Xu thế già hóa dân số ở nước ta và vấn đề chăm sóc sức khỏe, sử dụng lao động người cao tuổi
TCCS - Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong công tác dân số, chăm sóc người cao tuổi có ý nghĩa quan trọng. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (Nghị quyết số 21 - NQ/TW) về công tác dân số trong tình hình mới đề ra mục tiêu thời gian tới phấn đấu tuổi thọ bình quân người dân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm; 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, được khám, chữa bệnh, được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng và các cơ sở chăm sóc tập trung.
Việt Nam có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới
Người cao tuổi chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu dân số nước ta và là một trong những nhóm người dễ tổn thương trong xã hội, cần được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe toàn diện. Là một nước có thu nhập trung bình thấp nhưng Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số với tốc độ rất nhanh. Hiện tại, nước ta đang trong giai đoạn cuối của thời kỳ cơ cấu dân số vàng, bước đầu vào giai đoạn già hóa. Việt Nam nằm trong số 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới. Già hóa dân số đặt Việt Nam trước nhiều thách thức liên quan đến chăm sóc sức khỏe cũng như nguồn cung lao động và sử dụng lao động người cao tuổi. Theo giới chuyên môn, tạo điều kiện cho người cao tuổi tiếp tục lao động không chỉ giúp họ có thêm thu nhập mà còn làm giảm những tác động bất lợi đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội do sự biến động của cơ cấu dân số gây ra.
Trong thời gian qua, do làm tốt công tác giảm sinh nên số lượng và tỷ lệ trẻ em trong cơ cấu dân số của Việt Nam ngày càng giảm. Bên cạnh đó, sự phát triển kinh tế - xã hội và việc chăm sóc sức khỏe tốt hơn nên tỷ lệ và số lượng người cao tuổi tăng lên. Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 với tỷ lệ người trên 65 tuổi đạt 7%. Đến khi tỷ lệ người cao tuổi trở lên đạt 14%, chúng ta sẽ bước vào giai đoạn dân số già. Điều đáng lo ngại là, nếu như các nước trên thế giới phải trải qua nhiều thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ mới chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già, (như Pháp: 115 năm, Thụy Điển: 85 năm, Hoa Kỳ: 70 năm…) thì Việt Nam được dự báo giai đoạn dân số già sẽ đến trong vòng 16 - 18 năm nữa. Như vậy, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.
Tỷ lệ và số lượng người cao tuổi Việt Nam sẽ tăng lên nhanh chóng trong những năm tới. Năm 2017, số người cao tuổi ở Việt Nam đã chiếm 11,9% tổng dân số. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2038 nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên sẽ chiếm khoảng 20% tổng dân số. Lúc này, dân số trong độ tuổi lao động sẽ giảm xuống và sự biến động dân số này sẽ tác động bất lợi đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội nếu không có chính sách phù hợp.
Vì vậy, Việt Nam cần phải có các chính sách và chương trình kịp thời và hiệu quả để có thể giải quyết được vấn đề già hóa dân số và chuẩn bị cho dân số già trong tương lai. Nếu chúng ta có các giải pháp phù hợp về chăm sóc sức khỏe, thu nhập ổn định, mạng lưới an sinh xã hội và hỗ trợ về mặt pháp lý cho người cao tuổi thì các thế hệ hiện nay và trong tương lai sẽ được hưởng lợi từ chính sự già hóa dân số.
Tăng cường chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách về an sinh xã hội dành cho người cao tuổi như: chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và trợ cấp xã hội… Tuy nhiên, hệ thống chính sách an sinh xã hội ở nước ta mới hỗ trợ nâng cao đời sống cho một bộ phận người cao tuổi. Hiện cả nước mới có khoảng 39% người cao tuổi được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội, chính sách đối với người có công và trợ cấp xã hội. Như vậy, còn tới 61% dân số cao tuổi sống dựa hoàn toàn vào kinh tế của chính mình.
Chất lượng cuộc sống của người cao tuổi nhất là ở vùng nông thôn còn rất khó khăn, tỷ lệ người nghèo ở người cao tuổi là 23,5%. Chỉ có khoảng 60% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế. Tuổi thọ trung bình cao nhưng tuổi thọ khỏe mạnh của người cao tuổi ở nước ta thấp (64 tuổi); đặc biệt, có 67,2% người cao tuổi có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu, 70% người cao tuổi có khó khăn về vật chất… Khoảng 95% người cao tuổi có bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính không lây truyền, trung bình 1 người cao tuổi Việt Nam mắc 3 bệnh. Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa đáp được nhu cầu ngày càng tăng của người cao tuổi. Đối với người cao tuổi, chăm sóc y tế là điều quan trọng nhất. Nhiệm vụ này cần được Nhà nước, gia đình và xã hội cùng quan tâm thực hiện. Bệnh tật ở người cao tuổi chủ yếu là bệnh không lây nhiễm và mạn tính nên chi phí chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng cao. Bên cạnh đó, người cao tuổi còn có những yêu cầu khác biệt, đặc thù về chăm sóc sức khỏe. Đặc điểm bệnh lý của người cao tuổi cũng khác với các lứa tuổi khác như lão hóa các cơ quan, tính chất đa bệnh lý, các hội chứng đặc trưng ở người cao tuổi; sử dụng nhiều thuốc, tình trạng phụ thuộc; tăng nguy cơ tai biến. Bệnh nhân cao tuổi thường có các hội chứng lão khoa đặc trưng (như hội chứng dễ bị tổn thương, sa sút trí tuệ, rối loạn vận động, suy dinh dưỡng, giảm hoạt động chức năng, lú lẫn, trầm cảm, loét, mất nước) có nguy cơ tai biến điều trị cao… Chính vì thế, ngành y tế cần đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám chữa bệnh của người cao tuổi với chất lượng ngày càng cao, chi phí và hình thức phù hợp; đồng thời, phối hợp chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cơ sở y tế và dựa vào cộng đồng. Trong đó, việc thành lập khoa lão khoa trong các bệnh viện sẽ giúp người cao tuổi được chăm sóc một cách chuyên nghiệp, toàn diện và liên tục.
Về cơ sở vật chất, cả nước hiện có 106 khoa lão khoa được thành lập tại bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố và bệnh viện trung ương; hơn 900 khoa khám bệnh có buồng riêng cho người cao tuổi; trên 10.000 giường điều trị nội trú ưu tiên cho người cao tuổi và có 1.791 nhân viên y tế được đào tạo về lão khoa. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác khám, chữa bệnh cho người cao tuổi còn nhiều khó khăn, thách thức. Một số địa phương hiện vẫn chưa bố trí kinh phí thực hiện chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi như khám sức khỏe định kỳ do điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị để thành lập khoa lão còn thiếu; bác sỹ, điều dưỡng học về chuyên ngành lão khoa còn thiếu nên chưa tư vấn, tuyên truyền và phổ biến kiến thức phòng và chữa bệnh cho người cao tuổi tại cộng đồng…
Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, tuy nhiên, với tốc độ già hóa dân số như hiện nay, Nhà nước, mà cụ thể là ngành y tế cần có cơ chế, chính sách cũng như chương trình mở rộng mạng lưới các cơ sở y tế, tăng cường trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu cho công tác khám, chữa bệnh và điều trị cho người cao tuổi.
Sử dụng hợp lý lao động người cao tuổi
Bên cạnh việc đẩy mạnh tổ chức và triển khai thực hiện các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thì một việc rất quan trọng khác là cần tạo điều kiện cho người cao tuổi lao động trong khả năng, để một mặt tạo ra thu nhập cho cá nhân người cao tuổi, mặt khác, góp phần giảm tác động bất lợi đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội do sự biến động của cơ cấu dân số gây ra.
Ở nước ta, độ tuổi nghỉ hưu đối với nữ hiện nay là 55 tuổi và nam là 60 tuổi. Từ độ tuổi này trở lên khi tiếp tục tham gia lao động thì được coi là lao động cao tuổi. Tỷ lệ người lao động cao tuổi tiếp tục làm việc hiện rất cao. Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, có tới 60% người cao tuổi trong độ tuổi 60-69 đang tiếp tục làm việc.
Những lao động cao tuổi tiếp tục làm việc xuất phát từ nhu cầu tăng thêm thu nhập phục vụ cho cuộc sống. Bên cạnh đó, khi tham gia vào thị trường lao động, người cao tuổi có một vị trí đặc biệt; họ là những người có kinh nghiệm và các kỹ năng để làm việc tốt nhất đã được tích lũy qua thời gian. Bên cạnh đó là ý thức chấp hành, sự am hiểu pháp luật tốt hơn; đồng thời ít bị tai nạn lao động hơn... Vì vậy, khi chúng ta bước vào giai đoạn già hóa dân số thì việc sử dụng người lao động là người cao tuổi là rất cần thiết.
Có rất nhiều công việc người cao tuổi làm được mà không ảnh hưởng tới nguồn cung việc làm của người trẻ. Họ có thể tham gia làm việc tại các đơn vị, doanh nghiệp từ cổng vào như bảo vệ đến những công việc hành chính, phục vụ, kho, quản lý… Thậm chí, trong nhiều nhà máy của các doanh nghiệp, những dây chuyền sản xuất cũng có sự tham gia của người lao động cao tuổi. Dù chỉ làm những công việc giản đơn, nhưng họ làm rất tỉ mỉ. Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp cho biết, trong tương lai nhu cầu sử dụng lao động cao tuổi còn có thể nhiều hơn.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hiện cũng đang có kế hoạch tổ chức các sàn giao dịch việc làm dành cho người cao tuổi để tận dụng, phát huy và tạo điều kiện cho người cao tuổi đóng góp cho xã hội.
Rõ ràng, người cao tuổi là một nguồn lực quan trọng của xã hội. Người cao tuổi là những người có kiến thức, kinh nghiệm, trong số họ, rất nhiều người là những chuyên gia, người lao động trình độ cao của các ngành, lĩnh vực; có sức khỏe, có nguyện vọng tiếp tục cống hiến cho gia đình và xã hội. Họ không muốn nghỉ ngơi thụ động, phụ thuộc vào con cái mà muốn có cuộc sống chủ động, tích cực, tham gia công việc gia đình, xã hội. Vì vậy, Nhà nước và xã hội cần thay đổi quan niệm, cách tiếp cận, cách nhìn đối với vấn đề người cao tuổi. Người cao tuổi không chỉ là vấn đề cần giải quyết mà còn là cơ hội, nguồn lực cho sự phát triển, cần quan tâm tạo cơ chế, chính sách để thu hút, khai thác nguồn lực đó một cách hiệu quả.
Để người cao tuổi tiếp tục đóng góp cho gia đình, xã hội, Nhà nước có thể ban hành các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động của người cao tuổi. Đây là vai trò nổi bật của Nhà nước trong việc khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, cộng đồng, gia đình, cá nhân bảo vệ, chăm sóc, phát huy khả năng đóng góp của người cao tuổi.
Nhà nước cũng có thể lồng ghép yếu tố người cao tuổi, chính sách đối với người cao tuổi vào chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng hướng trực tiếp đến người cao tuổi; khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ cho họ rèn luyện sức khỏe; tham gia học tập; hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội./.
Kinh nghiệm từ Nhật Bản
Trước những thách thức về già hóa dân số, một số nước trên thế giới có riêng chương trình sử dụng người lao động cao tuổi để hỗ trợ cho người cao tuổi tìm việc, hỗ trợ cho chủ lao động là người cao tuổi. Thậm chí rất nhiều doanh nghiệp chỉ tuyển người cao tuổi.
Ở Nhật Bản, cứ 10 người thì có đến 3 người già. Vấn đề già hóa dân số trầm trọng đang tạo ra gánh nặng về phúc lợi xã hội không nhỏ cho nước này. Từ năm 1986, Chính phủ Nhật Bản đã có quy định chính thức về việc thiết lập các trung tâm giới thiệu việc làm ở tất cả các đơn vị hành chính cấp thôn, quận và thành phố. Các trung tâm này hoạt động hoàn toàn bằng ngân sách nhà nước và chỉ thu một khoản phí rất nhỏ từ những người cao tuổi đăng ký tìm việc. Nhiệm vụ của Trung tâm là giới thiệu những công việc đơn giản, ít tốn thời gian cho những người cao tuổi sống trong khu vực hành chính mình quản lý. Trung tâm còn có trách nhiệm đóng tiền bảo hiểm cho các hội viên.
Quốc hội Nhật Bản cũng đã thông qua bộ luật ổn định việc làm cho người cao tuổi vào năm 2013. Luật này yêu cầu mọi doanh nghiệp áp dụng tuổi về hưu với tuổi không trẻ hơn 60, đồng thời phải thực hiện một trong ba biện pháp: (1) Xây dựng chế độ tuổi về hưu là 65; (2) Có biện pháp duy trì việc làm đến 65 tuổi hoặc (3) Bãi bỏ chế độ về hưu.
Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản trợ cấp cho các doanh nghiệp tuyển dụng người cao tuổi thông qua các trung tâm nhà nước về ổn định việc làm; doanh nghiệp có chế độ bảo đảm việc làm cho nhân viên tuổi 65. Đến nay, phần lớn doanh nghiệp Nhật Bản đều đã xây dựng chế độ làm việc đến 65 tuổi.
Việc khuyến khích người cao tuổi tham gia lao động của quốc gia này, ngoài góp phần giải quyết những vấn đề khó khăn với phát triển kinh tế, chế độ an sinh xã hội, còn có mặt tích cực tạo ra sự hài lòng và khẳng định bản thân của người cao tuổi.
Hà Nội tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực y, dược tư nhân  (10/09/2019)
Giải pháp khắc phục tình trạng quá tải khám, chữa bệnh tại các bệnh viện  (09/09/2019)
Hà Nội đưa vào hoạt động máy điều trị ung thư hiện đại nhất thế giới  (30/08/2019)
Xóa bỏ mặc cảm, tăng cường thụ hưởng cho trẻ em bị nhiễm HIV  (24/08/2019)
Tham vấn về đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số  (23/08/2019)
Việt Nam có tỷ lệ ức chế virus HIV thuộc hàng cao nhất thế giới  (20/08/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay