Vân Đồn: Dành nhiều nguồn lực để phát triển
TCCS - Hiện nay, huyện Vân Đồn đã cơ bản hội tụ đủ các yếu tố để trở thành cực phát triển của Quảng Ninh cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Cùng với thành phố Hạ Long, huyện Vân Đồn là đôi cánh vững chắc để Quảng Ninh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Nơi hội tụ không gian lịch sử và văn hóa
Có vị trí gần với Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà (thành phố Hải Phòng), Vân Đồn không hề thua kém 2 nơi này về cảnh quan. Với diện tích tự nhiên 2.071,3 km2, Vân Đồn là sự hội tụ của trên 600 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có 29 đảo đất có diện tích rộng trên 30ha. Huyện đảo được bao bọc bởi vịnh Bái Tử Long với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp gồm hàng trăm hòn đảo lớn, nhỏ cùng bờ biển cát trắng mịn trải dài, nước biển xanh trong. Không chỉ thế, Vân Đồn chiếm một vị trí độc đáo trong dòng chảy của lịch sử Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng, bởi nơi đây chứa đựng những chứng tích về nền văn hóa Hạ Long, về những chiến công lẫy lừng của dân tộc và về thương cảng sầm uất nhất Việt Nam trong suốt 7 thế kỷ. Trên bản đồ khảo cổ học ở Quảng Ninh, huyện đảo Vân Đồn là nơi phát hiện khá nhiều các di vật thời tiền sử. Điều này cho thấy từ thuở sơ khai nơi đây đã là đất lành, là nơi những người tiền sử lựa chọn làm không gian sinh tồn, khẳng định sự tồn tại của nền văn hóa Hạ Long. Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, vùng đất này tiếp tục trở thành huyền thoại với trận hải chiến Vân Đồn - trận đánh góp công lớn dẫn đến đại thắng trên sông Bạch Đằng mùa xuân 1288. Trận đánh này mang ý nghĩa then chốt, làm sụp đổ hoàn toàn nhuệ khí của kẻ địch, giúp quân ta thừa thắng xông lên, tạo nên chiến thắng vĩ đại trên sông Bạch Đằng lần thứ 3, khiến cho không chỉ nhà Nguyên thời đó, mà cả nhiều triều đại phong kiến Trung Quốc sau này phải khiếp sợ... Tuy nhiên, địa danh này được đề cập trong sử sách rất nhiều từ trước đó với thương cảng Vân Đồn - cánh cửa hội nhập đầu tiên và cũng là thương cảng biển đầu tiên của Việt Nam. Trong lịch sử, Vân Đồn là một thương cảng quốc tế, cửa ngõ của khu vực Bắc Bộ trong bang giao, thương mại và là vùng đất yết hầu trong vấn đề bảo đảm an ninh quốc gia. Vân Đồn đã trở thành điểm nối, nơi hội tụ và lan toả những yếu tố từ lục địa ra (từ các vùng nội địa của Việt Nam ở Bắc Bộ, cho đến các vùng đất Nam Trung Hoa, Bắc Lào) và từ biển vào và ngược lại. Điều đó đã khiến cho Vân Đồn trở thành “không gian lịch sử - văn hóa thu nhỏ” của cả vùng rộng lớn từ Nam Trung Hoa, Bắc Việt Nam, tiến ra Biển Đông, trong đó vùng lõi là khu vực vịnh Bắc Bộ.
Trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam từ nhà Lý đến nhà Lê, nhất là từ thời vua Lê Thánh Tông trở đi, triều đình đã quy định rất rõ hoạt động ở thương cảng Vân Đồn trong bộ Quốc triều hình luật (thường gọi là Luật Hồng Đức). Theo quy định, tàu nước ngoài dù là nước nào, xa hay gần, đã vào cảng đều phải neo đậu ở Vân Đồn. Hàng hóa nước ngoài nhập vào Đại Việt chủ yếu là gấm vóc và những hàng hóa mà Đại Việt có nhu cầu được chuyển sang thuyền (tàu) của các trang để đưa về kinh và lấy hàng của Đại Việt ra bán hoặc trao đổi cho nước ngoài. Triều đình quyết định như vậy bởi sông Đại Việt nhỏ, nông, tàu thuyền nước ngoài to không đi lại được. Nhưng quan trọng hơn là yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia. Theo dòng chảy thời gian và những tác động của lịch sử, thương cảng Vân Đồn phát triển cực thịnh vào thế kỷ XIII - XVI, sang thế kỷ XVII, XVIII thì giảm dần vai trò sau khi các điểm giao thương chuyển sâu vào nội địa. Hiện nay, Vân Đồn đang trở thành khu vực hội tụ các giá trị lịch sử, văn hóa, du lịch, trung tâm kết nối trong các mạng lưới hợp tác quốc tế.
Cực tăng trưởng mới
Trong giai đoạn hiện nay, các giá trị của thương cảng Vân Đồn đang được hồi sinh mạnh mẽ, trở thành động lực để huyện đảo có thể trỗi dậy với vị thế mà nơi này từng có trong lịch sử. Vân Đồn hiện giữ vị trí địa kinh tế, chính trị chiến lược quan trọng đối với Việt Nam và quốc tế. Huyện đảo nằm trên đường trung chuyển chiến lược từ khu vực Đông Á xuống Đông Nam Á, ASEAN - Trung Quốc, nằm trong khu vực hợp tác “Hai hành lang, một vành đai” kinh tế Việt Nam - Trung Quốc, hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore và khu vực hợp tác liên vùng vịnh Bắc Bộ mở rộng. Ở trong nước, Vân Đồn nằm trong quy hoạch phát triển vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ, tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và trong chuỗi đô thị quan trọng của vùng đồng bằng sông Hồng, do đó có khả năng tiếp cận nhanh và phát triển quan hệ với các trung tâm chính trị, kinh tế lớn của vùng và khu vực.
Hiện nay, huyện Vân Đồn đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn bởi đặc thù huyện đảo tách biệt. Những năm 80, 90 của thế kỷ XX, kinh tế của huyện chỉ dựa vào đánh bắt hải sản, hạ tầng yếu kém với các xã đảo rải rác, giao thông khó khăn, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Đến năm 2005, cầu Vân Đồn hoàn thành, xóa thế tách biệt giữa đảo lớn Cái Bầu với đất liền. Đến đầu năm 2015, tất cả các xã đảo mới hòa điện lưới quốc gia. Tiếp nối tầm nhìn chiến lược của cha ông, năm 2007 Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Khu Kinh tế Vân Đồn, đến tháng 2-2020 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Đồn đến năm 2040. Theo đó, nghiên cứu lập quy hoạch trên phạm vi toàn bộ diện tích tự nhiên của huyện Vân Đồn với 2.171,33km2. Vân Đồn được quy hoạch thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí, du lịch biển - đảo cấp cao, dịch vụ tổng hợp; là cửa ngõ giao thương quốc tế, tạo ra những sản phẩm độc đáo, khác biệt, hiện đại, chất lượng cao, có thương hiệu và cạnh tranh quốc tế. Vân Đồn cũng được xác định là đô thị biển đảo xanh, hiện đại và thông minh, bền vững và là khu vực có vị trí bền vững về quốc phòng - an ninh.
Vân Đồn được xây dựng sân bay, đường cao tốc, kết cấu hạ tầng từ đường giao thông, các dự án bất động sản, đầu tư xây dựng cảng. Khách tham quan hiện đến các tuyến đảo của huyện rất đông. Từ những bãi triều đầy sú vẹt, nay những đô thị, khu dịch vụ tầm cỡ đang mọc lên. Nơi từng đón tàu buôn của Nhật Bản, Triều Tiên, Trung Quốc thế kỷ XII, nay là Cảng hàng không quốc tế có những chuyến bay đi nhiều nước. Từ sự độc đáo về địa lý và khác biệt về cơ chế, Quảng Ninh đã từng bước đưa Vân Đồn thành nơi có thu hút lớn đầu tư với hàng loạt dự án “khủng”, các khu phức hợp nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp, bến cảng, tổ hợp công nghệ cao, khu đô thị thông minh... với tổng mức đầu tư hơn 60.000 tỷ đồng. Riêng năm 2021, gần 6.000 tỷ đồng được đầu tư vào Vân Đồn, dần hoàn thiện hạ tầng và các công trình phục vụ phát triển. Năm 2022, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đi vào khai thác, hoàn thiện hành lang đường cao tốc Việt Nam với Trung Quốc và ASEAN, tiếp tục khẳng định vị thế “mũi đột phá” của Vân Đồn trong định hướng phát triển của Quảng Ninh.
Không chỉ là thương cảng của quá khứ, Vân Đồn đã và đang mở cửa, nối dài những tuyến đường bộ, đường biển, trở thành đầu mối giao thương, trung tâm dịch vụ của hiện tại và tương lai, mang lại những giá trị kinh tế, văn hóa đặc sắc từ tầm nhìn, tư duy hướng biển của cha ông./.
Tỉnh Quảng Ninh phấn đấu trở thành đầu tàu du lịch quốc gia, trung tâm du lịch quốc tế  (13/06/2023)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh  (13/02/2023)
Thực trạng phân bố không gian phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo tỉnh Quảng Ninh  (26/12/2022)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên