Tỉnh Quảng Ninh sắp xếp, tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả
TCCS - Tỉnh Quảng Ninh luôn được đánh giá cao trong việc thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Phát huy những kết quả đạt được, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đề ra những giải pháp trọng tâm, trọng điểm nhằm xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn nữa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Quảng Ninh đã chủ động, triển khai, tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm trong công tác đổi mới phương thức lãnh đạo, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, thí điểm nhiều mô hình mới với nhiều đề án, chiến lược và mang lại những kết quả rất thiết thực trong thời gian qua. Quảng Ninh là địa phương tiên phong, thực hiện sớm hơn so với chỉ đạo tại Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17-4-2015, của Bộ Chính trị, “về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”. Trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai thực hiện việc đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy tinh gọn, gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức. Tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện tinh giản biên chế sớm so với toàn quốc 4 năm và thực hiện giảm liên tục trong 10 năm qua từ khi tỉnh thực hiện Đề án 25.
Từ năm 2012, tỉnh Quảng Ninh đã rà soát tổ chức, biên chế khối chính quyền; năm 2014, rà soát tổng thể tổ chức bộ máy, biên chế của cả hệ thống chính trị toàn tỉnh; năm 2015, trên cơ sở xác định quyết tâm đổi mới, khắc phục yếu kém, bất cập, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo xây dựng Đề án 25, ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU, ngày 25-10-2017, về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” để triển khai đồng bộ trong hệ thống chính trị toàn tỉnh.
Đề án 25 ở Quảng Ninh là một sáng kiến táo bạo, khẳng định khát khao đổi mới của Quảng Ninh. Đề án được xây dựng hết sức công phu, bài bản, được tiến hành đồng bộ từ cấp xã, cấp huyện đến cấp tỉnh và xin ý kiến tham vấn của nhiều cấp lãnh đạo, ban, bộ, ngành ở Trung ương; có sự tham gia, góp ý trực tiếp của nhân dân, các trí thức, lão thành cách mạng, các đối tượng chịu tác động... và thông qua hội đồng nhân dân các cấp. Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU, “Về đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện trong cả hệ thống chính trị.
Đề án 25 của Quảng Ninh là một đột phá trong công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị, là sự sáng tạo, đổi mới có hiệu quả thiết thực, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự đổi mới, phát triển của tỉnh Quảng Ninh. Hội nghị Trung ương sáu khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017, về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25-10-2017, về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” càng khẳng định bước đi của Quảng Ninh là đúng đắn, tạo thêm động lực và là cơ sở chính trị vững chắc để tỉnh có thêm quyết tâm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đổi mới hệ thống chính trị quyết liệt hơn và ở quy mô, tầm mức cao hơn. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 21-CTr/TW, ngày 5-2-2018, để tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương sáu, trên cơ sở kế thừa, phát huy những kết quả đạt được từ việc triển khai Đề án 25 theo hướng toàn diện, đồng bộ và hiệu quả hơn với phương châm: Những mô hình đã thí điểm hiệu quả thì tiếp tục nhân rộng; những mô hình mới đặt ra phải tập trung cao để lãnh đạo, chỉ đạo đạt hiệu quả thực chất trên thực tế; tiếp tục đẩy mạnh việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tăng cường tự chủ, nâng cao năng lực quản trị, chuyển đổi mô hình hoạt động.
Công tác sắp xếp tinh giản tổ chức, bộ máy, biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thí điểm hợp nhất cơ quan, đơn vị, nhất thể hóa và tăng cường kiêm nhiệm các chức danh được thực hiện đồng bộ, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở. Tỉnh Quảng Ninh kịp thời ban hành các chính sách tinh giản biên chế riêng, dành nguồn lực thỏa đáng, nhằm bảo đảm lộ trình tinh giản biên chế theo quy định của Trung ương; đồng thời góp phần tiết kiệm chi thường xuyên để dành nguồn lực tăng chi đầu tư phát triển. Cùng với đó, tỉnh từng bước đẩy mạnh giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập; qua đó tạo chuyển biến căn bản trong tư duy, nhận thức của các cấp, ngành, đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Nhờ vậy, tháng 12-2021, tỉnh đã giảm 19,13% số công chức, 8,52% số người làm việc, 10,51% số cán bộ, công chức cấp xã, 39,18% số người hoạt động không chuyên trách cấp xã, 33,33% số người hoạt động không chuyên trách ở thôn (bản, khu phố), bảo đảm mục tiêu tinh giản biên chế theo chỉ đạo của Trung ương; giảm 18% đầu mối cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp và hoàn thành mục tiêu giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập trước 1 năm so với chỉ đạo chung của Trung ương.(1)
Quyết liệt đổi mới hệ thống chính trị, tăng cường xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phát huy dân chủ đã trở thành động lực, là nhân tố quan trọng giúp Quảng Ninh đạt được những kết quả nổi bật, quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng các cấp; trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của phía Bắc. Cùng với đó, khả năng quản trị, ứng phó với các tình huống nảy sinh của Quảng Ninh được nâng lên rõ rệt, thể hiện rõ nhất là đã khống chế, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 bùng phát trong 2 năm qua; đặc biệt đội ngũ lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã đưa ra nhiều giải pháp phù hợp theo từng thời điểm, giữ vững địa bàn an toàn, giảm bớt thiệt hại cho nhân dân, điều hành phát triển kinh tế - xã hội vượt qua khó khăn.
Qua những kết quả đạt được, để đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, từ nay đến năm 2025, tỉnh Quảng Ninh xác định tiếp tục quan tâm đổi mới, hoàn thiện bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn nữa. Trong đó sẽ quyết liệt rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng nhiệm vụ, quy định, quy chế làm việc và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động các cơ quan hợp nhất, các mô hình thí điểm, nhất là mô hình cơ quan tổ chức - nội vụ, ủy ban kiểm tra - thanh tra, cơ quan khối Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, Trung tâm Truyền thông tỉnh; tiếp tục thực hiện lộ trình sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa cơ sở giáo dục công lập ở những nơi có điều kiện; hoàn thành sắp xếp theo quy định chung và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động đối với bộ máy hệ thống chính trị tại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Tỉnh Quảng Ninh xây dựng “Kế hoạch tinh giản biên chế, số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách giai đoạn 2022 - 2025 gắn với nâng cao năng lực tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập”. Từ đó, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp tổng thể, đồng bộ để thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế, giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước; bảo đảm ổn định, phát triển kinh tế, chăm lo tốt nhất đời sống nhân dân. Trong đó, tập trung sắp xếp, bố trí việc làm, đào tạo lại để bố trí việc mới; tinh giản 10% số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước, thực hiện song song, đồng bộ với sáp nhập 10% số đơn vị sự nghiệp công lập bằng cổ phần hóa, tổ chức lại, sáp nhập (khoảng 70 đơn vị); nâng cao năng lực tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển từ sử dụng số lượng người làm việc hưởng lương ngân sách sang sử dụng một phần số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp theo quy định...
Cùng với kiện toàn, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, thời gian tới tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Trong đó tập trung rà soát hoàn thiện quy chế làm việc, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; thực hiện tốt việc phân cấp, phân quyền cho các cơ quan tham mưu và các cấp chính quyền, bảo đảm giải quyết các công việc nhanh, hiệu quả, tránh chồng chéo. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp, tinh thần đổi mới, sáng tạo, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức. Thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng, nâng cao chất lượng toàn diện đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Thực tế cho thấy, việc đổi mới và kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị được tỉnh ủy Quảng Ninh hết sức coi trọng, đều hướng tới mục tiêu nâng cao vai trò của tổ chức bộ máy của Đảng phải mạnh từ cấp tỉnh tới cơ sở, bộ máy công tác tinh gọn, có chất lượng, đủ sức tham mưu cho cấp ủy các cấp những quyết sách phát triển lớn. Trên quan điểm xuyên suốt và nhất quán đó, ở mỗi nhiệm kỳ, trong từng điều kiện cụ thể, nhiệm vụ trên đều được thực hiện ở các mức độ khác nhau và đạt những kết quả tích cực./.
---------------------
(1) Xem: Trúc Linh: Quyết tâm cao trong sắp xếp, tinh giản bộ máy, biên chế, báo Quảng Ninh điện tử, ngày 28-12-2021, https://baoquangninh.com.vn/quyet-tam-cao-trong-sap-xep-tinh-gian-bo-may-bien-che-3168211.html
Mô hình “Dân tin, Đảng cử” và “nhất thể hóa” chức danh ở huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh: Kết quả và một số vấn đề đặt ra  (24/11/2022)
Tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá” nhằm liên kết các địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội  (22/11/2022)
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, kiện toàn tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ - Từ thực tiễn của Đảng bộ huyện Tiên Yên  (22/11/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển