góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới.
Đảng bộ thành phố Hà Nội lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác cán bộ theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
Đảng bộ thành phố Hà Nội có bề dày truyền thống cách mạng vẻ vang 92 năm xây dựng và trưởng thành. Hiện nay, Đảng bộ Hà Nội là đảng bộ lớn nhất cả nước, với 50 đảng bộ cấp trên cơ sở, hơn 46,6 vạn đảng viên, chiếm khoảng 9% đảng viên của cả nước, sinh hoạt tại 17.379 chi bộ thuộc 2.308 tổ chức cơ sở đảng. Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng về cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thời gian qua Ðảng bộ thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp với nhiều cách làm mới, sáng tạo; đi sâu vào giải quyết việc mới, việc khó, nhiệm vụ trọng tâm và những hạn chế còn tồn tại. Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn coi trọng đổi mới tư duy, phong cách, phương pháp lãnh đạo; vừa lãnh đạo toàn diện, vừa xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn trúng và đúng những vấn đề cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; chủ động dự báo, đánh giá, phân tích những vấn đề mới, lĩnh vực còn tiềm ẩn phức tạp, không để bị động; xử lý kịp thời, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả những vấn đề phức tạp phát sinh. Đặc biệt, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 13-5-2021, “Về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp theo” và Quy định về trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và đối tượng khác của thành phố Hà Nội. Điều đó thể hiện sự đổi mới về tư duy và nhận thức, đồng thời khẳng định quyết tâm hành động của Đảng bộ thành phố Hà Nội nhằm nâng cao chất lượng công tác cán bộ - “công việc then chốt của then chốt, quyết định thành bại của mọi công việc”.
Các đảng ủy trực thuộc Thành ủy đã tham mưu thực hiện 147 đề án, chuyên đề nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVII. Cùng với đó, Ban Tổ chức các cấp ủy đã hoàn thành trọng trách tham mưu về công tác cán bộ, góp phần vào thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại 12 quận và thị xã Sơn Tây từ ngày 1-7-2021…
Với vai trò trực tiếp tham mưu cho Thành ủy về công tác tổ chức - cán bộ, Ban Tổ chức Thành ủy đã gấp rút tiến hành tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận nhằm tạo cơ sở tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy sửa đổi, bổ sung, xây dựng ban hành một loạt văn bản về công tác cán bộ, như Quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Quy định về tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý; Quy định khung tiêu chí đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị thành phố; Quy định nhiệm vụ và mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị của thành phố trong công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của thành phố Hà Nội; Quy chế về quan hệ phối hợp giữa Ban Tổ chức Thành ủy, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Nội vụ và Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của thành phố.
Xác định luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý là một chủ trương rất quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng nhằm đào tạo, trui rèn cán bộ qua thực tiễn, nâng cao bản lĩnh chính trị, nhân sinh quan cách mạng, năng lực lãnh đạo toàn diện của đội ngũ cán bộ, Thành ủy Hà Nội đã chủ động chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác luân chuyển cán bộ bài bản, công khai, minh bạch. Đây là điều kiện thuận lợi để thành phố thực hiện có hiệu quả Quy định số 65-QĐ/TW, ngày 28-4-2022, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về luân chuyển cán bộ”.
Ở cấp thành phố, từ đầu năm 2022, gần 10 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý đã được điều động vị trí công tác mới. Ngay đầu tháng 5-2022, 4 cán bộ đã được điều động về các quận, huyện, trong đó có 2 Phó Bí thư Thành đoàn đều còn trẻ là đồng chí Lý Duy Xuân (sinh năm 1984) và Bùi Thị Lan Phương (sinh năm 1985) được luân chuyển về làm Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Thanh Trì và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ.
Đầu tháng 5-2022, quận Tây Hồ đã trao 12 quyết định về điều động, luân chuyển cán bộ từ quận xuống phường, từ phường lên quận, giữa các phòng, ban với nhau và giữa các phường với nhau. Cùng với quận Tây Hồ, đến nay, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương của thành phố đã xây dựng kế hoạch, ban hành quy định tập trung triển khai công tác này nhằm đáp ứng nhiệm vụ trước mắt vừa đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phục vụ chiến lược lâu dài. Đơn cử, Huyện ủy Ba Vì đã ban hành Quy định số 02-QĐ/HU về luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức, viên chức. Ngày 10-5-2022, Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Vì đã trao quyết định luân chuyển Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Châu Sơn Lê Chí Năm giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Phú Cường và luân chuyển Bí thư Đảng ủy xã Phú Cường Lã Văn Loan giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Châu Sơn. Tại huyện Sóc Sơn, nhiều cán bộ cấp phòng, ban cũng vừa được luân chuyển vị trí công tác. Huyện Mê Linh tập trung luân chuyển cán bộ, tăng cường cho các xã khó khăn như: Văn Khê, Tiền Phong, Thạch Đà, Hoàng Kim, Tam Đồng, Tiến Thắng, Quang Minh... Sở Giáo dục và Đào tạo bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển 9 cán bộ quản lý các trường công lập, 5 cán bộ quản lý các trường tư thục trên địa bàn thành phố... (6)
Thời gian tới, yêu cầu nhiệm vụ đối với thành phố Hà Nội là rất nặng nề nhằm thực hiện tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5-5-2022, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, phát huy truyền thống lịch sử ngàn năm văn hiến và anh hùng, vị trí, vai trò là “Trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước”. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu này, đáp ứng kỳ vọng của Trung ương, Thành ủy, chính quyền và nhân dân Hà Nội phải có sự đồng lòng chung sức, vào cuộc mạnh mẽ. Cùng với sự lãnh đạo, định hướng của Trung ương, năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của thành phố Hà Nội là những yếu tố quan trọng; do đó, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của thành phố Hà Nội có phẩm chất, năng lực, uy tín là nhiệm vụ trọng tâm của Thành ủy Hà Nội thời gian tới:
Trước hết, tập trung củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên. Quán triệt, triển khai nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới. Đặc biệt là tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU và Chỉ thị số 15-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy. Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các đề án, kế hoạch củng cố tổ chức cơ sở đảng yếu kém. Đây là kinh nghiệm Đảng bộ Hà Nội đã rút ra qua thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng và cho thấy hiệu quả rất rõ rệt, cần tiếp tục thực hiện thời gian tới.
Thứ hai, hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của một số loại hình tổ chức cơ sở đảng. Đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng sinh hoạt chi bộ; tiếp tục thực hiện nghiêm túc kiểm điểm tự phê bình và phê bình, nâng cao chất lượng công tác đánh giá chất lượng tổ chức đảng và đảng viên. Nghiên cứu triển khai mô hình “Chi bộ bốn tốt”, “Đảng bộ cơ sở bốn tốt”. Nghiên cứu, ban hành Nghị quyết công tác phát triển đảng viên; chú trọng các giải pháp nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên mới; tăng cường công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên; thường xuyên rà soát, sàng lọc, kiên quyết đưa những đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng. Trước yêu cầu nâng cao chất lượng tổ chức đảng và đảng viên đáp ứng yêu cầu thì có thể coi đây là nhiệm vụ rất căn cơ, duy trì sự phát triển bền vững và chất lượng thực chất của tổ chức đảng hiện nay.
Thứ ba, tăng cường xây dựng Đảng về cán bộ, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định về công tác cán bộ; tập trung sửa đổi, hoàn thiện quy định tiêu chuẩn các chức danh cán bộ bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống chính trị.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ, nhất là đối với người đứng đầu. Thực hiện tốt công tác đánh giá cán bộ, không để lọt những người cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền vào đội ngũ cán bộ, đồng thời không để sót những người có đức, có tài.
Đổi mới mạnh mẽ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; nghiên cứu xây dựng chương trình và lựa chọn cán bộ cử đi đào tạo nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, kiến thức chuyên sâu ở trong và ngoài nước, tạo nguồn cán bộ đáp ứng yêu cầu quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, thành phố thông minh.
Xây dựng, củng cố cơ quan tham mưu và đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng Đảng có bản lĩnh chính trị, trung thành, sáng tạo, gương mẫu. Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chú trọng nắm và xử lý kịp thời vấn đề chính trị hiện nay. Triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31/5/2021 của Thành ủy về “Tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các năm tiếp theo”; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có năng lực, trình độ cao, chuyên nghiệp, có bản lĩnh, phẩm chất, đạo đức tốt, gương mẫu, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có ý chí vươn lên, khát vọng cống hiến cho sự nghiệp phát triển Thủ đô, có tính kế thừa và phát triển, có số lượng và cơ cấu hợp lý, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế gắn với vị trí việc làm, chức danh lãnh đạo.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế, tôn vinh những người có công, bố trí, sử dụng đúng những người có năng lực, hết lòng vì dân, vì nước. Nghiên cứu có chế độ, chính sách tạo động lực cho cán bộ phấn đấu, rèn luyện, toàn tâm, toàn ý vì công việc.
Thực hiện tốt cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, vì lợi ích chung theo Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22-9-2021, của Bộ Chính trị. Đây là động lực bảo vệ và khuyến khích cán bộ tốt trong tình hình mới.
Thứ tư, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, liên thông, hiệu lực, hiệu quả. Triển khai nghiêm túc, hiệu quả Kế hoạch số 71-KH/TU, ngày 14-4-2022, thực hiện Kết luận số 28-KL/TW ngày 21-2-2022 của Bộ Chính trị và các văn bản chỉ đạo của Trung ương về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy hệ thống chính trị các cấp, bảo đảm tinh gọn, liên thông, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi nhiệm vụ.
Thứ năm, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, đi đôi với chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực, giám sát việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng và cơ chế, chính sách, quy định pháp luật của Nhà nước, nhất là ở cấp cơ sở; nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, cá thể hoá trách nhiệm cá nhân…/.
----------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 180
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 230
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 187
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 187 - 188
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 188
(6) Xem: Hà Vũ: “Hà Nội thực hiện luân chuyển cán bộ: Đáp ứng yêu cầu thực tiễn”, https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Chinh-tri/1032057/ha-noi-thuc-hien-luan-chuyen-can-bo-dap-ung-yeu-cau-thuc-tien, ngày 16-5-2022
Khối đại đoàn kết toàn dân tộc - yếu tố tạo nên thành công của Hà Nội  (18/11/2022)
Hợp tác quốc tế: Cơ hội cho Thủ đô Hà Nội thúc đẩy liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp  (16/11/2022)
Nâng cao đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn thành phố Hà Nội  (16/11/2022)
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm chính thức Malaysia
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên
- Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW
- Kỳ họp thứ 51 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
- Ngày Nhà giáo Việt Nam: Tổng Bí thư Tô Lâm dự gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên