Một số suy nghĩ về giá trị phổ quát và đặc thù của hệ giá trị tỉnh Quảng Ninh

NGUYỄN XUÂN KÝ
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh
06:37, ngày 26-10-2023

TCCS - Quảng Ninh là vùng đất chứa đựng đậm đặc trầm tích lịch sử, giá trị văn hóa, giàu bản sắc, cốt cách riêng có, với sự quyện chặt giữa yếu tố địa - tự nhiên với các yếu tố địa - chính trị, kinh tế, văn hóa. Lịch sử hàng nghìn năm bền bỉ, kiên cường mở đất, dựng nghiệp, chống giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi biên cương và lao động, sản xuất góp phần hình thành nên hệ giá trị địa phương Quảng Ninh. Những giá trị này vừa thâu thái và mang tính phổ quát của quốc gia - dân tộc, vừa hàm chứa đặc điểm riêng có của vùng đất địa đầu Đông Bắc Tổ quốc, trở thành tài sản vô giá của các thế hệ người Quảng Ninh, là cội nguồn sức mạnh trên hành trình xây dựng và bảo vệ quê hương, trong đó có chặng đường vẻ vang và rất đỗi tự hào tròn 60 năm kể từ ngày thành lập tỉnh (30-10-1963 - 30-10-2023) với khát vọng xây dựng một Quảng Ninh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Đồng bào các dân tộc tỉnh Hải Ninh (nay là tỉnh Quảng Ninh) vui mừng đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm, ngày 19-2-1960_Nguồn: baoquangninh.vn

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, vùng đất phên giậu địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc luôn in đậm dấu ấn của công cuộc lao động, đấu tranh để sinh tồn và phát triển. Bề dầy lịch sử, địa thế “tọa sơn, hướng bể”, đời sống xã hội, môi trường chính trị... đã vun bồi nên những đặc trưng của vùng đất này, tôi rèn những phẩm chất rất đáng quý của cư dân vùng Đông Bắc, dần hình thành nên hệ giá trị địa phương, hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị con người Quảng Ninh.

Tiếp cận một cách toàn diện, có thể bước đầu xác định, hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh là tổng thể đặc trưng, thuộc tính, phẩm chất căn cốt nhất, khái quát cao nhất, có tính đại diện tiêu biểu của địa phương, tổng hòa trên tất cả các mặt, lĩnh vực, từ thiên nhiên, văn hóa, xã hội, con người đến đặc điểm kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... được hun đúc, định hình từ điều kiện tự nhiên, từ kết quả quá trình lao động, đấu tranh để sinh tồn và phát triển của cộng đồng địa phương trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của vùng đất, có tính bao trùm, được cộng đồng địa phương công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ bằng ý thức tự giác.

Hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh là mặt hợp trội của tổng thể các giá trị, các mối quan hệ giữa các giá trị đó và giữa các mặt cụ thể của chúng. Hệ giá trị của tỉnh không phải là phép cộng cơ học của từng giá trị, mà có sự gắn kết chặt chẽ, sâu sắc, tương hỗ giữa các giá trị đơn lẻ để cấu tạo nên giá trị mới mang tính hợp trội mà từng giá trị riêng lẻ không thể có được, cùng hướng đích vì sự phát triển chung của tỉnh. Hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh hình thành trên nền tảng thâu thái các giá trị phổ quát của quốc gia - dân tộc, với các giá trị đặc trưng không thể pha lẫn của các yếu tố vùng, miền, khẳng định bản sắc địa phương, là niềm tự hào, tự tôn của cộng đồng địa phương.

Trên cơ sở nhận thức về những giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc, hoà quện chặt chẽ giữa yếu tố địa - tự nhiên với các yếu tố địa - chính trị, địa - kinh tế, địa - văn hóa,... của tỉnh, hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh được xác định với các đặc trưng: Thiên nhiên tươi đẹp - văn hóa đặc sắc - xã hội văn minh - hành chính minh bạch - kinh tế phát triển - nhân dân hạnh phúc.


Về mặt ý nghĩa, hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh là sợi dây nối liền quá khứ, hiện tại và tương lai, vừa mang tính truyền thống, vừa mang tính đương đại, phản ánh hơi thở của thời đại, trở thành mục tiêu, động lực, phương châm chỉ đạo,“hệ đường ray” để quy tụ lòng người, đoàn kết xã hội, xác định, gắn kết các định hướng lớn cho công cuộc xây dựng và phát triển của tỉnh.

(1) Thiên nhiên tươi đẹp: Với tầm nhìn vượt trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm đặc biệt quan tâm và đề cao vai trò của môi trường tự nhiên, bảo đảm an ninh sinh thái, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa đời sống con người với môi trường tự nhiên. Đối với tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn, “tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp”(1) với hàm nghĩa không chỉ “giàu” về kinh tế, mà còn phải “đẹp” ở văn hóa, “đẹp” ở tình người, “đẹp” ở cảnh quan thiên nhiên, “đẹp” trong cách ứng xử của con người với tự nhiên bằng nghĩa vụ đạo đức sinh thái. Hai vế “giàu” và “đẹp” gắn chặt với nhau, không tách rời. 

Ngày nay, phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên trở thành triết lý và xu hướng tiến bộ xã hội của nhân loại. Trong các quyết sách phát triển, Đảng ta cũng ngày càng quan tâm và đề cao việc bảo vệ môi trường. Chú trọng đổi mới mô hình tăng trưởng để nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển nhanh và bền vững toàn diện cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Không thúc đẩy tăng trưởng bằng mọi giá, gây tác động xấu đến ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tiến bộ, công bằng xã hội, giữ gìn môi trường sinh thái.

Đây là bước tiến quan trọng về nhận thức lý luận của Đảng ta để kịp thời định hướng đúng đắn cho sự phát triển bền vững thời gian tới. Văn kiện Đại hội XIII lần đầu tiên đưa nội hàm “bảo vệ môi trường” trở thành một thành tố của mối quan hệ lớn giữa “Tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường”, thể hiện sự phát triển bền vững phù hợp với xu thế của thời đại, đồng thời thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa. Việc tôn trọng, bảo vệ và phụng dưỡng tự nhiên, với những quan điểm về phát triển hài hòa, thuận thiên, phát triển xanh, tuần hoàn... sẽ giúp phát triển bền vững; ngược lại, nếu hủy hoại môi trường sẽ dẫn tới những hệ lụy khôn lường, kéo lùi sự phát triển và tiến bộ xã hội. Bảo vệ môi trường ngày càng đặt ra cấp thiết, cùng với kinh tế và xã hội là trung tâm của sự phát triển (phát triển kinh tế - xã hội - bảo vệ môi trường là trung tâm), đặt trong tổng thể năm trụ cột phát triển đất nước là: Kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội - môi trường.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải xây dựng Quảng Ninh thành một tỉnh giàu đẹp, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, lần đầu tiên đưa “Thiên nhiên tươi đẹp” trở thành một giá trị mới của tỉnh và là giá trị đứng đầu tiên trong hệ giá trị của tỉnh.

Cụ thể hóa giá trị nêu trên, ngày 26-9-2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU, về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022 - 2030” với những đổi mới về tư duy, các giải pháp quyết liệt, cụ thể để bảo vệ, gìn giữ, nuôi dưỡng và phát huy các giá trị cảnh quan tươi đẹp, môi trường sinh thái trong lành, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Đây là biểu hiện sinh động sự kiên định mục tiêu phát triển xanh của tỉnh Quảng Ninh, trong tổng thể sự coi trọng chất lượng, hiệu quả tăng trưởng và phát triển bền vững, bao trùm đồng bộ về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường sinh thái, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biên giới quốc gia.

Nằm án ngữ nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc, về phương diện tự nhiên và địa lý, tỉnh Quảng Ninh có cả biển, đảo, đồng bằng, trung du, đồi núi và biên giới; cảnh trí tươi đẹp, kỳ vĩ, hiền hòa, vô cùng sống động. Quảng Ninh được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh tươi đẹp (có trên 600 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được xếp hạng), nhiều cảnh quan có giá trị toàn cầu, như vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, với hơn hai nghìn đảo, chiếm hơn 2/3 số đảo cả nước, trải dài theo đường ven biển hơn 250km. Đặc biệt, vịnh Hạ Long - kỳ quan thiên nhiên có một không hai trên thế giới - đã hai lần được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới; Quảng Ninh còn có danh thắng Yên Tử - một trung tâm Phật giáo lớn của Việt Nam... Có thể nói, tạo hóa đã ưu đãi ban tặng cho vùng đất Quảng Ninh nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, có một không hai về địa mạo, địa chất, di sản văn hóa - lịch sử - tâm linh mang trong mình hồn cốt nghìn năm của mảnh đất địa đầu Đông Bắc. Do đó, “thiên nhiên tươi đẹp” được định vị trở thành một giá trị đặc trưng của tỉnh Quảng Ninh. Đây chính là giá trị khác biệt, cơ hội nổi trội không nơi đâu có được, là một tài sản, nguồn lực, động lực phát triển đặc biệt của tỉnh.

Cảnh quan thiên tạo tươi đẹp, tuyệt sắc chính là tài sản vô giá của Quảng Ninh, nhưng cần bàn tay của con người gìn giữ, nuôi dưỡng không ngừng; cần đặt sự tôn trọng tự nhiên, thuận theo dòng chảy phát triển của tự nhiên, giữ nguyên trạng thái bản thể tự nhiên lên hàng đầu, nắm chắc các quy luật phát triển tự nhiên để hoạch định các quyết sách phát triển bền vững, nhất là trong giải quyết mâu thuẫn giữa tăng trưởng nhanh các ngành có thể xâm hại tới tự nhiên với phát triển xanh, bền vững, bảo vệ cao độ môi trường sinh thái, mà trung tâm là giải quyết mâu thuẫn của một tỉnh phát triển song hành giữa công nghiệp khai thác than với phát triển du lịch... Thiên nhiên tươi đẹp, thuần khiết, bản thể nguyên sơ là tài sản, cũng là nguồn lực, động lực và hơn thế là một giá trị của tỉnh Quảng Ninh, cần được gìn giữ bằng mọi giá. Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững về môi trường, địa phương luôn quan tâm nâng cao năng lực quản trị phát triển bền vững, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, duy trì một nền tảng nguồn lực ổn định, tránh khai thác quá mức các hệ thống nguồn lực tái sinh; duy trì sự đa dạng sinh học, hạn chế vấn đề ô nhiễm môi trường, bao gồm cả ô nhiễm đô thị khu công nghiệp, quản lý xử tốt chất thải rắn, chất thải nguy hại gắn với phát triển công nghiệp môi trường, có khả năng ngăn ngừa và giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai; từng bước thay đổi mô hình sản xuất, hướng doanh nghiệp đến công nghệ sản xuất sạch, thân thiện môi trường dựa trên nguyên lý kinh tế tuần hoàn và cộng sinh công nghiệp.

(2) Văn hóa đặc sắc: Cách đây 77 năm, ngày 24-11-1946, phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Đảng ta nhấn mạnh, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhắc nhở: “Văn hóa còn dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất” và đặc biệt quan tâm đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. “Đó là tài sản vô cùng quý báu do Tổ tiên, Cha ông ta mấy nghìn năm để lại, không phải nơi nào cũng có được; chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng và phát huy, nếu không là chúng ta có tội với lịch sử, là vong ân bội nghĩa với Tổ tiên, Cha ông chúng ta”(2).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử ở xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh_Nguồn: baoquangninh.vn


Quảng Ninh là m
t vùng đất giàu trm tích và bn sc văn hóa, nơi có sgiao thoa, hi tụ, thng nht trong đa dng ca nn văn minh sông Hồng với văn hóa vùng Đông Bắc; văn hóa biển; văn hóa công nhân mỏ; văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc; văn hóa Phật giáo Trúc Lâm Yên tử.

Ở một miền văn hóa, một vùng di sản ken dày các di tích lịch sử - văn hóa đặc sắc, thực hiện đường lối văn hóa của Đảng, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh hết sức coi trọng và sáng tạo trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh; sớm có nghị quyết chuyên đề về xây dựng và phát triển văn hóa, con người để tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện(3).

Trong suốt chiều dài lịch sử, các thế hệ người dân Quảng Ninh đã quần tụ trên dải đất địa đầu Tổ quốc. Chủ nhân của vùng đất này, ngoài cư dân tại chỗ, còn có những người làm nghề nông, lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến từ Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Thanh Hóa, Hà Nội, Bắc Giang, Lạng Sơn... rồi định cư, lập nghiệp. Một số định cư, lập làng ở Quảng Yên, Đông Triều gắn với nghề nông, nghề thủ công; một số lại tụ cư ở các vùng ven biển và những đảo ở Vân Đồn, Quan Lạn, Cô Tô... gắn với nghề chài lưới. Theo họ là những phong tục, tập quán, nếp sinh hoạt của cư dân vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Do đó, trong bản chất, văn hóa Quảng Ninh là sự hội tụ hữu cơ của nhiều nét văn hóa khác nhau, là sự giao thoa giữa nền văn minh sông Hồng và văn hóa vùng Đông Bắc, qua thời gian gắn kết một cách tự nhiên tạo nên tính thống nhất trong đa dạng nền văn hóa đặc trưng của Quảng Ninh.

Văn hóa biển của Quảng Ninh thường được coi là hình thành từ thời tiền sử, phát triển rực rỡ và đỉnh cao thời kỳ Văn hóa Hạ Long. Cư dân cổ thời Văn hóa Hạ Long đã phát huy nội lực, đứng vững trên cơ tầng văn hoá biển, phát huy thế mạnh của cư dân sông nước và tranh thủ thành tựu của cư dân đồng bằng, giao lưu, trao đổi ngang dọc với các trung tâm văn hoá lớn trong khu vực; thường xuyên thâu nhận, hội giao văn hóa với các quốc gia cũng có truyền thống khai thác biển và sống dựa vào biển. Đặc tính văn hóa biển ảnh hưởng và hình thành nên nhiều giá trị trong tính cách, phẩm chất con người Quảng Ninh, cùng những đặc trưng riêng có của văn hóa Quảng Ninh.

Văn hóa công nhân mỏ - văn hóa riêng có và là bản sắc đặc trưng nhất của Quảng Ninh. Đoàn kết, đồng tâm vốn là truyền thống của cư dân vùng biên ải, vùng biển trong trong lao động, sản xuất, đấu tranh chống thiên tai, giặc giã. Ở vùng đất heo hút, hiểm trở, thường trực bị đe dọa bởi các mối hiểm nguy từ thiên tai và địch họa, cố kết lại để thành một khối bền chặt, đồng tâm hiệp lực là yêu cầu bắt buộc để sinh tồn; trải qua thời gian, đoàn kết, đồng tâm càng thêm khăng khít, trở thành một lẽ tự nhiên của cư dân vùng Đông Bắc. Tinh thần đoàn kết, đồng tâm trong văn hóa truyền thống càng được phát huy trong văn hóa hiện đại ra đời từ cuộc sống công nghiệp trên vùng đất Quảng Ninh. Văn hóa “kỷ luật và đồng tâm” được hình thành từ giữa thế kỷ XIX khi người Việt Nam bắt đầu bổ nhát cuốc đầu tiên khai thác mỏ than tại núi Yên Lãng (Đông Triều) theo chỉ dụ của vua Minh Mạng. Cùng với quá trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp ở vùng Đông Bắc, lực lượng công nhân mỏ được hình thành và phát triển ngày càng đông đảo. Đội ngũ công nhân xuất thân từ nhiều vùng, miền khác nhau, sống đoàn kết, quần tụ thành các xóm thợ, lán thợ, làng công nhân, khu phố thợ... Trong quá trình lao động, sản xuất hầm lò, nhất là đấu tranh cách mạng chống lại ách áp bức hà khắc của thực dân và tay sai, công nhân mỏ phải đoàn kết, đồng tâm thành một khối thống nhất để cộng hưởng sức mạnh đấu tranh. Từ khi Đảng ta ra đời, đoàn kết thống nhất là một nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nên phẩm chất đó càng được rèn giũa, phát huy, nâng lên tầm cao mới. Hơn nữa, giai cấp công nhân là giai cấp có ý thức tổ chức kỷ luật cao; sản xuất công nghiệp theo dây chuyền, mang tính chuyên môn hoá nên bắt buộc người lao động phải rèn tính kỷ luật, tuân thủ tuyệt đối kỷ luật lao động và kỷ luật tổ chức. Đặc biệt, trong quá trình đấu tranh cách mạng, đội ngũ công nhân mỏ sớm giác ngộ được sứ mệnh lịch sử, kết thành một khối vững chắc, hình thành nên giá trị cốt lõi của tinh thần kỷ luật và đồng tâm trong cuộc Tổng đình công tháng 11-1936... Như vậy, kỷ luật và đồng tâm là phẩm cách văn hóa Quảng Ninh ra đời từ văn hóa truyền thống và từ đời sống công nghiệp hiện đại, mà Quảng Ninh vốn là một trong những cái nôi hình thành và phát triển của giai cấp công nhân Việt Nam. Giá trị tinh thần từ khẩu hiệu tranh đấu của cuộc Tổng đình công năm xưa được phát huy qua các thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, bảo vệ biên giới phía Bắc và tiếp tục trở thành hành trang vô giá của người Quảng Ninh trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước trong những năm đổi mới. Kỷ luật và đồng tâm - đoàn kết và thống nhất trở thành một truyền thống quý báu, mà cao hơn là một giá trị văn hóa Quảng Ninh.

Văn hóa Quảng Ninh còn là sự kết tinh của tinh thần nhân văn, nhân nghĩa, nhân tình cao đẹp của dân tộc Việt Nam với tinh thần từ, bi, hỷ, xả, bao dung của tư tưởng Phật giáo. Bên cạnh những giá trị văn hóa đặc trưng, Quảng Ninh còn được thừa hưởng nhiều giá trị văn hóa Phật giáo của vùng đất vốn là phát tích Thiền phái Trúc Lâm, nơi Đức vua Trần Nhân Tông cách đây hơn 700 năm sau khi đánh thắng giặc ngoại xâm giữ yên bờ cõi đã nhường ngôi cho con, từ bỏ vinh hoa phú quý, cung vàng điện ngọc để đến với nơi non thiêng và hóa Phật - một sự kiện chưa từng có trong lịch sử chính trị, văn hóa thế giới. Văn hóa Quảng Ninh mang đậm văn hóa Phật giáo Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và đến lượt mình, văn hóa Phật giáo lại nâng tầm văn hóa Quảng Ninh, nhất là giá trị nhân ái. Với Yên Tử non thiêng, Quảng Ninh đã trở thành một trong những trung tâm văn hóa quan trọng nhất, thâm trầm nhất trong lịch sử phát triển văn hóa dân tộc, ở đó Phật giáo có tính nhập thế cao, đạo với đời hòa làm một để tỏa sáng giá trị nhân ái, bác ái, bao dung con người. Giá trị nhân ái trong văn hóa ảnh hưởng lớn tới quyết sách phát triển lấy con người làm trung tâm của Quảng Ninh - đó chính là “dân ái” trên nền “nhân ái” - tất cả vì hạnh phúc của nhân dân, đồng thời coi trọng việc thực hiện các chính sách xã hội tiến bộ, công bằng, thu hẹp khoảng cách phát triển, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân các vùng, miền trong tỉnh. Được dẫn dắt bởi giá trị nhân ái, từ nội tâm, nội tình của mình, con người tỉnh Quảng Ninh luôn đặt sự hòa hiếu lên hàng đầu trong đối nhân xử thế, trong đối ngoại, “lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn”, coi trọng ngoại giao tâm công. Theo tư tưởng Phật giáo, bên trong từ bi còn có “Tuệ”; các vị vua, quý tộc thời Trần đều là người ham học và tri thức uyên bác trên nhiều lĩnh vực, gánh vác trọng trách non sông làm nên hào khí Đông A, do đó giá trị nhân ái còn hàm chứa cả sự coi trọng về trí tuệ, tri thức. 

Văn hóa Quảng Ninh kết tinh bản sắc văn hóa dân tộc của 23 dân tộc anh em quần cư trên vùng đất Quảng Ninh, trong đó có 22 dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống thành cộng đồng ở khu vực miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa phía đông của tỉnh, trong đó các dân tộc Tày, Dao, Sán Dìu, Sán Chay, Hoa chiếm số đông. Đồng bào thuộc nhiều tộc người, nhiều địa phương, chuyển cư đến sinh cơ lập nghiệp trên vùng đất địa đầu Đông Bắc, đã gắn bó máu thịt với vùng đất đang sinh sống, hun đúc nên lòng yêu nước, yêu quê hương sâu sắc. Nhiều nhóm từng tộc người thiểu số sinh sống thành cộng đồng hoặc cư trú xen kẽ nhau, định hình nên bản sắc, lưu giữ kho tàng di sản văn hoá được hun đúc, bồi đắp từ nghìn đời, trở thành những tài sản vô giá cần được nâng niu, trân trọng, bảo tồn. Hiện nay, trong các quyết sách phát triển, tỉnh Quảng Ninh luôn có ý thức chuyển hóa thế mạnh về tài nguyên địa hình, khí hậu, tài nguyên nhân văn, bản sắc văn hóa đa dạng, phong phú riêng có của đồng bào thành nguồn lực phát triển - “biến di sản thành tài sản” - qua đó tạo dựng sinh kế tại chỗ vững chắc cho đồng bào; gắn kết và thu hẹp khoảng cách giữa miền xuôi và miền ngược, khơi thức tâm lý hướng tâm và ý thức về cội nguồn sâu sắc để quy tụ, đoàn kết đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Giá trị dân tộc còn là ý thức tự giác dân tộc, tình yêu quê hương, lòng tự hào, tự tôn, tự tin văn hóa của con người Quảng Ninh, được chuyển hóa thành khát vọng phát triển. Bởi vậy, con người và văn hóa Quảng Ninh luôn chứa đựng khát vọng vươn lên mãnh liệt, thắng không kiêu, bại không nản, sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn, thử thách để bứt phá đi lên.

Với tư cách là một giá trị trong hệ giá trị của tỉnh, cùng với việc làm rõ nội hàm của “văn hóa đặc sắc”, cần có chiến lược, kế hoạch bảo tồn, nuôi dưỡng và phát huy hết sức bài bản, tường minh và cụ thể, bởi mỗi cấu phần văn hóa trong chỉnh thể giá trị “văn hóa đặc sắc” (văn hóa biển; văn hóa công nhân mỏ; văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc tỉnh Quảng Ninh; văn hóa Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử) lại có những yêu cầu bảo tồn và phát huy riêng, nhưng không tách biệt, mà phải nằm trong tổng thể chung nền văn hóa đặc sắc của Quảng Ninh. Thực tiễn cho thấy, lúc nào “vốn văn hóa” được khơi dậy thì sức mạnh nội sinh mới thực sự được phát huy giá trị của nó và khi đó mới có năng lực hấp thụ hiệu quả các nguồn lực ngoại sinh, nếu không dễ dẫn đến các xung đột về giá trị và nguồn lực đầu tư, phát triển thiếu bền vững.

Rước kiệu nghinh thần tại Lễ hội đình Trà Cổ_Nguồn: mongcai.gov.vn

(3) Xã hội văn minh: Văn minh là một trong những thành tố quan trọng của xã hội, biểu thị giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo trên nền tảng trình độ văn hóa đã phát triển ở mức độ nhất định. Như vậy, có thể hiểu, văn minh là đỉnh cao hơn văn hóa và rộng hơn so với văn hóa. “Xã hội văn minh” là một trong những mục tiêu được Đảng ta xác định đầu tiên trong hệ mục tiêu của thời kỳ đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội, là đặc trưng tổng quát của xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Ngay từ Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986), Đảng ta xác định ba mục tiêu của đổi mới: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh”. Từ đó, “xã hội văn minh” trở thành một mục tiêu xuyên suốt trong gần 40 năm đổi mới và sẽ tiếp tục là mục tiêu phấn đấu trong các chặng đường phát triển thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, cũng như là mục tiêu cuối cùng trong xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Nằm trong mục tiêu và giá trị chung của văn minh ở tầm quốc gia, “xã hội văn minh” của tỉnh Quảng Ninh mang những giá trị phổ quát, đồng thời có những giá trị đặc trưng.

Quảng Ninh là vùng đất vừa trọng nông, trọng công và trọng thương, vừa kết giao và hội tụ cả những yếu tố của nền văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp và văn minh dịch vụ, hình thành những thuộc tính của xã hội văn minh ở các trình độ phát triển khác nhau từ sớm. Quảng Ninh là một trong những cái nôi hình thành và phát triển của giai cấp công nhân Việt Nam và nền sản xuất công nghiệp hiện đại; là vùng đất phát triển giao thương, thương mại, dịch vụ, nhất là dịch vụ biển và dịch vụ du lịch từ rất sớm, nên sớm hình thành môi trường, nếp sống, tác phong của xã hội văn minh, với việc coi trọng những chuẩn mực ứng xử trong cộng đồng, văn minh công cộng, nếp sống văn hóa, xây dựng đô thị văn minh (Quảng Ninh là tỉnh có nhiều thành phố nhất cả nước), kỷ luật và ý thức tuân thủ pháp luật... Do đó, từ trong truyền thống và cuộc sống hiện đại, xã hội văn minh trở thành một giá trị của tỉnh Quảng Ninh, tiếp tục được xây dựng, không chỉ là văn minh xã hội, mà còn mở rộng trên nhiều lĩnh vực: Văn minh chính trị, văn minh kinh tế, văn minh sinh thái... Đây cũng là cơ sở để tiếp tục “gạn đục khơi trong”, loại bỏ những yếu tố phi văn hóa, phản văn minh vẫn còn tồn tại, kịp thời bổ sung những giá trị mới tiên tiến, để xây dựng xã hội văn minh thực sự trở thành một giá trị của tỉnh, là một điều kiện tiên quyết tạo nên sức hấp dẫn, thu hút của Quảng Ninh đối với khách du lịch, nhà đầu tư trong và ngoài nước, cũng là một chỉ báo quan trọng thể hiện quan điểm và tư tưởng phát triển luôn hướng tới các giá trị chân - thiện - mĩ, lấy người dân làm trung tâm trong mọi quyết sách của Quảng Ninh, như sự định hướng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “... phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá của con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mĩ ngày càng cao... Xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta xây dựng là một xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn”(4).

 (4) Hành chính minh bạch: Ngay từ khi Chính phủ mới được thành lập, cùng với chủ trương xây dựng một nền chính trị “đoàn kết” và “thanh khiết”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng mong muốn xây dựng một chính phủ liêm chính, vì dân. Tư tưởng của Người là kim chỉ nam để chúng ta xây dựng một nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch.


Với sự coi trọng, cách làm và sự đầu tư bài bản, xứng tầm, thực sự đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm, các cấp ủy, chính quyền thường xuyên đối thoại với nhân dân..., Quảng Ninh có 6 năm liên tiếp (2017 - 2022) giữ vị trí Quán quân Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), 5 năm dẫn đầu Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), 4 năm dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và 2 năm dẫn đầu vị trí xếp hạng Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Như vậy, tỉnh Quảng Ninh lần thứ 2 (năm 2020 và năm 2022) vinh dự chinh phục vị trí dẫn đầu cả nước ở cả 4 chỉ số cải cách hành chính (PCI, PAPI, PAR Index và SIPAS)...

Xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, trong sạch, vững mạnh, công khai; đạt các chuẩn mực quốc tế, minh bạch, coi trọng trách nhiệm giải trình, thường xuyên đối thoại với nhân dân... là mục tiêu xuyên suốt của tỉnh Quảng Ninh từ đổi mới đến nay, nhất là trong 10 năm trở lại đây, là yếu tố mang tính then chốt để Quảng Ninh xây dựng chính quyền địa phương kiến tạo và nâng cao năng lực quản trị địa phương đặt trong sự gắn kết với quản trị quốc gia và quản trị toàn cầu; tạo điều kiện thuận lợi phục vụ người dân và doanh nghiệp; tạo môi trường hấp dẫn thu hút đầu tư trong và ngoài nước... Chính vì sự coi trọng đó, nên đến năm 2023, tỉnh đã có 10 năm thực hiện đánh giá chỉ số cải cách hành chính và 6 năm đánh giá chỉ số đo lường sự hài lòng.

Đây đều là những kết quả chưa từng có tiền lệ và quan trọng hơn cả là Quảng Ninh đang đi đúng hướng để xây dựng một nền hành chính đạt các chuẩn mực quốc gia, quốc tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp hiệu quả... Quảng Ninh là tỉnh duy nhất trong cả nước đưa mục tiêu giữ vị trí nhóm đầu 4 chỉ số cải cách hành chính vào Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh và ban hành riêng nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về vấn đề này để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, để không dừng lại ở nghị quyết chủ trương, mà phải nhanh chóng biến thành nghị quyết của hành động, với tinh thần tiến công cách mạng quyết liệt, mạnh mẽ vào những việc mới, khó.

Tỉnh tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng cải cách hành chính, tập trung vào các trụ cột chính: Tổ chức bộ máy; công vụ, công chức; hành chính điện tử và chuyển đổi số; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, công khai, minh bạch, cạnh tranh công bằng, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực, đặc biệt là đất đai, lao động, giữa doanh nghiệp, nhà đầu tư, các thành phần kinh tế, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tiếp tục giữ vững vị trí nhóm đầu về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI; giữ vững thương hiệu của tỉnh về một “Điểm đến đầu tư an toàn, thuận lợi, minh bạch, hấp dẫn và thành công”. Bảo đảm tổng thể, đồng bộ, liên thông giữa đổi mới, cải cách hành chính và cải cách tư pháp... Với quyết tâm chính trị cao và những kết quả xây dựng nền hành chính, cải cách hành chính đạt được, “hành chính minh bạch” thực sự trở thành một giá trị đặc trưng trong hệ giá trị của tỉnh. Đây là một giá trị đương đại, song sự ra đời và hình thành của nó sâu xa vẫn có sự kế thừa, phát triển những nét giá trị, phẩm chất truyền thống của văn hóa, con người Quảng Ninh.

(5) Kinh tế phát triển: Ngay từ khi bắt đầu khởi xướng và xuyên suốt quá trình đổi mới, Đảng ta luôn khẳng định phát triển kinh tế là trung tâm, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Hòa chung vào công cuộc đổi mới của đất nước, Quảng Ninh là địa phương có nhiều đột phá sáng tạo trong phát triển kinh tế, đưa Quảng Ninh từ một tỉnh nghèo trở thành một trong những tỉnh phát triển đi đầu của cả nước. Tỉnh chủ động, sáng tạo, quyết liệt thực hiện tái cơ cấu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách tích cực, bền vững, đúng hướng, vượt qua các khó khăn, thách thức chưa từng có; đưa kinh tế -  xã hội tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, tạo được những thành tựu bứt phá ấn tượng. Trong 10 năm liền (2013 - 2022), Quảng Ninh nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất nước. Tạo bước đột phá mới về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông chiến lược, dựa chủ yếu vào nguồn lực xã hội, kết hợp với vai trò dẫn dắt bởi nguồn lực nhà nước được đầu tư tập trung, tạo ra lợi thế cạnh tranh mới và nguồn lực, động lực mới. Liên kết vùng ngày càng chặt chẽ; gắn kết hài hòa giữa phát triển đô thị với nông thôn. Diện mạo, cảnh quan của các vùng, miền trong tỉnh thay đổi từng ngày. Chín tháng đầu năm 2023, trong điều kiện khó khăn, thử thách chưa từng có, với sự nỗ lực vượt bậc của hệ thống chính trị toàn tỉnh, nhất là hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, tăng trưởng kinh tế GRDP của Quảng Ninh đạt 9,94%, là mức tăng trưởng rất cao so với mặt bằng chung cả nước; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 41.178 tỷ đồng, cao hơn so với cùng kỳ, vượt kế hoạch đề ra...

Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp Đông Mai, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh_Nguồn: baoquangninh.vn


Đặc biệt, kinh tế của Quảng Ninh giữ vững đà tăng trưởng (GRDP) cao, ổn định trên hai con số trong 7 năm liên tiếp (2016 - 2022), kể cả trong những giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, lập nên kỳ tích trong giai đoạn đổi mới. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, hết năm 2022 đạt gần 270.000 tỷ đồng (chỉ đứng sau Hà Nội, Hải Phòng ở khu vực phía Bắc), cả năm 2023 ước đạt 312.420 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2020. Năm 2022, GRDP của Quảng Ninh tiếp tục đạt 10,28%, thu ngân sách nhà nước đạt hơn 55.000 tỷ đồng, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước.
Dựa vào kinh tế phát triển toàn diện, Quảng Ninh vươn lên, đã và đang trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc. Để giữ vững kinh tế phát triển, giữ vững vị trí, vai trò đầu tàu kinh tế trong khu vực và cả nước, thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng kết hợp chặt chẽ công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, giải phóng mọi nguồn lực phát triển, phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo, lấy du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn gắn với đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, xây dựng, phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; giữ vững sự ổn định và phát triển bền vững ngành than, điện theo quy hoạch gắn với bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và quá trình chuyển đổi năng lượng; tạo đột phá trong thu hút có chọn lọc nguồn vốn FDI thế hệ mới vào khu công nghiệp, khu kinh tế, tăng nhanh quy mô và tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế đêm, kinh tế tuần hoàn, công nghiệp văn hóa; đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, chú trọng nghề nuôi biển bền vững, xây dựng Quảng Ninh thành trung tâm thủy sản miền Bắc... Kiên trì phát triển chuyển từ “nâu” sang “xanh”, ngày càng coi trọng chất lượng tăng trưởng và phát triển theo chiều sâu; không ngừng kiến tạo không gian phát triển mới, nguồn lực, động lực mới cho sự phát triển bền vững.

“Kinh tế phát triển” là một giá trị đặc trưng của tỉnh Quảng Ninh, là yếu tố quan trọng hàng đầu và phải tập trung mọi nguồn lực để thực hiện, bởi chỉ có phát triển lâu dài mới giúp tích lũy và chuẩn bị kịp những tiền đề, điều kiện, nền tảng để đạt được mục tiêu xây dựng, phát triển Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, mới có điều kiện chăm lo cho hạnh phúc của nhân dân và cũng là thước đo uy tín, năng lực, trình độ lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh.

(6) Nhân dân hạnh phúc: Quảng Ninh lấy con người là trung tâm của phát triển bền vững và mọi sự phát triển đều vì hạnh phúc của nhân dân; phát huy tối đa nhân tố con người với vai trò là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của phát triển bền vững. Mọi người dân đều được hưởng những thành quả của đổi mới, không chỉ ngày càng no ấm về vật chất, mà còn có đời sống tinh thần phong phú, môi trường sống và sinh thái lành mạnh, an toàn, mỗi cá nhân đều được tôn trọng, tự do và bình đẳng phát triển toàn diện, công bằng trong tiếp cận nguồn lực và tiếp cận các dịch vụ công cộng, được tham gia, đóng góp và thụ hưởng, tạo ra những nền tảng vật chất, tri thức và văn hóa tốt đẹp cho xã hội. Không để ai bị bỏ lại phía sau, tiếp cận và hỗ trợ những đối tượng khó tiếp cận nhất trước, bao gồm trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người nghèo, người khuyết tật, đồng bào vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng biên giới, hải đảo và những đối tượng dễ bị tổn thương khác. Điều này đã được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”(5). Mục tiêu hạnh phúc mang những giá trị chung của nhân loại, đồng thời mang những tiêu chí, giá trị riêng của nước ta, phù hợp với đặc điểm về chế độ chính trị, trình độ phát triển kinh tế, bản sắc văn hóa, các vấn đề xã hội đặt ra..., đặc biệt là phải mang những giá trị, bản chất tốt đẹp, tính ưu việt của xã hội xã hội chủ nghĩa, đồng thời phù hợp với điều kiện, trình độ ở từng giai đoạn, chặng đường phát triển.

Tiến bộ về vật chất là rất quan trọng, yếu tố tiền đề, nhưng không phải ở đâu và lúc nào cũng đem lại hạnh phúc cho con người, nếu không có những hệ giá trị định chuẩn để nuôi dưỡng tâm hồn con người và đời sống tinh thần của xã hội theo hướng chân - thiện - mĩ. Vì vậy, vun trồng, nuôi dưỡng các giá trị văn hóa chính là chăm sóc cho nền tảng tinh thần của xã hội.

Từ việc xác định con người là trung tâm của phát triển bền vững, tỉnh đã “chú trọng an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân”; đẩy mạnh các giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; giảm thiểu tai nạn giao thông; bảo đảm an toàn xã hội, an ninh con người tập trung vào 7 khía cạnh, bao gồm an ninh kinh tế, an ninh lương thực, an ninh sức khỏe, an ninh môi trường, an ninh cá nhân, an ninh cộng đồng và an ninh chính trị.

Đặt trong quan niệm chung đó, Quảng Ninh định hình “nhân dân hạnh phúc” là một giá trị của tỉnh, mọi sự phấn đấu của tỉnh đều hướng tới hạnh phúc của nhân dân, với mục tiêu phấn đấu nhân dân tỉnh Quảng Ninh ngày càng ấm no, tự do và hạnh phúc, có thu nhập bình quân đầu người ở mức cao hơn hẳn so với mức trung bình của cả nước (GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 8.291 USD, gấp đôi bình quân chung của cả nước, cao nhất ở khu vực phía Bắc; ước năm 2023 đạt 9.469 USD, gấp 3,9 lần so với năm 2010). Hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới ở cả 3 cấp và về đích trước 3 năm chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến tích cực trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Quảng Ninh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo. Mở rộng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, thông tin - truyền thông chất lượng cao và bảo đảm chất lượng chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Huy động mọi nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa đầu tư, phát triển giáo dục - đào tạo, đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nhanh đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ; xây dựng hệ sinh thái dân sinh hấp dẫn với những chính sách khuyến khích và hỗ trợ vượt trội, môi trường sống tốt, các dịch vụ công có chất lượng cao, nhất là phải chăm lo vấn đề nhà ở công nhân, lao động ngành than, các khu công nghiệp, người lao động có thu nhập thấp... để thu hút và giữ chân nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Quảng Ninh phấn đấu là một “vùng đất lành” và hạnh phúc để con người sống, làm việc, nghỉ ngơi, thụ hưởng và phát triển.

Như vậy, bước đầu có thể nhìn nhận, các giá trị đặc trưng của tỉnh Quảng Ninh (Thiên nhiên tươi đẹp - văn hóa đặc sắc - xã hội văn minh - hành chính minh bạch - kinh tế phát triển - nhân dân hạnh phúc) được định hình dựa trên cơ sở địa phương hóa các giá trị tốt đẹp của quốc gia - dân tộc và nhân loại làm thành bản sắc, cốt cách riêng có hệ giá trị Quảng Ninh, trở thành tầm nhìn phát triển địa phương. Đồng thời, giữa các thành tố của hệ giá trị Quảng Ninh có quan hệ khăng khít, chặt chẽ, tương hỗ, bao quát khá toàn diện trên các lĩnh vực: điều kiện tự nhiên - văn hóa - xã hội - chính trị - kinh tế - con người, trong đó “thiên nhiên tươi đẹp” là điều kiện; “văn hóa đặc sắc” là nền tảng; “xã hội văn minh” là chuẩn mực; “hành chính minh bạch” là môi trường; “kinh tế phát triển” là phương tiện và “nhân dân hạnh phúc” là mục tiêu cuối cùng hướng đến. Đây cũng là nội hàm cốt lõi trong mục tiêu quản trị phát triển bền vững địa phương với mô hình phát triển bền vững dựa trên việc tìm kiếm sự cân bằng giữa ba yếu tố: kinh tế, xã hội và môi trường, gắn với nâng cao năng lực chống chịu, sẵn sàng ứng phó trước các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng cực đoan hơn.

Hệ giá trị của tỉnh, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và hệ giá trị con người Quảng Ninh có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ, tương hỗ, thúc đẩy nhau, thậm chí nhiều giá trị giao thoa, chuyển hóa lẫn nhau, hòa quyện trong nhau. Hệ giá trị của tỉnh có sự tích hợp các giá trị văn hóa, gia đình, con người, bao gồm những giá trị phổ quát và đặc thù, truyền thống và hiện đại, dân tộc và nhân loại, gắn với điều kiện thực tiễn của Quảng Ninh. Quan trọng hơn cả là cần chuyển hóa hiệu quả các giá trị trên thành nguồn sức mạnh nội sinh, nguồn lực vô hạn để Quảng Ninh “vươn lên, đã và đang trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc” như căn dặn của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng(6); xây dựng, phát triển tỉnh Quảng Ninh là tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt, ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nhân dân ngày càng hạnh phúc./.

-------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 516
(2) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lun và thc tin vchnghĩa xã hi và con đường đi lên chnghĩa xã hiVit Nam (xut bn ln 2), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 173
(3) Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 9-3-2018, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”
(4) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý lun và thc tin vchnghĩa xã hi và con đường đi lên chnghĩa xã hiVit Nam, Sđd, tr. 91
(5) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 38
(6) Phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Ninh, ngày 6-4-2022