Xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung - Những tấm gương tiêu biểu và bài học kinh nghiệm (Kỳ 2)

PGS, TS. DƯƠNG MỘNG HUYỀN* - Nhóm tác giả**
Trợ lý Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức, cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương
07:22, ngày 15-09-2020

TCCS - Thành tựu đất nước gần 35 năm đổi mới mang đậm dấu ấn của lớp cán bộ lãnh đạo, quản  lý có tư duy đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, có khả năng tổng kết thực tiễn, vận dụng sáng tạo những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước để giải quyết những vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn. Họ là biểu tượng sinh động, tiêu biểu của tầm cao trí tuệ, đức hy sinh, tinh thần dấn thân vì lợi ích chung; những đổi mới, sáng tạo, dám làm, dám đột phá của họ dù thành công hay chưa thành công đều mang lại những bài học có giá trị cho sự nghiệp đổi mới đất nước.

Những tấm gương tiêu biểu trong giai đoạn khởi đầu tìm tòi, khởi xướng, xác lập nền móng của sự nghiệp đổi mới - những dấu ấn vượt thời gian

Thắng lợi của sự nghiệp cách mạng vẻ vang 90 năm qua của Đảng và nhân dân ta mang ý nghĩa dân tộc và thời đại sâu sắc, gắn liền với vai trò lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng qua từng thời kỳ. Đảng ta tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đi đôi với phát huy vai trò lãnh đạo tập thể là đề cao trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu, từ hoạch định chủ trương, đường lối đến tổ chức thực hiện, từ phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo đến nêu gương về đạo đức, phong cách, lối sống. Tiêu biểu nhất là thiên tài của lãnh tụ Hồ Chí Minh với sự vận dụng, bổ sung phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam, định hình lý luận cách mạng không chỉ soi sáng, dẫn dắt, làm nên thắng lợi cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX, mà còn tiếp tục trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Càng ở vào những thời điểm có tính bước ngoặt của sự nghiệp cách mạng, càng thấy rõ dấu ấn nổi bật của người đứng đầu trong nắm bắt thời cơ, bắt nhịp tình thế, kịp thời đề xuất trước tập thể những quyết sách sáng suốt, táo bạo để tháo gỡ rào cản, tận dụng cơ hội, đẩy lùi thách thức, tạo động lực đưa đất nước phát triển đột phá. Không có những đổi mới sáng tạo ấy, không có những con người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thì không thể có những thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và những thắng lợi to lớn, mang ý nghĩa lịch sử của gần 35 năm đổi mới.

Rất nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng đã nêu tấm gương mẫu mực về bản lĩnh, tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đó là quyết định mang tính lịch sử thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” trong chiến dịch Điện Biên Phủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là chủ trương “khoán hộ” táo bạo của đồng chí Kim Ngọc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú, khi mà hợp tác hóa nông nghiệp đang ở giai đoạn cao trào trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Chủ trương “khoán hộ” lúc đó bị phê bình, chỉ trích, nhưng đã tạo cơ sở cho hình thành cơ chế khoán nông nghiệp ở tỉnh Vĩnh Phú, Hải Phòng những năm 80 của thế kỷ XX. Khi điều kiện chín muồi, tư duy và cách làm sáng tạo nêu trên đã được Ban Bí thư tổng kết, rồi ban hành Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13-1-1981, về “Cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp”, Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5-4-1988, của Bộ Chính trị, về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, xác định “hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ”, tạo đột phá trong cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp.

Đồng chí Tổng Bí thư  Trường Chinh là người khởi xướng công cuộc đổi mới, cùng tập thể Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác lập nên mô hình mới, cơ chế mới, đặt nền tảng lý luận cho đường lối đổi mới toàn diện đất nước của Đại hội VI (Trong ảnh: Tổng Bí thư Trường Chinh thăm hỏi các cụ già xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Sơn Bình, ngày 3-2-1984 - nay thuộc huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội)_Ảnh: TTXVN

Vào thời điểm trước Đại hội VI của Đảng (12-1986), khi đối diện với những khó khăn chồng chất phát sinh từ cơ chế bao cấp, từ thực tiễn các địa phương, cơ quan, đơn vị đã xuất hiện nhiều cấp ủy, người đứng đầu, dũng cảm đột phá xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, tìm tòi những mô hình, cách quản lý kinh tế mới. Đó là Tỉnh ủy An Giang gắn với tên tuổi Chủ tịch Ủy ban nhân dân, rồi Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hơn (Sáu Hơn) trong bán giá vật tư và mua lúa của nông dân theo giá thị trường. Đó là Tỉnh ủy Long An gắn với vai trò Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Chính (Chín Cần) trong xóa bỏ tem phiếu, áp dụng cơ chế một giá theo thị trường. Thành phố Hồ Chí Minh gắn với vai trò Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Võ Văn Kiệt luôn sâu sát thực tiễn, lắng nghe người dân và doanh nghiệp, đã có nhiều quyết định đổi mới, sáng tạo, thực hiện cơ chế quản lý kinh tế các xí nghiệp quốc doanh theo hướng xóa bao cấp, chuyển sang tự chủ hạch toán kinh doanh, góp phần cung cấp luận cứ thực tiễn cho đổi mới toàn diện đất nước.

Đặc biệt xuất sắc là đồng chí Trường Chinh, khi được bầu làm Tổng Bí thư vào tháng 7-1986, trong điều kiện kinh tế - xã hội khủng hoảng trầm trọng, bằng tư duy lý luận sắc sảo và nhạy bén, với kinh nghiệm thực tiễn sống động của cơ sở và địa phương, đã dũng cảm “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật”, mạnh dạn thoát ra khỏi những quan niệm và nếp nghĩ cũ kỹ, chủ động đề xuất Bộ Chính trị thảo luận, xem xét lại một số vấn đề trong đường lối kinh tế của Đảng. Đồng chí là người đã khởi xướng công cuộc đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế. Những ý kiến của đồng chí Trường Chinh đã được sự nhất trí rất cao của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương(1). Có thể nói, đồng chí Trường Chinh đã cùng tập thể Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác lập nên mô hình mới, cơ chế mới, đặt nền tảng lý luận cho đường lối đổi mới toàn diện đất nước của Đại hội VI (12-1986).

Công cuộc đổi mới trong giai đoạn khởi đầu đầy thử thách, gian nan khi cái mới bắt đầu manh nha còn yếu ớt, cái cũ còn sức ỳ rất lớn, luôn cần đến những nhà lãnh đạo quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dũng cảm đối mặt với mọi khó khăn, thách thức. Lịch sử đã chọn đúng những con người như thế để giải quyết những nhiệm vụ mà nó đặt ra gắn với những quyết định xoay chuyển tình thế, tạo đột phá để hiện thực hóa đường lối đổi mới của Đại hội VI (12-1986).

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là người đã đẩy mạnh việc thực thi những tư tưởng lớn của Đại hội VI và trên một số lĩnh vực có bước tiến đổi mới xa hơn; tuyên chiến với những tư duy cũ kỹ, lạc hậu còn ảnh hưởng rất nặng nề trong bộ máy và con người với “những việc cần làm ngay”; mạnh dạn đột phá vào những quan điểm kinh tế mà đến những năm 1987 - 1988 còn đang tranh luận, như khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động hay “khoán hộ”; chuyển đổi sang ngân hàng một cấp hay ngân hàng hai cấp; cho kinh doanh vàng bạc hay không; sử dụng khái niệm cơ chế thị trường, xem thị trường vừa là một căn cứ, vừa là một đối tượng của kế hoạch hóa...

Đồng chí Võ Văn Kiệt, khi ở các cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, rồi Thủ tướng Chính phủ luôn thể hiện là người “dám nghĩ, dám quyết, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám tự phê bình”(2), gắn liền với các quyết định xóa bỏ tình trạng “ngăn sông cấm chợ”, thu mua thóc của nông dân theo giá thị trường, thực hiện dự án khai thác vùng Đồng Tháp Mười, xây dựng kênh thoát lũ ra biển Tây, ngọt hóa vùng Tứ Giác Long Xuyên, xây dựng đường dây tải điện 500 KV... Không ít vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau, khó khăn từ nhiều phía, nhưng đồng chí đứng ra chịu trách nhiệm, kiên quyết tổ chức triển khai, hạ quyết tâm làm bằng được, nếu thấy đó là vấn đề ích nước, lợi dân(3). Đồng chí cũng là người sớm mở đầu cho cả quá trình cải cách hành chính ở nước ta khi giảm số bộ và các cơ quan ngang bộ từ 36 xuống còn 27; giảm số phó thủ tướng từ 10 người xuống còn 3 người.

Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, rồi Tổng Bí thư, Đồng chí Đỗ Mười đã cùng Trung ương Đảng, tập thể Bộ Chính trị, có nhiều quyết định quan trọng, táo bạo, mang tính đột phá để giải quyết những khó khăn cấp bách, xoay chuyển tình thế khó khăn, như: Chống lạm phát, chuyển đổi hệ thống ngân hàng từ một cấp thành hai cấp, đổi mới chính sách tỷ giá phù hợp với cơ chế thị trường, đoạn tuyệt với cơ chế hai giá và chuyển hẳn sang cơ chế giá thị trường, tìm kiếm thị trường khu vực II sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu, Liên Xô sụp đổ, thị trường khu vực I bị thu hẹp; đưa đất nước thoát khỏi tình trạng bị bao vây, cấm vận, bình thường hóa quan hệ với các nước, từng bước hội nhập với khu vực và thế giới...

Đồng chí Phan Văn Khải, trên cương vị Thủ tướng Chính phủ trong nhiệm kỳ của mình, đã chỉ đạo ban hành mới, sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật quan trọng, có ý nghĩa đột phá về thể chế kinh tế, như Luật Doanh nghiệp năm 1999, Luật Đầu tư nước ngoài năm 2000, Luật Đất đai năm 2003, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2003, Luật Thương mại năm 2005,... góp phần giải phóng sức sản xuất, khai thông các nguồn lực, thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển và hội nhập quốc tế.

Những tư duy đột phá, những cách làm đổi mới, sáng tạo của lớp cán bộ lãnh đạo vào thời kỳ đầu của công cuộc đổi mới có vai trò cực kỳ quan trọng trong giải quyết những điểm nghẽn do rào cản của cơ chế, khai thông động lực cho cơ chế mới hình thành, tạo nên những bước ngoặt xoay chuyển tình hình, đặt nền móng đưa công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu trong giai đoạn sau, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới đất nước.

Những mô hình địa phương, cơ sở tiếp tục tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung

Thời gian gần đây tiếp tục xuất hiện nhiều cán bộ tận tụy, tâm huyết trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, sâu sát thực tế, đi đầu trong đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, dám đối mặt và giải quyết những vấn đề tồn đọng, phức tạp do lịch sử để lại. Những ý tưởng đổi mới, sáng tạo của cá nhân người lãnh đạo đã trở thành ý tưởng của tập thể lãnh đạo, được hiện thực hóa thành những mô hình mới, cách làm hay trong cả nước. Đó là mô hình “Dân tin - Đảng cử” - bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Trước nhiệm kỳ đại hội chi bộ và nhiệm kỳ trưởng thôn, bản, khu phố giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh Quảng Ninh có 1.565 thôn, bản, khu phố, trong đó tỷ lệ trưởng thôn chưa là đảng viên cao (chiếm 68,2%); bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu phố chỉ chiếm 21,5%; sau khi thực hiện mô hình này 100% số trưởng thôn, bản, khu phố là đảng viên; 1562/1565 (99,8%) bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố. Nhờ có mô hình này, hiệu quả, vai trò hạt nhân chính trị lãnh đạo nhiệm vụ của chi bộ đối với hoạt động ở thôn, bản, khu phố được nâng lên rõ rệt, gắn kết nhiệm vụ của bí thư chi bộ và trưởng thôn; giảm các khâu trung gian, tránh sự chồng chéo, đùn đẩy, né tránh hoặc có khoảng trống trong sự lãnh đạo của chi bộ và điều hành của trưởng thôn. Cơ cấu bộ máy ở các thôn, bản, khu phố gọn nhẹ, tạo sự thống nhất, đồng thuận ngay từ việc ban hành nghị quyết đến chỉ đạo thực hiện. Bí thư chi bộ, chi ủy và ban lãnh đạo thôn, khu phố nắm toàn diện tình hình chung, tiếp thu kịp thời sự chỉ đạo của cấp trên, giải quyết nhanh những vấn đề phát sinh tại cơ sở, qua đó tiết kiệm thời gian hội họp, phát huy tối đa năng lực của người đứng đầu thôn, khu phố, khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh bỏ phiếu bầu khu trưởng khu phố 4, phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long_Ảnh: baoquangninh.com.vn

Đó là Chương trình “5 không, 3 có” của thành phố Đà Nẵng, với “5 không” là: không có hộ đói, không có người lang thang xin ăn, không có người mù chữ, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng, không giết người cướp của; “3 có” là: có việc làm, có nhà, có cuộc sống văn minh đô thị. Thực tiễn cho thấy, thành phố Đà Nẵng đã hoàn thành hầu hết các tiêu chí của Chương trình “5 không, 3 có”, khi gần như không có người ăn xin, không còn mù chữ, nhiều gia đình giàu lên vì kinh doanh du lịch, chất lượng cuộc sống của người dân Đà Nẵng không ngừng được nâng cao,... Bên cạnh đó, thành phố Đà Nẵng còn triển khai quyết liệt, sáng tạo và bước đầu đạt được thành công trong xây dựng kết cấu hạ tầng, quy hoạch đô thị khang trang, sạch đẹp; mô hình bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt ưu tiên cho những người yếu thế, như xây dựng Bệnh viện chữa ung thư, Bệnh viện Phụ sản, thành lập quỹ vay vốn cho người hoàn lương, quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo,...

Đó là cách làm đổi mới, sáng tạo của thành phố Hà Nội với việc triển khai Đề án số 04-ĐA/TU về “Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020” trong đó tập trung vào việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là đối tượng cán bộ nguồn kế cận của Thành phố, theo các tiêu chuẩn, chức danh chuyên sâu, theo vị trí việc làm đang đảm nhận hoặc vị trí chức danh quy hoạch. Trong công tác xây dựng tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước theo Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư, Hà Nội cũng là một địa phương đi đầu, với nhiều giải pháp đột phá, nhiều chủ trương đã và đang tiếp tục phù hợp với quan điểm lãnh đạo của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân và thực tiễn phát triển kinh tế của Thủ đô. Tiêu biểu là việc cử đảng viên có trình độ, năng lực, am hiểu tình hình doanh nghiệp đang sinh hoạt tại các phòng, ban, chuyên môn của đơn vị xuống sinh hoạt Đảng cùng các đảng viên của doanh nghiệp để đủ điều kiện thành lập tổ chức đảng theo quy định Điều lệ Đảng và giúp các tổ chức đảng hoạt động, phát triển đảng viên. Thông qua đó, chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước được nâng lên rõ rệt, đảng viên trong doanh nghiệp từng bước khẳng định vai trò nòng cốt, nhân tố tiêu biểu trong các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể đã góp phần cùng các doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững.

Không thể không nhắc đến Thành phố Hồ Chí Minh với 3 chương trình xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận trong tình hình mới, tạo bước chuyển có tính đột phá về đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp: Chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi; Chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ; Chương trình quy hoạch, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân. Đây là sáng tạo, đổi mới trong nhận thức và hành động của lãnh đạo thành phố nhằm bổ sung nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi, cán bộ khoa học, công nghệ và khoa học xã hội - nhân văn, cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn cho các quận, huyện, sở - ban - ngành, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của thành phố, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển thành phố theo Nghị quyết số 54/2017/QH14, ngày 24-11-2017, của Quốc hội, về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh, Nghị quyết số 16-NQ/TW, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020”. Là thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh, đang phải đối mặt với nhiều thách thức, bất cập trong quản lý cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch và xây dựng, Thành phố Hồ Chí Minh đã ứng dụng công nghệ GIS, viễn thám trong công tác quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng trên địa bàn thành phố nhằm mục tiêu liên thông, đồng bộ, thống nhất các dữ liệu, ứng dụng quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng, tạo thuận lợi cho công tác quản lý đô thị của các sở ngành, quận huyện.

Ở đây, còn phải kể đến mô hình Bảo tồn và phát triển du lịch tại Phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam - điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam và thế giới. Cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX, Phố cổ Hội An đứng trước nguy cơ bị lãng quên do tác nhân của con người và sự xuống cấp theo thời gian. Nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý và đa phần người dân Hội An đã từng xác định ngư nghiệp mới là lĩnh vực ưu tiên số một để phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng với tầm nhìn chiến lược, Thị ủy Hội An đề xuất một hướng đi mới, cách làm mới chưa có tiền lệ, biến Hội An thành địa điểm du lịch, biến giá trị văn hóa thành sức mạnh kinh tế, vừa quảng bá Phố cổ Hội An ra thế giới, vừa bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của cha ông, là tài sản vốn quý để thế hệ sau kế thừa và phát triển bền vững. Năm 1993, kế hoạch phát triển du lịch tại Phố cổ Hội An bị coi là “viển vông” bởi trong giai đoạn đó, du lịch là ngành kinh tế còn quá mới ở Việt Nam nói chung và ở tỉnh Quảng Nam nói riêng. Tuy nhiên, bằng biện pháp “mưa dầm thấm lâu”, triển khai từng bước theo kế hoạch, vừa làm, vừa tuyên truyền, lấy kết quả để thuyết phục, ý tưởng đã được hiện thực hóa. Phố cổ Hội An đã bắt đầu sáng đèn, nhà hàng, khách sạn được xây dựng để phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế, các giá trị văn hóa truyền thống không những được bảo tồn nguyên vẹn mà còn trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất thế giới. Đến nay, tất cả các địa phương trong cả nước đã và đang học tập kinh nghiệm của tỉnh Quảng Nam, sử dụng những nội lực, thế mạnh của địa phương để phát triển ngành du lịch, bảo đảm ổn định cuộc sống bền vững cho người dân.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ (nay là Bí thư Thành ủy Hà Nội) Vương Đình Huệ thăm mô hình canh tác lúa lý tưởng của Hợp tác xã Mỹ Đông 2, thuộc ấp 4, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp - mô hình canh tác lúa thông minh, cấy lúa bằng máy, bón phân vùi theo gốc lúa, kết hợp phun xịt thuốc diệt cỏ dại tiền nẩy mầm, diệt ốc… giúp nông dân giảm chi phí vật tư, giảm chi phí nhân công, đồng thời liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra_Ảnh: TTXVN

Đó là mô hình “Hội quán” - sáng kiến rất độc đáo của tỉnh Đồng Tháp nhằm thực hiện thắng lợi Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, theo phương châm cải thiện năng lực, năng suất lao động và tầm nhìn cho người nông dân, để họ thực sự giàu mạnh bằng chính khối óc của mình. Ngày 3-7-2016, mô hình “Hội quán” đầu tiên được thành lập ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Đến nay, toàn tỉnh thành lập được 92 hội quán, có 1 hợp tác xã được thành lập từ mô hình.

Bên cạnh đó còn rất nhiều cách làm hay, đem lại hiệu quả, như mô hình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) với những cách làm sáng tạo, phù hợp với đặc thù tỉnh miền núi Tây Bắc tại tỉnh Sơn La. Mô hình “Xã hội hóa đầu tư công”, “Đầu tư tư, sử dụng công”, “Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng gần 200 km đường cao tốc, sân bay Vân Đồn, trụ sở làm việc, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long - cảng du lịch quốc tế chuyên biệt đầu tiên trên cả nước tại tỉnh Quảng Ninh. Mô hình Liên kết ba nhà “nhà nông, nhà nước, nhà doanh nghiệp” tại tỉnh Bình Phước trong thực hiện dự án phát triển chuỗi cung ứng bền vững. Mô hình “Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu” tại tỉnh Hà Tĩnh. Mô hình “Một cửa điện tử” - triển khai hệ thống phần mềm điện tử một cửa để giảm thủ tục hành chính tại thành phố Hải Phòng. Mô hình “Bộ đội biên phòng tăng cường về làm phó bí thư cấp xã ở các huyện miền núi” tại tỉnh Nghệ An... Tỉnh Ninh Thuận đã “biến thách thức thành cơ hội”, biến vùng đất sa mạc, nắng, gió, thành trung tâm điện mặt trời của cả nước, phát triển các sản phẩm độc đáo như nông nghiệp sa mạc, du lịch sa mạc... Những thử nghiệm, mô hình thí điểm nói trên đã tạo chuyển biến rõ rệt về nhiều mặt tại các địa phương, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; đồng thời, cung cấp trở lại những luận cứ, luận chứng quan trọng để Trung ương có cơ sở khoa học - thực tiễn xây dựng những chủ trương, chính sách lớn cho sự phát triển chung của đất nước.

Khúc vĩ thanh - Những kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn

Ở các thời kỳ lịch sử, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, biết phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, cơ quan, đơn vị, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những thành công ban đầu được coi là khúc vĩ thanh, dẫu có trường hợp phải trả giá cho cả sinh mệnh chính trị, nhưng nhìn chung là cái kết có hậu cho hành trình dấn thân, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Đặc điểm riêng có của đội ngũ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá ở thời kỳ lịch sử nào cũng biểu hiện đậm nét ở mấy điểm sau đây:

Một là, hầu hết ý tưởng đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm đều của cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cấp, giữ vị trí quan trọng, chủ chốt ở Trung ương, ban ngành, địa phương, những người tiên phong, dũng cảm, bản lĩnh kiên cường, tư duy lãnh đạo sắc bén, hành động thực tiễn quyết liệt và có quyết tâm chính trị cao.

Hai là, ý tưởng đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá đều xuất phát từ yêu cầu cấp thiết trong thực tiễn, tập trung tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn về thể chế, chính sách, nguồn lực; đột phá vào những nội dung không phù hợp trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những nội dung chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng chồng chéo, thiếu thống nhất, khó thực hiện, những vấn đề cấp bách mà thực tiễn đặt ra. Có thể khẳng định, dám làm, dám đột phá là quá trình phản ánh cái lô-gíc của mối quan hệ từ thực tiễn đến tư duy, từ tư duy đến chính sách. Một ý tưởng đổi mới, sáng tạo, dám làm, dám đột phá có thể từ người lãnh đạo cấp cao và được hiện thực hóa ở cơ sở (từ trên xuống); hoặc được đề xuất từ cơ sở và được cấp trên lắng nghe, tổng kết, thể chế hóa (từ dưới lên). “Từ trên xuống” được hiểu là cán bộ trong quá trình tham mưu ban hành cơ chế, chính sách phát hiện những bất cập, mâu thuẫn, từ đó cho chủ trương thí điểm đổi mới, sáng tạo ở cơ sở để có bằng chứng thực tiễn hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phù hợp. “Từ dưới lên” được hiểu là trường hợp cán bộ giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm của đất nước, ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan, đơn vị phát hiện những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, từ đó đề xuất ý tưởng đổi mới, sáng tạo với cấp có thẩm quyền để được phép triển khai thực hiện. Như vậy, cho dù ý tưởng “từ dưới lên” hay “từ trên xuống” cũng đều bắt đầu từ chính thực tiễn, với những tín hiệu cấp bách từ cuộc sống.

Ba là, quá trình triển khai các ý tưởng đổi mới, sáng tạo ở bất cứ thời kỳ nào cũng gặp những khó khăn, vướng mắc, rào cản. Đó là quá trình đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, khắc phục từng bước những yếu kém và khuyết điểm, tư tưởng giáo điều, bảo thủ hoặc cực đoan, duy ý chí, chủ nghĩa kinh nghiệm để đi đến cái đúng, cái chân lý. Trong quá trình thực hiện, có những trường hợp thành công, nhưng cũng không ít trường hợp chưa thành công, thậm chí thất bại, có cán bộ phải trả giá bằng sinh mệnh chính trị, bị xử lý kỷ luật, do những nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau. Vì thế, đòi hỏi những tập thể, cá nhân đổi mới, sáng tạo phải rất bản lĩnh, luôn tìm tòi, quyết liệt, quyết đoán, dám đương đầu, dám chịu trách nhiệm, không bỏ cuộc, sẵn sàng hy sinh, dấn thân, quyết tâm thực hiện mục tiêu đề ra vì lợi ích chung.

Bốn là, các cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám làm, dám đột phá luôn nêu cao tinh thần yêu nước; yêu dân, tin dân, trọng dân và vì dân. Họ sẵn sàng chấp nhận hy sinh lợi ích của bản thân, gia đình vì lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích của nhân dân. Đa số những cán bộ lãnh đạo, quản lý có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm đều không màng đến lợi ích cá nhân, thậm chí sẵn sàng chấp nhận đánh đổi sinh mệnh chính trị của bản thân để thực hiện thành công mục tiêu đã định bằng ý chí kiên định, tinh thần bền bỉ, động cơ trong sáng, muốn cống hiến tâm, trí, lực cho Tổ quốc, cho Đảng và nhân dân.

Năm là, sáng tạo và đột phá luôn thuộc về thiểu số, vượt trước nhận thức của số đông; cho nên khi triển khai, những ý tưởng đổi mới, sáng tạo, đột phá luôn phải đối diện với những rào cản do nhận thức lạc hậu, chưa theo kịp đòi hỏi của thực tiễn. Điều này đòi hỏi người có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm phải có quyết tâm cao, phải biết kiên trì thuyết phục số đông, tranh thủ sự đồng tình của lãnh đạo cấp trên, của tập thể và nhân dân.

Thực tiễn cho thấy, hầu hết các cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám làm, dám đột phá, đều có một số đặc điểm chung: Khai thác những tình tiết thích hợp trong các văn bản chính thức để làm điểm tựa hoặc phát hiện được những lổ hổng, sơ hở các văn bản để đề xuất hướng bổ sung, sửa đổi, khắc phục; phải có sự đoàn kết và nhất trí cao ở ngay cơ sở, trong tập thể cấp ủy thì mới thành công, nếu thiếu nhất trí sẽ thất bại. Người đứng đầu ở cơ sở phải là người đi tiên phong, với uy tín và quyết tâm cao, có khả năng lãnh đạo, chỉ đạo và khả năng thuyết phục bằng lý lẽ chắc chắn, phải là người đứng mũi chịu sào, dám chịu trách nhiệm thì mới có thể hóa giải được “búa rìu” của các lực lượng chỉ trích, cản trở. Trước khi triển khai ý tưởng đột phá, phải tranh thủ được sự ủng hộ của lãnh đạo cấp trên, phải thuyết phục bằng lý luận sắc bén, khoa học để ngày càng có nhiều sự đồng thuận, thu hẹp đến mức đối đa, giảm thiểu sức ép của những người không ủng hộ.

Việc phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm của cán bộ vì lợi chung đã và đang đạt một số thành tựu quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quá trình đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ trong thực tiễn đã mang lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu:

Thứ nhất, mọi ý tưởng đổi mới, sáng tạo, dám làm, dám đột phá đều phải xuất phát từ lợi ích chung, với động cơ trong sáng; đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, phát huy sức mạnh tổng hợp, quán triệt quan điểm “dân là gốc”, mọi chủ trương, đường lối đều phải vì lợi ích của nhân dân; biết khơi dậy, phát huy sức sáng tạo và mọi nguồn lực trong nhân dân, dựa vào sức mạnh của nhân dân.

Thứ hai, không ngừng giữ vững và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò, sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, cấp ủy, tổ chức đảng và các cơ quan trong hệ thống chính trị để khích lệ tinh thần, tạo động lực, niềm tin, khơi dậy tiềm năng, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, dám làm, dám đột phá trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý vì lợi ích quốc gia - dân tộc, địa phương, cơ quan, đơn vị.

Thứ ba, thực hiện nghiêm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ. Mọi kế hoạch mang tính đột phá, sáng tạo cần phải được tập thể thảo luận đưa đến quyết định cuối cùng. Việc cấp ủy bàn bạc, thảo luận, đánh giá và cho chủ trương đối với những ý tưởng đổi mới, sáng tạo giúp hạn chế những sai lầm có thể gặp phải; đồng thời, cũng loại bỏ những việc nhân danh, lợi dụng đổi mới, sáng tạo để trục lợi. Trong quá trình triển khai, cấp ủy phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, không ngừng bổ sung, hoàn thiện những khuyết thiếu, gia tăng hàm lượng khoa học, cơ sở thực tiễn, tranh thủ thêm sự đồng tình, giảm thiểu từng bước sức ép của những người không đồng tình, ủng hộ.

Thứ tư, bám sát sự chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, đồng thời luôn chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong vận dụng các quan điểm, đường lối của Đảng vào thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị, trên cơ sở kiên định mục tiêu, lý tưởng, giữ vững nguyên tắc trong quá trình đổi mới. Đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan liên quan trong khuyến khích và bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám làm, dám đột phá, nhất là bảo vệ cán bộ khi có rủi ro, sai sót bằng các hình thức đặc thù, hiệu quả; đồng thời, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động của cán bộ trong giải quyết những vấn đề khó khăn, phức tạp, tồn đọng bằng các giải pháp sáng tạo, đột phá.

Thứ năm, đổi mới toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, song phải có trọng tâm, trọng điểm, xác định được đúng khâu đột phá, mũi nhọn; chú trọng phát triển kinh tế đồng thời với giải quyết tốt các vấn đề môi trường, an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh. Đổi mới, sáng tạo, dám làm, dám đột phá tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm được đại hội đảng bộ các cấp thông qua và giải quyết những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc để bứt phá trong phát triển hoặc góp phần làm cơ sở hoàn thiện cơ chế, chính sách.

Thứ sáu, chú trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan trên cơ sở nhận thức đúng đắn về bối cảnh, tình hình quốc tế, trong nước và những thời cơ, thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức của địa phương, cơ quan, đơn vị. Phải luôn xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; kết hợp hài hòa giữa tính phổ biến và tính đặc thù, giữa lợi ích quốc gia - dân tộc với lợi ích địa phương, cơ quan, đơn vị và lợi ích cá nhân.

Những năm gần đây, tình hình quốc tế và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường đã và đang tác động trực tiếp đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Do đó, để giữ vững ổn định chính trị - xã hội, phát triển đất nước giàu mạnh đòi hỏi Đảng và Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ và phải tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Kinh nghiệm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của đội ngũ cán bộ qua gần 35 năm đổi mới là cẩm nang quý giá cho các thế hệ cán bộ lãnh đạo, quản lý; đồng thời, có giá trị quan trọng trên cả phương diện lý luận và thực tiễn, cung cấp căn cứ khoa học để Đảng và Nhà nước nhanh chóng ban hành cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững./.

(Còn nữa)

 

** TS. Trần Thị Minh, TS. Lê Việt Trung, ThS. Nguyễn Văn Tuân, ThS. Quản Thái Hà, ThS. Trần Văn Thiết, Ngô Xuân Thủy, Viện Khoa học tổ chức, cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương

------------------------------

(1) Đỗ Mười: “Trường Chinh - Một nhà lãnh đạo tài năng của cách mạng Việt Nam”, trong cuốn: Trường Chinh: Một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2002, tr. 25 - 26

(2), (3) Đỗ Mười: “Đồng chí Võ Văn Kiệt - Nhà cách mạng năng động, sáng tạo”, trong cuốn: Đồng chí Võ Văn Kiệt với cách mạng Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 20, 22