Nhận diện, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về dân tộc, tôn giáo và lịch sử vùng đất Tây Nam Bộ trên không gian mạng
TCCS - Tây Nam Bộ là vùng đất đa tộc người, đa tôn giáo, giữ vị trí địa chính trị đặc biệt quan trọng. Gần đây, lợi dụng sự phát triển của không gian mạng, các thế lực thù địch ra sức tuyên truyền, tập hợp lực lượng, kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc với mục đích tạo ra "điểm nóng" chính trị, phá hoại sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Việc nhận diện những thủ đoạn trên để có giải pháp đấu tranh, phản bác, nhằm xây dựng vững mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở vùng đất này là yêu cầu cấp thiết.

Tây Nam Bộ cùng là một trong những vùng đất trọng tâm trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch
Với 12 tỉnh và 1 thành phố trực thuộc Trung ương, Tây Nam Bộ là vùng đất có vị trí địa - kinh tế, địa - chính trị quan trọng. Lịch sử hình thành và phát triển của vùng là quá trình hòa nhập, cố kết, chung sống và cùng khai phá của các dân tộc. Về thành phần dân tộc, người Kinh có tỷ lệ hơn 92,42%, người Khmer là 6,6%, người Hoa với tỷ lệ 0,87% và người Chăm chiếm tỷ lệ 0,08% dân số(1). Hiện nay, 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận, nhiều tôn giáo bản địa như Bửu Sơn Kỳ Hương, Hòa Hảo, Tứ Ân Hiếu Nghĩa… đều đang hoạt động với hơn 4.750 cơ sở thờ tự. Trong đó, Phật giáo có 2.741 chùa, tịnh xá, tịnh thất, niệm phật đường, học viện; đạo Cao Đài có 719 thánh thất, thánh tịnh; Công giáo có 664 nhà thờ, nhà nguyện; Tin Lành 110 nhà thờ; Phật giáo Hòa Hảo có 51 chùa; Islam giáo có 31 thánh đường(2). Tây Nam Bộ có 47.334 chức sắc, chức việc, 5.889.937 tín đồ các tôn giáo, chiếm 33,6% dân số khu vực(3).
Quan hệ dân tộc, tôn giáo ở vùng đất này có những đặc điểm: (i) Dân tộc và tôn giáo gắn kết với nhau chặt chẽ. Mỗi dân tộc thường có một tôn giáo đặc trưng, ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần, vật chất của người dân. Đơn cử, người Khmer theo Phật giáo Nam tông, trong lịch sử đã có một tổ chức điều hành riêng và hiện vẫn duy trì quan hệ mật thiết với Phật giáo Campuchia; (ii) Phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số có mối quan hệ về huyết thống, văn hóa, tôn giáo với người dân ở các quốc gia lân cận. Người Khmer gắn bó với họ hàng ở Campuchia, người Hoa gắn bó với họ hàng ở Trung Quốc; (iii) Trong lịch sử, đa số các dân tộc, tôn giáo ở Tây Nam Bộ có lòng yêu nước nồng nàn, có đóng góp, cống hiến quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tuy nhiên, một bộ phận vẫn có thái độ chính trị khác nhau. Khi xâm lược nước ta, thực dân Pháp thực hiện chính sách chia để trị, ra sức kích động lòng thù hằn dân tộc, tạo tâm lý đối kháng giữa những người dân tộc thiểu số và dân tộc Kinh. Đế quốc Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã dựng nên một số lực lượng vũ trang từ một số tôn giáo… Nhiều tín đồ, người dân tộc thiểu số làm việc trong chính quyền và quân đội của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Sau ngày thống nhất đất nước, nhiều người ra định cư ở nước ngoài, một số vẫn mang nặng tư tưởng chống đối…
Hiện nay, trong kỷ nguyên số, không gian mạng trở thành nhu cầu không thể thiếu đối với đời sống, tác động trực tiếp, làm thay đổi nhận thức, hành vi của mỗi cá thể, tác động đến sự phát triển của xã hội. Khác với các phương tiện truyền thông đại chúng truyền thống như báo in, phát thanh, truyền hình, giờ đây với không gian mạng, nhất là các phương tiện truyền thông xã hội, mỗi cá nhân có thể trở thành một “nhà báo”, đồng thời là một nhà phát tin, nhà bình luận. Với không gian mạng, tin tức có thể chia sẻ, lưu truyền nhanh chóng và có tính chất đối thoại. Tính đến cuối năm 2023, Việt Nam có 79,1% dân số sử dụng internet, tương đương khoảng 77,93 triệu người. Theo báo cáo của We Are Social, trung bình mỗi ngày, người dùng tại Việt Nam dành khoảng 6 giờ 23 phút để thực hiện các hoạt động online, trong đó thời gian sử dụng internet thông qua các thiết bị di động chiếm khoảng 55,4%. Về độ tuổi, có 64,4 triệu người, chiếm khoảng 89% tổng dân số từ 18 tuổi trở lên đang sử dụng các loại hình mạng xã hội(4).
Dân tộc và tôn giáo là những vấn đề đặc thù và vô cùng nhạy cảm, ở Tây Nam Bộ, việc dân tộc kết hợp với tôn giáo và lịch sử khiến vấn đề này càng phức tạp, nhất là khi bị tấn công trên không gian mạng. Với đặc điểm xuyên biên giới, mang tính quốc tế và phổ biến, không gian mạng trở thành trận địa chính mà các thế lực thù địch nhắm đến. Chúng lợi dụng triệt để những ưu thế nổi trội của các phương tiện truyền thông xã hội trên không gian mạng, như cơ chế đa giao tiếp, tính mở trong tiếp nhận thông tin, thông tin khó kiểm soát... để tăng cường các hoạt động chống phá ở khu vực Tây Nam Bộ. Cùng với Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đã trở thành một trọng điểm trong việc thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng của các thế lực thù địch, cũng là một trọng điểm trong đấu tranh của ta.
Những âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch
Thứ nhất, các thế lực thù địch sử dụng không gian mạng để phát tán các thông tin xuyên tạc, tạo nhận thức sai lệch, kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thông qua một số báo điện tử nước ngoài như VOA, RFA, RFI, BBC...; các website và blog, chúng thường xuyên đăng tải các bài viết, bài phỏng vấn, phim tài liệu, video xuyên tạc về lịch sử vùng đất Tây Nam Bộ. Bằng cách cắt ghép, nhào nặn các tư liệu, sự kiện, các thế lực thù địch làm sai lệch nguồn gốc vùng đất Tây Nam Bộ. Chúng xuyên tạc, việc thực dân Pháp ban hành Luật 49-733, ngày 4-6-1949, giao vùng đất Nam Bộ cho người Việt Nam đã làm cho vùng đất của người Khmer ở Tây Nam Bộ "bị mất" (?!). Để kỷ niệm sự kiện này và kích động thù địch, chúng lấy ngày 4-9 hằng năm làm ngày “Mất đất Khmer Campuchia Krôm”; tổ chức mít tinh, biểu tình... hòng làm sai lệch nhận thức của người dân, nhất là đồng bào Khmer về lịch sử vùng đất Tây Nam Bộ, kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, đòi thành lập “Nhà nước Kampuchia Khmer Krom” tiến hành ly khai, tự trị.
Các thế lực thù địch xuyên tạc cuộc chiến đấu chính nghĩa bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng bởi chính quyền Pol Pot nửa cuối thế kỷ XX là “lấn chiếm”(?!). Nhân các sự kiện cắm các mốc biên giới giữa Việt Nam - Campuchia, thông qua internet, các phương tiện truyền thông xã hội, các thế lực thù địch ra sức thêu dệt, xuyên tạc cho rằng Campuchia “cắt đất” cho Việt Nam (?!), kích động người dân tham gia biểu tình, chống đối... Những luận điệu thâm độc này không chỉ chia rẽ đồng bào trong nước, mà còn chia rẽ Việt Nam với Campuchia, ảnh hưởng đến quan hệ láng giềng, hữu nghị giữa hai nước.
Thứ hai, sử dụng không gian mạng để móc nối với các đối tượng cực đoan, bất mãn, cơ hội chính trị, tạo dựng lực lượng, thành lập các tổ chức chống đối.
Thông qua các hội nhóm kín trên không gian mạng, các tổ chức chống đối, phản động được thành lập trước đây thường xuyên kết nối thành viên nhằm củng cố, mở rộng quy mô tổ chức. Các tổ chức này chủ yếu liên quan đến vấn đề dân tộc và tôn giáo, tập hợp những tăng sinh, giáo viên chống đối. Từ năm 2010 đến nay, trong vùng đồng bào Khmer đã hình thành khoảng 6 hội, nhóm trái pháp luật(5). Dưới danh nghĩa “bảo tồn văn hóa dân tộc; giúp đỡ chùa chiền, sư sãi gặp khó khăn”; “thực hiện các nghi lễ tôn giáo theo đúng truyền thống của Phật giáo Nam tông Khmer”, các hội nhóm thường xuyên lập các trang facebook, fanpage, blog, tiktok phát tán các nội dung nhạy cảm, mang tích kích động, chống đối. Duy trì và mở rộng các tổ chức chống đối, phản động ở nước ngoài, đơn cử như Hội bảo vệ nhân quyền Khmer Campuchia Krôm (KKKHRA), Ủy ban Cứu trợ Thuyền nhân (BPSOS), Liên đoàn Khmer Campuchia Krôm thế giới…
Thứ ba, sử dụng không gian mạng để tuyên truyền, khoét sâu các sơ hở trong việc thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo nhằm tạo ra bất ổn chính trị.
Các đối tượng chống đối trong nước cấu kết với các tổ chức bên ngoài thiết lập nhiều trang web, blog thường xuyên đăng tải, chia sẻ các bài viết, hình ảnh, video có nội dung xấu, xuyên tạc, bịa đặt về việc thực thi các chính sách dân tộc, tôn giáo. Đặc biệt là bôi nhọ, vu cáo các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện, xã ở khu vực Tây Nam Bộ trong các vụ việc, như: tranh chấp, khiếu kiện về đất đai, nhất là đất đai của vùng đồng bào dân tộc, đất đai của các cơ sở thờ tự, chưa được giải quyết thỏa đáng, các công trình thi công trên địa bàn, việc quản lý, điều hành của chính quyền địa phương đối với việc thực thi các chính sách dân tộc, tôn giáo, công tác cán bộ…; một số nội dung có nhiều câu từ võ đoán, quy kết nhằm nói xấu, hạ thấp uy tín cán bộ, lãnh đạo chính quyền và các ngành chức năng. Các đối tượng phát tán thông tin trên internet và mạng xã hội, tập hợp lực lượng, tạo ra một số vụ liên quan đến an ninh, trật tự ở Tây Nam Bộ, như các vụ việc: Gây rối ở chùa Tà Sết và chùa Prây Chóp thuộc thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng (tháng 3-2013)(6); tuyên truyền sai trái của các đối tượng Bùi Văn Trung ở Huyện An Phú, tỉnh An Giang (tháng 4-2017)(7), đối tượng Danh Minh ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng đã sử dụng facebook cá nhân để đăng tải, phát trực tiếp nhiều video clip tuyên truyền, xuyên tạc vấn đề dân tộc, dân chủ, nhân quyền của Nhà nước ta (từ năm 2021 đến 2023)(8)…
Thứ tư, triệt để sử dụng không gian mạng để quốc tế hóa các vấn đề dân tộc, tôn giáo.
Các thế lực thủ địch sử dụng không gian mạng để tuyên truyền, phổ biến các văn bản, “đạo luật”, “nghị quyết” vu cáo Việt Nam vi phạm “dân chủ”, “nhân quyền”, “đàn áp dân tộc, tôn giáo”, đề nghị Mỹ đưa Việt Nam trở lại “Danh sách các nước cần được quan tâm đặc biệt”(9); công bố các bản “Tuyên bố chung về dự thảo Luật Tôn giáo ở Việt Nam” tập hợp chữ ký các lực lượng chống đối gửi đến các tổ chức quốc tế và Chính phủ Việt Nam...
Chúng thường xuyên tổ chức các diễn đàn trực tuyến về nhân quyền trong lĩnh vực dân tộc, tôn giáo để thúc đẩy các tổ chức như Theo dõi nhân quyền (Human Right Watch), Ân xá quốc tế (Amnesty International) can thiệp vào tình hình nội bộ nước ta. Thông qua không gian mạng để tập hợp lực lượng, tài liệu, vận động kinh phí tổ chức các phái đoàn tham gia “Diễn đàn thường trực Liên hợp quốc về các vấn đề dân tộc bản địa”, “Diễn đàn nhân dân ASEAN”, tiếp xúc các chính khách Mỹ, phương Tây về vấn đề tự do tôn giáo, đòi “quyền tự quyết” cho các dân tộc thiểu số. Chúng xuyên tạc, vu cáo lên các tổ chức, nghị viện và chính phủ các nước rằng Việt Nam bắt, xử lý một số đối tượng vi phạm pháp luật là “vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp”, yêu cầu thành lập cái gọi là văn phòng nhân quyền bảo vệ quyền lợi cho người “Khmer Krom” tại Việt Nam...
Đẩy mạnh đấu tranh chống các luận điệu sai trái, thù địch xuyên tạc về dân tộc, tôn giáo và lịch sử vùng đất Tây Nam Bộ trên không gian mạng
Thời gian qua, các tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở vùng Tây Nam Bộ đã chủ động, tích cực thực hiện công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là các quan điểm xuyên tạc vấn đề dân tộc, tôn giáo và lịch sử vùng đất này. Các tỉnh ủy, thành ủy đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Bộ Chính trị khóa XII, “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Thành lập ban chỉ đạo 35 cấp tỉnh, cấp huyện, trong đó chú trọng đến các lực lượng vũ trang nhằm tăng cường tính chiến đấu, nghiệp vụ trong công tác này. Các địa phương cũng đã tiến hành thành lập nhóm chuyên gia, tổ giúp việc và nhóm xung kích của các tổ chức chính trị - xã hội để triển khai đấu tranh trên không gian mạng. Các tỉnh ủy, thành ủy đã thành lập hàng ngàn trang mạng truyền thông nhằm phản bác các thông tin sai trái, thù địch, tuyên truyền các thông tin chính thống, cách làm hay, điển hình tiên tiến với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. Các địa phương đã phát huy vai trò của các chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng đồng bào dân tộc để tuyên truyền trên không gian mạng và xây dựng các báo điện tử, chương trình phát thanh trực tuyến, các trang mạng xã hội bằng ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số, nhất là tiếng Khmer. Đi đôi với đó, các đơn vị nghiệp vụ đã tiến hành bóc gỡ các nội dung, tiến hành xử lý theo pháp luật các đối tượng vi phạm luật an ninh mạng. Các địa phương đã huy động các cộng tác viên thực hiện báo xấu các nội dung sai trái, thù địch, kích động...

Tuy nhiên, công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về dân tộc, tôn giáo và lịch sử vùng đất Tây Nam Bộ trên không gian mạng cũng còn nhiều hạn chế. Năng lực viết các bài đấu tranh, phản bác chưa tốt, thiếu những bài viết sắc sảo về lý luận, thuyết phục về thực tiễn, tính chiến đấu chưa cao; các nội dung đấu tranh, phản bác trên không gian mạng chưa đa dạng về hình thức, còn khô cứng, thiếu sức hấp dẫn, tương tác, nhất là với giới trẻ; công tác bóc gỡ các website, các tài khoản mạng xã hội còn rất khó khăn; công tác báo xấu chỉ phát huy được tác dụng ở giai đoạn đầu, về sau ngày càng kém hiệu quả; ý thức, trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên trong việc sử dụng internet, mạng xã hội chưa cao, vô tình tiếp tay cho các thông tin xấu, độc...
Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp, cụ thể:
Một là, tăng cường nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp đối với công tác đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch. Các cấp ủy phải tạo sự đồng thuận, nhận thức được vị trí, vai trò của không gian mạng trong công tác tư tưởng nói chung, công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nói riêng cho từng tổ chức đảng, đảng viên. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc quán triệt, tổ chức thực hiện và huy động tối đa lực lượng, nhất là nhóm nòng cốt, xung kích trên không gian mạng. Kịp thời cụ thể hóa, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy trong vùng về đấu tranh phản bác trên không gian mạng.
Hai là, thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh mạng và quản lý nhà nước đối với các mạng xã hội đang hoạt động ở Việt Nam. Các cấp ủy Đảng, chính quyền cần nghiêm túc thực hiện các văn bản của Đảng và Nhà nước về bảo đảm an ninh mạng, như Chỉ thị 28-CT/TW, ngày 16-9-2013, của Ban Bí thư khóa XI, “Về tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng”; Chỉ thị 15/CT-TTg, ngày 17-6-2014, của Thủ tướng Chính phủ, “Về tăng cường công tác bảo đảm an ninh và an toàn thông tin mạng trong tình hình mới”; Luật An toàn thông tin mạng năm 2016 và Luật An ninh mạng năm 2018… Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng internet và mạng xã hội để phát tán, tuyên truyền các thông tin sai lệch, xuyên tạc vấn đề dân tộc, tôn giáo ở Việt Nam nói chung và vùng Tây Nam Bộ nói riêng. Các lực lượng nghiệp vụ cần thường xuyên nắm bắt, rà soát các địa chỉ, tài khoản xấu, độc để kịp thời bóc gỡ, vô hiệu hóa. Tiếp tục xử lý nghiêm các đối tượng cố ý tiếp tay cho các lực lượng chống đối bên ngoài theo quy định của pháp luật. Xử lý các sự vụ, sự việc liên quan đến dân tộc, tôn giáo khi mới manh nha, không để trở thành các điểm nóng về chính trị.
Ba là, tăng cường năng lực tiếp nhận, xử lý thông tin của của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cần tiếp tục nâng cao dân trí, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Các tổ chức chính trị - xã hội cần mở các đợt tập huấn, trao đổi kinh nghiệm trong việc tiếp cận, định hướng thông tin trên mạng xã hội đến đoàn viên, hội viên và nhân dân. Nâng cao trình độ dân trí để làm cho mỗi đảng viên và nhân dân vùng Tây Nam Bộ tự “miễn dịch” và có cơ chế tự sàng lọc trong tiếp cận và xử lý thông tin một cách đúng đắn. Cấp ủy, chính quyền địa phương cần chủ động, tích cực trong việc cung cấp thông tin chính thống một cách chủ động, kịp thời, nhất là những vấn đề liên quan đến dân tộc, tôn giáo. Lấy việc chia sẻ thông tin của cán bộ, đảng viên, nhất là ở cơ sở để định hướng tiếp cận thông tin cho nhân dân kết hợp với việc sử dụng các phương tiện công tác tư tưởng ở địa phương.
Bốn là, củng cố và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh. Cấp ủy, chính quyền các địa phương cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người dân tộc thiểu số ở cơ sở. Thường xuyên luân chuyển, điều động, bố trí cán bộ có năng lực, phẩm chất đạo đức cho cơ sở vùng dân tộc thiểu số, vùng tôn giáo, địa bàn trọng điểm, nhất là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào theo tôn giáo... Trong tiêu chuẩn đội ngũ cán bộ, biết tiếng của các dân tộc thiểu số là điều kiện quan trọng; có kiến thức và am hiểu phong tục, tập quán, tôn giáo. Cấp ủy các cấp cần chủ động thực hiện công tác vận động quần chúng với phương châm “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”. Thực hiện nêu gương trong cuộc sống không quan liêu, tham nhũng, tiêu cực. Quan tâm phát huy vai trò tích cực của các chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong các dân tộc; đổi mới công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo với phương châm tích cực, kiên trì, thận trọng, tế nhị, chân thành, vững chắc. Thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho các lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ đấu tranh trên không gian mạng.
Năm là, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc, tôn giáo vùng Tây Nam Bộ. Các cấp, các ngành cần triển khai có hiệu quả các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, chăm lo giáo dục, triệt để xóa nạn mù chữ; thực hiện nghiêm Luật Đất đai, gắn với thực hiện chính sách đất đai, hạn chế các vụ tranh chấp, khiếu kiện liên quan. Việc chăm lo đời sống, thoát nghèo bền vững, ổn định và để đồng bào vươn lên trong phát triển kinh tế, quan tâm đến an sinh xã hội, nhất là chăm sóc sức khỏe, tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là vấn đề căn bản, là giải pháp quan trọng bậc nhất để thành công trong cuộc đấu tranh tư tưởng. Bên cạnh đời sống vật chất thì việc chăm lo giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Khmer, Hoa, Chăm và các dân tộc thiểu số khác là vấn đề cần được quan tâm. Những giá trị văn hóa này góp phần tô điểm thêm vẻ đẹp của bức tranh văn hóa đầy màu sắc, đa dạng và sống động của Việt Nam. Đây cũng là nền tảng vững chắc để làm giàu đời sống tinh thần, gắn liền với văn hóa các dân tộc trong chiều dài lịch sử, tạo thành các lễ hội, phong tục, tập quán mang bản sắc riêng, để mỗi đồng bào dân tộc thiểu số, mỗi tín đồ, chức sắc tôn giáo luôn tự hào về bản sắc văn hóa của mình…/.
--------------------------
(1) Ủy ban Dân tộc - Tổng cục Thống kê: Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2020, tr. 135 - 136
(2) Xem: Trần Hữu Hợp: “Sự đa dạng tôn giáo, tín ngưỡng vùng Tây Nam Bộ - Tiềm năng du lịch văn hóa”, Liên hiệp các Hội Khoa Học, Kỹ thuật Thành phố Cần Thơ, ngày 15-3-2018, https://custa.cantho.gov.vn/Su-da-dang-ton-giao--tin-nguong-vung-Tay-Nam-Bo-Tiem-nang-du-lich-van-hoa
(3) Tôn giáo, tín ngưỡng ở khu vực Tây Nam Bộ hiện nay, Thuộc Đề án Hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo theo Quyết định số 219-QĐ/TTg, ngày 21-2-2019 của Thủ tướng Chính phủ, tr. 216
(4) https://www.brandsvietnam.com/congdong/topic/330927-Bao-cao-Marketing-cua-We-Are-Social-2023
(5) Thạch Phước Bình: “Một số biện pháp đấu tranh chống lợi dụng vấn đề dân tộc Khmer chống phá cách mạng nước ta trên địa bàn các tỉnh Tây Nam Bộ”, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, ngày 20-2-2020, http://tapchiqptd.vn/vi/phong-chong-dbhb-bao-ve-vung-chac-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/mot-so-bien-phap-dau-tranh-chong-loi-dung-van-de-dan-toc-khmer-chong-pha-cach-mang-nuoc-ta/15126.html
(6) Tịnh Ngọc: “Gây rối chốn thiền môn, 4 người tù 10 tháng - 1 năm”, Báo Tuổi trẻ Online, ngày 26-9-201, https://tuoitre.vn/gay-roi-chon-thien-mon-4-nguoi-tu-10-thang---1-nam-571060.htm
(7) Tâm Minh: “Cần tỉnh táo trước mọi luận điệu xuyên tạc, mượn danh tôn giáo”, Tuyên giáo An Giang, ngày 5-5-2017, http://tuyengiaoangiang.vn/chong-dbhb/4173-can-tinh-tao-truoc-moi-luan-dieu-xuyen-tac-muon-danh-ton-giao.html
(8) Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sóc Trăng: “Sóc Trăng: Khởi tố vụ án, khởi tố bị can vi phạm hình sự”, Trang Thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng, ngày 31-7-2023,
https://soctrang.dcs.vn/Default.aspx?sname=tinhuy&sid=4&pageid=469&catid=54389&id=296817&catname=Qu%u1ed1c+ph%u00f2ng+-+An+ninh&title=soc-trang-khoi-to-vu-an-khoi-to-bi-can-vi-pham-hinh-su
(9) Xem: “Kẻ bị truy nã “đi lạc” vào hội nghị về thăng tiến tự do tôn giáo”, Cổng Thông tin điện tử Công an tỉnh Thanh Hóa, ngày 29-7-2019, https://conganthanhhoa.gov.vn/tin-tuc-su-kien/tin-trong-nuoc/ke-bi-truy-na-di-lac-vao-hoi-nghi-ve-thang-tien-tu-do-ton-gi.html
- Phát huy vai trò của phụ nữ Việt Nam trong kỷ nguyên mới
- Hoàn thiện thể chế thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp nhà nước - lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước
- Ngoại giao không gian mạng: Kinh nghiệm của một số quốc gia và gợi mở đối với Việt Nam
- Bối cảnh quốc tế và trong nước - Những vấn đề đặt ra để đưa đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên mới
- Bảy mươi lăm năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nga: Viết tiếp những trang sử vẻ vang và tự hào
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX