Quảng Ninh phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội và dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2024
TCCS - Ngày 14-12-2023, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu chi ngân sách năm 2024. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới các địa phương cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh. Các đồng chí: Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh dự và chủ trì hội nghị.
Bám sát Nghị quyết số 20-NQ/TU, ngày 27-11-2023, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024; Nghị quyết số 176/NQ-HĐND, ngày 8-12-2023, của Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, ngày 12-12-2023, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước của tỉnh và các địa phương năm 2024 cho các sở, ban, ngành và ủy ban nhân dân các địa phương. Theo đó, các chỉ tiêu đặt ra trong năm 2024 là tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh (GRDP) đạt trên 10%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 55.600 tỷ đồng, trong đó thu xuất nhập khẩu đạt trên 13.000 tỷ đồng và thu nội địa phấn đấu đạt số thu cao nhất. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%, trọng điểm là thu hút vốn FDI ít nhất 3 tỷ USD; phát triển mới ít nhất 2.000 doanh nghiệp. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 11%. Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 73%. Giữ vững vị trí nhóm đứng đầu cả nước về các Chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI.
Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 87%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ 51%; tạo ra ít nhất 30.000 việc làm tăng thêm; có trên 91% trường đạt chuẩn quốc gia; đạt 57,2 giường bệnh/1 vạn dân; 15 bác sĩ/1 vạn dân; 2,8 dược sĩ đại học/1 vạn dân; trên 25 điều dưỡng/1 vạn dân; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95,5% dân số. Toàn tỉnh không còn hộ nghèo và giảm 50% hộ cận nghèo theo quy định chuẩn nghèo đa chiều tại Nghị quyết số 13, ngày 30-3-2023, của Hội đồng nhân dân tỉnh. Về môi trường, tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 98,3%; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nguồn nước ăn uống hợp vệ sinh đạt trên 99,9%. Tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải rắn sinh hoạt đô thị và các xã đảo, các xã có hoạt động du lịch, dịch vụ bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 97,6%; tỷ lệ thu gom xử lý nước thải tại các đô thị tập trung của các địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Quảng Yên đạt khoảng 55%. Giữ vững tỷ lệ che phủ rừng đạt 55% gắn với nâng cao chất lượng rừng.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Ký đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Ủy ban nhân dân tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị, của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, của cán bộ, công nhân, lao động ngành than và các ngành kinh tế, của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh đã chủ động vượt qua khó khăn, thách thức, kiên trì phấn đấu, đóng góp tích cực vào thành quả phát triển chung của tỉnh trong năm 2023. Đồng chí nhấn mạnh, năm 2024, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi đan xen khó khăn, thách thức, nhưng khó khăn, thách thức dự báo có thể nhiều hơn, khó lường hơn. Một số nội dung các sở, ngành, địa phương cần quan tâm hơn để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ và chương trình, kế hoạch đã đề ra.
Năm 2024 để giữ vững tốc độ tăng trưởng 2 con số, phải bảo đảm ba trụ cột, đó là: Tăng nhanh quy mô, tỷ trọng đóng góp vào GRDP và thu ngân sách của công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI thế hệ mới; giữ ổn định, phát triển hợp lý, bền vững ngành than, điện. Phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với phát triển kinh tế biển, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Tiếp tục quan tâm chăm lo phát triển văn hóa, con người, đặc biệt là Nghị quyết số 17 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của nhân dân; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, văn minh; tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi hoàn cảnh; tổ chức tết Nguyên đán, bảo đảm mọi người, mọi nhà đều được vui tết đón xuân.
Kết luận hội nghị, đồng chí Cao Tường Huy yêu cầu: Các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị ngay sau hội nghị này, khẩn trương quán triệt, nghiêm túc triển khai tổ chức thực hiện các nghị quyết ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm, quyết tâm hoàn thành 12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội và môi trường. Từng ngành, địa phương khẩn trương triển khai cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết nêu trên bằng các giải pháp cụ thể, phù hợp với thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong tháng 12-2023, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết 176 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Các sở, ban, ngành, địa phương phải căn cứ vào chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh để xây dựng kế hoạch chương trình hành động theo ngành, lĩnh vực để triển khai thực hiện bảo đảm hiệu quả.
Về công tác đầu tư công năm 2024, các sở, ban, ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, tiến độ giải ngân cho từng nhiệm vụ, dự án thuộc kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024. Phát huy tổ công tác đặc biệt về đầu tư công do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm tổ trưởng. Cấp huyện, cấp xã cũng phải thành lập tổ công tác này do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã làm tổ trưởng. Các sở, ngành phân công lãnh đạo phụ trách, chịu trách nhiệm theo dõi, lên kế hoạch triển khai chi tiết từng dự án, bám sát tiến độ thực hiện của từng nhiệm vụ, dự án để kịp thời chỉ đạo, xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các địa phương quan tâm gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tập trung xây dựng chính quyền địa phương các cấp liêm chính, hành động, phục vụ, thực sự “của dân, do dân, vì dân”, hoạt động hiệu lực, hiệu quả./.
Linh Đăng (tổng hợp)
Petrovietnam có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam  (14/12/2023)
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước hội kiến với Tổng Bí Thư, Chủ Tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình  (13/12/2023)
Quảng Ninh: Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024  (13/12/2023)
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp mặt người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số  (12/12/2023)
Chương trình hiến máu tình nguyện Tuần lễ hồng EVN lần thứ IX  (12/12/2023)
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay