Kiên quyết không để “lọt” vào cấp ủy những cán bộ suy thoái
TCCS - Gần một nhiệm kỳ Đại hội XII vừa qua, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng đã đạt được nhiều thành công, lấy lại niềm tin của nhân dân với Đảng và chính quyền. Vì thế, để chuẩn bị cho thành công của nhiệm kỳ mới, khi xây dựng đề án nhân sự, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả phương châm của Đảng: Coi trọng chất lượng cấp ủy, lựa chọn cán bộ thật kỹ lưỡng, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn, quyết không để tình trạng lọt vào cấp ủy những người không xứng đáng.
Xây dựng cơ chế ràng buộc cán bộ, đảng viên về tu dưỡng đạo đức
Theo Hướng dẫn số 26-HD/BTCTW, ngày 18-10-2019, của Ban Tổ chức Trung ương, hướng dẫn một số nội dung Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30-5-2019, của Bộ Chính trị, về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, khi xây dựng đề án nhân sự phải theo phương châm: Coi trọng chất lượng cấp ủy, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn và không nhất thiết địa phương, ban, ngành nào cũng phải có người tham gia cấp ủy. Chủ động phòng ngừa, cảnh giác, ngăn chặn, đấu tranh, không để tác động, chi phối bởi những thông tin không chính thức, thông tin giả, xấu độc, bịa đặt, xuyên tạc trên in-tơ-nét, mạng xã hội,… liên quan đến nhân sự và công tác chuẩn bị nhân sự.
Một trong hai nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng Đảng mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đề ra là tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Nhìn lại 4 năm qua, Đảng đã lần lượt xây dựng và ban hành một loạt văn bản quy định, ràng buộc cán bộ, đảng viên tự tu dưỡng, rèn luyện, tự soi, tự sửa. Chỉ đạo đầu tiên của nhiệm kỳ này chính là Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30-10-2016, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, với quan điểm kết hợp giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược lâu dài, lấy “chống” là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và cấp bách. Lần đầu tiên, Ban Chấp hành Trung ương đưa ra hệ thống gồm 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đồng thời đề ra 4 nhóm giải pháp cụ thể để thực hiện; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI và khóa XII của Đảng tiếp tục gắn kết chặt chẽ với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các quy định về trách nhiệm nêu gương, như Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016, của Bộ Chính trị, về “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”, nhất là cán bộ, đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, quản lý; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương, về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”; Chỉ thị số 28-CT/TW, ngày 21-1-2019, của Ban Bí thư, về “Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng”. Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị đã chỉ đạo xây dựng và ban hành quy định về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm cụ thể của ngành, cơ quan, đơn vị, làm cơ sở để cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu. Cùng với đề cao trách nhiệm nêu gương, việc xử lý kỷ luật nghiêm minh những cán bộ, đảng viên vi phạm, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa, tự điều chỉnh hành vi, tích cực rèn luyện đạo đức, lối sống, tác phong công tác. Đó là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt, giúp cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị lựa chọn những cán bộ, đảng viên trong sáng, gương mẫu, tinh thông chuyên môn cho cấp ủy khóa tới.
Trong 4 năm qua, đã có nhiều mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, từng bước nâng cao phẩm chất đạo đức, nhận thức chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Ví dụ như cách làm của Đảng bộ tỉnh Ninh Bình với Quy định số 10-Qđi/TU, ngày 14-1-2019, về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh” với nội dung chính là “10 xây, 10 chống”. Quy định của tỉnh cụ thể, chi tiết, gắn với thực tiễn của Đảng bộ tỉnh cũng như những vấn đề phát sinh từ cơ sở, sát với đối tượng là các đồng chí lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh. Vì thế, nếu như ở Trung ương là “8 xây, 8 chống” thì trong Quy định của Tỉnh ủy Ninh Bình đã cụ thể thành “10 xây, 10 chống”, nhưng thống nhất ở trách nhiệm với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, với chức trách, nhiệm vụ được giao. Tỉnh ủy Vĩnh Phúc quy định đồng chí bí thư cấp ủy các cấp hằng năm phải có chương trình hành động cụ thể nhằm mục tiêu giải quyết những nhiệm vụ cụ thể, cấp bách nổi lên ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phú Thọ tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy khen thưởng đảng viên theo chuyên đề gắn với kết quả đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, các quy định về trách nhiệm nêu gương. Tỉnh Long An hướng dẫn thực hiện phiếu nhận diện các biểu hiện về suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ (gọi chung là phiếu nhận diện) ở khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh. Nội dung phiếu nhận diện được cụ thể hóa phù hợp với từng đối tượng, lĩnh vực công tác, chức năng, nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị trong từng giai đoạn. Phiếu nhận diện (kèm theo) xác định 82 biểu hiện gồm 29 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; 30 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống; 23 biểu biện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Huyện ủy Vĩnh Thạnh (thành phố Cần Thơ) phát động phong trào “tự soi”, “tự sửa”. Huyện ủy Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế) cụ thể hóa 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII thành bản đăng ký tự nhận diện 109 biểu hiện. Huyện ủy Cờ Đỏ (thành phố Cần Thơ) xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện việc đối thoại trực tuyến giữa Ban Thường vụ Huyện ủy với cấp ủy cơ sở và đối thoại, gặp gỡ với cán bộ lãnh đạo, quản lý của huyện được phân công chỉ đạo đảng bộ xã, thị trấn và chi bộ ấp... Tỉnh Trà Vinh ban hành quy định chung về trách nhiệm của tập thể, cá nhân, người đứng đầu các cấp, ngành trong quán triệt, tổ chức thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Tỉnh Quảng Trị tổ chức diễn đàn “Vai trò của chi bộ đảng trong việc giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; phát huy vai trò của chi bộ trong việc xây dựng nông thôn mới; tổ chức các hoạt động “Ngày thứ 7 vì nông thôn mới”, “Ngày thứ 7 vì các dự án động lực”; trong đó, các đồng chí tỉnh ủy viên, ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy chủ động chỉ đạo, kiểm tra tiến độ tổ chức thực hiện tại địa phương, lĩnh vực phụ trách. Đảng ủy Khối Các cơ quan Trung ương xây dựng Đề án “Chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chống chạy chức, chạy quyền, đi đôi với tạo môi trường, cơ chế, điều kiện để khuyến khích cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trong các tổ chức đảng thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương”…
Như vậy, với những quy định, quy chế, hướng dẫn, chỉ thị để ràng buộc cán bộ, đảng viên, Đảng ta đã từng bước lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, đảng viên phải tự tu dưỡng, rèn luyện, tự sửa mình, răn mình để không bị “sàng” ra, “lọc” khỏi hệ thống chính trị. Đối với những người làm công tác tổ chức, đây chính là những “điều kiện cần” về tư tưởng chính trị để đưa ra những quyết định đúng đắn khi lựa chọn đội ngũ cấp ủy khóa tới vừa “hồng” vừa “chuyên”, tinh thông chuyên môn, đủ tâm, đủ tầm, đảm đương tốt nhiệm vụ được giao.
Xây dựng quy chế nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác cán bộ
Kết luận số 55-KL/TW, ngày 15-8-2019, của Ban Bí thư, về “Tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ để chuẩn bị tốt nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng” nêu rõ, mỗi khi đến thời điểm chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp, trong công tác cán bộ lại xuất hiện biểu hiện “tư duy nhiệm kỳ”, “cục bộ”, “thân quen”, “lợi ích nhóm”, mất dân chủ, thiếu gương mẫu, “nể nang, dễ dãi”, “chạy chọt, vận động, tranh thủ lẫn nhau” trong quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, thăng cấp bậc hàm, thực hiện chính sách đối với cán bộ,... Bên cạnh đó, có nơi, cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, nhất là người đứng đầu cấp ủy còn đủ điều kiện tái cử, có hiện tượng “giữ mình”, né tránh, ngại va chạm, không chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận; thiếu tích cực triển khai các mặt công tác, nhất là những việc khó, nhạy cảm, phức tạp vì sợ “mất phiếu”, ảnh hưởng đến bản thân, gây ra sự trì trệ trong xử lý, giải quyết công việc chung. Cá biệt có nơi người đứng đầu đến tuổi nghỉ hưu, nhưng không chủ động chuẩn bị người thay thế; có cán bộ ý thức tổ chức kỷ luật kém, không chấp hành sự phân công, điều động của cấp có thẩm quyền,... Những hạn chế, yếu kém trên đã gây khó khăn, làm mất nhiều công sức của cấp có thẩm quyền và các cơ quan chức năng trong công tác cán bộ, tạo dư luận không tốt.
Để khắc phục tình trạng trên, từ ngay sau Đại hội XII của Đảng đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đặc biệt quan tâm, coi trọng công tác cán bộ; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành nhiều nghị quyết, quy chế, quy định để chấn chỉnh, đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ theo hướng: Chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung; bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, công khai, khách quan, minh bạch, kịp thời, hiệu quả nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm, sơ hở trong công tác cán bộ; đẩy mạnh phân công, phân cấp trên cơ sở xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, người đứng đầu và các cá nhân liên quan; tăng cường kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm. Các quy định đã được ban hành là: Quy định số 132-QĐ/TW, ngày 8-3-2018, của Bộ Chính trị, về “Kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị”; Hướng dẫn số 21-HD/BTCTW, ngày 19-10-2019, của Ban Tổ chức Trung ương, về “Kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”; Quy định số 105 QĐ/TW, ngày 19-12-2019, của Ban Chấp hành Trung ương, về “Phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm giới thiệu cán bộ ứng cử”; Quy định số 179-QĐ/TW, ngày 25-2-2019, của Ban Chấp hành Trung ương, về “Chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ”; Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23-9-2019, của Bộ Chính trị, về “Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”;…
Một số địa phương, như Quảng Bình, Đắc Lắk đã thành lập tổ khảo sát nhân sự trước khi bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đây là điểm mới theo Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, làm cơ sở xây dựng phương án nhân sự đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới. Một số địa phương, như Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Đồng Nai, Sóc Trăng,… đã triển khai nghiên cứu, xây dựng một số quy định nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác cán bộ, làm tiền đề cho phương án nhân sự đại hội các cấp sắp tới.
Nhìn lại 4 năm qua, cả nước đã rà soát, bổ sung, xây dựng quy hoạch cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định và có nhiều đổi mới. Năm 2019, phê duyệt quy hoạch đối với hàng chục nghìn cán bộ diện cấp ủy các cấp quản lý được dư luận đánh giá tốt; trong đó có 560 lượt cán bộ, các chức danh thuộc diện Trung ương quản lý; trình, xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị phê duyệt quy hoạch cán bộ cấp chiến lược khóa XIII đối với 184 đồng chí; đang tiếp tục nghiên cứu tham mưu Bộ Chính trị bổ sung quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương và xây dựng quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Công tác điều động, luân chuyển được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng theo hướng “làm đến đâu, chắc đến đó” nhằm đào tạo, rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn gắn với thực hiện chủ trương tăng cường cán bộ cho những nơi có khó khăn và từng bước bố trí cán bộ lãnh đạo chủ chốt không phải là người địa phương và giữa các địa phương với nhau. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII, cả nước đã điều động, luân chuyển 29 đồng chí diện Trung ương quản lý giữ các chức vụ bí thư, phó ban đảng; phó bí thư tỉnh, thành ủy và phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh; đã luân chuyển 704 cán bộ từ tỉnh về huyện và 380 cán bộ từ huyện lên tỉnh; 3.600 cán bộ từ huyện về xã và trên 1.700 cán bộ từ xã lên huyện(1). Việc điều động, luân chuyển, phân công, bổ nhiệm, sắp xếp, bố trí cán bộ được cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền quan tâm, coi trọng và có sự đổi mới, từng bước khắc tình trạng phân công, bố trí khép kín “đi ở đâu thì về lại đó”; gắn với việc thực hiện bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương nhằm chuẩn bị một bước nhân sự đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng.
Từ năm 2016 - 2019, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp thi hành kỷ luật 1.111 tổ chức đảng, 18.265 cấp ủy viên các cấp và 54.573 đảng viên; trong đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 8 tổ chức đảng, 45 đảng viên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật 111 đảng viên, trong đó có 92 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (2 Ủy viên Bộ Chính trị, 21 Ủy viên Trung ương Đảng và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 38 sĩ quan trong lực lượng công an, quân đội (cấp tướng là 23 đồng chí)(2). Quá trình chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, phải kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những cán bộ vi phạm, thoái hoá, biến chất. Trách nhiệm này đặt lên vai những người làm công tác tổ chức xây dựng Đảng, đòi hỏi sự bền tâm, vững trí, để có thể hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó trước thềm Đại hội XIII của Đảng./.
------------------------------
(1) https://moha.gov.vn/tin-tuc-su-kien/diem-tin/da-giam-duoc-hon-400-000-cong-chuc-vien-chuc-nguoi-lao-dong-hop-dong-khong-chuyen-o-cac-cap-41452.html, ngày 25-12-2019
(2) http://ubkttw.vn/tin-tuc-thoi-su/-/asset_publisher/bHGXXiPdpxRC/content/bai-phat-bieu-cua-ong-chi-tran-quoc-vuong-uy-vien-bo-chinh-tri-thuong-truc-ban-bi-thu-tai-hoi-nghi-toan-quoc-tong-ket-cong-tac-kiem-tra-giam-sat-va-th, ngày 10-1-2020
Vận dụng tư tưởng cơ bản của V. I. Lê-nin về cán bộ vào việc chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng bộ các cấp  (02/04/2020)
Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp  (31/03/2020)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIII của Đảng  (20/03/2020)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển