Bảo đảm chất lượng đại biểu Quốc hội để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước
TCCS - Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội ngày 23-5-2021 sắp tới sẽ lựa chọn những đại biểu Quốc hội bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn và chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho việc kiến tạo, xây dựng bộ máy nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả của nhiệm kỳ mới. Đây cũng là điều kiện tiên quyết bảo đảm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội khóa XV.
Từ một số quy định chung…
Theo luật định thì nhiều chức danh cao cấp trong bộ máy nhà nước ở Trung ương phải là đại biểu Quốc hội. Điều 8, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định:
- Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong số các đại biểu Quốc hội theo danh sách đề cử chức vụ từng người của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa trước.
- Quốc hội bầu Chủ tịch nước trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Quốc hội bầu Phó Chủ tịch nước trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Chủ tịch nước.
- Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Chủ tịch nước.
Điều 67 của Luật này còn quy định: Các Phó Chủ tịch, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách và các Ủy viên khác của Hội đồng Dân tộc; các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách và các Ủy viên khác của Ủy ban do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn. Đương nhiên những người nắm giữ các chức danh nói trên phải là đại biểu Quốc hội, ngoài ra, trong nhiều khóa, các chức danh Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thường là đại biểu Quốc hội. Đại biểu Quốc hội đạt được chất lượng cao tối ưu là những đại biểu đạt 5 tiêu chuẩn ở cấp độ cao nhất, có phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ, trí tuệ, tinh thần trách nhiệm cao, luôn luôn tận tâm, nhiệt huyết với công việc và có bản lĩnh. Những đại biểu như thế khi được Quốc hội bầu, phê chuẩn nắm giữ các chức danh trong bộ máy nhà nước sẽ hành động quyết liệt, sẽ làm cho bộ máy hoạt động có hiệu lực và hiệu quả cao nhất trong khả năng có thể.
Lần bầu cử này, trong khoảng 66 triệu người ở độ tuổi ứng cử (21 tuổi trở lên), lựa chọn lấy 500 người vào “cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” như Điều 69, Hiến pháp năm 2013 đã quy định là việc không đơn giản. Trong Quốc hội lại có nhiều đại biểu là đảng viên, do đó rất cần tham khảo và vận dụng đúng đắn, hợp lý khung tiêu chuẩn chức danh về mặt chính trị để bảo đảm lựa chọn được những đại biểu tiêu biểu nhất. Đó là những người: “Mẫu mực về phẩm chất đạo đức; cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; không tham vọng quyền lực, có nhiệt huyết và trách nhiệm cao với công việc; là trung tâm đoàn kết, gương mẫu về mọi mặt; không tham nhũng, lãng phí, cơ hội, vụ lợi; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, cửa quyền và lợi ích nhóm; tuyệt đối không trục lợi và cũng không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi”(1).
… Đến những tiêu chuẩn cụ thể
Theo tinh thần chỉ đạo chung về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, phải áp dụng đồng bộ, đầy đủ một hệ thống các cách thức, biện pháp cụ thể mà các văn bản của Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành; mặt khác, phải có thông tin đầy đủ, cụ thể của các ứng cử viên để cử tri thuận đường lựa chọn. Ở một vài cuộc bầu cử trước đây, không ít cử tri đã nói, chúng tôi không biết gì nhiều về các ứng cử viên, bởi vì trong lý lịch trích ngang của ứng cử viên (cung cấp cho cử tri) chỉ có các thông tin họ tên, tuổi, quê quán, trú quán; trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ, quá trình học tập và công tác... Khi tiếp xúc cử tri vận động bầu cử, ứng cử viên cũng chỉ trình bày chương trình hành động của mình nếu trúng cử...
Như vậy, qua thực tế các cuộc bầu cử, cử tri rất mong muốn được biết cụ thể, thực chất “con người bên trong” của ứng cử viên. Ví dụ, tiêu chuẩn 1, “Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp... Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”. Cử tri rất muốn biết ứng cử viên đã và đang làm gì để tỏ ra là trung thành. Nếu ứng cử viên là đảng viên thì cử tri còn muốn biết rõ có suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” không? Và các ứng cử viên nói chung có quốc tịch khác không? Có một thực tế khác là, những người có tài mà thiếu đức thì họ rất khéo léo, tinh vi trong việc che đậy thiếu sót, khuyết điểm, họ nói năng khéo léo, hoạt bát, linh lợi tới mức mà các cụ bảo rằng, lời nói làm “con rắn trong lỗ cũng phải bò ra”. Thực tế cũng đã có vị nguyên lãnh đạo cấp cao mắc tội tham nhũng, một lần nhận hối lộ tới 200.000 USD, vậy mà đã viết sách dạy thiên hạ chống “tự diễn biến”... Vì vậy, phải minh bạch, phải làm sáng rõ sự thật bên trong của mỗi con người. Về quốc tịch, thực tế đã từng có ứng cử viên không khai mình có hai quốc tịch nên đã bị Hội đồng Bầu cử quốc gia phát hiện và không công nhận trúng cử. Hay là tiêu chuẩn 2: “... có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác”. Cử tri rất muốn biết từng hành vi cụ thể của mỗi ứng cử viên trong tiêu chuẩn này. Ứng cử viên có cam đoan và chứng minh được rằng, mình hoàn toàn trong sạch, không tham nhũng, bản thân và gia đình không liên quan gì đến tham nhũng không? Tài sản của ứng cử viên có “sạch sẽ”, có tương xứng với khả năng lao động, năng lực làm việc không? Trong lúc này, đây là những vấn đề cực kỳ quan trọng; nếu phát hiện được trước, loại bỏ ngay sẽ tốt hơn là để họ lọt vào bộ máy nhà nước, sau đó mới phát hiện, xử lý. Các tiêu chuẩn số 3, 4 và 5 cũng như vậy. Cử tri muốn biết tường tận uy tín, sự tín nhiệm và quan hệ của ứng cử viên với nhân dân như thế nào? Nói một cách tổng quát là, thông qua các tiêu chuẩn của đại biểu dân cử, cử tri muốn nắm bắt, hiểu biết được một cách sâu sắc, cụ thể, tường tận những quy định thuộc tiêu chuẩn mà ứng cử viên đã thể hiện trong thực tế cuộc sống để yên tâm lựa chọn chính xác trước khi quyết định, khắc phục tình trạng so đo bầu theo tuổi tác, vị trí, chức vụ, theo trình độ học vấn từ cao đến thấp.
Nguyện vọng mong muốn thấu hiểu ứng cử viên của cử tri nhằm lựa chọn cho được những người nổi trội nhất là hoàn toàn chính xác và chính đáng. Hiện nay theo quy định, trong tiếp xúc cử tri vận động bầu cử, cử tri đã được biết hai tài liệu về ửng cử viên, đó là tiểu sử tóm tắt (lý lịch trích ngang) và chương trình hành động. Song những tài liệu đó chưa đủ thông tin để cử tri nắm được thực chất bên trong của mỗi ứng cử viên. Thực ra, những nội dung của ứng cử viên mà cử tri muốn biết rõ hơn cũng đã có trong 4 loại văn bản của ứng cử viên (đơn ứng cử; sơ yếu lý lịch; tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản). Khi ứng cử viên được giới thiệu về ứng cử ở địa phương, được phân chia về các đơn vị bầu cử có nghĩa là những nội dung đó đã được các cấp có thẩm quyền xác nhận là đã được bảo đảm (Khoản 3, Điều 57, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân hiện hành đã nói rõ: “Căn cứ vào danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội được Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu, Hội đồng Bầu cử quốc gia gửi đến Ủy ban bầu cử ở tỉnh danh sách và hồ sơ những người được giới thiệu về ứng cử tại địa phương”). Vấn đề là, cử tri phải được thông báo những xác nhận, những kết luận đó. Do đó, rất cần thông báo trong các buổi tiếp xúc cử tri vận động bầu cử văn bản đánh giá cụ thể mức độ đạt được các tiêu chuẩn của luật định đối với mỗi ứng cử viên mà các cấp có thẩm quyền cấp trên đã xác nhận. Trong đó, có phần tự nhận xét, đánh giá của bản thân ứng cử viên; xác nhận của nơi giới thiệu người làm ứng cử viên, có nhận xét của nơi làm việc về quan hệ với quần chúng lao động, nhận xét của nơi cư trú về quan hệ với nhân dân, ở cả hai nơi về mức độ uy tín, tín nhiệm; đánh giá của cơ quan có thẩm quyền về sự trung thực trong kê khai tài sản và về kỷ luật Đảng, chính quyền, đoàn thể (nếu có). Đây vừa là giải pháp giúp cử tri lựa chọn đúng người xứng tầm, vừa là giải pháp tiếp tục phát huy dân chủ, công khai đầy đủ thông tin về ứng cử viên và thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân - cử tri.
Chất lượng đại biểu Quốc hội quyết định hiệu quả hoạt động của Quốc hội
Cùng với 3 chức năng hoạt động của Quốc hội là lập pháp, giám sát tối cao đối với hoạt động nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia, nhưng ở mỗi thời kỳ, khi trình độ phát triển của khoa học - kỹ thuật khác nhau thì nội dung và yêu cầu của việc thực hiện các chức năng đó cũng khác nhau theo hướng ngày càng cao hơn, tiến bộ hơn, ngang tầm với tiến bộ khoa học - kỹ thuật của thời đại. Điều đó lý giải vì sao ngày càng phải nâng tầm chất lượng đại biểu Quốc hội. Song song với tiêu chuẩn về phẩm chất, đạo đức, lối sống thì trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực, trí tuệ cao là điều kiện tiên quyết để đại biểu có thể đóng góp tích cực, có hiệu quả vào các hoạt động của Quốc hội.
Lấy công tác xây dựng pháp luật làm ví dụ. Từ thập niên 90 của thế kỷ XX trở về trước, khi xây dựng một đạo luật, về cơ bản là căn cứ vào tình hình đất nước, yêu cầu của thực tiễn mà Quốc hội quyết định nội dung của một đạo luật. Ngày nay, khi Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, toàn diện và ký kết khá nhiều điều ước quốc tế, thì luật pháp Việt Nam phải chịu một “áp lực” mới, đó là nhiều quy định vừa phải xử lý được thực tiễn của công cuộc đổi mới ở trong nước, vừa phải phù hợp với thông lệ quốc tế trong khi thể chế chính trị của nước ta về căn bản là khác so với nhiều nước phương Tây. Một “áp lực” khác có thể còn nặng nề hơn, đó là chúng ta đã ký kết, tham gia và thực hiện một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới có tiêu chuẩn cao và toàn diện hơn, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) không chỉ đem lại cơ hội mà còn có nhiều rủi ro và thách thức, trước hết là việc hoàn thiện khuôn khổ pháp luật và thể chế; tiếp đến là thách thức trong việc thực thi pháp luật lao động, công đoàn, môi trường..., thách thức về bảo đảm ổn định chính trị, xã hội... Tất cả những vấn đề đó đòi hỏi đại biểu Quốc hội phải có tư duy chính trị vững vàng, có tầm hiểu biết sâu rộng mới có thể có ý kiến xác đáng góp phần hoàn thiện được từng đạo luật và toàn bộ hệ thống pháp luật trong điều kiện mới.
Tương tự như vậy, đối với hoạt động giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia. Nếu trong điều kiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba (ứng dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa nhiều công việc) mà hoạt động giám sát và quyết định nhiều vấn đề đã gặp rất nhiều khó khăn thì cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (kết hợp tất cả các công nghệ lại với nhau, làm lu mờ, xóa nhòa ranh giới giữa nhiều lĩnh vực) thì hoạt động giám sát và quyết đáp nhiều việc lớn chắc chắn sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa. Để hiểu rõ vấn đề trên, xin mở ngoặc nói thêm: Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất là sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa các công việc. Cách mạng công nghiệp lần thứ hai diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba là ứng dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa nhiều công việc. Còn cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được nảy nở từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba, kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm lu mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Công nghiệp 4.0 tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các nhà máy, các công sở thông minh, sự phát triển của in-tơ-nét vạn vật, giúp tạo ra các bản sao ảo của thế giới vật lý cho phép mọi người ở khắp nơi trên trái đất kết nối với nhau thông qua mạng in-tơ-nét dịch vụ bằng các thiết bị di động ở mọi lúc, mọi nơi.
Hiện nay giám sát hoạt động của Chính phủ điện tử đã rất khó khăn, nay mai giám sát hoạt động của Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số..., có lẽ sẽ còn khó khăn hơn nhiều. Bởi vậy, nhiều đại biểu Quốc hội đã rất quan tâm đến vấn đề này. Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV (tháng 11-2020), trong một phiên chất vấn, một số đại biểu đã chất vấn về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã trả lời sự khác nhau giữa Chính phủ điện tử và Chính phủ số, có thể tóm tắt như sau: Chính phủ điện tử là tin học hóa các quy trình đã có, còn Chính phủ số là cung cấp các dịch vụ mới theo nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Chính phủ điện tử tập trung vào dịch vụ công trực tuyến, Chính phủ số thì chuyển mọi hoạt động của Chính phủ lên môi trường số, hoạt động dựa trên dữ liệu và cung cấp thêm các dịch vụ mới. Chính phủ điện tử chủ yếu dùng công nghệ thông tin, Chính phủ số dùng công nghệ số, nhất là công nghệ của công nghiệp 4.0... Từ đó cho thấy, đại biểu Quốc hội khóa mới phải là những đại biểu có ý thức cập nhật được những thông tin mới về tiến bộ khoa học - kỹ thuật; theo dõi, nắm bắt được hoạt động thực tiễn của các cơ quan nhà nước, các hoạt động của doanh nghiệp, của xã hội trong điều kiện công nghiệp 4.0 để phục vụ cho hoạt động của đại biểu, trong đó có hoạt động giám sát và góp phần quyết sách những vấn đề có tầm cỡ quốc gia.
Chất lượng hoạt động của Quốc hội còn phụ thuộc với mức độ lớn vào năng lực, trình độ khoa học - kỹ thuật của đại biểu, trong điều kiện Quốc hội có phạm vi hoạt động rất rộng, bao gồm toàn bộ nền kinh tế - xã hội, toàn bộ các hoạt động của một xã hội. Trong khi đó, các đại biểu Quốc hội phần lớn chỉ được đào tạo và hoạt động trong một hoặc hai lĩnh vực chuyên ngành, chỉ có một số rất ít đại biểu có hai, ba chuyên ngành. Đại biểu không thể “ngồi yên” chờ đến khi thảo luận đến lĩnh vực hoạt động của mình rồi mới tham gia phát biểu, mà trách nhiệm là phải tỏ rõ chính kiến trong mỗi vấn đề. Bởi vậy, trong nhiệm kỳ 5 năm, thì ngay từ năm đầu tiên đại biểu đã phải tự đào tạo, truy cập thông tin, cập nhật kiến thức một cách “thần tốc” mới làm tốt được nhiệm vụ đại biểu theo luật định. Chức năng lập hiến, lập pháp cũng cho ta thấy, ngoài việc xây dựng Hiến pháp và những đạo luật chung, như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự. Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự... thì nói chung, các luật chuyên ngành, ngành nào cũng phải có luật điều chỉnh hoạt động. Nói cách khác, Quốc hội phải lần lượt xây dựng, sửa đổi, bổ sung tất cả các luật chuyên ngành. Bởi vậy, trong cơ cấu đại biểu Quốc hội phải có các đại biểu làm công tác khoa học - kỹ thuật thực thụ, trong đó, các lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội đều phải có các nhà khoa học của lĩnh vực đó. Nhân lực làm luật chuyên ngành thường gồm ba loại chuyên gia: chuyên gia pháp luật, chuyên gia chuyên môn, nghiệp vụ của lĩnh vực và chuyên gia ngôn ngữ học, trong đó, chuyên gia chuyên môn, nghiệp vụ của lĩnh vực chuyên ngành là vô cùng quan trọng. Do vậy, trong cuộc bầu cử lần này, cần chú ý chỉ đạo để bảo đảm cơ cấu, số lượng đại biểu thích đáng là các nhà khoa học của các lĩnh vực chủ yếu, để góp phần khắc phục những khó khăn, bất cập nói trên.
Cuối cùng, nói đến phẩm chất đạo đức, năng lực, trí tuệ... không thể không nói đến bản lĩnh của đại biểu. Thực tế không phải không có những đại biểu có đạo đức phẩm chất tốt, năng lực, trí tuệ cao nhưng bản lĩnh lại không cao (nếu không muốn nói là thấp kém). Thực tế trong các kỳ họp của Quốc hội, khi thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội, có đại biểu biết tường tận những hạn chế, khuyết điểm của các cơ quan trong bộ máy hành pháp và tư pháp, nhưng vì “lợi ích” cá nhân, lợi ích cục bộ địa phương nên họ thường im lặng, hoặc không nói đúng hiện trạng, mà chỉ nói theo kiểu đổ lỗi cho khách quan, thậm chí “bào chữa hộ”. Vì thế, có đại biểu đã than thở “ông ấy nói rất nhiều nhưng rốt cuộc chẳng nói gì cả!”. Trong các buổi thảo luận thông qua các dự án luật, có đại biểu biết chắc chắn, nếu thông qua dự thảo điều luật đó thì chỉ đem lại lợi ích riêng cho ngành trình dự án luật, còn xã hội chẳng có tác động gì nhiều (thậm chí còn có hại), nhưng đại biểu thuộc ngành đó không hề phát biểu làm rõ sự thật... Từ đó, có lẽ trong cuộc bầu cử tới cũng không nên để những người có trình độ văn hóa, có vị trí, chức tước cao, nhưng lại thiếu bản lĩnh “lọt vào” Quốc hội, trong khi Quốc hội rất cần những đại biểu dám nghĩ, dám làm, thực hiện đến cùng những vấn đề mình cho là đúng; dám đối diện với sự thật, luôn có trách nhiệm với mọi công việc và không ngần ngại thử thách chính mình.
Với sự chỉ đạo chặt chẽ, sát sao của các tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở, cùng với việc tổ chức thực thi có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật về bầu cử và các hướng dẫn của Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng sự nỗ lực của các tổ chức chính trị - xã hội, nhất định cử tri cả nước sẽ chọn lựa được những đại biểu tiêu biểu nhất về phẩm chất đạo đức, có năng lực, trí tuệ cao và giàu bản lĩnh vào Quốc hội khóa XV./.
-----------------------------
(1) Quy định số 214-QĐ/TW, ngày 2-1-2020, của Bộ Chính trị, về “Khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021 - 2026: Một số lưu ý để tránh xảy ra thiếu sót  (12/04/2021)
Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021 - 2026: Một số lưu ý để tránh xảy ra thiếu sót  (12/04/2021)
Bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026: Cuộc vận động chính trị quan trọng và đợt sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong nhân dân*  (16/02/2021)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên