Đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế mới ở Hà Nội trong giai đoạn hiện nay
TCCS - Nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, thành phố Hà Nội đã phát triển một số mô hình kinh tế mới, như kinh tế số, kinh tế ban đêm, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ,… thu được một số kết quả khả quan. Tuy nhiên, để Hà Nội phát triển các mô hình kinh tế mới hiệu quả hơn trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Một số mô hình kinh tế mới
Kinh tế chia sẻ
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội, việc ứng dụng khoa học - công nghệ trong lĩnh vực vận tải để quản lý, theo dõi hoạt động kinh doanh vận tải của các đơn vị vận tải ngày càng phổ biến, như việc ứng dụng kết nối công nghệ thông tin đến hành khách của các đơn vị kinh doanh xe hợp đồng, xe du lịch, xe tải,...; với khoảng trên 55 doanh nghiệp, hợp tác xã với trên 15.000 ô-tô tham gia hoạt động này. Trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm trong việc phát triển phần mềm, kinh nghiệm mở rộng mô hình kinh doanh và quan trọng là nguồn lực lớn đã dần chiếm lĩnh thị trường ứng dụng.
Dịch vụ chia sẻ lưu trú, nhu cầu tìm kiếm các homestay qua các trang mạng trực tuyến để có được trải nghiệm mới tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng tăng trong thời gian gần đây (trước và sau đại dịch COVID-19). Theo báo cáo của Airbnb, Việt Nam đang có tỷ lệ đặt phòng tăng vượt trội tại Hà Nội (212%) và Đà Nẵng (225%). Hiện nay, tại Hà Nội có hơn 300 cơ sở lưu trú tham gia vào mạng lưới Airbnb.com.vn, với mức giá thuê căn hộ thấp nhất từ 10 - 12 USD/đêm cho đến 40 - 45 USD/đêm. Các căn hộ dạng này đều đầy đủ các tiện nghi cơ bản, như bếp, nhà tắm nóng lạnh, điều hòa nhiệt độ, ti-vi màn hình lớn.
Tại Hà Nội, mô hình kinh tế chia sẻ còn xuất hiện ở nhiều lĩnh vực, như chia sẻ không gian làm việc (coworking space), hoạt động logistics, hoạt động du lịch, hoạt động truyền thông, dịch vụ y tế - giáo dục, nông nghiệp, lao động việc làm,...
Kinh tế ban đêm
Trên thực tế, kinh tế ban đêm đã xuất hiện từ lâu ở Hà Nội và phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Nhiều hoạt động kinh doanh diễn ra trong khoảng thời gian từ 18 giờ đến 24 giờ, chủ yếu là các dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm, dịch vụ vui chơi, giải trí... Với lợi thế sẵn có cũng như đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, phát triển kinh tế ban đêm sẽ là xu hướng tất yếu của Thủ đô.
Hiện nay, quận Hoàn Kiếm là một trong những quận đi đầu của thành phố về phát triển kinh tế ban đêm, với việc triển khai Đề án “Phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm”. Việc triển khai đề án góp phần cụ thể hóa định hướng về phát triển kinh tế đêm và xác định những kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện, với một số hoạt động đặc trưng, như không gian ẩm thực tại Chợ đêm Đồng Xuân, tổ chức Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và các vùng phụ cận, tổ chức các không gian đi bộ trong khu phố cổ. Bên cạnh đó, Hà Nội còn một số hoạt động kinh tế đêm diễn ra ở một số khu vực khác, tiêu biểu như phố đi bộ Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ; phố đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây; không gian đi bộ khu vực hồ Thiền Quang; chợ ẩm thực Ngọc Lâm, quận Long Biên; các khu mua sắm cho sinh viên ở quận Cầu Giấy,...
Phát triển kinh tế số
Đại dịch COVID-19 đã làm kinh tế các quốc gia có nhiều biến động sâu sắc. Trong quá trình giãn cách xã hội để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, đã tạo ra cơ hội phát triển tính ưu việt của kinh tế số. Thành phố Hà Nội đã ban hành “Chương trình Chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó xác định thực hiện chuyển đổi số trên ba trụ cột chính là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Hà Nội đã đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp số, startup, để tạo đà cho phát triển kinh tế số Hà Nội. Trên địa bàn thành phố Hà Nội có gần 8.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin với tổng doanh thu đạt khoảng 12,57 tỷ USD, thu hút hơn 160.000 lao động. Tính đến ngày 31-12-2020, thành phố đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 294 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử; trong đó có 69 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới với tổng vốn gần 32 triệu USD.
Bên cạnh đó, Hà Nội đẩy mạnh các hoạt động thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông làm nền tảng cho phát triển Chính quyền điện tử thành phố Hà Nội; triển khai, nâng cấp và duy trì bảo đảm an toàn thông tin mạng theo mô hình 4 lớp; hướng dẫn các đơn vị áp dụng hệ thống quản lý an toàn thông tin mạng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; triển khai nâng cấp và duy trì Trung tâm giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC)...
Để phát triển các mô hình kinh tế mới hiệu quả hơn
Các kết quả thu được từ các mô hình phát triển trên là rất khả quan. Tuy nhiên, các mô hình kinh tế đặc trưng của đô thị ở Hà Nội phát triển còn mang tính tự phát, còn nhiều bất cập hạn chế, việc khai thác còn khiêm tốn, hiệu quả chưa cao. Những vấn đề này cần nhanh chóng khắc phục trong thời gian tới bằng những giải pháp đồng bộ, quyết liệt.
Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5-5-2022, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đề ra mục tiêu: “Phát triển kinh tế đô thị thành phố Hà Nội theo hướng nhanh, hiệu quả, bền vững góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để tiếp tục phát huy vai trò động lực tăng trưởng, khả năng dẫn dắt đối với khu vực nông thôn, kinh tế Thủ đô và kinh tế vùng Thủ đô; góp phần quan trọng đưa Hà Nội đến năm 2030 trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực”(1).
Nghị quyết số 15-NQ/TW bổ sung một số chỉ tiêu, như kinh tế khu vực đô thị đóng góp chủ yếu vào GRDP toàn thành phố, đến năm 2025: 85% và năm 2030: 90%; 2- Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP đạt 30% vào năm 2025, đạt 40% vào năm 2030; 3- Phấn đấu đến năm 2025, doanh số thương mại điện tử chiếm 10%, so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố, đến năm 2030 tăng 20%;…(2).
Việc phát triển các mô hình kinh tế mới hiệu quả hơn trong thời gian tới sẽ góp phần quan trọng để Hà Nội đạt được các mục tiêu và chỉ tiêu nêu trên. Do đó, để hiện thực hóa các mục tiêu, định hướng, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 15-NQ/TW, đối với phát triển các mô hình kinh tế mới, Hà Nội cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp:
Đối với kinh tế chia sẻ: Hà Nội đã có lịch sử phát triển kinh tế chia sẻ khá phong phú, nhất là dịch vụ nhà cho thuê và dịch vụ xe công nghệ. Để phát triển kinh tế chia sẻ, cần coi trọng phát triển mạnh và nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ, nhất là những dịch vụ có lợi thế, dịch vụ có giá trị gia tăng cao trên cơ sở ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ số, các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tập trung phát triển mạnh một số ngành dịch vụ, như du lịch, thương mại, viễn thông, công nghệ thông tin, vận tải, logistics, dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ tư vấn pháp lý... Hiện đại hóa và mở rộng các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, kiểm toán, các dịch vụ y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ, dịch vụ văn hóa, thể thao... Nâng cao tính chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại theo các tiêu chuẩn, chuẩn mực quốc tế, khả năng cạnh tranh quốc tế của các dịch vụ. Phát triển mạng lưới kinh doanh thương mại, hệ thống chợ, thương mại - dịch vụ, thương mại điện tử, hoạt động logistics; kết hợp giữa kinh doanh truyền thống với kinh doanh trên môi trường mạng. Đẩy mạnh các hoạt động liên kết vùng; thanh toán không dùng tiền mặt.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cần tiếp tục chủ trì, phối hợp các sở, ngành tham mưu triển khai các nội dung về kinh tế chia sẻ tại Quyết định số 999/QĐ-TTg, ngày 12-8-2019, của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt “Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ”. Đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, chính sách, quy định của Trung ương và Hà Nội về kinh tế chia sẻ nhằm nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng về hoạt động kinh tế chia sẻ. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế chia sẻ và kiểm soát rủi ro. Thực hiện cơ chế khung pháp lý thử nghiệm (Regulatory Sandbox) cho việc triển khai và ứng dụng các công nghệ mới trong mô hình kinh tế chia sẻ. Rà soát các hoạt động kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ trên địa bàn về thủ tục thành lập doanh nghiệp, cách thức huy động vốn, phương thức đầu tư, quản lý rủi ro, nghĩa vụ nộp thuế, quản lý người lao động... Đề xuất nghiên cứu xây dựng các quy định về trách nhiệm rõ ràng hơn của các bên khi tham gia hệ thống kinh tế chia sẻ nhằm hạn chế rủi ro, tăng cường tính minh bạch trong kinh doanh mô hình kinh tế chia sẻ.
Đối với kinh tế ban đêm: Mô hình kinh tế ban đêm có nhiều tiềm năng phát triển trên địa bàn Thủ đô. Để phát triển kinh tế ban đêm, cần bổ sung quy hoạch và xem xét sớm thí điểm triển khai mô hình kinh tế ban đêm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và nhân rộng ra các quận, huyện khác. Trước mắt, mở rộng không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm; triển khai thi công “cột mốc ki-lô-mét số 0”, tập trung phát triển các dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí, ăn uống, mua sắm, chăm sóc sức khỏe, du lịch, vận chuyển, tài chính ngân hàng…; không giới hạn thời gian vào tất cả các ngày trong tuần. Các không gian đi bộ tổ chức từ tối thứ Sáu đến tối Chủ nhật hằng tuần. Các điểm di tích, di sản dự kiến mở cửa đến 22 giờ hằng ngày… đáp ứng nhu cầu của du khách.
Sở Khoa học và Công nghệ cần báo cáo, tham mưu với Ủy ban nhân dân thành phố việc ban hành “Đề án phát triển kinh tế đêm”, trong đó làm rõ nhiệm vụ, giải pháp về: Nâng cao nhận thức về lợi ích và rủi ro khi phát triển kinh tế đêm; xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế đêm và kiểm soát rủi ro; các giải pháp quản lý nhà nước (về bộ máy và tổ chức triển khai) đối với kinh tế đêm; các mô hình kinh tế đêm cụ thể tại các địa phương bảo đảm phù hợp với đặc điểm yêu cầu về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, có tính khả thi; phát triển các loại hình dịch vụ kinh tế đêm thông qua các loại hình dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí,... đòi hỏi tính sáng tạo dựa trên nguồn văn hóa truyền thống sẵn có, khả năng tổ chức và triển khai của từng địa bàn. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế đêm cũng cần được chú trọng hơn nữa; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến du lịch, quảng bá các hoạt động kinh tế đêm…
Đối với phát triển kinh tế số: Để phát triển kinh tế số, Hà Nội cần đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và vận hành và quản lý dựa trên nền tảng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo. Tập trung phát triển hạ tầng số phục vụ hoạt động của các cơ quan nhà nước; xây dựng, đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, liên thông các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, nhà ở, bảo hiểm, y tế, giáo dục, doanh nghiệp... Đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ thể chế, chính sách ứng dụng, phát triển khoa học - công nghệ; ưu tiên chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào các lĩnh vực kinh tế. Phát triển một số ngành khoa học và công nghệ mũi nhọn, công nghệ mới, ưu tiên công nghệ số, kết nối 5G và sau 5G, trí tuệ nhân tạo, để nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế. Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực kinh tế, các doanh nghiệp. Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ cao, công nghệ mới như công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, công nghệ sinh học, sản xuất ô-tô, rô-bốt, thiết bị, phương tiện vận hành tự động, điều khiển từ xa, sản phẩm số, công nghiệp an toàn thông tin...
Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội cần tiếp tục chủ trì, phối hợp các sở, ngành tham mưu khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh sử dụng các dịch vụ số của các doanh nghiệp, hoạt động trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ,...; triển khai nghiêm túc, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp về chuyển đổi số tại Quyết định số 4098/QĐ-UBND, ngày 6-9-2021, của Ủy ban nhân dân thành phố, phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” để thúc đẩy phát triển kinh tế số. Ngoài ra, các sở, ngành xây dựng đề án chuyển đổi số để thúc đẩy phát triển kinh tế trong một số lĩnh vực: công nghiệp văn hóa, tài chính - ngân hàng; thương mại; du lịch; logistics; an toàn, an ninh mạng; thông tin truyền thông,...
Đối với kinh tế tuần hoàn: Mô hình kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế mà trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và loại bỏ các tác động tiêu cực tới môi trường. Để phát triển kinh tế tuần hoàn, Hà Nội cần ưu tiên phát triển các vùng, cụm nông nghiệp tập trung quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết “bốn nhà” theo chuỗi giá trị, mạng sản xuất hàng hóa nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; phát triển làng nghề, các sản phẩm thuộc chương trình OCOP (mỗi xã/phường một sản phẩm), biến những phụ phẩm trong nông nghiệp thành sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Chuỗi giá trị ngành hàng nông sản phải được hình thành, thay cho chuỗi liên kết dễ bị tổn thương do xung đột lợi ích các bên tham gia và biến cố thị trường; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng công nghệ gien, công nghệ sinh học, công nghệ số trong sản xuất, quản lý sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản. Quan tâm tới xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, tuân thủ quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc, kiểm định chất lượng sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Nhà nước phải có trách nhiệm hỗ trợ huấn luyện, tập huấn, đào tạo cho nông dân xây dựng “chuỗi giá trị ngành hàng”, “hệ sinh thái ngành hàng”; kêu gọi đầu tư các “Cụm liên kết công - nông nghiệp”; xây dựng “dữ liệu cung - cầu nông sản” minh bạch, tiến tới hình thành các “sàn giao dịch nông sản” dưới sự hỗ trợ của công nghệ số hóa.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cần tích hợp các nội dung phát triển kinh tế tuần hoàn trong quá trình xây dựng kế hoạch, quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thành phố; xây dựng kế hoạch, lộ trình và các giải pháp phù hợp để huy động các nguồn lực, triển khai, tạo thuận lợi cho các mô hình, dự án kinh tế tuần hoàn; các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh gắn với phát triển kinh tế tuần hoàn trên địa bàn thành phố, thu hút các dự án đầu tư nước ngoài đáp ứng các tiêu chí kinh tế tuần hoàn,... Giám sát việc thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng, các chương trình sản xuất, tiêu dùng bền vững trên địa bàn thành phố nói chung và khu vực đô thị nói riêng.
Sở Thông tin và Truyền thông cần phối hợp các sở, ngành hướng dẫn các cơ quan báo chí tuyên truyền về kinh tế tuần hoàn, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội về phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn và tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng Kế hoạch hành động (sau khi Kế hoạch hành động của quốc gia được ban hành) thực hiện kinh tế tuần hoàn của ngành, lĩnh vực, sản phẩm phù hợp trên địa bàn thành phố, trong đó làm rõ các nội dung: 1- Xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách thể chế phục vụ cho phát triển kinh tế tuần hoàn, trong đó tập trung xây dựng các quy định, trách nhiệm cụ thể của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại và tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra thị trường; 2- Thực hiện kinh tế tuần hoàn cần gắn liền với phát triển công nghệ, kinh tế số và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Học tập kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia phát triển trên thế giới, tận dụng các cơ hội hợp tác về tiếp nhận chuyển giao các công nghệ.
Đối với các mô hình kinh tế khác: Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cần tiếp tục phối hợp các sở ngành nghiên cứu đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp phát triển các mô hình kinh tế mới, như kinh tế du lịch, kinh tế thể thao, kinh tế vỉa hè... trên địa bàn thành phố./.
---------------------
(1), (2) Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5-5-2022, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so-15-nqtw-ngay-0552022-cua-bo-chinh-tri-ve-phuong-huong-nhiem-vu-phat-trien-thu-do-ha-noi-den-nam-2030-tam-8495
Vai trò của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay  (15/01/2024)
9 dấu ấn nổi bật trong năm 2023 của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam  (04/01/2024)
Để Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế trong thời gian tới  (04/01/2024)
Tăng khả năng chống chịu nền kinh tế Thủ đô trước các tác động tiêu cực, hướng đến tăng trưởng, phát triển bền vững  (02/01/2024)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên