Tự phê bình và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh
1- Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cả cuộc đời để dấn thân cho sự nghiệp cao cả nhất - đấu tranh giải phóng con người, giải phóng dân tộc. Đến khi xa đồng bào, đồng chí, tài sản duy nhất Người để lại cho dân tộc, đất nước là độc lập dân tộc cùng những tư tưởng cách mạng mà cốt lõi là vì dân. Tổng hòa những điều đó phản ánh tấm gương của một nhân cách trí, nhân, dũng, nghĩa, liêm, và cách mạng là môi trường để rèn nên nhân cách ấy. Trong tư tưởng của Người, một trong những yếu tố hoàn thiện nhân cách để làm người là ý thức tự phê bình và phê bình của mỗi người với nhiều lớp nghĩa trong khái niệm này. Nhìn một cách tổng quát, tự phê bình và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh là phương thức hoàn thiện bản thân của mỗi người, của tất cả mọi người. Xét đến cùng, đó là một trong những phương thức cơ bản giải phóng mọi tiềm năng của con người, để con người đạt tới tự do.
Thực hiện được tự phê bình và phê bình, con người sẽ làm chủ và điều chỉnh được hoạt động của bản thân. Khi con người nhận thức được sự tổng hòa các mối quan hệ xã hội một cách tự giác, xét ở góc độ nhân cách, đó còn là lòng tự trọng, nghĩa là con người hành động do sự thôi thúc của chính mình, coi đó là nhu cầu sống và lẽ sống, chứ không bởi sự hối thúc của ngoại cảnh. Nếu không có xuất phát điểm tất yếu như vậy, con người khó đạt tới trình độ và trạng thái tự do. Nếu mọi người tự do tự phê bình mình và phê bình người khác để cùng nhau trở nên tốt đẹp hơn, thì xã hội sẽ trở nên dân chủ, công bằng và văn minh. Khi con người đạt tới trạng thái tự do trong tự phê bình và phê bình, thì quan hệ giữa con người với con người mang đậm tính nhân bản, chứa đựng tính nhân văn sâu sắc. Nhưng ở đời, thời nào cũng vậy, con người và xu thế tiến bộ luôn phải đấu tranh với cái “lợi” bất chính, cái “danh” vô thực và cái “tâm” vô cảm.
Nhìn ở góc độ khác, tự phê bình và phê bình một cách vô tư phản ánh trình độ phát triển cao của sản xuất nói riêng, của văn minh xã hội nói chung. Nhưng điều đó chỉ đúng khi xem xét ở bình diện rộng, sẽ là không đúng đối với những con người tiên phong làm nên thời đại như Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người cộng sản đứng trong đội ngũ tiên phong do Người sáng lập. Như thế, dù trong hoàn cảnh nào, người đảng viên cộng sản hôm nay phải thể hiện được tính tự giác, tự trọng để không rơi vào tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, làm việc vô nguyên tắc,... Nếu ai tự thấy mình đang nằm trong “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” suy thoái, hãy mau tỉnh ngộ bằng ý thức tự giác, lòng tự trọng và biết hổ thẹn khi người khác đang “xây” thì mình lại “phá”!
Dù điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay chưa phải là môi trường lý tưởng cho ý thức tự giác, lòng tự trọng (biểu hiện như một lẽ sống tất yếu của mọi người), thì vẫn đòi hỏi mỗi đảng viên cộng sản phải thể hiện tính tiên phong, gương mẫu trong xây dựng một môi trường xã hội để mỗi người tự phê bình và phê bình đạt tới trình độ và trạng thái tự do. Triết lý tự phê bình và phê bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng hướng tới điều đó.
2- Triết lý tự phê và phê bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực chất là triết lý tu thân, một triết lý đậm chất Hồ Chí Minh, có tính nhân văn cao cả và sâu sắc. Triết lý này góp phần quan trọng làm nên lẽ sống, lối sống của con người, đồng thời, là một nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng Cộng sản, một đảng có tôn chỉ, mục đích vì dân, vì nước.
Mỗi câu, mỗi ý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến tự phê bình và phê bình đều cụ thể, thiết thực và toát lên sự chân tình, thẳng thắn, gần gũi, ai cũng có thể học được, làm theo được, nhất là đối với cán bộ, đảng viên chân chính. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, bồi dưỡng và rèn luyện Đảng ta, cho nên Người đặc biệt chăm lo đến việc bồi dưỡng, rèn luyện về đạo đức, năng lực lãnh đạo trong Đảng để đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc đến thắng lợi. Người coi chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù của đạo đức cách mạng; nó không ở xa, mà ở rất gần mỗi con người, ngay trong mỗi con người, luôn đồng hành với con người như hình với bóng, và chỉ xuất hiện khi lòng dạ con người không còn ngay thẳng, trong sáng, khi “phần người” trong khái niệm “con người” bị giảm sút. Thế nên, Người cảnh báo: “Một dân tộc, một đảng và mỗi một con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không còn trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(1).
3- Nếu ai cho rằng, Đảng ta đã giành nhiều thắng lợi vĩ đại nên không hề có sai lầm, khuyết điểm gì, thì đó là quan niệm siêu hình, phi thực tế. Trong thực tiễn đấu tranh cách mạng ở cả thời chiến lẫn thời bình, tuy Đảng không ngừng trưởng thành, lớn mạnh cả về tư tưởng, tổ chức và cán bộ, nhưng không thể tránh khỏi tình trạng có những người không đủ bản lĩnh thực hành đạo đức cách mạng, một bổn phận của người cộng sản. Ấy là khi lòng dạ họ không còn ngay thẳng, trong sáng nên đã ngã lòng, biến chất, thoái hóa về đạo đức, lối sống, phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, như Đảng ta đã chỉ rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân như là “kẻ địch bên trong”. Người nói: “Mỗi kẻ địch bên trong là một bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra. Vì vậy, ta phải ra sức đề phòng những kẻ địch đó, phải chữa hết những chứng bệnh đó”(2). Nếu có bệnh mà không chữa, “để bệnh ngày càng nặng thêm”, thì có thể “nguy đến tính mệnh”.
Tình hình trong Đảng hiện nay, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã chỉ ra những vấn đề cấp bách. Những vấn đề cấp bách đó mệnh hệ đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ, và nếu vận theo lời Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì quả là trong cơ thể Đảng ta có “bệnh trọng”. Vấn đề là toàn Đảng có đủ bản lĩnh uống thuốc trị bệnh trọng đến đâu và “một bộ phận không nhỏ” có đủ dũng khí nhận ra bệnh và tự trọng mà chữa bệnh hay không. Ở đây, rất cần xử lý mối quan hệ giữa tự phê bình và phê bình trên tinh thần tự trọng của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp (Thiếu tự trọng thì làm sao tu thân theo đạo đức cách mạng được).
Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Một Đảng mà dấu diếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó, như thế là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn và chân chính”(3). Ở đây, có thể thấy, tư tưởng của Người rất là dung dị và toát lên từ nhân cách của Người, khi coi tự phê bình cũng chính là phê bình, là tự tách mình ra khỏi mình để nhìn lại mình, rồi qua đó, thấy được ưu điểm để phát huy và khuyết điểm để sửa chữa. Còn phê bình cũng lại là tự phê bình, bởi qua phê bình đồng chí mình mà mỗi cán bộ, đảng viên thể hiện đồng thời sự nhìn lại mình một cách đầy đủ hơn.
Như vậy, những cán bộ, đảng viên nào không có gan như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói thì sẽ góp phần làm cho Đảng suy yếu, hư hỏng. Người Việt Nam ta khi nói “có gan” làm việc gì đó, thì việc đó không nhỏ chút nào, mà rất là hệ trọng. Người dân hiện nay có đủ phương tiện thông tin để thẩm định “cái gan” của cán bộ, đảng viên, trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Họ biết cán bộ, đảng viên nói và làm như thế nào, trong đó việc làm mới thực sự là thước đo giá trị, là tiêu chí để đánh giá phẩm chất đạo đức và năng lực của người cán bộ, đảng viên. Tự phê bình và phê bình là thuốc chữa bệnh, là vũ khí trừ kẻ địch bên trong. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Thang thuốc hay nhất là thiết thực tự phê bình và phê bình. “Chúng ta phải ráo riết tự phê bình và phê bình để giúp nhau chữa hết những bệnh ấy. Có thế thì Đảng mới chóng phát triển”(4).
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng, rất cần động thái ráo riết để giúp nhau tiến bộ. Động thái ấy đòi hỏi quyết liệt mà xây dựng, khẩn trương mà thường xuyên. Thiếu động thái ấy, không thể đẩy lùi và từng bước xóa bỏ được nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái đạo đức, lối sống, phai nhạt lý tưởng trong Đảng. Tự phê bình và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh có thể được coi là “luật” phát triển Đảng. Theo đó, điều quan trọng là mỗi đảng viên phải coi “luật” ấy là “tự luật” và thực thi nó như là một nhu cầu tự thân, như con người cần không khí để thở, như việc “rửa mặt hằng ngày”, và chỉ như vậy Đảng ta mới thực sự trong sạch, vững mạnh.
4- Mục đích của tự phê bình và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh là: Với tổ chức, “cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt để đoàn kết và thống nhất nội bộ”; “để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng”(5). Nếu đoàn kết làm nên sức mạnh của Đảng thì tự phê bình và phê bình được coi là cội nguồn sức mạnh bậc nhất của Đảng. Với các đảng viên, “một mặt là để sửa chữa cho nhau. Một mặt là để khuyến khích nhau, bắt chước nhau”(6); “là cho mọi người học lẫn ưu điểm của nhau và giúp nhau chữa những khuyết điểm”(7).
Mục đích đã đúng thì lại cần phải có một tinh thần, thái độ, cách thức thực hiện phù hợp. Đây chính là điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm. Trong bản “Di chúc” mà Người để lại, sau khi căn dặn Đảng ta phải thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, Người nhấn mạnh, tự phê bình và phê bình phải dựa trên “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Đây là quan điểm riêng có của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình, hàm chứa tư tưởng rất sâu xa về nhân cách làm người, mà mỗi đảng viên cần phải vươn tới.
Để giải quyết được những vấn đề cấp bách trong Đảng hiện nay, bên cạnh những liều thuốc đắng, cũng cần cả phương tiện phẫu thuật để cắt bỏ loại bệnh trọng đó. Phương tiện ấy là sự kỷ luật Đảng thật nghiêm. Khi “tự luật” không có tác dụng thì “kỷ luật Đảng” phải nghiêm minh.
5- Tiêu chí trong tự phê bình và phê bình cũng là một vấn đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm. Tự phê bình và phê bình phải nhắm vào công việc. Việc chỉ ra sai lầm, khuyết điểm của đồng chí, đồng nghiệp là cần thiết, nhưng việc chỉ ra nguyên nhân, tác hại của nó, nhất là cách sửa chữa, còn cần thiết và quan trọng hơn. Trong tình hình hiện nay, bên cạnh việc tạo điều kiện cho “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” sửa chữa sai phạm, khuyết điểm, cũng cần có hình thức “không giao nhiệm vụ” và hoan nghênh những ai nhận rõ được mình, biết rút lui vì sự nghiệp cách mạng.
Trên thực tế, không ít cán bộ, đảng viên biết rằng, việc làm của mình là sai, là vi phạm pháp luật, nhưng họ cứ làm. Đáng lý, sau bao nhiêu năm, những điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ bảo về tự phê bình và phê bình phải được triển khai ở tầm cao mới, đậm chất văn hóa tổ chức Đảng trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, thì trong Đảng lại có “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” sa vào suy thoái. Tự phê bình và phê bình, một vũ khí trong công tác xây dựng Đảng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh chăm lo ân tình, cụ thể đã không được nâng cao về chất, mà dường như bị xem nhẹ trong thời kỳ "kinh tế thị trường". Điều này không chỉ là nỗi buồn của Đảng, mà còn là của nhân dân.
6- Mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân là một trong những cơ sở, nền tảng để cán bộ, đảng viên thực hành tự phê và phê bình. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta “là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, “đại biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân, của toàn thể nhân dân lao động, chứ không phải mưu cầu lợi ích riêng của một nhóm người nào”(8); “Chính phủ và Đảng chỉ mưu cầu giải phóng cho nhân dân, vì thế, bất cứ việc gì cũng vì lợi ích của nhân dân mà làm và chịu trách nhiệm trước nhân dân”(9). Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên khi thực hiện nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó cũng tức là thực hiện nhiệm vụ mà nhân dân giao phó; trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước cũng tức là trách nhiệm trước nhân dân. Tiêu chí căn bản, cốt lõi nhất để đánh giá cán bộ là hiệu quả công việc đối với dân, với nước. Vì thế, Đảng phải dựa vào dân để tự phê bình và phê bình, hay nói cách khác, phải mở rộng tự phê bình và phê bình vào trong nhân dân, bởi “tai mắt của họ nhiều, việc gì họ cũng nghe cũng thấy”, cái gì họ cũng biết, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói. Lắng nghe ý kiến của nhân dân sẽ biết được cán bộ, đảng viên làm tốt việc gì, làm chưa tốt việc gì. Không nên sợ dân chê, bởi dân chê là vận nước còn, dân im lặng mới là điều hệ lụy khôn lường.
Cái mất mát khi xưa là máu xương đồng bào, đồng chí trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, còn hôm nay, nếu không xây dựng, chỉnh đốn Đảng nghiêm túc, quyết liệt, ráo riết thì cái mất mát sẽ là Đảng tự làm đổ vỡ niềm tin trong nhân dân, không thực hiện được tôn chỉ là vì quyền lợi của nhân dân mà phục vụ, không phải là cách tri ân tiền nhân, tiền bối và đồng bào, mà là tự mình xoá bỏ thành tựu hơn tám thập kỷ đấu tranh gian khổ, lắm hy sinh, nhiều thắng lợi. Trở lại tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình trong xây dựng con người - đảng viên, nhất là con người - cấp ủy, là để biết tự giác, tự trọng mà tu thân theo cốt hồn của đạo đức cách mạng. Tư tưởng ấy luôn mang đậm sắc thái cách mạng, đạo đức và văn minh./.
-------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t. 12, tr. 557 - 558
(2) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 5, tr. 238 - 239
(3) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 5, tr. 261
(4) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 5, tr. 267
(5), (6) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 5, tr. 239
(7) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 5, tr. 267
(8) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 9, tr. 288
(9) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 5, tr. 245
Đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn nước ta hiện nay  (20/11/2013)
Tổng thống Cộng hòa Namibia thăm chính thức Việt Nam  (19/11/2013)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Ấn Độ  (19/11/2013)
- Đoàn công tác của Tập đoàn Đèo Cả dâng hương tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Thống nhất nhận thức và hành động, tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế
- Kỳ họp thứ 53 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hưng Yên
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm