Gắn đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với bảo vệ chính trị nội bộ - Những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
TCCS - Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước, được dư luận, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Những kết quả đạt được trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng chính là nhằm góp phần thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ nói riêng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh nói chung.
Mối quan hệ giữa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với bảo vệ chính trị nội bộ
Bảo vệ chính trị nội bộ là bảo vệ tư tưởng chính trị, nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên về mặt chính trị; với sứ mệnh đặc biệt quan trọng là phát hiện, ngăn chặn từ sớm, từ xa những nhân tố nội tại có khả năng làm mất uy tín, vị thế, năng lực lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Trong tình hình hiện nay, bảo vệ chính trị nội bộ có vị trí, vai trò ngày càng quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có nhiệm vụ phát hiện, ngăn chặn hiện tượng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận đội ngũ cán bộ, đảng viên; đặc biệt, khi vấn đề tham nhũng, tiêu cực đã, đang và ngày càng trở thành vấn đề nhức nhối, được coi là một trong những “kẻ thù hung ác”, nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Đại hội XIII của Đảng thẳng thắn thừa nhận: “Tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”(1).
Theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì mục đích vụ lợi. Cụ thể, đó là các hành vi: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi... Tham nhũng là vấn đề chính trị nhức nhối hiện nay, là biểu hiện suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Vấn đề này đang được các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm sát sao, được liệt kê cụ thể trong Quy định số 58-QĐ/TW, ngày 8-2-2022, của Bộ Chính trị, “Một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng”, và trở thành một trong những vấn đề trọng tâm cần được phát hiện kịp thời nhằm sàng lọc đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần làm trong sạch Đảng, bảo vệ chế độ. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chính là “phòng, chống giặc nội xâm, tức là chống những thói hư, tật xấu” để giữ gìn sự trong sạch, vững mạnh của Đảng và cả hệ thống chính trị; qua đó, củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Thực hiện tốt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng là thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ trong mọi thời kỳ cách mạng. Tháng 5-2012, Hội nghị Trung ương 5 khóa XI đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (sau này được bổ sung nhiệm vụ, thành Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực) trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban để thống nhất chỉ đạo trên phạm vi cả nước.
Một số kết quả của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian gần đây, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ chính trị nội bộ
Với sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn bộ hệ thống chính trị và sự lãnh đạo, chỉ đạo bài bản, quyết liệt và hiệu quả của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong 10 năm thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 5 khóa XI (tháng 5-2012), công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, đi vào thực chất, có bước đột phá chiến lược với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả tích cực. Tính đến ngày 27-6-2022, đã có 34 tỉnh, thành phố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng hoặc liên quan đến tham nhũng. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Qua công tác thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975.000 tỷ đồng, gần 76.000 ha đất; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 19.500 vụ án, gần 33.900 bị can, trong đó đã khởi tố, điều tra gần 2.700 vụ, hơn 5.800 bị can liên quan đến tội phạm về tham nhũng. Riêng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đưa 977 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ. Đặc biệt, thời gian gần đây, nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn, xảy ra trong lĩnh vực y tế, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp... đã được tập trung điều tra, xử lý nghiêm. Cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã thu hồi 61.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34,7% (năm 2013, tỷ lệ này chỉ đạt dưới 10%). Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi được gần 50.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 41,3%(2).
Những kết quả của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong 10 năm qua đã góp phần cụ thể hóa phương châm “tuyệt đối không được để lọt vào cấp ủy những người không đủ tiêu chuẩn chính trị, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, vi phạm những điều đảng viên không được làm”, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; khôi phục, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng, với chế độ, làm thất bại mọi sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch. Theo báo cáo kết quả điều tra dư luận xã hội về công tác phòng, chống tham nhũng do Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện vào tháng 8-2020, đại đa số nhân dân đánh giá cao kết quả đã đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta, nhất là kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trực thuộc Bộ Chính trị đến nay; đa số ý kiến ghi nhận các hành vi tham nhũng đã giảm đi, như hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà để vụ lợi, vòi tiền; can thiệp vào quá trình soạn thảo, ban hành và tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật để trục lợi; lợi dụng các hoạt động xã hội, từ thiện để trục lợi; tham ô tài sản... Hành vi tham nhũng cũng giảm đi trên hầu hết các ngành, lĩnh vực, như công tác cán bộ; khám, chữa bệnh; cấp các loại giấy đăng ký sản xuất, kinh doanh; thi cử, tiếp nhận học sinh vào các trường phổ thông công lập, lĩnh vực thuế... 93% cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng(3). Từ những kết quả, thông tin thực tiễn trên, có thể thấy, việc đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả, thực chất hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã ngày càng góp phần quan trọng vào sứ mệnh của công tác bảo vệ chính trị nội bộ đối với Đảng, với chế độ.
Một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong thời gian tới
Trong những năm tiếp theo, một mặt, quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng diễn ra mạnh mẽ, tiếp tục là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, song cũng là môi trường cho các thế lực thù địch, những phần tử xấu lợi dụng để chống phá Đảng và đất nước ta; mặt khác, tình hình chính trị nội bộ Đảng hiện nay, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, còn tồn tại những vấn đề trực tiếp hoặc gián tiếp đe dọa vai trò lãnh đạo của Đảng, sự tồn vong của chế độ; trong đó, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ vẫn diễn ra phức tạp. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa nhận thức đầy đủ tính chất, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói không đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật.
Để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong thời gian tới, một trong những nhiệm vụ quan trọng là cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với mục tiêu cao nhất là phát hiện từ sớm, từ xa, phòng ngừa hơn xử lý, bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững đội ngũ cán bộ, đảng viên. Theo đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên cần tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cần phải nhận thức thật đầy đủ, sâu sắc về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác bảo vệ chính trị nội bộ đối với vận mệnh của Đảng, của chế độ, phải biến quyết tâm, nhận thức chính trị thành hành động thực tiễn và phải có lộ trình, mục tiêu, cách làm cụ thể. Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021, của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”” đã chỉ ra nguyên nhân làm hạn chế kết quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay; đó là “do một số cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu chưa nhận diện đầy đủ mức độ suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình; chưa quyết tâm và có biện pháp chỉ đạo đủ mạnh, còn thụ động, trông chờ vào sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên; không thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, chưa gương mẫu, mất đoàn kết nội bộ, chưa thẳng thắn đấu tranh với những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thậm chí còn cục bộ, lợi ích nhóm, bị cám dỗ bởi lợi ích vật chất, thờ ơ, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân”(4).
Thứ hai, tăng cường rà soát, bổ sung và hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, giữa các cơ quan chuyên trách bảo vệ chính trị nội bộ và cơ quan nội chính trong việc nắm vững tình hình và rà soát, thẩm định, thẩm tra, kết luận rõ tiêu chuẩn chính trị của cán bộ, đảng viên, tuyệt đối không được để lọt vào cấp ủy những người không đủ tiêu chuẩn chính trị, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, chuyển trọng tâm từ nắm vững và giải quyết vấn đề lịch sử chính trị sang vấn đề chính trị hiện nay. Các mặt công tác quản lý cán bộ cần bám sát tình hình thực tế của đội ngũ cán bộ để có biện pháp phòng ngừa, răn đe kịp thời, hữu hiệu. Phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong việc tập hợp, vận động nhân dân tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, đặc biệt là trong công tác kiểm tra, giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”(5).
Thứ ba, tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh trên cơ sở quán triệt sâu sắc, nghiêm túc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Trung ương(6), chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, trọng liêm sỉ, danh dự, nêu cao tinh thần, trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, theo phương châm “cán bộ, đảng viên phải quyết liệt đi đầu, gương mẫu trước”; có biện pháp, hình thức phù hợp, hiệu quả để kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh kịp thời những cán bộ, đảng viên xuất hiện biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán đồng thời với điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực, nhất là những trường hợp dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; để trở thành tiếng chuông cảnh tỉnh cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa, tự tu dưỡng, rèn luyện. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xây dựng, làm trong sạch Đảng và bộ máy Nhà nước chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, đã trót “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm”(7).
Thứ năm, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, nâng cao cơ chế, chính sách, đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Mục đích là nhằm tạo động lực quan trọng để thu hút, “giữ chân” những người có năng lực, tâm huyết với công việc, bên cạnh đó khuyến khích cán bộ, đảng viên nâng cao trách nhiệm công vụ, phát huy tính sáng tạo, ra sức cống hiến vì sự nghiệp chung; đồng thời, có cơ chế để cảnh báo, ngăn ngừa, hạn chế hiệu quả hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Thứ sáu, tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ, quản lý cán bộ để kịp thời phát hiện, khắc phục những vướng mắc, hạn chế nảy sinh trong thực tiễn trên cơ sở tập trung vào những vấn đề chính trị hiện nay của cán bộ, đảng viên sao cho phù hợp với những yêu cầu, diễn biến của tình hình mới./.
--------------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 93
(2) Xem: Minh Ngọc: “Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022”, Trang thông tin điện tử Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ngày 30-6-2022, https://ubkttw.vn/danh-muc/tin-tuc-thoi-su/hoi-nghi-toan-quoc-tong-ket-10-nam-cong-tac-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-giai-doan-2012-2022.html
(3) Xem: Nguyễn Phú Trọng: “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Nhìn lại mười năm qua; định ra phương hướng, nhiệm vụ cho thời gian tới”, Tạp chí Cộng sản, số 993, tháng 7-2022, tr. 12
(4) Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 90
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 13, tr. 419
(6) Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16-1-2012, của Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30-10-2016, của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021, của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””; Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7-6-2012, của Ban Bí thư, “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”; Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25-10-2021, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về những điều đảng viên không được làm”...
(7) Nguyễn Phú Trọng: “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Nhìn lại mười năm qua; định ra phương hướng, nhiệm vụ cho thời gian tới”, Tlđd, tr. 17
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về “lấy dân làm gốc” trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay  (14/11/2022)
Nói không với “bắt tay ngầm”  (11/11/2022)
Tỉnh Thái Bình triển khai nhiệm vụ công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quý IV năm 2022  (30/09/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển