Kinh tế đối ngoại Hà Nội trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế
TCCS - Quán triệt đường lối đối ngoại của Đảng trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ thành phố Hà Nội lãnh đạo quân và dân Thủ đô tích cực và chủ động tham gia hội nhập quốc tế, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Trên cơ sở đó, hoạt động đối ngoại của Hà Nội trong thời gian qua được triển khai trên nhiều lĩnh vực, trong đó có kinh tế đối ngoại, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Hà Nội chủ trương đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế
Năm 1986, trong bối cảnh thế giới có những biến đổi sâu sắc, Đảng ta quyết định đổi mới toàn diện, theo đó phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Ngày 14-11-1987, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 217/HĐBT, “Ban hành các chính sách đổi mới kế hoạch hóa và hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa đối với xí nghiệp quốc doanh”. Ngày 29-12-1987, Quốc hội thông qua Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đây là những dấu mốc quan trọng, mở ra bước ngoặt trong phương thức tổ chức và vận hành nền kinh tế cũng như tạo nền tảng pháp lý cho đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Từ đó đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn thể hiện tư duy nhất quán trong tổ chức và điều hành nền kinh tế với quan điểm đa phương hóa, đa dạng hóa, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, từng bước đưa kinh tế Việt Nam trở thành một bộ phận của nền kinh tế khu vực và thế giới.
Quán triệt sâu sắc chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách cụ thể để phát triển kinh tế đối ngoại theo nguyên tắc “giữ vững độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa”. Tại Đại hội đại biểu lần thứ X (tháng 10-1986), Đảng bộ thành phố Hà Nội xác định: “Nhiệm vụ chính của công tác đối ngoại của Thành phố là tạo thêm nguồn vốn từ nước ngoài, nhập thêm nguyên liệu cho sản xuất và nhập thiết bị kỹ thuật. Thủ đô có thể mở rộng các hoạt động kinh tế đối ngoại bao gồm xuất - nhập khẩu, kinh doanh dịch vụ thu ngoại tệ, xuất khẩu lao động, xuất khẩu tại chỗ, hợp tác kinh tế với nước ngoài” (1). Đảng bộ thành phố Hà Nội lãnh đạo hoạt động đối ngoại theo hướng củng cố, phát triển các mối quan hệ truyền thống, quan hệ với các nước láng giềng, chủ động hợp tác với các nước ASEAN và các nước khác. Tháng 3-1995, Thủ đô Hà Nội trở thành thành viên chính thức của Mạng lưới thế giới các đô thị lớn, góp phần nâng cao vị thế quốc tế của Hà Nội.
Bước vào thế kỷ XXI, trước những thời cơ và thách thức mới, Đảng bộ thành phố Hà Nội tiếp tục lãnh đạo hoạt động đối ngoại theo xu hướng mở rộng, nâng cao hiệu quả các hoạt động hợp tác, đối ngoại, hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế, uy tín của Thủ đô. Năm 2000, Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội ra đời cho phép Hà Nội xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù, thúc đẩy sự vận động của cả hệ thống kinh tế, xã hội và nâng cao vị thế của đối ngoại của Hà Nội trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô cũng như đất nước. Ngày 6-4-2016, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch hội nhập kinh tế quốc tế thành phố Hà Nội, nêu rõ nhiệm vụ: tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao vị thế của Thủ đô Hà Nội; khai thác lợi thế, khắc phục hạn chế, khó khăn nhằm tận dụng cơ hội và giảm thiểu thách thức, tác động tiêu cực trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế (2). Kế hoạch chỉ rõ, Hà Nội tập trung tổ chức tốt các hoạt động ngoại giao, hợp tác quốc tế; củng cố các mối quan hệ đã thiết lập, tích cực mở rộng hợp tác với các thủ đô, thành phố tiềm năng, chú trọng các hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ, xúc tiến đầu tư, thương mại, quảng bá du lịch, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, thu hút đầu tư nước ngoài và tài trợ quốc tế; nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô, tăng cường hiệu quả hoạt động kinh tế đối ngoại; tăng cường hội nhập kinh tế, văn hóa trong khu vực và trên thế giới; đẩy mạnh công tác đối ngoại nhân dân. Tiếp đó, ngày 8-8-2017, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch hội nhập quốc tế thành phố Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020…
Năm 2020, dịch bệnh COVID-19 xuất hiện và bùng phát đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động kinh tế đối ngoại. Thích ứng với tình hình mới, Ban Chấp hành Đảng bộ và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành nhiều kế hoạch nhằm hỗ trợ, thúc đẩy hội nhập quốc tế. Cụ thể, ngày 24-5-2021, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chính thức công bố Kế hoạch hội nhập quốc tế thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, nhấn mạnh: tiếp tục khai thác lợi thế, khắc phục hạn chế, khó khăn nhằm tận dụng cơ hội và giảm thiểu thách thức, tác động tiêu cực trong quá trình hội nhập quốc tế, phấn đấu đưa nền kinh tế Thủ đô phát triển nhanh và bền vững, ngang tầm với thủ đô và thành phố lớn của các nước phát triển trong khu vực, đẩy mạnh và nâng cao vị thế của Thủ đô; đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hội nhập quốc tế và triển khai các cam kết về hội nhập kinh tế quốc tế, kịp thời lắng nghe ý kiến và phản hồi của các doanh nghiệp về các vấn đề chính sách, vướng mắc trong hội nhập kinh tế quốc tế và trong quá trình đàm phán, thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA). Tiếp đến, ngày 6-5-2022, Thành ủy Hà Nội ban hành Kế hoạch Hoạt động đối ngoại của thành phố Hà Nội năm 2022 nhằm chủ động thích ứng linh hoạt, sáng tạo, tranh thủ cơ hội của bối cảnh quốc tế sau đại dịch COVID-19 để triển khai hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững của thành phố; thúc đẩy các mối quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, thực chất hơn, góp phần xây dựng Thủ đô trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, hội nhập và thịnh vượng, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới (3)…
Trong thời gian qua, Hà Nội tăng cường các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, Hà Nội đẩy mạnh cải cách hành chính, các thủ tục về cấp giấy chứng nhận đầu tư, phê duyệt các dự án được thực hiện đơn giản, thông thoáng, minh bạch hơn. Việc áp dụng cơ chế “một cửa” liên thông đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào Hà Nội. Qua đó, góp phần cải thiện các chỉ số cạnh tranh, như Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội đã tăng 18 bậc, đứng thứ 33/63; chỉ số cải cách hành chính tăng 2 bậc, đứng thứ 5/63; chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin xếp thứ hai…
Những thành tựu kinh tế đối ngoại của Hà Nội
Đối ngoại Hà Nội không chỉ là đối ngoại với tư cách địa phương mà còn đóng góp tích cực cho công tác đối ngoại chung của cả nước. Vì vậy, kinh tế đối ngoại và hội nhập quốc tế của Hà Nội mang tính đặc thù riêng biệt. Hà Nội hiện có quan hệ kinh tế - thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kinh tế đối ngoại Hà Nội ngày càng khẳng định được vị trí quan trọng, thu được nhiều thành tựu to lớn, đã và đang từng bước khẳng định là một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô cũng như của cả nước.
Trên cơ sở tư duy kinh tế đổi mới, đặc biệt sau khi có Luật Đầu tư nước ngoài, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã tìm kiếm cơ hội và kinh doanh tại Hà Nội. Năm 1989, Hà Nội thu hút được 4 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng kinh phí đầu tư đăng ký là 48 triệu USD (4). Đây là những dự án FDI đầu tiên được cấp phép trên địa bàn Hà Nội. Trong ba năm tiếp theo (1990 - 1992), Hà Nội thu hút 47 dự án với tổng số vốn FDI là 722 triệu USD, tăng gần 12 lần về số lượng dự án và 15 lần về số vốn đầu tư so với năm 1989. Mặc dù khởi đầu khiêm tốn nhưng những dự án FDI đầu tiên vào Hà Nội có ý nghĩa quan trọng, hình thành một kênh huy động vốn mới cho kinh tế Thủ đô. Từ năm 1986 đến năm 2021, tổng hợp báo cáo của Sở Kế hoạch và đầu tư thành phố Hà Nội cho biết, số lượng dự án FDI của Hà Nội ngày càng tăng nhanh, với sự xuất hiện của nhiều dự án có quy mô lớn. Cụ thể trong vòng 10 năm, từ năm 2000 đến năm 2009, số lượng dự án FDI vào Hà Nội đã tăng lên 7 lần, từ 41 dự án lên 275 dự án/năm. Từ năm 2010 đến năm 2019, vốn FDI vào Hà Nội duy trì được tốc độ tăng trưởng, cả về số lượng dự án đăng ký mới lẫn số vốn đăng ký và số vốn thực hiện hằng năm. Đến nay, mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, song Hà Nội vẫn là một trong những địa phương thu hút FDI nhiều nhất cả nước. Tính đến đầu năm 2021, trên địa bàn thành phố có hơn 6.300 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký hơn 46,8 tỷ USD.
Một bộ phận khác của kinh tế đối ngoại là viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Hà Nội cũng không ngừng tăng cả về số lượng và quy mô. Từ năm 1993, Hà Nội nhận được sự hợp tác tài trợ của các tổ chức quốc tế, của nhân dân và chính phủ các nước đang phát triển. Hầu hết các dự án ODA có quy mô lớn được đầu tư cho kết cấu hạ tầng, như hệ thống giao thông đô thị, môi trường, cấp và thoát nước…, góp phần quan trọng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiện nay, Nhật Bản là quốc gia cung cấp vốn ODA cho thành phố Hà Nội với quy mô lớn nhất với tổng số tiền cam kết khoảng 2,6 tỷ USD, chiếm 56,4% tổng vốn ODA.
Cùng với thu hút vốn đầu tư, hoạt động xuất nhập khẩu của Hà Nội cũng thu được nhiều thành tựu quan trọng. Hoạt động xuất nhập khẩu từ chỗ chỉ gói gọn trong thị trường các nước xã hội chủ nghĩa với sự độc quyền của nhà nước đã vươn sang các thị trường khác; sản phẩm xuất khẩu ngày càng có chất lượng, kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng; thành phần tham gia xuất khẩu đa dạng. Kim ngạch xuất nhập khẩu của thành phố Hà Nội giai đoạn 2008 - 2012 đạt bình quân 8.390 triệu USD/năm, tăng trưởng bình quân 15,25%/năm. Từ năm 2016 - 2020, kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội đạt trung bình 11,52%/năm. Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, hoạt động xuất - nhập khẩu của thành phố Hà Nội trong nửa đầu năm 2022 đạt kết quả tích cực. Tính chung 8 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 27,7 tỷ USD, tăng 42,2% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 22,5 tỷ USD, tăng 48%; khu vực có FDI đạt 5,2 tỷ USD, tăng 21,6%. Một số nhóm hàng có giá trị nhập khẩu lớn như: Máy móc thiết bị, phụ tùng đạt 4.349 triệu USD, tăng 14,9%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 1.921 triệu USD, tăng 37,8%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1.709 triệu USD, tăng 8,2%; sắt thép đạt 1.433 triệu USD, tăng 63,8%; chất dẻo đạt 1.028 triệu USD, tăng 23,7%; sản phẩm hóa chất đạt 903 triệu USD, tăng 44,7%; hàng hóa khác đạt 8.763 triệu USD, tăng 48,7% (5). Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 11,1 tỷ USD, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 6,1 tỷ USD, tăng 30,5%; khu vực có FDI đạt 5 tỷ USD, tăng 34,7%. Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn trong 8 tháng năm 2022 tăng so với cùng kỳ, như: Hàng dệt, may đạt 1.701 triệu USD, tăng 47,6%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 1.471 triệu USD, tăng 42,9%; máy móc, thiết bị phụ tùng đạt 1.312 triệu USD, tăng 14,8%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 968 triệu USD, tăng 5,6%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 592 triệu USD, tăng 45,9%; hàng nông sản đạt 542 triệu USD, tăng 24%; hàng hóa khác đạt 2.884 triệu USD, tăng 32,2%. Riêng nhóm hàng điện thoại và linh kiện đạt 88 triệu USD, giảm 57% (6).
Với gần 6.000 di tích, hơn 1.350 làng nghề, Hà Nội hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa, du lịch làng nghề, du lịch tâm linh. Cùng với đó, vùng ngoại thành với nhiều nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú, phù hợp để Hà Nội phát triển loại hình du lịch giải trí, du lịch thể thao, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp... Trong những năm đầu thực hiện đổi mới, ngành du lịch Hà Nội còn gặp nhiều khó khăn. Song, với sự tích cực, chủ động của Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố, du lịch Hà Nội từng bước vươn lên trở thành một trong những thế mạnh, không chỉ đóng góp nguồn lợi đáng kể vào ngân sách Thủ đô mà còn giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam. Hà Nội hiện là thành viên Hội đồng xúc tiến du lịch châu Á (CPTA), Tổ chức xúc tiến du lịch các thành phố châu Á - Thái Bình Dương (TPO)… Số lượng khách du lịch quốc tế đến Hà Nội tăng đều hằng năm. Từ năm 1990 - 2000 tăng khoảng 20% - 30%/năm, chiếm 30% thị phần khách quốc tế đến Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng khách quốc tế trong giai đoạn 2000 - 2010 bình quân tăng 11,8%/năm. Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 3.725 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 70.000 phòng, trong đó có 591 khách sạn đã được xếp hạng từ 1 đến 5 sao với 24.415 phòng, chiếm 15,9% tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn.
Năm 2009, Thủ đô Hà Nội được Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”. Từ đó, Hà Nội trở thành một trong những trung tâm kết nối giá trị toàn cầu, nơi trao đổi các sáng kiến khu vực và quốc tế, vì nền hòa bình, ổn định và phát triển. Quan hệ giữa Thủ đô với các nước láng giềng, khu vực và trên thế giới ngày càng được củng cố và mở rộng. Năm 2019, Hà Nội chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Đến nay, Hà Nội đã có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thủ đô, thành phố lớn trên thế giới, thành viên của các tổ chức liên đô thị quốc tế.
Qua hơn 35 năm thực hiện chủ trương đổi mới, kinh tế đối ngoại Hà Nội đã tích cực, chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, từng bước hội nhập kinh tế quốc tế. Hà Nội là một trong ba địa phương đứng đầu cả nước về năng lực hội nhập kinh tế quốc tế. Kinh tế đối ngoại Hà Nội góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô cũng như của cả nước. Với tốc độ tăng trưởng bền vững, kinh tế đối ngoại Hà Nội hứa hẹn sẽ đạt nhiều thành tựu hơn nữa trong những giai đoạn tiếp theo./.
-------------------------------------
(1) Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội: Các kỳ đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015, tr. 244
(2) Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội: Kế hoạch hội nhập kinh tế quốc tế thành phố Hà Nội năm 2016, ngày 6-4-2016, tr. 1
(3) Thành ủy Hà Nội: Kế hoạch hoạt động đối ngoại thành phố Hà Nội năm 2022, ngày 6-5-2022, tr. 1
(4) Nguyễn Quang Lân - Tô Xuân Dân: Kinh tế đối ngoại Thăng Long - Hà Nội, Nxb. Hà Nội, 2019, tr. 182
(5) Cục Thống kê thành phố Hà Nội: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng Tám và 8 tháng năm 2022, ngày 25-8-2022, tr. 9
(6) Cục Thống kê thành phố Hà Nội: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng Tám và 8 tháng năm 2022, Tlđd, tr. 8
Cơ cấu lại nông nghiệp Hà Nội dựa trên lợi thế so sánh  (29/09/2022)
Thành phố Hà Nội: Duy trì bền vững thành quả phòng, chống dịch  (28/09/2022)
Hà Nội thúc đẩy hợp tác, xúc tiến đầu tư  (28/09/2022)
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm chính thức Malaysia
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên
- Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW
- Kỳ họp thứ 51 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
- Ngày Nhà giáo Việt Nam: Tổng Bí thư Tô Lâm dự gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên