Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức thanh niên Công an nhân dân

Nguyễn Thị Thu Trang Học viện An ninh nhân dân
16:35, ngày 11-08-2016
TCCSĐT - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vị trí đặc biệt của thanh niên đối với tương lai của dân tộc, tiền đồ của Tổ quốc. Người thường xuyên quan tâm đến giáo dục, bồi dưỡng, tạo điều kiện để thanh niên tích cực tham gia có hiệu quả vào sự nghiệp cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rõ rằng, giáo dục là phương tiện chủ yếu nhất để hình thành và phát triển nhân cách con người nói chung và thanh niên nói riêng. Đất nước “thịnh hay suy, yếu hay mạnh”, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công hay thất bại đều phụ thuộc phần lớn vào việc giáo dục, bồi dưỡng con người, đặc biệt là những thế hệ kế tục sự nghiệp cách mạng. Trước lúc đi xa, Người đã ân cần căn dặn toàn Đảng, toàn dân ta “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”(1).

Đối với lực lượng Công an nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng công tác giáo dục, đào tạo, huấn luyện thanh niên, đặc biệt là giáo dục đạo đức cách mạng. Đây là một trong những vấn đề hết sức hệ trọng, có ý nghĩa chiến lược, quyết định sự thành công của cách mạng trong mọi thời kỳ lịch sử. Giáo dục cán bộ, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ thanh niên Công an nhân dân là công việc gốc của Đảng và của ngành công an. Người chỉ rõ: “Đảng, Chính phủ rất chú ý đến công tác của công an và đến việc giáo dục cán bộ công an” (2).

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi đạo đức là cái gốc của người cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa quyết định của việc xây dựng con người mới, vì “Cũng như sông có nguồn thì mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(3). Đạo đức cách mạng của người cán bộ, chiến sĩ công an nói chung, của thanh niên công an nói riêng chính là sản phẩm của quá trình giáo dục và tự rèn luyện không ngừng trên cơ sở các chuẩn mực đạo đức thể hiện trong tiêu chuẩn đảng viên, cán bộ cùng với hệ giá trị đạo đức của xã hội và đặc biệt là các yêu cầu đạo đức của người công an cách mạng. Nội dung đạo đức thanh niên Công an nhân dân được thể hiện cô đọng, sâu sắc trong 6 điều bác Hồ dạy về “Tư cách người công an cách mệnh”:

“Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính

Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ

Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành

Đối với nhân dân, phải kính trọng lễ phép

Đối với công việc, phải tận tụy

Đối với địch, phải cương quyết khôn khéo”(4).

Sáu điều dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh được coi như là một chỉnh thể thống nhất, khái quát những yêu cầu rất cao đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân về tất cả các mặt. Đây cũng vừa là nội dung đạo đức vừa là những nguyên tắc chung, kim chỉ nam cho mọi hành động của mỗi cán bộ, chiến sĩ, và là những định hướng cơ bản có tính nguyên tắc trong chỉ đạo công tác giáo dục thanh niên Công an nhân dân trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Thực tiễn đã chứng minh với tư tưởng chỉ đạo nhất quán đó, đội ngũ thanh niên công an cách mạng đã được xây dựng và trưởng thành lớn mạnh không ngừng, hoàn thành suất sắc mọi nhiệm vụ trong các thời kỳ cách mạng mà Đảng và nhân dân giao phó. Với thế hệ thanh niên Công an nhân dân, Người đã nêu lên những nội dung cụ thể về giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng:

Thứ nhất, giáo dục cho thanh niên Công an nhân dân ra sức thực hiện cần, kiệm, liêm, chính.

Đây cũng chính là phẩm chất được Chủ tịch Hồ Chí Minh nói đến đầu tiên trong 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân: “Đối với tự mình phải cần, kiệm, liêm, chính”. Đối với tự mình - Bác muốn nhắc nhở đến từng cán bộ, chiến sĩ công an phải tự giác phát huy vai trò làm chủ của mỗi người và trách nhiệm cá nhân trong tổ chức. Đồng thời, Người đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ phải tự thân phấn đấu, rèn luyện những đức tính cơ bản của đạo đức người cộng sản đó là cần, kiệm, liêm, chính. Yêu cầu này được xuất phát từ nhận thức về đặc thù và nhiệm vụ của công tác công an, thể hiện nhân cách, phẩm chất căn bản mang tính đặc trưng của người thanh niên công an cách mạng. Đây là những đức tính không thể thiếu, luôn phải được đặt lên hàng đầu, có như vậy mới tránh được sự hủ hóa, mới chống được những “viên đạn bọc đường” nguy hiểm hằng ngày hàng giờ tác động đến tầng lớp trẻ công an.

“Cần” là trong công tác công an, phải giáo dục cho mỗi cán bộ chiến sĩ thanh niên phải làm việc một cách cần mẫn, sáng tạo, mưu trí, dũng cảm và tỉnh táo; phải xây dựng một ý chí vững chắc, không ngại khó khăn, gian khổ. “Cần” hoàn toàn xa lạ với chủ nghĩa trung bình với thái độ làm việc cầm chừng.

“Kiệm”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Kiệm là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”(5). Yêu cầu cơ bản của tiết kiệm là làm việc có chỉ tiêu, có kế hoạch, phân định rạch ròi từng công việc trong từng thời gian cụ thể, từ đó phấn đấu thực hiện cho được mục tiêu đề ra trong thời gian ngắn nhất, hiệu quả tốt nhất. Cùng với thực hành tiết kiệm, cần không ngừng chống lại thói xa hoa, tham ô, lãng phí.

Cần giáo dục cho mỗi cán bộ, chiến sĩ thanh niên Công an nhân dân ra sức gương mẫu thực hành tiết kiệm cho nhân dân noi theo. Muốn vậy, mỗi thanh niên phải xây dựng chế độ, lề lối làm việc, sinh hoạt khẩn trương, chính xác, thiết thực và có hiệu quả, đồng thời kiên quyết chống tệ quan liêu, hành chính, giấy tờ vừa lãng phí thời giờ của nhân dân vừa lãng phí của cải của ngành và xã hội.

“Liêm” là một phẩm chất đạo đức quan trọng không thể thiếu đối với mỗi người cán bộ cách mạng nói chung. Đó là, liêm khiết, trong sạch, không lạm dụng của công, không tham lam địa vị, quyền lực, tiền tài. Người luôn nhắc nhở “làm công an không phải làm quan cách mạng”(6) mà là làm đầy tớ cho nhân dân, thực sự phục vụ nhân dân. Việc gì có lợi cho Đảng, cho dân dù nhỏ cũng làm, việc gì sai trái, làm hại Tổ quốc, ảnh hưởng đến Đảng, lợi ích của nhân dân thì dù nhỏ cũng hết sức tránh. Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh chống tham nhũng, vì vậy, mỗi cán bộ, chiến sĩ thanh niên Công an cách mạng phải làm việc trung thực, không vì tiền tài, vật chất mà bóp méo sự thật. Do đó, mỗi cá nhân thanh niên phải rèn luyện cho mình đức tính liêm khiết, chỉ có như vậy chúng ta mới có thể tránh được những ảnh hưởng tiêu cực, những cám dỗ vật chất tầm thường, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với lòng tin của Đảng và nhân dân.

“Chính” theo Người là không tà, thẳng thắn. Đức tính chính trực của người thanh niên công an cách mạng thể hiện ở chỗ: phải biết tôn trọng lẽ phải, làm theo lẽ phải; tránh những việc trái với lợi ích của nhân dân, trái với đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Trên thực tế, người công an cách mạng nếu chỉ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ mà thiếu dũng khí đấu tranh bảo vệ chân lý thì kỷ cương phép nước khó có thể được thực hiện nghiêm minh. Vì thế, giáo dục rèn luyện, đấu tranh tính chính trực, nghiêm minh trong công tác được coi là một trong những phẩm chất quan trọng của đội ngũ thanh niên Công an nhân dân trong giai đoạn hiện nay.

Thứ hai, giáo dục thanh niên Công an nhân dân phải có tinh thần thân ái, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa đồng chí, trung thành với với Đảng, với nhân dân, khôn khéo, cương quyết trước kẻ thù.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao và coi trọng nghĩa vụ đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ thanh niên công an. Đạo đức của thanh niên trước hết là đạo đức làm người, biểu hiện ở lòng thương yêu con người sâu sắc, sống với nhau có tình nghĩa, thân ái giúp đỡ đồng chí, đồng sự, đồng nghiệp. Điều Bác dạy “Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ” cũng là điều Bác mong muốn chúng ta phải biết kế thừa và phát huy một nét đẹp trong truyền thống đạo đức của cha ông. Đó là tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, thương người như thể thương thân. Thân ái, đoàn kết đồng sự, đồng nghiệp trên cơ sở nhất trí cao với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết, chỉ thị của ngành, kỷ luật của đơn vị, tổ chức. Tuy nhiên, thân ái, giúp đỡ theo Hồ Chí Minh không phải là “chén chú chén anh, che giấu khuyết điểm”(7), né tránh đấu tranh, phê bình mà là để giúp nhau nhận rõ thành tích, khuyết điểm để thật thà sửa chữa. Người chỉ ra phương thuốc hiệu nghiệm để sửa chữa các căn bệnh đó là tự phê bình và phê bình với tinh thần thân ái và lập trường cách mạng, phải ra sức chống chủ nghĩa cá nhân.

Đối với nhân dân, thì thái độ “Kính trọng, lễ phép” được xuất phát từ bản chất của Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bác Hồ thường căn dặn “Công an của ta là Công an nhân dân”(8). Vì vậy, sự kính trọng, lễ phép của thanh niên công an không chỉ đơn thuần là thái độ mà còn có nội dung tư tưởng sâu sắc, xuất phát từ đường lối, quan điểm quần chúng của Đảng và Hồ Chí Minh. Sự kính trọng, lễ phép là một phẩm chất bắt buộc cần phải có trong nhân cách người thanh niên công an cách mạng. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu đổi mới đất nước, phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, đòi hỏi mỗi người thanh niên công an hơn bao giờ hết phải quán triệt lời dạy của Bác về đường lối quần chúng, để mãi mãi xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng, của Bác Hồ và nhân dân “Công an của ta là Công an nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ”(9).

Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Còn Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Người dạy: “Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành” cũng có nghĩa là trung thành với Đảng, với Tổ quốc và với nhân dân. Đây là lý tưởng và tình cảm của công an đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân, đồng thời cũng là một chuẩn mực thuộc về bản chất của Công an nhân dân nói chung. Lòng trung thành của thanh niên lực lượng Công an nhân dân thể hiện ở sự tuyệt đối trung thành với lý tưởng, sự nghiệp cách mạng của Đảng, hy sinh quyền lợi và cả tính mạng của mình để bảo vệ lợi ích của Đảng, của Nhà nước và nhân dân, sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho.

Trong nhiều năm đấu tranh chống đế quốc và các thế lực phản cách mạng để giành lại độc lập cho dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã có những nhận thức sâu sắc về kẻ thù. Và từ những kết tinh về trí tuệ và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”. Về nguyên tắc, mỗi chiến sĩ thanh niên công an cần kiên quyết, kịp thời trấn áp mọi hành động phản cách mạng, cứng rắn nhưng cũng mềm dẻo, khôn khéo về sách lược. Hơn ai hết, mỗi chiến sĩ thanh niên công an cần phải xây dựng cho mình bản lĩnh chiến đấu, lập trường kiên định, không hoang mang dao động trước những khó khăn, thử thách để ngày càng trưởng thành trong công tác.

Thứ ba, giáo dục cho thanh niên Công an nhân dân toàn tâm, toàn ý, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Bác căn dặn, “Đối với công việc, phải tận tụy”. Đây là phẩm chất chung của mỗi cán bộ, đảng viên, càng phải là phẩm chất cần phải có của mỗi chiến sĩ thanh niên công an cách mạng. Tận tụy với công việc được thể hiện ở sự làm việc bền bỉ, có tính chủ động, sáng tạo, xuất phát từ động cơ đúng đắn và trong sáng vì mục tiêu phục vụ nhân dân. Luôn xây dựng ý thức chăm lo đổi mới, cải tiến phương pháp làm việc, hình thành tác phong làm việc chu đáo, khoa học, nền nếp, có hiệu quả thiết thực. Đó cũng chính là sự thể hiện tinh thần trách nhiệm, nghĩa vụ đạo đức cao cả của thế hệ thanh niên lực lượng Công an nhân dân.

Bên cạnh việc đề ra những nội dung giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên Công an nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ ra những phương pháp nhằm giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên có hiệu quả, như giáo dục đạo đức cách mạng phải coi trọng quá trình tự giáo dục, tự rèn luyện, tu dưỡng suốt đời; trong quá trình giáo dục đạo đức phải kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội; gắn chặt học và dạy trong nhà trường với giáo dục qua hoạt động thực tiễn; giáo dục bằng việc nêu gương người tốt, việc tốt, xây dựng điển hình tiên tiến thông qua các phong trào thi đua và các tổ chức đoàn thể; giáo dục đạo đức cách mạng phải đi đôi “xây” với “chống”.

Sáu điều Bác Hồ dạy hơn nửa thế kỷ qua đã trở thành mục tiêu giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho các thế hệ thanh niên Công an nhân dân, là mục tiêu phấn đấu, phương châm hành động và cách ứng xử trong các mối quan hệ đối với mình, đối với người và đối với công việc của người thanh niên công an trong thực tiễn công tác hằng ngày. Học tập và làm theo những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ thanh niên lực lượng Công an nhân dân có quyền tự hào về sự trưởng thành vượt bậc của mình, về những chiến công góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng chung của Đảng và của nhân dân ta.

Những lời dạy của Người cũng chính là định hướng, chỉ dẫn quý báu để Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, Đoàn Thanh niên và các tổ chức chính trị xã hội khác đề ra những chủ trương, chính sách nhằm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức thanh niên thành lực lượng hùng hậu, trung thành, kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh đã và đang dẫn dắt chúng ta trên con đường xây dựng, tổ chức thanh niên thành lực lượng cách mạng, phát huy mọi tiềm năng to lớn của thanh niên vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; vì hạnh phúc và tương lai tương sáng của tuổi trẻ./.

------------------------------------------------------------------------------

Chú thích:

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t. 12, tr. 498

(2) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 11, tr. 248

(3) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 5, tr. 252

(4) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 5, tr. 406

(5) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 15, tr. 76

(6) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 6, tr. 365

(7) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 6, tr. 366

(8) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 5, tr. 498

(9) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 5, tr. 406